Suy niệmSuy niệm

Suy niệm Lời Chúa thứ Bảy tuần III mùa chay- Năm A.

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca 18, 9-14. 

9.Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác : 10.”Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-siêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11.Người Pha-ri-siêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12.Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ 13.Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ 14.Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

SUY NIỆM:

Bản chất tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác, không còn chỉ là chuyện của những người Phariasiêu ngày xưa nữa, nhưng là chuyện của tất cả nhân loại thuộc mọi thời đại. Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta được đọc lại bài Tin Mừng này trong Mùa Chay Thánh, để một lần nữa cho chúng ta nhìn lại sự đối lập giữa hai nhân vật lên đền thờ cầu nguyện, để mọi người chúng ta có cơ hội xét lại xem mình là ai trong số hai nhân vật đó

Hai nhân vật đối lập nhau, được đặt bên nhau trong dụ ngôn. Họ ở trong cùng một đền thờ, cùng đứng cầu nguyện trước nhan Chúa. Một bên là ông Pharisêu thánh thiện và một bên là người thu thuế tội lỗi. Khi nghe lời cầu nguyện của họ, chúng ta biết được lòng của từng người trong họ như thế nào. Người Pharisiêu không xin gì cho mình, ông chỉ tạ ơn Thiên Chúa. Ông cũng kể ra những điều xấu nhưng không phải là thú nhận mình là kẻ tội lỗi , mà là ông kể ra cho Chúa thấy công đức của ông trước mặt Chúa. Rằng ông ta không làm những chuyện xấu đó để làm buồn lòng Chúa. Và vì ông không như bao kẻ khác, hay như tên thu thuế đang ở cuối đền thờ cũng đang cầu nguyện cùng với ông trong lúc này (C. 11). Ông còn kể những việc đạo đức mà ông đã tự nguyện làm, như ăn chay và dâng cúng, ông đã làm vượt quá những gì luật đòi buộc. Lời cầu nguyện của ông khiến nhiều người Do Thái tử tế phải thèm. Còn người thu thuế thì đứng xa, cúi đầu, đấm ngực, cầu xin cách đơn sơ, khiêm tốn: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (C. 13). Anh thấy mình bất lực, bất xứng, chỉ biết cậy dựa vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa

Qua diễn cảnh này, Đức Giêsu đã đưa ra kết luận làm nhiều người chưng hửng: “Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”. Qua câu đúc kết này của Đức Giêsu đã làm cho người thu thuế được nên công chính, còn người Pharisiêu thì không (C. 14). Vậy, Thiên Chúa có bất công không ? Chúng ta có cần sống tử tế nữa không

Thật ra, thì ông Pharisêu đi cầu nguyện mà ra về lại không được ơn gì, là vì ông đã không xin gì, bởi vì ông thấy mình quá ư giàu có về mặt đạo đức. Ở đây ông Pharisiêu này chỉ hiện diện trước nhan Thiên Chúa với một kho công đức của mình. Có bao nhiêu chữ “con” đầy tự hào trong lời nguyện của ông. Ông mở ra để bắt đầu cuộc đối thoại với Chúa bằng: “con tạ ơn Thiên Chúa” nhưng thực tế ông đã khép lại, quay vào mình, ngắm nghía vẻ đẹp của mình, với bao lời kể lễ công đức của mình với Chúa, và như thế ông đã không thể nhìn thấy vẻ đẹp của tha nhân, để làm giàu cho vẻ đẹp của chính bản thân. Rốt cuộc, đối với người Pharisiêu này, Thiên Chúa chỉ là người thừa, cùng lắm Thiên Chúa chỉ như là người mà ông đến để đòi nợ mà thôi, vì ông đã lập được quá nhiều công đức cho Chúa. Vì thế, hôm nay bên ngoài ông đã đến đền thờ để cầu nguyện cùng Chúa như bao người, và cụ thể là như người thu thuế kia, nhưng thực chất là ông đến đó, đến trước nhan Chúa để đòi Chúa phải trả công cân xứng với những công đức ông đã làm được bấy lâu nay

Ngược lại, anh thu thuế tuy có nhiều tiền, nhưng thấy mình tay trắng, và tội lỗi. Chính điều đó khiến “anh hết sức cần đến Thiên Chúa”. Vì thế Ngài đã nghe tiếng kêu của anh từ xa, từ cuối đền thờ vọng lên

Qua hình ảnh của hai đối tượng trên, ta thấy việc không cần Thiên Chúa và coi thường tha nhân, vẫn là cám dỗ muôn thuở của con người thuộc mọi thời đại. Qua đây ta cũng hiểu được rằng, việc nên thánh không phải là chuyện “tôi làm” mà là chuyện để Thiên Chúa tự do làm nơi đời tôi

Chỉ ai nhận ra sự yếu đuối của mình, thì đích thực lời cầu nguyện của người đó mới đánh động được trái tim Thiên Chúa. Vì thế, Mùa Chay là thời gian để chúng ta tập nhìn ra những sai lỗi, khiếm khuyết, bất toàn, bất lực của mình, hơn là nhìn vào những công trạng mình đã làm được ở đời này. Từ đó ta mới có thể thấy mình cần đến Thiên Chúa biết là dường nào!

CẦU NGUYỆN:

Kính lạy Chúa Giêsu chịu khổ nạn của chúng con rất kính mến ! Xin ơn khôn ngoan, ơn sức mạnh của Thánh Thể và Thần Khí Chúa, đến giúp cho chúng con luôn bước đi trên con đường Ánh Sáng Chân Lý Chúa, nơi Chúa muốn và Chúa cần chúng con tiến bước, để chúng con có thể tìm ra đường về Nhà Cha và đồng hành cùng tha nhân trên con đường về Nhà Cha. Xin giúp cho bước chân của chúng con được vững vàng hơn trên con đường đó, và xin ơn Thánh Chúa biến chúng con trở nên đơn sơ bé nhỏ, nhờ đó chúng con dễ nghe được tiếng Chúa nói, dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời chúng con, cũng như qua tha nhân

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa hôm nay, xin cho chúng con đừng trở nên cứng cỏi, tự mãn, khép kín và nghi ngờ. Nhưng xin sức mạnh của niềm tin, lòng mến đầy khiêm tốn tín thác của Ơn Thánh Chúa, cùng sự dẫn dắt của Mẹ thánh, Cha thánh, toàn thể chư thánh và thiên thần bản mệnh của chúng con, đến giúp chúng con dám buông đời chúng con cho Chúa. Và xin cho chúng con sự bình an sâu thẳm, vui tươi đi trên con đường hẹp với cùng với Chúa, hạnh phúc vì được cùng với Ngài chịu khổ đau. Trong mọi sự xin cho chúng con được hiệp thông vào cuộc thương khó của Chúa để hòa lời cầu xin cùng với đức thánh cha Phanxicô và Giáo Hội hoàn vũ cũng như Giáo Hội địa phương của con trong Mùa Chay thánh và trong tháng kính Cha thánh Giuse hôm nay. Amen!

Sr. Ter. Nguyễn Thị Kim Yến.

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Back to top button