Suy niệm

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VIII Thường Niên Năm Lẻ.

Tin Mừng Mc 11, 27-33.

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Marcô

27. Đức Giê-su và các môn đệ lại vào Giê-ru-sa-lem. Người đang đi trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi : 28. “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy ?” 29. Đức Giê-su đáp : “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm

các điều ấy. 30. Vậy, phép rửa của ông Gio-an là do Trời hay do người ta ? Các ông trả lời cho tôi đi !” 31. Họ bàn với nhau : “Nếu mình nói : ‘ Do Trời ‘, thì ông ấy sẽ vặn lại : ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy ?’ 32. Nhưng chẳng lẽ mình nói : ‘ Do người ta ‘ ?” Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an thật là một ngôn sứ. 33. Họ mới trả lời Đức Giê-su : “Chúng tôi không biết.” Đức Giê-su liền bảo họ : “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.

SUY NIỆM

“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” (c. 28).Đây là câu hỏi thể hiện bản chất ganh tỵ của giới chức trách Dothái giáo, và đồng thời cũng chính là bản tính con người của muôn thế hệ, nhất là con người trong thời đại hôm nay, thời đại của chức quyền và địa vị.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu đánh đuổi và lật đổ bàn ghế, đồ vật, con vật tế lễ, đã làm cho giới chức trách Dothái phẫn nộ, không phải Chúa Giêsu đã làm điều gì đó sai, nhưng tất cả chỉ vì họ không đón nhận quyền năng của Ngài, vì sự nhận biết của họ đã bị cái tôi giới hạn, nên họ chỉ biết rằng Ngài là con của bác thợ mộc, và bà nội trợ nghèo nàn quê mùa ít học ở Dothái mà thôi, ngoài ra tâm trí họ không thể nhận ra Ngài chính là Con Một Thiên Chúa đang ngự trị giữa họ. Vì thế họ nghĩ rằng Ngài hành động như thế là vì Ngài không muốn cho dân thờ cúng đền thờ nữa, và chỉ muốn phá đền thờ này mà thôi. Họ như muốn đặt câu hỏi với Ngài: Tại sao ông dám nói nơi Thánh này đã trở nên hang ổ của bọn cướp, trong khi họ chỉ buôn bán những gì liên quan đến lễ vật dâng cúng mà thôi? Và rồi, các thượng tế, kinh sư và kỳ mục muốn giết Đức Giêsu (c. 18). Họ nghiêm chỉnh đến gặp Ngài và đòi Ngài phải trả lời câu hỏi của họ. Họ muốn biết người nào đã cho Đức Giêsu quyền đó. Đức Giêsu dùng phương pháp của các Rabbi, trả lời một câu hỏi bằng cách đặt ngược một câu hỏi khác: “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy” (c. 29). Ngài đặt cho họ câu hỏi về nguồn gốc của phép rửa bởi Gioan: “Phép rửa của ông Gioan là do Thiên Chúa hay do loài người ta?” (c. 30). Câu hỏi tưởng như đơn giản này lập tức đưa họ vào thế kẹt. Bởi vì, nếu trả lời phép rửa của Gioan là bởi Thiên Chúa, thì họ sẽ bị tố cáo là đã không tin vào lời giảng của Gioan. Hơn nữa khi tin vào Gioan, họ cũng phải tin vào Đức Giêsu, vì Ngài là chính Đấng mà Gioan đã hết lòng khiêm cung làm chứng về Ngài. Còn nếu trả lời phép rửa của Gioan là bởi loài người, thì họ sẽ vấp phải sự chống đối từ phía dân chúng, vì dân chúng tin Gioan là một vị ngôn sứ đích thực. Như thế câu hỏi của Đức Giêsu đã đưa họ vào thế bị động. Khiến họ phải trả lời rằng: “Chúng tôi không biết.” (c. 33). Có thật họ không biết hay chỉ là né tránh sự thật? Họ đã không tin Gioan, vì sợ tin Gioan sẽ phải tin cả Giêsu nữa. Nhưng họ lại sợ không dám nói ra điều đó cho dân chúng biết. Nỗi sợ bị mất uy tín, mất chỗ đứng, khiến họ trở nên câm lặng. Và đây cũng là bản chất của con người thời đại của chức quyền và địa vị hôm nay. Khi đọc lên diễn cảnh này, nếu chúng ta chịu để cho Chúa Thánh Thần hoạt động, chúng ta sẽ dễ quay về với lòng mình mà đón nhận anh chị em của mình trong sự khiêm tốn. Đồng thời cũng dễ thấy Chúa trong cuộc đời hôm nay với mọi hoàn cảnh, nghịch cảnh. Tất cả những gì anh chị em của mình có thể làm, đôi lúc là rất phi thường, tất cả là do quyền năng của Chúa Thánh Thần đang hoạt động trên con người. Cũng vậy, việc Đức Giêsu hành động như thế trong đền thờ cũng là do quyền năng của Thánh Thần Thiên Chúa. Qua đây cũng mở ra cho chúng ta rằng, chúng ta cần thoát ra khỏi những thành kiến và nỗi sợ hãi, để có được sự tự do khi trao đổi với đối phương, làm nên sức mạnh tạo nền móng bền vững cho tòa nhà tâm hồn và tòa nhà Giáo Hội. Cần chân thành đón nhận sự thật trong khiêm tốn, không tìm cách tránh né, dù chấp nhận sự thật đòi chúng ta phải thay đổi tận căn và trả giá. Và cần can đảm nhận mình sai để bắt đầu lại, thì tòa nhà tâm hồn và tòa nhà Giáo Hội mới bền vững trong tình hiệp nhất yêu thương.

CẦU NGUYỆN:

Kính lạy Thiên Chúa là Cha của tình yêu! Xin dùng sức mạnh của Thánh Thể Con Cha và Thần Khí của Cha tác động trên chúng con, để chúng con biết khiêm tốn mở lòng đón nhận sự thật, và biết cùng nhau dùng sự thật để xây dựng Nước Trời nơi trần gian này. Xin Ơn Thánh Chúa giúp chúng con đến với nhau không chút thành kiến, và tin tưởng vào thiện chí của từng người, không loại trừ, phân biệt kì thị. Và khi cộng tác với nhau, xin Ngài giúp chúng con cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa là Cha, nhờ đó chúng con vượt qua những tự ái nhỏ nhen, những kiêu ngạo hống hách, những tham vọng ích kỷ, và những định kiến cằn cỗi.

Xin sức mạnh của Thánh Thể và Thần Khí giúp chúng con dám từ bỏ chính mình, để tìm kiếm chân lý ở mọi nơi và mọi người, nhất là nơi những ai khác quan điểm.

Kính lạy Thánh Thể và Thần Khí Chúa! Xin Ngài giúp chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim, và sẵn sàng đón nhận nhau ngay trong những dị biệt. Và xin giúp chúng con biết sống mầu nhiệm cộng tác, để nhờ mầu nhiệm này, chúng con được triển nở không ngừng và Thánh Ý Cha được thể hiện vượt biên giới trên mặt đất này. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Con Cha và là Chúa của chúng con, cùng nhờ lời của Mẹ thánh Maria, và Cha thánh Giuse chuyển cầu cho chúng con. Amen!

Sr. Ter Nắng Thủy Tinh. SLE

Bài viết liên quan

Back to top button