Suy niệmSuy niệm

Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai tuần XXVII TN, Năm C

Tin Mừng Luca  15, 1- 32

Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”?Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? “ Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.” Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi? “ Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? “ Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

 Suy niệm

Trong buổi tiếp kiến sáng 29-5-2015 dành cho 50 Hồng Y, Giám mục và Linh mục, tu sĩ tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa thánh tái truyền giảng Tin mừng, Đức Thánh cha khẳng định Năm Thánh Lòng Thương Xót có mục đích làm nổi bật hơn hồng ân Lòng Thương Xót của Chúa. Đức Thánh Cha nói: “Con người ngày nay đang mong đợi Giáo hội biết đồng hành với họ, cống hiến cho họ chứng tá đức tin, khiến Giáo hội liên đới với tất cả mọi người, đặc biệt là những người cô đơn và bị gạt ra ngoài lề. Bao nhiêu người nghèo đang chờ đợi Tin mừng giải thoát, bao nhiêu người bị đẩy ra những vùng ngoại biên cuộc sống do xã hội tiêu thụ gây ra, đang chờ đợi sự gần gũi và tình liên đới của chúng ta!”

Đức Thánh cha đặc biệt nhấn mạnh đến việc các tín hữu phải cảm nghiệm cụ thể lòng thương xót của Thiên Chúa nơi chính bản thân mình để trở thành dụng cụ cứu độ cho anh chị em.

Vâng lạy Chúa, khi nghe đến đây con cũng đã tự đặt ra trong mình rất nhiều câu hỏi? Rằng bản thân mình cũng là một tu sĩ. Vậy con đã thể hiện lòng thương xót đến với những người cần con giúp đỡ hay chưa? Con có là một người Samari nhân hậu biết giúp đỡ người gặp nạn giữa đường, biết quan tâm đến mọi người, đặc biệt những người nghèo khổ bị gạt ra ngoài lề, biết cảm thông chia sẻ, nâng đỡ những người bị rơi vào bế tắc của cuộc sống hay không? Hay con chỉ là một thầy Tư tế, Lê Vi, chỉ biết quan tâm đến những người giàu có, quyền cao, chức trọng mà ngoảnh mặt làm ngơ với những người nghèo khổ, hoặc con chỉ lên án phê phán những người rơi vào bế tắc.

Người Sa-ma-ri trong trang Tin Mừng dù không biết, không thuộc Kinh Thánh, nhưng đã  người thân cận” với nạn nhân khi ông làm hết lòng, hết sức…” để cứu giúp người bị nạn, người cùng khốn. Thiên Chúa là tình yêu. Luật Chúa là luật tình yêu, mà tình yêu không phải là cái để định nghĩa, mà là để thực hiện. Yêu thương là cảm thông, là tự nguyện, là hy sinh, là trao ban cho người mình yêu. Một khi đã biết yêu thương là như thế, thì như Chúa mời gọi, chúng ta cũng “hãy đi và làm như vậy.”Chúng ta có đặt tình yêu này trên hết mọi sự, kể cả mạng sống của ta, và chấp nhận hy sinh tất cả vì tình yêu này hay không?

Lạy Chúa, để làm được một người tốt thật sự thì con cần phải có tình yêu. Vì nếu có được tình yêu con sẽ làm được tất cả. Và con biết chỉ có ở nơi Thánh Thể, con mới có thể kín múc được tình yêu thật sự, mới cảm nếm được sự ngọt ngào, ngây ngất trong tình yêu, để tâm hồn con sẽ được bình an và hạnh phúc trong cung lòng của Chúa. Và từ đó con sẽ có đủ can đảm và động lực thể hiện lòng thương xót của Chúa đến với anh chị em mà con gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày. Amen

Nt. Maria Ngọc Anh. SLE

 

 

 

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button