Suy niệmSuy niệm

Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm tuần XXIV TN, Năm C

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi

Tin mừng Ga 19,25-27

25.Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. 26.Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” 27.Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Suy Niệm

Để suy niệm về Mẹ Sầu Sầu Bi của chúng ta trong ngày lễ Mẹ Sầu Bị hôm nay. Chúng ta cùng nhau suy gẫm lại bảy sự thương khó của Đức Mẹ trong tiếng tiếng Xin Vâng với Thiên Chúa Tình Yêu. Mẹ đáp tiếng xin vâng: khi nghe lời tiên tri của cụ già Simêôn về Con yêu dấu; Đưa Con trốn qua Ai Cập; Mất Con nơi Đền thờ; Cùng Con lên đỉnh Canvê; Khi đứng bên Con chịu đóng đinh trên thập giá; Hạ xác Con xuống khỏi thập giá; Và chôn táng Con trong mộ. Đây là những nỗi đau trong lòng người Mẹ. Mẹ đau vì Con và đau cùng với Con.

Ngoài bảy nỗi đau này, còn có bao nỗi đau khác không được kể tới trong cuộc đời của Mẹ. Chỉ ai yêu đúng nghĩa mới cảm được nổi đau của Mẹ. Khi vẽ hay điêu khắc hình Đức Mẹ, các nghệ sĩ thường trình bày một Đức Mẹ với khuôn mặt rất vui tươi, và dịu hiền. Thế nhưng lễ Đức Mẹ Sầu Bi nhắc cho chúng ta thấy cuộc đời của Mẹ cũng có khi buồn đau. Vui buồn ở đời là chuyện không mấy ai tránh khỏi. Chúng ta cần ngắm nhìn khuôn mặt lo lắng của Mẹ khi mất Con, hay đem con đi trốn. Cần chứng kiến khuôn mặt đớn đau của Mẹ khi đứng bên Con trên núi Sọ. Chính khuôn mặt buồn khổ của Mẹ lại làm chúng ta thấy gần Mẹ hơn. Nhất là trong thế giới vàng thau lẫn lộn với muôn vàn sự dữ kinh hoàng hôm nay, khi chúng ta chạy đến bên Mẹ, chúng ta sẽ cảm thấy được Mẹ an ủi đỡ nâng, chia sẻ với nổi khốn khó của kiếp người chúng ta hơn. Vì Mẹ cảm thông với cái nặng nề khốn cùng của phận người, mà chúng ta đang phải gánh chịu với bao lo toan, sợ hãi.

Chúng ta vẫn thường nghĩ đau khổ là hậu quả của tội lỗi.Điều đó đúng, nhưng không luôn luôn đúng. Mẹ Maria được Thiên Chúa gìn giữ khỏi vết nhơ của tội nguyên tổ, và Mẹ đã đáp lại ơn Chúa bằng việc luôn trung tín, vẹn tuyền hoàn hảo. Nhưng điều đó không làm Mẹ tránh được mọi khổ đau. Thánh giá đã phủ bóng trên đời Mẹ ngay từ tiếng Xin Vâng đầu tiên.
Khi Mẹ đáp tiếp Xin Vâng làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ đã bắt đầu phải trả giá. Mẹ yêu mến Người Con mà Thiên Chúa ban cho chính mình, nhưng đôi tay Mẹ không đủ sức giữ kho tàng quý giá ấy. Mẹ đón nhận hy sinh, để Con của Mẹ bước đi trên con đường khúc khuỷu gập ghềnh. Nhưng trong đau khổ của hy sinh, Mẹ bình an vì biết mình sống theo Thánh Ý. Chúng ta hãy đến với Núi Sọ chiều hôm ấy, để tận mắt nhìn thấy Mẹ đứng gần thập giá treo Con. Mẹ đã có mặt trong tiệc cưới Cana khi Con khởi đầu sứ vụ (Ga 2, 1-12). Bây giờ, Mẹ lại có mặt khi Con hoàn tất sứ vụ ấy trên Calvê: Nhắp xong, Đức Giê-su nói : “Thế là đã hoàn tất !” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19, 30).

Dù không theo Đức Giêsu trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng, nhưng Mẹ là môn đệ kề sát cánh với Con Một Chí Thánh còn hơn những môn đệ khác bên Ngài. Mẹ không chạy trốn, nhưng muốn nếm trọn nỗi đau của Con để sẻ chia với Con. Chính vào giây phút này, Đức Giêsu hấp hối đã làm một điều không ai ngờ tới. Ngài nối kết Mẹ Ngài với người môn đệ Ngài dấu yêu, đặt Mẹ làm Mẹ người môn đệ ấy: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (C. 26). Và muốn người môn đệ ấy làm con của Mẹ: “Đây là mẹ của anh” (C. 27). Khi suy gẫm tới đây chúng ta thấy rằng, chính dưới chân thập giá, Đức Giêsu đã lập một gia đình mới. Mẹ là Mẹ của Đức Giêsu ở Cana, bây giờ thành Mẹ của người môn đệ. Và người môn đệ cũng chính là người đại diện cho toàn thể mọi giáo hữu trong nhân loại. Vì thế nơi người môn đệ này, các Kitô hữu thấy hình ảnh của chính mình. Chúng ta hôm nay cũng muốn đón Mẹ về nhà, và nhận Mẹ làm Mẹ. Mẹ sẽ là người lo cho chúng ta trong ngôi nhà của gia đình mới. Mẹ sẽ bao bọc chở che cho mọi thành viên trong gia đình, cộng đoàn, nhóm hội của chúng ta được bình an. Nhưng điều quan trọng là chúng ta cần có lòng yêu mến, cậy trông, bám chặt vào tà áo của Mẹ hiền trong tiếng Xin Vâng. Hãy xin Mẹ nắm lấy tay chúng ta, và dắt chúng ta đi đúng hướng Thánh Ý Chúa muốn. Có được như thế, thì chắc chắn bình an của Thiên Chúa Tình Yêu sẽ ngự trị nơi chúng ta hiện diện, và sự sống đời đời cũng sẽ bắt đầu từ tiếng Xin Vâng ấy.

 Lạy Mẹ Maria! Khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường. Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Con Một Giêsu, Mẹ đưa Con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ. Mẹ tìm Con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana. Mẹ đi thăm Con Một Giêsu khi Ngài đang rao giảng. Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ. Dù Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, từ con người hay từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng con thấy Mẹ luôn đi cùng với Chúa Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống. Mà con đường của Chúa Giêsu thì không phải con đường nào cũng là thảm hoa. Có những con đường đầy máu và nước mắt. Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày cùng với Con của Mẹ, như chính Mẹ đã từng luôn sẵn sàng lên đường cùng với Ngài. Xin Mẹ giúp chúng con đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa, dù phải chấp nhận đoạn tuyệt và chia ly. Xin Mẹ nắm tay chúng con và dắt chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu, để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ, đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa, mà cầu xin ơn chữa lành, ơn giải thoát khỏi muôn vàn sự dữ, ơn hoán cải, hồi tâm cho các tội nhân, ơn cứu rỗi cho các linh hồn nơi chốn luyện hình, ơn hòa bình và bình an cho thế trần gian hôm nay. Và cầu xin ơn phục sinh cho chính mình cũng như cho đồng loại mai sau bên Cha hằng hữu muôn đời trong Nước Hằng Sống. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô là Chúa của chúng con. Amen!

Nt Teresa Nguyễn Thị Kim Yến SLE

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button