Lời Chúa: Ga 12,24-26
Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.
SUY NIỆM
Hành trình theo Chúa của mỗi người chúng ta không phải vào một buổi sớm tinh mơ hay buổi chiều hoàng hôn tắt nắng, mà hành trình theo Chúa của chúng ta được xác định bằng cuộc sống thực tại với những cái lo toan, bận tâm trong đời sống hàng ngày. Người thì lo làm sao cho gia đình có được cuộc sống dư đầy, có người chỉ mong có được đủ cơm ăn áo mặc là thỏa mãn. Tuy nhiên, những cái lo toan bận tâm ấy chỉ là nhu cầu thiết yếu ở đời này thôi, chứ không phải là tất cả để chúng ta đánh đổi sức khỏe, thời giờ, khả năng….cái chúng ta mong là sự sống mai này trong vinh quang của Thiên Chúa
Tin mừng hôm nay Thánh Gioan trình thuật đi sát với thực tế qua hình ảnh hạt lúa được gieo xuống đất, nó phải oằn mình trong môi trường khắc nghiệt để vươn lên. Sự sống mới nơi hạt lúa không phải tự nhiên mà có, nhưng nó được hỗ trợ giúp đỡ của biết bao người. Khởi đi từ người chủ thửa ruộng, người cày xới đất, người gieo hạt giống và cuối cùng là người vun xới chăm nom, rồi từ đó nó sẽ lớn lên sinh hoa kết trái và làm cho sự sống được lan rộng. Từ những hình ảnh thực và những chứng nhân sống động mà chúng ta tin rằng muốn có được sự sống mới trong nước Thiên Chúa chúng ta cũng phải được giúp đỡ của biết bao người. Cụ thể là hình ảnh Chúa Giê-su đang ẩn thân nơi nhà tạm nhỏ bé, dưới hình ảnh tấm bánh trắng đơn sơ, bị bẻ ra để trao ban cho mọi người và ai tin vào Người thì được sự sống vĩnh cửu. Hình ảnh một Người mang tên Giê-su bị sỉ nhục, bị đánh đòn, bị đóng đinh trên thập, chịu chết và phục sinh để chúng ta có được sự sống mới. Người có thể không nhận lời Chúa Cha xuống thế mang thân phận làm người để không bị khổ đau trong phận người, Người cũng có thể từ chối các cực hình và thậm chí từ chối cả cái chết. Thế nhưng, Chúa Giê-su đã không làm như thế, Người bỏ đi cái tôi của chính mình mà nhận lấy thánh ý của Chúa Cha và Người đã chấp nhận cái chết đau thương. Cái chết của Người minh chứng rằng muốn có được sự sống mai sau, chúng ta phải chịu chấp nhận những trái ý, những khó khăn mà Chúa gởi đến qua từng biến cố trong cuộc sống và nhất là được nên giống Chúa thì chúng ta phải chấp nhận sự biến đổi chính mình thì mới mong vui hưởng Nước Trời mai sau. Vì như Lời Chúa phán: “. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy”. Chúng ta thấy một sự đảm bảo rõ ràng cho những ai biết từ bỏ chính mình, chấp nhận sự biến đổi để thay vào đó là sự thay đổi phù hợp với thánh ý Thiên Chúa qua sự chỉ dạy của người trên, những người có trách nhiệm. Và đồng thời cũng hướng cho chúng ta một tương lai mới nơi nhà Cha trên trời, được vui hưởng nhan thánh Chúa mai này.
Một câu chuyện thuật lại rằng: Hai anh em nhà kia được người cha giao cho hai con ếch và sai mỗi người hãy luộc một con theo cách thức của mình. :
Người em đặt chú ếch vào nồi nước đang nóng, lập tức chú ếch phóng ra ngoài. Người em không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Còn người anh, cậu đặt nồi nước lạnh lên bếp, sau đó mới thả chú ếch vào. Cảm thấy không có gì nguy hiểm, chú ếch ở yên trong nồi. Thậm chí chú còn tò mò tự hỏi đây là cái ao gì mà bé tí tẹo, nước ao thì trong vắt. Sau đó, người anh bật lửa nhỏ để đun cho nước nóng dần lên. Khi nước ấm dần, chú ếch cảm thấy khoan khoái và cực kỳ thoải mái. Sự ấm áp mang lại sự dễ chịu. Nồi nước như phòng tắm hơi, hoạt động quá giới hạn lấy đi dần sức lực và khiến cho chú ếch mê man đi trong trạng thái thư giãn.
Câu chuyện tưởng chừng như vô lý nhưng đó lại là sự thật, sự thật về con ếch bị nấu chín mà không hề hay biết. Chợt nghĩ….
Nếu cuộc sống chúng ta là một nồi nước mát, thì nó cũng không ngừng nóng lên một cách tự nhiên, từ từ đến nỗi nếu không để ý thì chúng ta cũng chẳng nhận ra. Mỗi ngày đều lặp lại những gì ngày hôm qua, rồi một ngày trôi qua và ngày hôm sau ta lại lặp lại quy trình đó. Cuộc sống “ bình lặng” trôi đi. Rồi từ từ, dần dần, ta có những thói quen, những thói quen đến một mức độ nào đó sẽ giúp chúng ta “nằm yên” trong khi đó thế giới đang thay đổi và cuộc sống không ngừng “ nóng lên” ta hầu như không muốn thay đổi. Và có thể chúng ta sẽ có một kết cục “ êm dịu” như con ếch kia.
Con người chúng ta đôi khi rất kỳ quặc, khi có nguy cơ gì đó chưa rõ ràng, khi mọi sự chung quanh đều mang cái gọi là “ cảm giác” như không có gì xảy ra thì chẳng bao giờ chịu phản ứng cả. Và đâu đó trong cộng đoàn chúng ta cũng có những thành viên có nguy cơ này, nguy cơ nọ đang từ từ lớn lên mà ta không hề hay biết hay không thèm biết. Chúng ta không dám từ bỏ, không dám thay đổi phải chăng vì những lý do sau:
Sợ ảnh hưởng đến sức khỏe
Sợ ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội
Sợ ảnh hưởng tới quyền lợi cá nhân, giảm đi tầm ảnh hưởng của chính mình
Sợ làm giảm đi chất lượng cuộc sống
Và sau cùng là sợ không dám đối diện với chính mình
Đã đến lúc chúng ta thức tỉnh, bước ra khỏi chính mình mà hòa chung với mọi người để chúng ta có một cái chung to lớn, vĩ đại nhất đó chính là tình yêu nơi Đức Giê su Ki tô. Một tình yêu cho đi nhưng không, một tình yêu tự hiến, không tính toán vụ lợi hay miễn cưỡng. Amen.
Maria Phương Thùy. SLE