Suy tư

Tâm bình thế giới bình

Có người định nghĩa  rằng: Thinh lặng  không chỉ đơn thuần là im lặng, không có tiếng ồn nhưng sâu xa hơn là một trạng thái nội tâm giúp ta tách khỏi những gì ngăn cản ta ý thức về chính bản thân mình. Trong sách châm ngôn nói “ Nếu biết giữ thinh lặng, kẻ ngu cũng được kể là người khôn ngoan, nếu biết ngậm môi, kẻ đó được coi là người thông hiểu” (Cn 17, 28). Vâng ! Chúng ta đang sống trong một thế giới ô nhiễm tiếng ồn. Ồn của thiên nhiên, động cơ xe máy, các quán sá, trò chơi tiêu khiển… Do đó, con người không có được sự thinh lặng. Nhiều khi tiếng nói, tiếng cười của chúng ta cũng gây mất đi sự thinh lặng cần thiết cho bản thân hay người khác. Có những người nói nhiều vì muốn thể hiện “đẳng cấp sự hiểu biết” của mình. Có những người thích ồn ào vì họ sợ thinh lặng. Họ chưa cảm nhận được giá trị của thinh lặng, hoặc đã nhận biết nhưng không thể kiềm chế được miệng lưỡi.

Để biết được giá trị của thinh lặng trong cuộc sống Có câu chuyện kể rằng: Trời đã về khuya, lão thiền sư nhìn thấy bên cạnh bức tường của tu viện có một chiếc ghế, ngay lập tức ông nhận ra có một tu sĩ vi phạm quy định trèo tường ra ngoài. Lão thiền sư lặng lẽ đi về phía bức tường, bỏ ghế ra và ngồi xuống ngay tại chỗ đó. Ngay sau đó, bên ngoài có tiếng động, một vị tu sĩ trẻ trèo tường để vào, dẫm lên vai của lão thiền sư và nhảy vào sân. Khi hai chân anh ta chạm đất, mới phát hiện vừa rồi đạp vào không phải cái ghế, mà là sư phụ của mình. Vị này cảm thấy hoảng sợ, không nói được câu nào, chỉ đứng im tại chỗ, chờ sư phụ trừng phạt. Trái với suy nghĩ của tiểu hòa thượng, sư phụ không lớn giọng la mắng, chỉ nói rất nhẹ nhàng: “Đêm khuya, trời lạnh, hãy mặc thêm quần áo vào”. Vị tu sĩ trẻ tự trong lòng cảm thấy rất hổ thẹn, từ đó về sau không dám trốn ra ngoài chơi mà quyết chí tu học, cuối cùng trở thành một vị tăng nổi tiếng đương thời. Thoạt nghe qua câu chuyện ta thấy thinh lặng trong yêu thương sẽ giúp người khác nhận ra được giá trị của cuộc sống cần sửa đổi.

Tục ngữ Việt Nam có câu:     “ Lời nói chẳng mất tiền mua

                                                 Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau ”

Bởi thế một lời nói có thể làm người khác thay đổi cả thế giới hay ngược lại cũng vì một lời nói làm cho người khác tổn thương biết là chừng nào. Nên ta thấy Thinh lặng không có nghĩa là không nói, mang bộ dạng lặng lẽ, buồn rầu, bất cần… Nhưng  trong thinh lặng ta vẫn tỏ ra được lòng khoan dung, sự tha thứ, niềm vui, loại bỏ mọi tư tưởng bực dọc, ghen gét, hận thù, lo toan ra khỏi tâm trí. Để tâm hồn ở trạng thái tĩnh lặng một cách vô tư, thoải mái, không để bất cứ điều gì làm xáo trộn. Như Jean Harang nói: “ Giá trị của một con người được đo lường nơi khả năng thinh lặng nội tâm của người đó. Người ta không cầu nguyện bằng lời, mà là bằng cách chìm đắm trong sự thinh lặng”. Thinh lặng là món quà vô cùng quý giá nằm ngay trong tâm hồn mỗi người nhưng nhiều khi ta lại không nhận ra, không đánh giá đúng với giá trị của nó. Tuy nhiên có những người lại rất sợ thinh lặng vì lúc ấy họ phải đối diện với chính lương tâm mình, là tiếng nói của công lý, sự thật và tình yêu.

Nhìn lại thực tế trong đời sống tu trì, việc thinh lặng là một trong những điều kiện tối ưu mà người tu sĩ cần có được . Các nhà đào tạo, các bề trên hội dòng, luôn quan tâm đến sự thinh lặng trong cộng đoàn cũng như cá nhân, vì nó được gọi là một nhân đức giúp rèn luyện những nhân đức khác. Chính vì thế, bất kỳ Dòng Tu, Tu Hội, Tu Đoàn nào cũng đề cao sự thinh lặng nội tâm và đưa vào trong nội quy để áp dụng cho cộng đoàn. Thần học gia Henri de Lubac nói rằng: “Chúng ta chỉ trở nên viên mãn khi trở nên trầm lặng trong cuộc sống nội tâm”. Tuy nhiên, muốn giữ thinh lặng nội tâm trước hết cần phải giữ thinh lặng bên ngoài, nhất là miệng lưỡi của chúng ta.

Sự thinh lặng nơi mỗi người thường chịu ảnh hưởng bởi những xúc cảm tâm sinh lý, âm thanh từ bên ngoài. Thinh lặng là bài học quan trọng giúp ta lớn lên trong cuộc sống. Trong thinh lặng chúng ta khám phá ra thế giới nội tâm với những điều bí ẩn tận trong thâm sâu của cung lòng. Chỉ trong thinh lặng ta mới lắng nghe được tiếng Chúa và tránh được những nguy cơ phạm tội do chính miệng lưỡi gây nên. Đó là mối dây liên kết giữa chúng ta với Thiên Chúa, đồng thời bảo đảm cho sự hiệp thông trong cộng đoàn, và nhận ra được con người thật của mình cũng như mọi vật xung quanh cách khách quan. Tuy nhiên, thinh lặng là điều thật sự không dễ chút nào, nó đòi hỏi sự khiêm nhường, hy sinh, từ bỏ, ý chí của mỗi người.

Để thay cho lời kết  nói về thinh lặng Nữ tu Trần Thị Giồng, Tiến sỹ tư vấn tâm lý, đưa ra nhận định như sau: “ Con người ngày nay khó mà ở một mình, sống thinh lặng để đi sâu vào chính con người của mình là một điều gần như không thể được. Nếu bắt buộc đối diện với chính mình trong một căn phòng thinh lặng, diện đối diện với Chúa thì họ thường mở ngay cái máy nghe nhạc.” Bởi thế chúng ta hãy tập cho mình có được sự thinh lặng của tình yêu, luôn giữ cho tâm bình, rèn luyện bản thân chiến đấu chống lại một số thói hư tật xấu và mở lòng ra với Thiên Chúa. Dẫu biết rằng thinh lặng là một thách đố đối với mọi người. Nhưng hãy ý thức đó là món quà quý giá của đời người, nếu biết thinh lặng trong yêu thương sẽ giúp ta trở về với chính mình, lắng nghe và đón nhận tiếng nói nội tâm, nơi xuất phát mọi tư tưởng, suy nghĩ của chúng ta.

Nt Maria Têrêsa. SLE

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button