Suy tư

Xin hãy dùng con như khí cụ bình an

6 chìa khóa để tìm sự bình yên trong tâm hồn | ELLE Man

Ngày 9/8 hàng năm, hàng ngàn người Nhật Bản và nhiều du khách tập trung về Đài Hoà Bình tại Nagasaki để tưởng niệm quả bom nguyên tử đầu tiên được ném xuống Nhật Bản.

Đúng 11 giờ 3 phút, giờ định mệnh của thành phố Nagasaki, từng đám đông dừng lại trong thinh lặng, trong khi đó từ các tháp chuông trên khắp nước, từng hồi chuông ngân vang để tưởng niệm giây phút đau thương của Nagasaki.

Ngày 9/8/45, quả bom nguyên tử đầu tiên đã giết hại khoảng 70 ngàn người và tiêu huỷ gần như trọn vẹn thành phố Nagasaki. Ba ngày sau đó, quả bom thứ hai cũng được trút xuống trên Hiroshima nâng tổng số những người thiệt mạng lên đến 140.000 người. Và gần đây, hơn hai ngàn người còn sống sót từ dạo đó cũng vừa qua đời vì ảnh hưởng của phóng xạ.

Lên tiếng trong một buổi lễ tưởng niệm, ông Motoshima, thị trưởng Nagasaki đã phát biểu như sau: “Qua kinh nghiệm đau thương này, những người công dân của thành phố Nagasaki đều nhận thấy rằng: bom nguyên tử có thể huỷ diệt toàn thể nhân loại. Do đó, chúng tôi đã không ngừng kêu gọi huỷ bỏ các vũ khí hạt nhân”. Bài diễn văn trên đây của ông thị trưởng Nagasaki đã được sao gởi đến các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Cũng trong bài diễn văn này, ông Motoshima đã tha thiết kêu gọi Liên Xô và Hoa Kỳ hãy ngồi vào bàn hội nghị với nhau và hãy quyết tâm cam kết thực hiện sự chung sống hoà bình giữa Đông và Tây cũng như làm mọi cố gắng để giải trừ vũ khí hạt nhân.

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Có một lần trải qua đau thương như người Nhật Bản, cách riêng những người Nagasaki và Hiroshima, con người mới thấy được thế nào là sự tàn phá của bom nguyên tử và sự khao khát hoà bình.

Lời kêu gọi trên đây của ông thị trưởng thành phố Nagasaki có lẽ không chỉ được ngỏ với các vị nguyên thủ quốc gia, hoặc hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên Xô. Lời kêu gọi đó cũng phải được truyền đến tận tại của từng người. Bởi vì hoà bình không chỉ là vấn đề của một số người, hoặc của một số quốc gia. Hoà bình là vấn đề của từng người. Nó là cố gắng xây dựng của từng ngày và của từng người.

Nhưng hoà bình không chỉ là thành quả của những cố gắng. Nó còn là một ân ban mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể trao tặng cho con người. Ngày 27/10/1986, cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hoà bình của các vị đại diện các tôn giáo trên thế giới đã nói lên được chiều kích đích thực của hoà bình: Hoà bình phải xuất phát từ tâm hồn con người.

Con người cần phải cầu nguyện cho hoà bình. Chính trong cuộc gặp gỡ thâm sâu trong tâm hồn giữa con người và Thiên Chúa mà hoà bình đích thực mới phát sinh. Cho dù có huỷ bỏ mọi vũ khí hạt nhân, cho dù có ký mọi hoà ước, nếu con người chưa dẹp bỏ mọi thứ vũ khí khác trong tâm hồn, mầm móng của chiến tranh vẫn còn đó.

Nhưng con người ngày nay luôn muốn nắm quyền, muốn làm bá chủ, vì thế họ tìm đủ mọi cách để đạt được. Họ không thiết gì hòa bình, họ không nghĩ đến vận mạng của bao con người, tương lai của bao thế hệ mai sau. Bởi nhiều lúc thỏa hiệp trong hòa bình làm mất đi bao lợi nhuận, bao lợi ích riêng tư, và cả danh dự, quyền lực của họ. Nói người cũng ngẫm lại mình; nhiều lần tôi muốn hòa bình như người khác lại không muốn, hoặc ngược lại. Bởi vì, như thế tôi lại tự hạ giá mình sao! Họ sẽ không tôn trọng tôi sao! Phải nói, phải hành động cho họ thấy là tôi có quyền và có thế lực…

Lạy Chúa trong lòng mọi người chúng con tha thứ còn khó lắm, nhưng xin giúp chúng con biết nghĩ đến thế hệ mai sau, và nghĩ đến cuộc sống của bao người khác, biết tha thứ và thông cảm cho nhau, để bình an đến trong tâm hồn chúng con, để hòa bình, an thịnh đến trong từng gia đình, cộng đoàn và quê hương chúng con.

Xương Rồng

Bài viết liên quan

Back to top button