Thần họcThánh thể

Cử điệu khi lãnh nhận Phép Lành Mình Thánh

 

Đang khi nhận phép lành Mình Thánh, các tín hữu làm gì? Quan sát thực tế, chúng ta thấy cử điệu của tín hữu không thống nhất, mỗi nơi mỗi khác, với những cử điệu như sau: chỉ ngước nhìn Thánh Thể (đa số); hoặc vừa ngước nhìn vừa làm dấu thánh giá; hoặc chỉ cúi đầu; hay cúi đầu và làm dấu thánh giá. Vậy đâu mới là thực hành đúng?

Phép lành Thánh Thể

Phép lành Thánh Thể có thể được ban trong phần cuối của giờ chầu Mình Thánh. Nghi thức được thực hiện như sau: vào lúc kết thúc giờ tôn thờ Thánh Thể trước Mặt nhật hay Bình Thánh, Đức Giám mục, hoặc linh mục, hay nếu không có Giám mục hoặc linh mục thì phó tế sẽ xông hương trước Thánh Thể nếu như Mình Thánh đặt trong Mặt nhật, đang khi đó hát bài kính Thánh Thể. Tiếp theo, vị chủ sự sẽ đọc một lời nguyện, rồi có thể được người giúp lễ khoác trên vai tấm khăn vai. Sau đó, ngài tiến lên bàn thờ cầm Hào quang (hay Bình thánh) ban phép lành Thánh Thể cho cộng đoàn bằng cách ghi hình thánh giá trong thinh lặng với Hào quang (hay Bình thánh) trên cộng đoàn tín hữu [đang quỳ].[1]

Ngước nhìn hay cúi đầu?

Thực hành ngước nhìn hay chiêm ngưỡng Thánh Thể khi đang nhận phép lành Mình Thánh Chúa là không đúng và có thể phát xuất từ một sự hiểu lầm. Tức là những người thực hiện hay chủ trương hành động này hiểu lầm rằng giây phút ban phép lành Mình Thánh Chúa cũng tương tự như giây phút sau truyền phép: vị tư tế giơ Mình Thánh / Chén Thánh lên cho mọi người chiêm ngưỡng.

Đúng là khi tham dự Thánh lễ, đến phần Kinh nguyện Thánh Thể, sau khi truyền phép bánh / rượu xong, vị chủ tế sẽ giơ cao hay nói một cách chính xác hơn là “trưng bày” (ostendit) Mình Thánh / Chén Thánh nhằm mục đích cho mọi người xem thấy và chiêm ngưỡng.[2]

Về mặt lịch sử, từ thế kỷ XII, cử điệu nâng cao Mình Thánh (lúc đó chưa có nâng cao Chén Thánh) được Giáo Hội chấp nhận đưa vào Thánh lễ vì nhiều lý do: [i] Nhằm đáp lại lòng sùng kính Thánh Thể của dân chúng vì họ khao khát được nhìn thấy Mình Thánh; [ii] Mời gọi tín hữu thể hiện hành vi đức tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể trước quan điểm sai lạc của Berengarius thành Tours (-1088) khi phủ nhận sự biến đổi của bánh rượu để trở nên Mình Máu Đức Kitô (nghĩa là chối từ sự hiện diện đích thực của Đức Giêsu dưới hình bánh và rượu),[3] cũng như nhằm chống lại tư tưởng thần học lầm lạc của Peter the Chanter (- 1197) và của cả Pierre le Mangeur (-1178) vốn cho rằng bánh chưa thể coi là được truyền phép / thánh hiến cho tới khi nào những lời truyền phép trong phần tường thuật thiết lập bí tích của Kinh nguyện Thánh Thể được hoàn thành trên cả bánh và rượu. Cử điệu giơ cao Mình Thánh sau truyền phép đã hiện hữu cả 1000 năm qua và được chuẩn nhận như thành phần của phụng vụ hoàn vũ của Hội Thánh. Kết quả là thực hành này đã hướng dẫn và nuôi dưỡng đức tin các tín hữu vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu Thánh Thể qua hàng thế kỷ.[4]

Đối với một số tín hữu, thời điểm chiêm ngưỡng Thánh Thể trở thành một thời khắc cực kỳ quan trọng, họ chỉ đặc biệt chú ý đến khoảnh khắc này đến nỗi làm lu mờ các phần còn lại của phụng vụ Thánh lễ. Họ thường đến Nhà thờ sớm với chủ đích tìm được một vị trí thích hợp hầu có thể xem thấy linh mục đưa và giữ Mình Thánh lên cao. Họ cũng rất hào hứng di chuyển xung quanh để nhìn xem cho được sự kiện vĩ đại này. Sau khi chiêm ngắm Mình Thánh xong tại một Nhà thờ, các tín hữu lại vội vã ra khỏi Nhà thờ đó, họ di chuyển đến một Nhà thờ khác để một lần nữa được nhìn thấy Thánh Thể. Lý do là vì, khi tham dự Thánh lễ, các tín hữu được mời gọi tôn thờ Chúa lập tức ngay sau những lời truyền phép. Thêm nữa, thời kỳ này, có rất ít người lên rước lễ và tín hữu cảm thấy thỏa mãn khi được trông thấy Bánh Thánh đã truyền phép. Thậm chí nhiều người còn nghĩ rằng họ sẽ được gìn giữ khỏi mọi ốm đau, hoạn nạn và tai ương nếu họ có thể chiêm ngắm Bánh Thánh. Để cổ võ dân chúng ngước nhìn Bánh Thánh, Đức Pio X đã ban ân xá cho bất cứ ai, vào thời khắc này, lặp lại những lời của thánh Tôma tông đồ “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”.[5]

Theo nhiều sử gia của Giáo Hội, khi thực hành nâng cao Mình Thánh được thêm vào Thánh lễ, thì việc trưng bày Thánh Thể [trong một Hào quang] ngoài Thánh lễ đã nở rộ vừa để tôn vinh Chúa Giêsu ngự thật trong Phép Thánh Thể vừa để thoả mãn tâm tình của các tín hữu ước mong chiêm ngắm Chúa lâu dài hơn y như họ thấy Thánh Thể qua hành động nâng cao Mình Thánh [vốn dĩ ngắn ngủi] của tư tế trong Thánh lễ. Thực tế là, vào cuối thế kỷ XIII, các tín hữu phàn nàn rằng linh mục đã không nâng Mình Thánh trong Thánh lễ đủ lâu cho họ chiêm ngắm và tôn thờ. Bởi thế, Giáo Hội đã cố gắng tìm kiếm một phương thế nhằm kéo dài sự thờ lạy và chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể. Thế là, suốt thế kỷ XIV, việc nâng Mình Thánh sau truyền phép trong Thánh lễ sẽ được thực hiện thêm bên ngoài Thánh lễ trong một thời gian lâu dài hơn nhiều bằng cách cho phép “trưng bày Mặt nhật” chứa đựng Mình Thánh cho các tín hữu chiêm ngắm – tôn thờ. Chính xác là vào khoảng năm 1380, thói quen trưng bày bí tích trong Mặt nhật để tôn thờ phổ biến tại một số nơi thuộc nước Đức. Điều này dẫn đến việc tách hẳn việc trưng bày Thánh Thể ra khỏi cử hành phụng vụ và được coi là một thực tại phụng vụ vì có tất cả những yếu tố cần thiết trong nghi thức phụng vụ của Giáo Hội. Bởi lẽ trước đây, việc trưng bày Thánh Thể chỉ diễn ra trong chính cử hành phụng vụ, tức là vào lúc rước lễ, ban của ăn đàng cho bệnh nhân cận tử và lễ Mình Máu Chúa Kitô (Corpus Christi).[6]

Như vậy, Mặt nhật hay Hào quang được tạo ra nhằm mục đích “phô bày” / “trưng bày” Bánh Thánh cho dân chúng nhìn thấy hầu giúp họ thờ lạy Chúa. Rõ ràng, thực hành này dựa trên lòng khát mong của tín hữu là muốn “nhìn xem” hay tìm ra một tiêu điểm cho việc cầu nguyện. Hào quang (ostensorium) phát xuất từ tiếng Latinh có nghĩa là “chỉ ra” hay “nâng lên” (monstrare, ostensare) cùng gốc với hạn từ “trưng bày” (ostendit) Mình Thánh / Chén Thánh trong Thánh lễ sau truyền phép nhằm mục đích cho mọi người xem thấy và chiêm ngưỡng.[7]

Bằng việc thay thế cho đôi tay của chủ tế, Hào quang được trưng bày hội tụ 3 khoảng khắc của cử hành phụng vụ biểu dương Chúa Kitô Thánh Thể: [i] Nâng cao Mình Thánh sau truyền phép; [ii] Chủ tế giơ Mình Thánh lên và mời gọi mọi người đến hiệp lễ; [iii] Thừa tác viên giơ Mình Thánh trước mặt từng người lên rước lễ.

Do đó, trong suốt thời gian tôn thờ Thánh Thể (chầu Mình Thánh), các tín hữu được mời gọi ngước nhìn / chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể trong Hào quang y như hành động ngước nhìn / chiêm ngưỡng Thánh Thể sau giây phút truyền phép trong Thánh lễ vậy.

Còn khi chuyển sang phần nhận phép lành Mình Thánh vào lúc kết thúc giờ tôn thờ Thánh Thể, cử điệu của tín hữu tham dự không còn là ngước nhìn / chiêm ngưỡng nữa vì đối với mọi phép lành nói chung, chẳng hạn khi được rảy nước thánh hay được một thừa tác viên có chức thánh chúc lành bằng tay, bằng thánh giá, bằng Sách Tin Mừng, hay trong trường hợp này là bằng Mình Thánh trong Hào quang, thì theo một thực hành đã có từ xưa, người nhận lãnh cúi đầu / quỳ xuống và làm dấu thánh giá. Qua những cử chỉ này, chúng ta muốn: [i] Diễn tả sự khiêm hạ của con người trước Thiên Chúa cao cả để Người có thể nhìn xuống chúng ta; [ii] Biểu tỏ thái độ nội tâm của mình là cung kính và tôn kính đối với Thánh Thể; [iii] Tuyên xưng đức tin của mình: mọi sự đến với chúng ta đều từ Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần vì tất cả chúng ta đều đến từ Thiên Chúa để sống theo những mong muốn và ý định của Ngài. Nếu Thiên Chúa không chúc lành, chúng ta không thể nào tuân giữ hay hoàn thành mong muốn của Ngài, không thể nào biến thánh ý Thiên Chúa thành hiện thực, không thể nào biết sống sự khôn ngoan của thánh giá.[8]

Chúng ta có thể kể ra một số trường hợp cúi đầu khi nhận phép lành sau đây:

(1) Phó tế / linh mục công bố Tin Mừng

Nếu phó tế đọc Tin Mừng, thầy sẽ đến trước mặt Đức Giám mục hay linh mục chủ tế, cúi mình và đọc nhỏ tiếng: “Xin cha ban phép lành cho con”. Đức Giám mục hoặc linh mục chủ tế chúc lành cho thầy: “Xin Chúa thánh hóa tâm hồn và môi miệng thầy, để thầy công bố Tin Mừng của Chúa cho xứng đáng. Rồi chủ tế ghi hình thánh giá trên phó tế đang khi đọc“ Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần ” còn thầy phó tế làm dấu thánh giá trên mình và đáp lại “Amen”.[9]

Nếu không có phó tế, linh mục đồng tế cũng sẽ xin phép lành từ Đức Giám mục chủ tế theo công thức và hành vi như thầy phó tế, Đức Giám mục ban phép lành theo công thức như đối với phó tế, nhưng thay chữ “thầy” bằng chữ “cha”.[10]

(2) Phép lành cuối Thánh lễ

Nếu có công thức ban phép lành trọng thể hay có lời nguyện trên dân chúng vào cuối Thánh lễ, thầy phó tế nói: “Anh chị em hãy cúi mình nhận phép lành.”[11] Trong các Thánh lễ cổ xưa được tìm thấy trong sách Hiến chế các Tông đồ (Constitutiones Apostolorum), phó tế loan báo lời “hãy cúi đầu trước Thiên Chúa” vào các ngày trong tuần thuộc mùa Chay. Đôi khi chính những lời nguyện quy chiếu đến tư thế này, nhưng bái quỳ thường được thay thế cho cúi đầu hay cúi mình, chẳng hạn các tín hữu sẽ quỳ hay bái gối để nhận phép lành của chủ tế.[12] Cesaire thành Arles (532) nói trong Bài giảng 77 (Sermo 77) rằng mỗi lần phó tế lớn tiếng mời gọi anh chị em cầu nguyện, thầy nói hãy cúi xuống không chỉ lòng trí anh chị em mà cả thân xác nữa. Cesaire tiếp tục chế phục những người không sẵn lòng thực hành dấu chỉ của sự khiêm hạ thờ phượng này: “Những ai không chịu quỳ gối cầu nguyện và không cúi đầu nhận phép lành đều là kẻ chọn lựa chuyện trò hơn là ca hát.” Thậm chí người bệnh còn khom lưng và cúi đầu nữa (C.C.L., 103:316-7).[13]

Cuối cùng, chúng ta cậy dựa vào tiếng nói của Đức Piô XII trong thông điệp “Đấng Trung Gian Thiên Chúa” (Mediator Dei) ban hành năm 1947, ngài nhận định rằng những hình thức chầu Thánh Thể khác nhau ‘đã đem đến sự gia tăng đức tin kỳ diệu cũng như mang lại sức sống siêu nhiên cho Giáo Hội chiến đấu trên trần gian’. Và khi đề cập đến phép lành [Thánh Thể], ngài nói: “Thật là lợi ích biết bao tập tục mà khi linh mục giơ cao Bánh Thiên Thần trước cộng đoàn đang cúi đầu thờ lạy và với Bánh Thiên Thần, ngài vẽ dấu thánh giá (Pius XII, Mediator Dei (20/11/1947), số 135): For excellent and of great benefit is that custom which makes the priest raise aloft the Bread of Angels before congregations with heads bowed down in adoration, and forming with It the sign of the cross implores the heavenly Father to deign to look upon His Son who for love of us was nailed to the cross, and for His sake and through Him who willed to be our Redeemer and our brother, be pleased to shower down heavenly favors upon those whom the immaculate blood of the Lamb has redeemed.[14]

Như vậy, khi nhận phép lành Mình Thánh, chúng ta phải cúi đầu chứ không ngước nhìn đúng theo ngôn từ của Robert Vereecke, S.J viết [trong cuốn The New Dictionary of Sacramental Worship]: “Theo truyền thống, cúi xuống là hành vi truyền thống gắn kết với việc nhận phép lành.”/ Bowing is traditionally the action associated with receiving a blessing.[15]

Làm dấu thánh giá hay không ?

Dấu thánh giá trước hết là một phúc lành và hạn từ “chúc lành” hay “phép lành” gần như đồng nghĩa với dấu thánh giá.[16] Hiệu quả của dấu thánh giá xét như một phép lành, một sự tuyên xưng đức tin và đồng hoá với mầu nhiệm Chúa Kitô làm cho dấu này trở thành cử điệu biểu tượng hàng đầu đối với nhiều Kitô hữu.[17]

Suy diễn từ câu Thiên Chúa nói với Abraham: “Ngươi sẽ là mối phúc lành” (St 12,2), Joseph Ratzinger viết:

Đức Kitô là sự chúc lành cho toàn thể tạo thành cũng như cho toàn thể nhân loại. Vì thế, thánh giá, dấu chỉ của Người trên trời dưới đất, được tiền định để trở nên cử chỉ chúc lành đặc thù cho Kitô hữu…Chúng ta ghi dấu thánh giá trên những ai mà chúng ta muốn chúc lành. Và chúng ta cũng ghi dấu thánh giá trên những sự vật thuộc về một phần của đời sống chúng ta và chúng ta muốn, như đó là, tiếp nhận một lần nữa từ bàn tay Đức Giêsu Kitô.[18]

Không lạ gì trong Sách Các Phép (De Benedictionibus) và Sách Nghi thức Roma (Rituale Romanum) từ xưa đến nay đều thấy đề cập đến hành vi ghi dấu thánh giá (nhỏ) bằng ngón tay cái ngay trên đối tượng hay chính bản thân hoặc làm dấu thánh giá phía trên / phía trước các đối tượng (người, vật, nơi chốn) được thực hiện bởi các thừa tác viên có chức thánh khi cử hành mọi nghi thức chúc lành, hiến thánh hay ban bí tích.[19] Đây là một truyền thống đã có từ xa xưa.[20]

Cách thức làm phép / ban phép lành thay đổi tùy theo thực hành của những Giáo Hội khác nhau và những thời kỳ khác nhau. Bên Giáo Hội Đông phương thường có thói quen ban phép lành trong khi thừa tác viên giữ thánh giá.[21] Đối với Hội Thánh Công giáo hiện nay, thừa tác viên có thể ban phép lành bằng cách dang tay, nâng cao tay, chắp tay, đặt tay, rảy nước thánh, xông hương, làm dấu thánh giá [bằng tay/ Sách Tin Mừng/ thánh giá/ Hào quang].[22]

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo cho biết; [i] Trong số các á bí tích, trước hết phải kể đến các phép lành để làm phép người, vật dụng, nơi chốn và bữa ăn. Mọi phép lành đều là lời ca ngợi Thiên Chúa và cầu xin Người ban ơn. Trong Ðức Kitô, các tín hữu được Chúa Cha chúc lành bằng “muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1,3). Vì thế, Hội Thánh ban phép lành bằng cách kêu cầu danh Ðức Kitô và thường làm dấu thánh giá;[23] [ii] Việc cử hành các á bí tích “luôn luôn gồm một kinh nguyện, thường kèm theo một dấu chỉ xác định như đặt tay, ghi hình thánh giá, rẩy nước thánh [để nhắc lại bí tích Thánh tẩy].”[24]

Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích xác định như sau: theo tập tục phụng vụ thì trong các nghi thức ban phép lành vị chủ sự sẽ làm dấu thánh giá bằng tay phải trên người hay vật để khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa cho những đối tượng ấy cho dù bản văn trong Sách Các Phép không nói gì đến dấu hiệu này và cũng chẳng đề cập đến thời điểm thích hợp thực hiện hành động này. Các thừa tác viên có chức thánh nên nhớ rằng dấu thánh giá là cần thiết khi cử hành bất cứ một phép lành nào vào bất cứ lúc nào bản văn có chữ “chúc lành” “chúc phúc lành” “ban phép lành” hay những lời tương tự. Nếu không có từ ngữ nào như vậy, thì làm dấu thánh giá vào chính lúc kết thúc lời nguyện chúc lành (AAS 94 (2002): 684).[25]

Cử điệu của người ban phép lành là làm dấu thánh giá trên đối tượng. Nếu đối tượng là người, thì cử điệu của người nhận phép lành thế nào?

Theo Romano Guardini, khi làm dấu thánh giá, chúng ta ghi một dấu thánh giá thực sự trên mình, cảm nhận một cách có ý thức việc làm dấu thánh giá bao gồm toàn thể con người chúng ta: tư tưởng, thái độ, thân xác và linh hồn. Dấu thánh giá thánh hiến và thánh hóa chúng ta trong sức mạnh của Chúa Kitô và trong danh Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta làm như thế bởi vì đây là Dấu Chỉ của vũ trụ và là dấu chỉ sự cứu độ chúng ta. Trên Thập giá, Chúa Kitô đã cứu chuộc nhân loại, Ngài thánh hóa con người nhờ thánh giá. [26]

Joseph Ratzinger cho rằng: “Chúng ta làm dấu thánh giá trên mình và vì thế chúng ta đi vào trong quyền năng chúc lành của Đức Giêsu Kitô.”[27]

Theo Bert Ghezzi, dấu thánh giá mang nhiều ý nghĩa mà ông quy về 6 điểm này:[28] [i] Tuyên xưng và diễn tả đức tin của chúng ta vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; [ii] Nhắc nhở và canh tân Phép Rửa tín hữu đã lãnh nhận trong danh Ba Ngôi Thiên Chúa qua đó chúng ta cùng chết với Chúa Kitô và được sống lại với Ngài (Rm 6,3-4; Gl 2,20); [iii] Dấu riêng biệt của người môn đệ Chúa Giêsu nhằm diễn tả chúng ta thuộc về một mình Chúa, muốn trung thành với Ngài và vâng phục Ngài; [iv] Chấp nhận khổ nạn như một phần bình thường trong cuộc sống của người sẵn sàng vác thập giá mình mà theo Chúa (Lc 9,23); [v] Vũ khí bảo vệ chống lại sức mạnh của Satan; vi] Chiến thắng sự dễ dãi buông thả [bằng cách đóng đinh tính xác thịt chúng ta vào thánh giá và sống theo Chúa Thánh Thần].[29] Bert Ghezzi cũng khẳng định dấu thánh giá chuẩn bị chúng ta đón nhận phép lành và hợp tác với ân sủng của Chúa.[30]

Chúng ta làm dấu thánh giá trước khi cầu nguyện [riêng hay chung] để chuẩn bị lòng trí và ý chí chúng ta hướng về Thiên Chúa. Chúng ta làm dấu thánh giá khi kết thúc cầu nguyện để giữ lấy tặng phẩm chúng ta đón nhận từ nơi Chúa. Khi bị cám dỗ, chúng ta làm dấu để xin ơn sức mạnh chống trả. Lúc gặp nguy nan, chúng ta làm dấu thánh giá để xin được che chở phù trì. Chúng ta cũng làm dấu thánh giá khi nhận các phép lành hầu cho sức sống viên mãn của Thiên Chúa tuôn chảy vào trong linh hồn mình, sức sống này sẽ thánh hóa bản thân và sinh hoa kết trái nơi chúng ta/ The cross is signed upon us in blessings in order that the fulness of God’s life may flow into the soul and fructify and sanctify us wholly. Hãy nghĩ đến những điều trên khi làm dấu thánh giá. Đó là dấu thánh thiện nhất trong tất cả các dấu hiệu.[31]

Chúng ta làm dấu thánh giá vào lúc ban phép lành kết thúc giờ phụng vụ bởi vì việc chúc lành được thực hiện nhân danh Thiên Chúa, Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần.[32] (We make the sign of the cross at the blessing at the very end of the liturgy because the blessing is made in the name of God, Father, Son, and Holy Spirit.)

Tương tự như trường hợp thừa tác viên chức thánh vẫn ghi hình thánh giá khi ban phép lành cho dẫu bản văn trong Sách Các Phép không nói gì đến dấu hiệu này và cũng chẳng đề cập đến thời điểm thích hợp thực hiện hành động này [như đã nói trên] (AAS 94 (2002): 684), thì khi nhận phép lành được ban bởi thừa tác viên chức thánh, người lãnh nhận sẽ làm dấu thánh giá trên mình [như một quy luật bất thành văn] cho dù bản văn nghi thức có ghi rõ hay không ghi cụ thể phải làm hành vi này. Vì ngoài những lý do nêu trên, trong thực tế đã diễn ra thường xuyên và như một truyền thống tốt đẹp, chúng ta đã quá quen với thực hành người nhận làm dấu thánh giá mỗi khi nhận phép lành cả ở trong hay bên ngoài cử hành phụng vụ. Chẳng hạn: khi nhận phép lành của tân linh mục sau Thánh lễ truyền chức; khi nhận phép lành cuối Thánh lễ hay cuối Giờ kinh Phụng vụ; khi thầy phó tế đến xin chủ tế (giám mục / linh mục) ban phép lành để chuẩn bị công bố Tin Mừng. Linh mục cũng làm như phó tế trước khi công bố Tin Mừng nếu chủ tế là Giám mục; khi nhận phép lành do Đức Giám mục ban [trong Thánh lễ] bằng cách dùng Sách Tin Mừng ghi hình thánh giá trên dân chúng; khi nhận phép lành được ban bằng cách dùng cây thánh giá ghi hình thánh giá trên dân chúng vào lúc kết thúc buổi đi đàng thánh giá…

Vì thế, khi nhận phép lành Mình Thánh, chúng ta cũng không thể loại trừ và không thực hiện một cử điệu hợp lý, đúng đắn và cần thiết là làm dấu thánh giá trên mình.

Tóm lại, khi nhận phép lành Mình Thánh, chúng ta quỳ gối, cúi đầu và làm dấu thánh giá trên mình.[33]

[1] Hiệp lễ và Tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ, số 97-99; Book of Blessings (New York: Catholic Book Publising Corp., 1989), số 26.

[2] Xc. Nghi thức Thánh lễ, các số 89; 102; 110; 119.

[3] Vì chối bỏ sự hiện diện đích thực của Đức Kitô nên Berengarius đã bị Hội Thánh kết án hai lần vào năm 1059 (DS 690) và năm 1079 (DS 700).

[4] Xc. Edward McNamara, “Breaking of the Host” trong The ZENIT Daily Dispatch (05/10/2010).

[5] Xc. Edward McNamara, “Breaking of the Host” trong The ZENIT Daily Dispatch (11/09/2004).

[6] Xc. James L. Connolly,  “Benediction of the Blessed Sacrament” từ https://www.catholicculture.org/culture/library/view.cfm?recnum=9559

[7] Xc. Nghi thức Thánh lễ, các số 89; 102; 110; 119.

[8] Xc. Antonio Donghi, Words and Gesture in the Liturgy, dịch từ tiếng Ý bởi William McDonough, Dominic Serra, Ted Bertagni (Collegeville, MN: Liturgical Press, 2009), 59; Xc. Joseph Ratzinger, Der Geist der Liturgie (Verlag Herder Freiburg im Breisgau, 8th edition, 2007), dịch bởi Nguyễn Luật Khoa, ofm từ bản tiếng Anh The Spirit of Liturgy, bản tiếng Việt Tinh Thần Phụng vụ (Nxb. Tôn Giáo, 2007), 221-222.

[9] Xc. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, các số 175; 275; Mục lục các Bài đọc trong Thánh lễ, số 17.

[10] Xc. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, các số 175, 212.

[11] Ibid., 185.

[12] Xc. A.G. Martimort, “Liturgical Signs” trong The Church at Prayer (Collegeville, Minnesota: Liturgical Press, 1987), 1: 183.

[13] Robert Vereecke, S.J, “Gestures, Liturgical trong Peter E. Fink, S.J (ed.), The New Dictionary of Sacramental Worship (Collegeville, Minnesota: Liturgical Press, 1990), 508-509.

[14] Xc. Pius XII, Mediator Dei (20/11/1947), số 135.

[15] Robert Vereecke, S.J, “Gestures, Liturgical”, 508.

[16] Robert P. Maloney, “The Sign of the Cross,” trong Faith in Focus (May 19, 2003).

[17] Robert Vereecke, S.J, “Gestures, Liturgical”, 503-513.

[18] Xc. Joseph Ratzinger, Tinh Thần Phụng vụ (Nxb. Tôn Giáo, 2007), 198.

[19] Xc. “The Sign of the Cross” trong The Fountain of Catholic Knowledge (1877) và Canon Howe, The Cathechist (1898) từ http://www.catholictradition.org/Classics/signum-crucis.htm; H. Thurston, “Sign of the Cross” trong The Catholic Encyclopedia, vol. 13 (New York: Robert Appleton Company, 1912) từ New Advent: http://www.newadvent.org/cathen/13785a.htm (April 19, 2017).

[20] Xc. Book of Blessings, số 26c; Greg Dues, Những Thói quen và Truyền thống Công giáo (Hà Nội: Nxb Tôn giáo, 2014), 192; Phạm Đình Ái, SSS, Toàn Thân Con Xin Ca Tụng Chúa (Nxb Phương Đông, 2014), 197-205.

[21] Xc. A.G. Martimort, The Church at Prayer, 1: 185-186.

[22] Book of Blessings, số 26.

[23] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1671;

[24] Ibid., số 1668.

[25] Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, “De signo sanctae Crucis in benedictionibus semper adhibendo”, ban hành ngày 14/09/ 2002 (Lễ Suy tôn Thánh giá).

[26] Romano Guardini, “Sacred Signs” (Pio Decimo Press: 1956)

 trong ewtn.com/library/liturgy/sacrsign

[27] Joseph Ratzinger, Tinh Thần Phụng vụ, 198

[28] Bert Ghezzi, The Sign of the Cross: Recovering the Power of the Ancient Prayer (Chicago: Loyola Press, 2014).

[29] Xc. Joseph Ratzinger, Tinh Thần Phụng vụ, 191-199.

[30] Xc. Bert Ghezzi, “Significance of the Sign of the Cross” trong The ZENIT Daily Dispatch (22 NOV. 2004).

[31] Xc. Romano Guardini, “Sacred Signs” từ ewtn.com/library/liturgy/sacrsign.

[32] Helen Hull Hitchcock, “Gestures of Worship Relearning Our Ritual Language” trong Adoramus Online Edition: Vol. XV, No. 10 ((February 2010).

[33] Điều này hoàn toàn đúng theo chỉ dẫn trong tập sách nhỏ The Holy Eucharistic: Expotition – Adoration – Benediction (xuấn bản lần II năm 2005 WITH ECCLESIASTICAL APPROVAL) của nhóm ADORAMUS (Society for the Renewal of the Sacred Liturgy): “As they receive the solemn blessing with the Holy Eucharist, the kneeling people bow their heads and make the Sign of the Cross.” ✠

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button