Thánh thểPhép lạ Thánh Thể

PHÉP LẠ TẠI FERRARA, NƯỚC Ý

Một tài liệu cổ xưa từ năm 454 đã nói về một địa điểm được gọi là một capital, nơi có bức
ảnh Đức Trinh Nữ Rất Thánh của Giáo Hội Byzantine được sùng kính. Sau đó, số các tín hữu
sốt sắng gia tăng, đưa đến việc kiến thiết một ngôi thánh đường nhỏ tại capital. Ngôi nhà
thờ này được xây vào năm 657, tại khúc cạn của con sông và được đặt một cái tên phù hợp
là S. Maria del Vado, tức là Đức Maria của khúc cạn. Chính tại ngôi thánh đường nhỏ bé ấy,
gần 500 năm sau, một phép lạ Thánh Thể trọng đại đã xảy ra.
Vào Chúa Nhật Phục Sinh, ngày 28 tháng 3 năm 1171, cha Pietro de Verona chủ sự thánh lễ
cùng với các cha Bono, Leonardo, và Aimone, trước sự tham dự của tất cả cộng đoàn dòng
Kinh Sĩ Portuensi. Vào lúc Bánh Thánh được bẻ làm đôi, mọi người hiện diện đều sững sờ
khi thấy một dòng máu từ Bánh Thánh phụt ra. Máu phụt mạnh và nhiều đến độ làm bắn
tung toé lên mái vòm hình bán nguyệt hơi chếch về phía sau của bàn thờ. Không những các
chứng nhân nhìn thấy dòng máu, mà còn thấy Bánh Thánh đã hóa thành thịt.
Tin về phép lạ nhanh chóng loan đến những người bên ngoài thánh đường, và những người
này đồn thổi tin ấy khắp giáo xứ và cả những vùng lân cận, khơi lên một sự sốt sắng lạ
thường.
Đức giám mục Amato của giáo phận Ferrara và đức tổng giám mục Gherardo của giáo phận
Revenna vội vã đến hiện trường. Các ngài cũng được nhìn thấy chứng cứ của phép lạ: máu
và Bánh Thánh đã biến thành thịt. Các ngài xác nhận rằng máu ấy “là Máu thực rất lạ lùng
của Chúa Giêsu.”
Tài liệu cổ xưa nhất kể về các chi tiết của phép lạ này là Gemma Ecclesiastica, được Geraldo
Cambrense viết vào năm 1197. Tài liệu này đã được Antonio Samaritani, một sử gia sống
tại Ferrara tìm thấy vào năm 1981. Nguyên bản hiện nay đang được lưu giữ tại London,
một bản thảo được giữ tại Vatican. Tài liệu này xác nhận tại Ferrara, vào Chúa Nhật Phục
Sinh, Bánh Thánh đã biến thành thịt.
Một tài liệu khác đề ngày 6 tháng 3 năm 1404 được đức hồng y Migliorati viết, cũng xác
nhận điều lạ, và được đức Eugenio IV chính thức công nhận trong bửu sắc ngày 7 tháng 4
năm 1442. Ngoài ra, đức Benedict XIV (1740-1758) cũng đã công nhận phép lạ này, giống
như đức hồng y Nicolo Fieschi đã làm vào năm 1519.
Trong số tất cả những tín hữu hành hương kính viếng bàn thờ phép lạ trên, đáng chú ý nhất
có chân phúc giáo hoàng Pius IX, người đã hành hương đến nhà thờ này vào năm 1857.
Ngài vừa chỉ vào những giọt máu, vừa reo lên: “Những giọt máu này giống như những giọt
máu trên khăn thánh tại Orvieto!” (x. chương 11, về phép lạ ở Bolsena-Orvieto).
Vào năm 1500, ngôi nhà thờ chật hẹp được mở rộng, tôn tạo, và được nâng lên bậc vương
cung thánh đường như hiện nay. Trong thời gian thi công, mái vòm cẩm thạch đã dính máu
thánh, hiện nay vẫn còn màu hường, đã được gỡ ra và chuyển sang nhà nguyện ở bên cạnh,
và đặt vào một chỗ thật lộng lẫy. Ngôi đài hai tầng gồm có một bàn thờ ở tầng trệt; mái vòm
được bài trí trên tầng hai. Một cầu thang dẫn lên hai bên bàn thờ giúp người xem có thể
nhìn thật sát và quan sát mái vòm. Máu thánh hiện giờ mắt trần vẫn còn nhìn thấy rõ, và
được tôn kính trân trọng như một thánh tích phi thường.
Từ năm 1930, vương cung thánh đường này đã được đặt dưới sự cai quản của dòng Thừa

Sai Máu Thánh, con cái tinh thần của thánh Gaspart del Bufalo, một vị tông đồ lớn, nhiệt
thành cổ động lòng tôn thờ Máu Thánh Đấng Cứu Độ – một điều xem ra rất phù hợp.
Vào năm 1970, một nghi thức dài đủ một năm, kỷ niệm chín trăm năm phép lạ đã xảy ra.

Nguồn: Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 3, Regina xb, USA, 2002

Bài viết liên quan

Back to top button