Thánh thểPhép lạ Thánh Thể

Phép Lạ Thánh Thể ở Slavonice, Tiệp Khắc, Năm 1280

Phép Lạ Thánh Thể ở Slavonice, Tiệp Khắc, Năm 1280

Phép lạ tại Slavonice được kể lại rất đơn sơ. Vào năm 1280, khi đang chăn dẫn đoàn vật trên các cánh đồng ngoại vi thành phố, một người du mục rất ngạc nhiên khi thấy một ngọn lửa kỳ lạ bốc cháy trên ngọn các bụi cây mọc trên đồi đá. Khi đến gần hiện trường, ông thấy bên trong ngọn lửa có một Bánh Thánh nguyên vẹn, không bị ngọn lửa và sức nóng làm hại. Vị linh mục được mời đến hiện trường đã 26 nhận ra Bánh Thánh ấy là Bánh Thánh trong chiếc bình thánh quí giá đã bị đánh cắp vào đêm giao thừa năm trước. Tuy không tìm ra tội phạm, nhưng hiển nhiên hắn đã vứt bỏ Bánh Thánh tại chính nơi Bánh Thánh đã tỏ hiện này.

Cùng với các bổn đạo trong xứ vội vàng đến chứng kiến ngọn lửa kỳ lạ, sau đó vị linh mục đặt Bánh Thánh vào một chiếc bình đem theo, và trở về thành phố gần đó. Khi đến gần cổng thành, người ta nhận ra Bánh Thánh đã biến mất khỏi chiếc bình. Một lần nữa, họ lại thấy Bánh Thánh ở trên ngọn lửa trên đồi đá. Sau khi đón lấy Bánh Thánh, vị linh mục cùng các giáo hữu lại đi về thành phố. Nhưng Bánh Thánh lại biến mất một lần nữa. Chỉ sau khi vị linh mục và các giáo hữu hứa sẽ xây dựng một đền thành tại chính địa điểm phát hiện, Bánh Thánh mới ở lại trong bình thánh để trở về nhà thờ giáo xứ.

Lời hứa đã được tôn trọng, và chính trên đồi đá đã mọc lên một ngôi nguyện đường, nhưng chẳng bao lâu đã trở nên quá chật chội so với số tín hữu hành hương, kể cả từ những miền rất xa xôi, để tôn thờ Bánh Thánh kỳ diệu. Đức giám mục Dietrich của giáo phận OlmÜtz, và sau đó, đức giám mục Gregory của giáo phận Prague đã ban nhiều ân xá cho các tín hữu hành hương. Nguyện đường này tiếp tục trở thành một nơi thu hút mạnh mẽ cho đến đầu thế kỷ XV, khi nhóm người theo bè Huss kéo đến gieo rắc sự hủy diệt và tà thuyết. Nguyện đường đặc ân bị phá hủy bình địa, mặc dù đồi đá nhỏ vẫn còn nguyên tại chỗ.

Sau khi những người của bè Huss bỏ đi, một ngôi nguyện đường khác đã được tái thiết trên chính địa điểm ấy vào năm 1476. Nguyện đường này đã được đức giám mục giáo phận OlmÜtz làm phép và đặt tên là nhà thờ Mình Thánh Chúa Kitô. Như ngôi nguyện đường đầu tiên, ngôi nhà thờ này cũng trở nên quá nhỏ bé so với số tín hữu tiếp tục đến hành hương. Vì vậy, ngôi nhà thờ ấy lại được mở rộng và hoàn thành vào năm 1491, đó chính là ngôi nhà thờ còn tồn tại đến ngày nay. Sau đó, Đức Thánh Cha đã ban ơn toàn xá cho tất cả những ai sốt sắng kính viếng nhà thờ này và thành thực thống hối để lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Được biết vì ơn toàn xá mà dòng người hành hương đông đúc đến độ cần phải có nhiều linh mục để cho những người muốn hưởng nhờ đặc ân rước lễ.

Một điểm hấp dẫn nữa của nhà thờ này là bàn thờ Ơn Thánh, được xây trên đồi đá chính xác ngay tại địa điểm ban đầu. Tại nơi đây, các thánh lễ vẫn đang được cử hành. Bàn thờ này ở phía trước bàn thờ chính một khoảng và nổi bật cả về vị trí lẫn cách trang trí. Trên bàn thờ ơn thánh là một bức tượng điêu khắc hai thiên thần đang thờ lạy một Bánh Thánh chung quanh có những ngọn lửa và tia sáng. Một bức phù điêu trong nhà thờ diễn tả cảnh người mục tử chỉ về hướng những ngọn lửa trên cánh đồng, trong khi một đoàn người, có cờ quạt dẫn đầu, từ nhà thờ giáo xứ tiến ra. Hằng năm, ngày kỷ niệm tìm ra Bánh Thánh vẫn được tổ chức và gọi là Bauern Feuerfest, ngày Lễ Lửa của Người Miền Quê.

          Nguồn: Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 13, Regina xb, USA, 2002.

Bài viết liên quan

Back to top button