Ngoại giao của giáo hoàng ở Ukraine gặp bế tắc, một năm sau khi bắt đầu “cuộc chiến phi lý và tàn khốc”
Trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 22 tháng 2, Đức Phanxicô đưa ra lời kêu gọi hòa bình cho Ukraine. Từ một năm nay, ngoại giao của Vatican không ngừng nỗ lực để làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe, không ngừng tìm cách tạo ra cuộc đối thoại giữa hai bên.
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-02-22
Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày 22 tháng 2 tại Hội trường Phaolô VI bên cạnh Đức ông Leonardo Sapienza, chủ tịch Phủ giáo hoàng. ANDREAS SOLARO/ AFP
Một ngày nào đó, giáo hoàng sẽ ngừng kêu gọi hòa bình cho Ukraine không? Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Đông Âu, Đức Phanxicô đã không ngừng cầu nguyện cho “người dân Ukraine tử đạo”. Vào mỗi cuối buổi tiếp kiến hàng tuần, vào các buổi Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật, ngài không ngừng nhắc cuộc chiến ở Ukraine sẽ chìm vào thờ ơ. Hai ngày trước ngày kỷ niệm (24-2) một năm cuộc chiến, với gương mặt trầm lắng và suy tư, một lần nữa ngài bàng hoàng trước cuộc chiến “phi lý và tàn khốc” này.
Năm 2022 của Đức Phanxicô: Giữa lời đề nghị trung gian hòa giải và nước mắt
Ngài nói: “Đây là một ngày kỷ niệm buồn, bao nhiêu người chết, người di cư, người mất nhà cửa, trẻ em mồ côi, sự tàn phá nhà cửa, xã hội, kinh tế nói lên điều này.” Ngài tự hỏi: “Chúa là Chúa của hòa bình, liệu Ngài có tha thứ cho quá nhiều tội ác và bạo lực như thế này không?”
“Một chiến thắng được xây dựng trên đống đổ nát sẽ không bao giờ là một chiến thắng thực sự”
Trước hàng ngàn giáo dân ở Hội trường Phaolô VI, ngài tiếp tục kêu gọi hòa bình. Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, Tòa thánh là tác nhân không mệt mỏi đi tìm một giải pháp ngoại giao, nhưng tiếng nói của giáo hoàng đã khó nghe trong nhiều tháng. Ngài bị cho là thân Nga vì không lên án Matxcova rõ ràng trong thời gian đầu, sau đó ngài không ngừng kêu gọi cầu nguyện cho “Ukraine tử đạo”, được xem như một lời cam kết với Ukraine dưới mắt Matxcova.
Trên thực tế, cuộc chiến đã bắt đầu vào năm 2014 với việc sáp nhập Crimea và ly khai một phần Donbass, dưới sự lãnh đạo của lực lượng ly khai được Matxcova tài trợ và trang bị vũ khí, nhưng cuộc chiến đã bước vào giai đoạn khốc liệt và quy mô hơn kể từ một năm nay.
Nhiều lần, các nhà ngoại giao của giáo hoàng cho biết họ sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho bất kỳ nỗ lực hòa giải nào, đồng thời tỏ ra miễn cưỡng trước việc phân phối vũ khí rộng lớn ở Kyiv. Và câu hỏi đã trở thành một trong những chủ đề trao đổi trọng tâm giữa các nhà ngoại giao, “Chúng ta có thể làm gì cho hòa bình? Chúng ta có thể làm gì cho hòa bình?” đã được hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin hỏi các nhà ngoại giao châu Âu tháng 9 vừa qua.
Hai dự án đi Kyiv
Về phần Đức Phanxicô, sau hai dự án đi Kyiv (tháng 3 -2022 vào những ngày đầu tiên cuộc chiến, sau đó vào tháng 8) bất thành, cuối cùng ngài muốn thực hiện chuyến thăm Ukraine mà không chắc chắn sẽ đi Matxcova. Một dấu hiệu cho thấy ngài ngại một phần thế giới xem ngài là “tuyên úy của phương Tây” với mong muốn duy trì một thế cân bằng ngoại giao rất khó cho ngài.
Hơn bao giờ hết, bất cứ kế hoạch đi Kyiv nào bây giờ đều trở nên xa vời – dù chính quyền Ukraine luôn giữ lời mời ngài đến thăm – tuy vậy ngài vẫn tiếp tục hoạt động tích cực ở hậu trường, tạo điều kiện thuận lợi cho một số cuộc trao đổi tù nhân với những kẻ gây chiến. Theo thông tin của chúng tôi, qua đại sứ Nga tại Tòa thánh, ngài đã gởi một số danh sách các tù nhân Ukraine.
Hồng y Konrad Krajewski, cánh tay bác ái của Đức Phanxicô ở Ukraine
“Đây là thời điểm khó khăn, nhưng chúng tôi cố gắng hy vọng”
Một năm sau khi bắt đầu cuộc xung đột, các nhà ngoại giao của Vatican dường như rơi vào bế tắc. Một đại sứ ở Rôma cho biết: “Hiện tại các nhà ngoại giao Vatican không có địa bàn để hoạt động, vì bây giờ không phải là thời gian để thảo luận.” Một đại sứ khác nhận xét: “Tuy họ không có địa bàn để hoạt động nhưng họ có uy tín đạo đức. Họ có thể giúp đỡ.” Một nguồn tin cao cấp khác của Vatican thận trọng: “Đây là thời điểm khó khăn, nhưng chúng tôi cố gắng hy vọng.”
Tổng giám mục Paul R. Gallagher, bộ trưởng Ngoại giao đã không liên lạc với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov kể từ sau chuyến đi Matxcova tháng 11 năm 2021. Từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 3, ngại dự định tham dự Diễn đàn Ngoại giao Antalya, do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức, hiện nay nước Thổ được xem là trung gian hòa giải đáng tin cậy giữa Kyiv và Matxcova. Một đại hội bị hoãn lại đến cuối năm do trận động đất kinh hoàng xảy ra ở đất nước này vào tháng hai.
Ngày thứ ba 21 tháng 2, tổng giám mục Gallagher đã dâng thánh lễ cầu cho hòa bình ở Ukraine tại nhà thờ Sant’Andrea della Valle ở Rôma, lễ kỷ niệm do sứ quán Ukraine tại Tòa thánh tổ chức. Sau thánh lễ, một nhà ngoại giao lo lắng: “Chúng ta có thể cầu nguyện cho Ukraine. Lúc này, lời cầu nguyện không phải là dư.”
Hãy trông cậy vào “Thiên Chúa của hòa bình”
Đức Phanxicô cảnh báo: “Tôi kêu gọi tất cả những người có thẩm quyền của các quốc gia đưa ra cam kết cụ thể để chấm dứt xung đột, để có một lệnh ngừng bắn và mở các cuộc đàm phán hòa bình. Những gì xây dựng trên đống đổ nát sẽ không bao giờ là một chiến thắng thực sự. Ngược lại chúng ta hãy trông cậy vào “Thiên Chúa của hòa bình”.
Đầu tuần này, ngày thứ hai 20 tháng 2, đánh dấu một sự kiện quan trọng qua chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Kyiv, ông bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với tổng thống Volodymyr Zelensky. Trưởng giáo chủ Sviatoslav Schevchuk, người đứng đầu Giáo hội công giáo Hy Lạp Ukraine hoan nghênh sự chú ý của thế giới phương Tây với Ukraine, ngài nói với các phóng viên trong cuộc họp trực tuyến cùng ngày: “Điều này mang lại cho chúng tôi cảm giác chúng tôi không bị lãng quên, chúng tôi không bị bỏ rơi.”
Ngày thứ hai 20 tháng 2, trong chuyến đi ngắn ngủi đến Kyiv, tổng thống Joe Biden đến đặt vòng hoa tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong cuộc chiến.
Cuộc đối đầu quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945
Con số thiệt hại về người vẫn chưa chính xác do thiếu số liệu thống kê đáng tin cậy, mỗi bên trong cuộc chiến có xu hướng giảm thiểu tổn thất của mình và phóng đại tổn thất đối phương, nhưng chắc chắn đây là cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Bộ Tham mưu Quân đội Na Uy, cơ quan theo sát cuộc xung đột ước tính số thiệt hại phía Nga có thể vượt quá 180.000 người chết và bị thương, cao hơn nhiều so với thiệt hại của Liên Xô năm 1979-89 tại Afghanistan – 15′ 000 – và lúc đó Liên Xô đã kiệt sức.
Theo bộ tham mưu Na Uy, tổn thất quân sự của phía Ukraine lên tới hơn 100.000 người. Na Uy là quốc gia thành viên NATO, có đường biên giới với Nga gần 200 cây số. Ngoài ra, theo Kiyv, 40.000 thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh và bắn phá, chưa kể những cái chết do điều kiện vệ sinh kém, các vấn đề cung cấp lương thực và những căng thẳng do chiến tranh gây ra.
Cuộc chiến này cũng đã tạo những đợt di dời dân số khổng lồ, theo Cao ủy tị nạn, hơn bảy triệu người Ukraine đã tìm nơi ẩn náu ở những nước châu Âu khác và rất nhiều người phải di dời trong nước, khoảng 14 triệu người Ukraine trong tổng số ước tính Ukraine có khoảng 44 triệu người dân trước chiến tranh. Vì thế gần một phần ba người Ukraine, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già buộc phải rời khỏi nhà ít nhất một thời gian, trong khi đàn ông trưởng thành phải nhập ngũ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch