Bí mật của chết lành
fr.aleteia.org, Philip Kosloski, 2022-09-30
Thánh Robert Bellarmin người Ý vào thế kỷ 16 tin vào nghệ thuật “chết lành” để được yên nghỉ thực sự. Ngài cũng đã viết một chuyên luận về chủ đề này… và vẫn còn thích hợp để đọc.
Nếu có một điều chắc chắn, đó là tất cả chúng ta sẽ chết vào một ngày nào đó. Vì vậy, câu hỏi không phải là liệu chúng ta có chết không, mà là chúng ta sẽ chết như thế nào. Cái chết có thể đến bất ngờ, nhưng không có nghĩa là bạn không thể chuẩn bị cho nó. Nhiều vị thánh đã sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của họ, và hàng ngày chuẩn bị cho cái chết.
Do đó, Thánh Robert Bellarmine, một nhà thần học người Ý vào thế kỷ 16, năm 1619 đã viết một chuyên luận về Nghệ thuật chết lành, trong đó ngài giải thích cách chuẩn bị cái chết lành, không chỉ khi cái chết sắp đến mà còn và trên hết là khi chúng ta khỏe mạnh. “Ai có đời sống tốt sẽ có cái chết lành”, đó là câu ngạn ngữ của Thánh Bellarmin đã lưu truyền từ bao thế kỷ nay.
Tác giả cảnh báo: “Chúng ta phải nhớ trong đầu, sẽ rất nguy hiểm nếu cứ trì hoãn cho đến chết để không chịu hoán cải từ tình trạng tội lỗi sang đời sống đức hạnh: hạnh phúc hơn cho những ai bắt đầu mang ách của Chúa ‘khi còn trẻ’ như lời tiên tri Giê-rê-mi đã nói”. Đúng vậy, không bao giờ quá sớm để trở lại, sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng chúng ta có thể trì hoãn việc này một ngày trễ hơn. Theo Thánh Bellarmin: “Sự trở lại của chúng ta bắt đầu từ hôm nay, vì đời sống đẹp của chúng ta phụ thuộc vào cái chết lành của chúng ta.” Ngài nói tiếp: “Và để biết cái chết đẹp này, chúng ta phải chết cho thế giới. Điều cần thiết là chúng ta phải chết trong thế giới trước khi chết trong cơ thể mình. Tất cả những người sống trên thế giới đã chết cho Chúa. Trước hết chúng ta phải chết cho thế giới để sống cho Chúa.”
Nhưng điều đó có nghĩa gì?
Tân Ước có nhiều câu nói giải thích, chúng ta phải chết vì tội lỗi để được sống trong Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phải chìm đắm trong cái chết khi rửa tội để bước vào cuộc sống mới. Nếu chúng ta muốn có một cuộc sống tốt đẹp, chúng ta phải bỏ xu hướng tội lỗi của mình. Ngoài cuộc sống đức hạnh, một trong những chìa khóa để có một cái chết lành là tách mình ra khỏi những điều trần tục. Vì vậy Thánh Bellarmin nói với chúng ta: “Mọi người giàu trên thế giới này phải biết, sự giàu có họ đang sở hữu không phải là của riêng của mình. Họ chỉ là người quản lý.”
François Bal: “Tội lỗi lớn của xã hội là phân phối của cải không công bằng”
Rất khó để đưa nguyên tắc này vào thực tế vì sự giàu có thường tạo tâm lý chiếm hữu ích kỷ. Chúng ta thích giữ tiền bạc và của cải vật chất cho lợi ích của mình hơn là chia sẻ với người khác. Theo quan điểm của người tín hữu kitô, sự giàu có nên được xem như ơn của Chúa vì lợi ích của tất cả mọi người. Chúng ta chỉ là người được giao ký gởi khi chúng ta còn sống trên đời và chúng ta sẽ phải trả lại khi chúng ta qua đời. Vì vậy, dù chúng ta có thể chết bất cứ ngày nào, nhưng ngày hôm nay chúng ta hành động để khi thời gian đến, nó sẽ đẹp nhất có thể.
Marta An Nguyễn dịch