ĐTC Phanxicô: Các linh mục hãy sẵn sàng giải tội, với tâm hồn quảng đại
Từ hơn 30 năm nay, mỗi năm Toà Ân giải Tối cao đều tổ chức các khoá học về Toà trong – về vấn đề lương tâm, trong toà giải tội cũng như khi linh hướng, để giúp chuẩn bị cho các vị giải tội ý thức tầm quan trọng của thừa tác vụ trợ giúp các hối nhân.
Sứ vụ trao ban lòng thương xót
Mở đầu bài nói chuyện, Đức Thánh Cha nhắc lại Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng”, Giáo hội đi ra rất mong muốn trao ban lòng thương xót, sau khi cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa Cha và sức mạnh lan toả của lòng thương xót” (số 24). Theo ngài, có sự ràng buộc không thể tách rời giữa ơn gọi truyền giáo của Giáo hội và việc trao ban lòng thương xót cho mọi người. Giáo Hội luôn luôn diễn tả “căn tính lòng thương xót” bằng những phong cách khác nhau trong các thời đại khác nhau, hướng đến cả thân xác lẫn linh hồn, với mong muốn con người được cứu rỗi toàn diện.
Linh mục sẵn sàng ban bí tích Hoà giải
Do đó, Giáo hội không thể không chú ý đến việc thực thi đức bác ái mục vụ, điều được thể hiện cách cụ thể và nổi bật qua sự hoàn toàn sẵn sàng của các linh mục, khi thi hành thừa tác vụ hòa giải.
Đức Thánh Cha giải thích: “Sự sẵn sàng của cha giải tội được thể hiện trên hết là ‘chào đón mọi người mà không thành kiến’, vì chỉ có Chúa mới biết ân sủng có thể làm gì trong tâm hồn, vào bất cứ lúc nào; lắng nghe anh chị em bằng đôi tai của trái tim, bị tổn thương như trái tim của Chúa Kitô; ban phép giải tội cho hối nhân, quảng đại ban phát ơn tha thứ của Thiên Chúa; đồng hành với hành trình sám hối, với các tín hữu, với sự kiên nhẫn và cầu nguyện liên lỉ.”
Ngài nói thêm rằng “Nếu lòng thương xót là sứ mạng của Giáo hội, thì chúng ta phải tạo điều kiện để càng nhiều tín hữu đến với cuộc gặp gỡ yêu thương này càng tốt.” Ngài mời gọi quan tâm ngay từ xưng tội lần đầu của các trẻ em cho đến những nơi chữa bệnh và đau khổ.
Xưng tội cá nhân là cuộc gặp gỡ với Lòng Chúa Thương xót
Đức Thánh Cha cũng nhắc rằng “trong một số trường hợp, việc cử hành cộng đồng được đề cao, nhưng không bỏ việc xưng tội cá nhân như hình thức cử hành bí tích thông thường.” Xưng tội cá nhân được đề cao vì là con đường đưa đến cuộc gặp gỡ cá nhân với Lòng Chúa Thương xót, nơi Thiên Chúa an ủi từng tội nhân với lòng thương xót của Người.
Hồng Thủy – Vatican News