Tin tứcGiáo Hội hoàn vũ

Linh mục Ardura: Charles de Foucauld là “thánh bảo trợ cho những người bắt đầu lại”

by phanxico

Linh mục Ardura: Charles de Foucauld là “thánh bảo trợ cho những người bắt đầu lại”

Chân phước Charles de Foucauld (sinh tại Strasbourg, nước Pháp 15 tháng 9 năm 1858 – tạ thế tạiTamanrasset, Algeria, ngày 1 tháng 12 năm 1916)

Cuộc đời của chân phước Charles de Foucauld được đánh dấu qua việc trở lại chớp nhoáng khi ngài 27 tuổi, mở đầu cho một quá trình trở lại nội tâm sâu đậm của người sĩ quan hoang phí.

Linh mục Bernard Ardura, dòng Thánh Norbert, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử, cáo thỉnh viên án phong thánh cho chân phước Charles de Foucauld. Trước tiên, cha nhấn mạnh đến thời sự tính thông điệp thiêng liêng của Charles de Foucauld, người đã viết “Chúng ta làm điều tốt, không phải dựa trên thước đo những gì chúng ta nói và những gì chúng ta làm, nhưng trên thước đo là con người thật của chúng ta” (Charles de Foucauld, Lời khuyên thiêng liêng). Linh mục Bernard Ardura giải thích cho chúng ta hiểu thế nào chân phước là hình ảnh gương mẫu cho người tín hữu kitô ngày nay.

Ngày 15 tháng 5 sắp tới, tín hữu sẽ có thể cầu nguyện với thánh Charles de Foucauld như một vị thánh, ngài đã được Đức Bênêđíctô XVI phong chân phước ngày 13 tháng 11 năm 2005. Được giáo dục trong đức tin công giáo, khi còn trẻ, sĩ quan kỵ binh theo thuyết bất khả tri, đi theo các đam mê của mình, là nhà thám hiểm, rồi sau khi gặp Thiên Chúa của Lòng Thương Xót, ngài vào dòng Trappe để cuối cùng là ẩn sĩ ở sa mạc Sahara, tận hiến đời mình cho mọi người: nhân cách và hành trình của nhân chứng Phúc Âm này, có thể nói là phong phú và không phải là không gặp khó khăn.

Phỏng vấn cha Bernard Ardura

Điều mà Đức Phaolô VI và Đức Phanxicô đưa ra ánh sáng cho thấy Charles de Foucauld là người của tình huynh đệ. Ngày hôm nay, một lần nữa, chân phước nói với chúng ta, nếu không có tình anh em phổ quát này, cuộc sống chúng ta không những không còn ý nghĩa, mà sự tồn tại của chúng ta cũng bị đe dọa rất nhiều. Ngày nay, việc phong thánh này là một may mắn cho Giáo hội, và không chỉ cho Giáo hội, mà còn cho xã hội, vì trong thời điểm chúng ta sống những tuần vừa qua cho thấy một bối cảnh hoàn toàn ngược lại với tình huynh đệ, mà bối cảnh này như đã thắng và vượt lên trên.

Charles de Foucauld là người trong suốt cuộc đời đã tỏa ra một tình yêu không giới hạn. Ngài phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa.

Tôi nghĩ ngài mời gọi chúng ta, tín hữu kitô nói riêng hãy trở thành  chứng nhân của tình yêu này. Theo nghĩa này, việc phong thánh đến đúng lúc, vì đã bị trì hoãn do đại dịch, lẽ ra đã được phong thánh hai năm trước. Đúng, đây là thông điệp tuyệt vời về tình huynh đệ, tình huynh đệ không chỉ là hoạt động từ thiện, nhưng là tình huynh đệ dựa trên tình yêu của Thiên Chúa với chúng ta, yêu thương tất cả mọi người, những người khác biệt chúng ta và những người chúng ta thấy đó là anh em của mình.

Cha là cáo thỉnh viên án phong thánh của chân phước Charles de Foucauld. Điều gì đã ghi dấu ấn đặc biệt cho cha khi cha theo dõi chứng nhân Tin Mừng này?

Linh mục Bernard Ardura: Điều nổi bật là khi ngài nói về chính sự hoán cải của ngài. Trên thực tế, đó không phải là hoán cải theo nghĩa chúng ta thường hiểu, vì ngài đã được rửa tội rồi. Đó là hoán cải theo nghĩa Thánh I-Nhã cảm nhận. Với ngài, hoán cải này là một sự tái bắt đầu. Khi đến tuổi thiếu niên, Charles không còn thấy mình trong các biểu hiện đức tin của tuổi thơ. Đó là lý do vì sao khi 27 tuổi, ngài viết “trong 12 năm tôi đã sống mà không tin vào bất cứ một điều gì và không tin vào bất cứ ai”. Sau đó, tại nhà thờ Thánh Augutinô ở Paris, một Thiên Chúa của lòng thương xót, của tha thứ đã mang lại cho cha ý nghĩa cho sự tồn tại, cho phẩm giá của cha. Từ đó, cha hiểu rằng, Thiên Chúa của tình yêu này là người mà trọn đời cha sẽ thuộc về. Tôi nghĩ đây là yếu tố rất quan trọng trong cuộc đời của Charles de Foucauld. Tôi có thể nói, ngài là thánh bổn mạng cho những người bắt đầu lại. Những người đã dần dần bỏ đạo và có khi bỏ cả đức tin, để rồi một ngày nào đó khám phá lại đức tin.

Theo tôi có một khía cạnh khác cũng rất quan trọng. Đức Bênêđíctô XVI đã nhắc nhở chúng ta, đức tin không truyền do chiêu dụ nhưng do lôi cuốn, hấp dẫn. Charles de Foucauld là nhà truyền giáo, một nhà truyền giáo không rao giảng vì ngài không có tín hữu. Nhà truyền giáo làm rạng rỡ lòng nhân từ của Chúa qua cách cha sống, cách cha cư xử với những người cha gặp. Người cả đời luôn chào đón, cởi mở với tất cả.

Cha vừa đề cập đến Đức Bênêđíctô XVI, xin cha cho chúng tôi biết mối liên hệ nào giữa Đức Phanxicô và chân phước Charles de Foucauld?

Tôi nói với Đức Phanxicô lần đầu là trong dịp ngài chúc lễ Giáo triều: “Tôi nghĩ chúng ta có một phép lạ cho việc phong thánh chân phước Charles de Foucauld”, ngài nói với tôi: “Vậy thì xin cha tiến hành công việc này, thật là quý, tôi muốn phong thánh cho ngài”. Sau đó, tôi gởi cho ngài ấn bản tiếng Ý quyển sách tiểu sử Charles de Foucauld của tác giả Pierre Sourisseau viết. Lễ Giáng Sinh tiếp theo ngài đã tặng quyển sách này cho những người có trách nhiệm trong Giáo triều.

Chúng ta không nên quên lúc đó Thông điệp Tất cả anh em Fratelli Tutti đã kết thúc và ngài đã thêm một đoạn giải thích rõ chân phước Charles de Foucauld là “người anh em phổ quát”.

Rôma như thế nào dưới mắt của chân phước Charles de Foucauld?

Dưới mắt ngài cũng như với bất cứ tín hữu kitô nào, Rôma là điểm quy chiếu bắt buộc, mang một tính cách nổi bật, và có lẽ còn có khuynh hướng tự chủ, luôn sống trong sự tuân phục hoàn toàn. Vâng lời giám mục của mình, vâng phục tổng trấn Sahara, và do đó tuân theo các chỉ thị của Đức Thánh Cha.

Chẳng hạn khi chúng tôi nhận ra và xúc động khi biết ở Rôma Charles de Foucauld đã cử hành thánh lễ mà không có ai, cha giữ Mình Thánh Chúa trong nhà nguyện, nhưng không có ai và cảm động khi nghĩ nếu “cha bệnh hoặc chết thì chuyện gì sẽ xảy ra cho Mình Thánh Chúa?”. Sau đó cả hàng tháng cha không thể cử hành thánh lễ, không thể giữ Mình Thánh Chúa gần nơi cha chầu hàng giờ. Charles de Foucauld tác giả của đức vâng lời mà trong thời gian ở trong quân đội cha hoàn toàn không như vậy. Sự trở lại, sự trở về với Chúa làm cho cha mở lòng ra để đón nhận ơn sủng, vì thế cha đã được tình yêu của Chúa biến đổi từ nội tâm theo cách để từ đó cha là Người Mục tử nhân từ.

Charles de Foucauld bây giờ sắp là thánh, nhưng các thánh nào đã truyền cảm hứng và là người hướng dẫn cho cha?

Chắc chắn đã có những vị thánh đánh động cha, cả khi cha không biết. Dù sao cha rất kính mến thánh bổn mạng Charles Borromeo của cha. Nhưng tôi nghĩ khi đọc lại tiểu sử của cha, cha có những câu, những thành ngữ làm chúng ta nghĩ ngay đến Thánh Augutinô. Thánh Augutinô cũng là người đã được trở lại. Ngài đi từ thờ ơ, từ thuyết bất khả tri đến giữ đức tin một cách tuyệt đối phi thường. Đó là lý do vì sao Charles de Foucauld là một mắc xích. Ngài là một mắc xích và vì thế ngày nay chúng ta hướng về ngài. Khía cạnh hiệp thông các thánh này hiện diện trong suốt cuộc đời của cha.

Tôi nghĩ việc phong thánh này cho chúng ta cơ hội để đổi mới nội tâm trong cách sống đức tin. Cha đã nhận các bài học về giáo lý, về tôn giáo của cha xứ Huvelin, người đã nói với Charles: “Hãy quỳ xuống và xưng tội” trước khi cho rước lễ. Tôn giáo của chúng ta không phải là tôn giáo của sách, của những bài học kinh nghiệm. Đó là tôn giáo của Một Đấng, Chúa Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế để chia sẻ thân phận con người, để cứu chuộc và để mở Nước Trời cho chúng ta.

Với những ai không biết chân phước, cha sẽ có lời khuyên nào để họ đến với chân phước?

Tôi khuyên họ nên đọc quyển Tiểu sử Charles de Foucauld 1858-1916 (Charles de Foucauld, 1858-1916), của tác giả Pierre Sourisseau được nhà xuất bản Cerf ấn hành năm 2016. Chúng ta có thể đi theo ngài dễ dàng và nhận ra, ngài bẩm sinh không phải là thánh, Người đã thành thánh khi để ơn Chúa làm việc trong ngài, quảng đại hợp tác với ơn được ban đã biến đổi ngài theo nghĩa đen, từ người quân nhân dạn dày, vô kỷ luật, người không đủ tiền để thỏa mãn tất cả những đam mê của mình đến người hoàn toàn hiến dâng, hoàn toàn quên mình giữa những người nghèo nhất trong sa mạc Sahara, và đã để lại một dấu chỉ rất mạnh, dấu chỉ tình huynh đệ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài viết liên quan

Back to top button