Tin tứcGiáo Hội hoàn vũ

“Nếu chỉ có một người tốt…”: nhà văn Edith Bruck kể lại tình bạn giữa bà và Đức Phanxicô

Phỏng vấn. Nhà văn người Ý 91 tuổi, người thân cận với nhà văn do thái Primo Levi, bà là người sống sót của trại diệt chủng người do thái, bà kể lại tình bạn giữa bà với Đức Phanxicô.

lejdd.fr, Marie-Laure Delorme, René de Ceccatty, 2022-11-16

Đi qua một thế kỷ. Sinh năm 1931 tại Hungary, bà là một trong những nhân chứng vĩ đại cuối cùng của cuộc Diệt chủng người do thái. Cả gia đình bà bị đưa đến trại tập trung Auschwitz năm 1944. Bà là người sống sót, bà để cả đời để làm chứng cho các thế hệ trẻ. Bà Edith Bruck ít được biết ở Pháp, nhưng bà là một tượng đài ở Ý. Bà là tác giả quyển Bánh mì bị mất (Pain perdu), bà là thi sĩ, bà kể lại trong một quyển sách ngắn và cảm động cuộc gặp của bà với Đức Phanxicô.

 

Quyển sách “Phanxicô là tôi” (C’est moi François) và nhà văn Edith Bruck. © Isabella De Maddalena / opale.photo

Bà giới thiệu bà với một người bà không quen biết như thế nào?

Bà Édith Bruck: Là người bận tâm lo lắng cho sự thiếu tình người ở bất cứ đâu và với bất cứ ai.

Bà là con gái của mẹ bà và cha của bà như thế nào?

Tôi nghĩ tôi là con gái của mẹ hơn là cha, ông hiếm khi ở nhà. Ông luôn xoay xở để kiếm bánh mì cho chúng tôi, gia đình chúng tôi đông con. Mẹ tôi là người phụ nữ nghiêm khắc, tốt lành và trung thực. Tôi nghĩ tôi thừa hưởng rất nhiều ở bà, ngoại trừ đức tin mù quáng mà tiếc thay tôi không có.

Bà đã yêu ông Nelo Risi, chồng của bà như thế nào?

Ah… tại sao và làm thế nào tôi lại yêu Nelo Risi? Tôi không biết. Nhưng vừa gặp ông năm 1957, tôi đã muốn lấy anh. Ngay lập tức. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Nhưng ngay khi tôi nhìn thấy anh, đầu gối tôi qụy xuống. Tôi nhìn thẳng vào mắt anh và nghĩ: tôi muốn có người này cho đời tôi. Một cuộc gặp sét đánh. Một điều gì đó đã làm tôi giao động sâu đậm. Chỉ đơn thuần là sự hiện diện của anh, cả khi tôi chưa biết tên anh hoặc anh làm gì. Tôi hoàn toàn không biết gì về anh. Anh từ Trung quốc của Mao Trạch Đông về. Cùng với bốn người bạn chung, tôi được mời đi ăn tối với anh sau buổi thuyết trình của anh. Tôi quan sát đôi chân rung rung của anh dưới gầm bàn, đôi bàn tay biểu cảm cũng như khuôn mặt của anh. Với tôi, anh là người đẹp nhất tôi chưa từng thấy. Tim tôi đập rất mạnh. Ngay chiều tối hôm đó, chúng tôi đã bắt đầu hẹn hò. Anh ngồi đối diện tôi. Anh mời tôi ăn giăm bông. Tôi trả lời tôi không ăn giăm bông. Anh hỏi tôi tại sao. Tôi nói tôi là người do thái. Anh hiểu ngay. Anh xuống tinh thần vì chắc anh nghĩ tôi đã bị trục xuất. Mối quan hệ của chúng tôi bắt đầu. Chúng tôi không ở chung ngay, và sau nhiều năm sống chung và sau vài năm bên nhau, chúng tôi làm đám cưới năm 1966.

Năm mươi năm chung sống hay sáu mươi năm chung sống, bà chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi?

Tôi luôn hạnh phúc với anh, cho đến ngày cuối cuộc đời của anh, sau mười năm anh bị bệnh Alzheimer. Và tôi hạnh phúc khi được chăm sóc anh. Những năm tháng bệnh tật của anh có lẽ lại là những năm tháng hạnh phúc của tôi, vì tôi chưa bao giờ cảm thấy mình được cần, mình là người không thể thiếu như vậy. Giữ cho anh ấy sống là một món quà tuyệt vời của tôi. Giống như giữ lại mạng sống cho cha mẹ tôi, những người tôi đã mất khi tôi 13 tuổi. Khi mình biết về một con người – vì không ai biết tường tận về một con người, thậm chí không thể biết hoàn toàn về chính mình – tôi nghĩ anh là người trung thực nhất tôi chưa từng gặp. Người đàn ông thuần khiết nhất, trong sạch nhất, minh bạch nhất. Với những khiếm khuyết của anh, như bất kỳ ai. Nhưng anh đặc biệt trung thực về mặt đạo đức và xã hội. Anh là nhà lưu giữ tài liệu vĩ đại, một nhà thơ lớn, một nhà làm phim vĩ đại. Rất dấn thân. Người ta nói về anh, anh là nhà thơ của người dân. Anh đã sống hơn năm năm ở Pháp. Anh dịch thơ của những nhà thơ lớn của nước Pháp. Anh luôn làm những gì anh muốn làm. Anh là người tự do nhất mà tôi được biết, dù tôi không phải lúc nào cũng tán thành con đường anh đi. Nhưng anh đòi hỏi tự do của mình. Có lẽ anh đã rất may mắn khi có người vợ như tôi! Dù đôi khi tôi phải chịu đựng rất nhiều.

“Những năm tháng bệnh tật của anh có lẽ lại là những năm tháng hạnh phúc của tôi, vì tôi chưa bao giờ cảm thấy mình được cần, mình là người không thể thiếu như vậy.”

Thi ca mang lại điều gì cho cuộc sống?

Thi ca nói lên những vấn đề cá nhân, xã hội, thế giới. Một vần thơ có thể nói nhiều hơn cả một quyển sách, một quyển tiểu thuyết. Theo tôi, làm thơ cũng có thể là một cách nổi dậy. Nó có thể mang tính cách mạng. Thơ không chỉ nói về tình yêu. Ngay cả những bài thơ tình cũng có thể tuyệt vời, vì chúng không bao giờ là tầm thường khi chúng là tác phẩm của những tác giả lớn. Thơ là công cụ của một tự do tuyệt vời. Đó là tiếng kêu, là nổi dậy, là thể hiện nỗi đau, là tố cáo một bất công. Tôi đang nói về thơ dấn thân. Thơ cao cả cũng như âm nhạc tuyệt vời. Từ khi tôi còn nhỏ, từ khi tôi biết đọc, tôi đã yêu sâu đậm cách diễn tả của thơ. Thay vì cầu nguyện buổi tối, tôi thì thầm đọc một bài thơ. Đó là diễn tả cao nhất của con người.

Vì sao bà thích dịch thơ?

Tôi dịch nhiều nhà thơ Hungary vì đó là một phần truyền thống của chúng tôi. Tôi biết các tác giả như Attila Jószef, Miklós Radnóti hoặc Gyulla Illyés đã được dịch ra tiếng Pháp. Tôi thích dịch, vì tôi muốn người khác có thể đọc những nhà thơ vĩ đại này. Những tác giả này nên được dịch sang tất cả các ngôn ngữ trên thế giới. Đây là một nhiệm vụ tuyệt vời, nhưng cũng là một nhiệm vụ rất khó khăn. Rất khó. Khi bạn làm xong, bạn muốn làm lại từ đầu, vì mình không bao giờ hài lòng với kết quả. Nelo Risi chồng tôi đã dịch nhiều nhà thơ Pháp sang tiếng Ý, anh gõ ngón tay lên bàn để tìm nhịp điệu gốc của bài thơ và anh làm việc hàng giờ, hàng giờ trong căn phòng thu âm của anh. Đó là một trách nhiệm vô cùng lớn đòi hỏi nhiều thời gian. Nhưng khổ thay, người ta không sống nhờ dịch, nhờ làm thơ! Và phải tìm một cách khác để kiếm sống. Chồng tôi đã làm một cuốn phim về thi sĩ Rimbaud, vì tình yêu. Ai mà không yêu nhà thơ đáng nguyền rủa này? Nhà thơ Pháp đầu tiên tôi đọc cũng là nhà thơ đáng nguyền rủa khác: François Villon. Tôi vẫn giữ nguyên tập thơ của ông trong tám mươi năm. Nó đã hư cũ, nhưng nó vẫn ở đó!

Câu chuyện của quyển sách, Phanxicô là tôi là gì?

Vào đầu năm, Đức Phanxicô đã đọc “Thư gởi cho Chúa” trên tờ Il Messaggero, ở phần cuối quyển Bánh mì bị mất. Sau đó ngài đọc bài phỏng vấn tôi trong L’Osservatore Romano của một nữ ký giả, bà hỏi tôi nghĩ gì về ngài. Tôi trả lời: “Ngài là người, theo đúng nghĩa cao thượng, cao quý nhất của từ này.” Ngài bị đánh động. Ngay lập tức, ngài nói với giám đốc tờ báo Vatican ngài muốn gặp “Bà Bruck” này. Giám đốc trả lời: “Tôi sẽ đưa bà đến gặp cha.” Nhưng ngài phản đối: “Ông không hiểu ý tôi. Tôi muốn đến nhà bà.” Và cuộc hẹn được lên lịch bốn hoặc năm ngày sau đó. Tôi rất vui và bồn chồn, cùng với cháu gái Deborah và bà Olga, thư ký của tôi. Chúng tôi hỏi lui hỏi tới: “Bây giờ ăn mặc làm sao đây, chào hỏi làm sao đây?” Đúng là một buổi tập kịch. Ba chúng tôi vừa vui mừng vừa ngạc nhiên chờ đợi.

“Ngài là người, theo đúng nghĩa cao thượng, cao quý nhất của từ này.”

Rồi cuối cùng ngày 23 tháng 2 năm 2021 cũng đến. Khi tôi thấy bóng dáng toàn màu trắng của ngài ở cánh cửa mở, tôi nghĩ ngay đến món kẹo bông! Món kẹo ngày xưa tôi rất thích. Ngài cười, ngài dang rộng tay. Tôi không thể nói được và tôi đã bật khóc. Tôi không biết vì sao tôi khóc. Nhưng tôi rất xúc động. Khi đi trên hành lang dài trong căn hộ, ngài nói: “Thở đi, thở sâu đi.” Và ngài ở lại với tôi hai giờ. Ngài xin tha thứ. Với Holocaust, với Shoah của người do thái tử vì đạo. Và sau đó ngài nói, ngài thật sự ngưỡng mộ những gì tôi đã làm ở các trường học. Và ngài biết ơn tôi.

Bà viết một quyển sách có dễ không?

Quyển sách ra đời một ít thời gian sau đó. Tôi đã rất xúc động. Những cảm xúc sâu đậm, cũng như những vết thương lớn luôn thôi thúc tôi viết sách. Tôi không thể viết về sự kiện đặc biệt này. Khi nghĩ về lý do vì sao tôi khóc ngay khi nhìn thấy ngài bước vào nhà, cùng lúc, tôi cảm thấy mình có lỗi, vì ngay lập tức ngài làm tôi vui và tôi làm ngài vui. Đó là cuộc gặp rất đặc biệt, rất chân thành và sống động. Ngài là người rất nồng hậu. Giống tôi. Nếu tôi có thể ôm hôn được cả thế giới, tôi sẽ hôn. Nhưng chúng ta không thể. Đó là cuộc gặp của hai hình thức nhân loại giống nhau. Một cách nội tâm. Và ngài cũng vậy, trong ngài có một đứa bé. Cũng giống như trong tôi.

“Khi tôi thấy bóng dáng toàn màu trắng của ngài ở cánh cửa mở, tôi nghĩ ngay đến món kẹo bông!”

 Vì sao bà có mặc cảm tội lỗi khi cảm nhận tình bạn bà dành cho Đức Phanxicô?

Đó còn hơn cả tình bạn. Nhưng điều làm tôi bận tâm hơn hết, đó là ý nghĩ về sự đàn áp kéo dài hàng thế kỷ của Giáo hội chống lại người do thái. Và “phải lòng” giáo hoàng làm nảy sinh trong tôi một cảm nhận có lỗi. Còn ngài, ngài hiểu điều đó ngay lập tức, còn hơn tôi. Nhưng chúng tôi không điều khiển được cảm xúc. Đó là một cảm xúc thu hút rất nồng ấm về phần tôi với ngài và về phần ngài với tôi. Đó là tình cảm chân thực giữa chúng tôi. Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi tự nhiên hôn nhau. Cả hai chúng tôi đều biết điều đó.

Tại sao sự thúc đẩy này lại hướng tới giáo hoàng Phanxicô, với ngài mà không phải với người khác?

Ngài là một giáo hoàng khác biệt. Khi tôi gặp Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI là tôi gặp trong hội đường. Không có gì giống với một giáo hoàng đến nhà bà. Ở đó không gì khác hơn là một lời chào, một bắt tay. Nhưng khi một giáo hoàng quyết định đến nhà, khi ngài nhấc gót đi là ngài muốn gởi một thông điệp rất quan trọng, một thông điệp gởi đến toàn thế giới. Thêm nữa, năm phút sau khi ngài đi, tôi nhận điện thoại khắp nơi gọi về. Vì họ biết ngay giáo hoàng đến nhà tôi để xin dân tộc do thái tử đạo tha thứ. Vì thế, nó có một ý nghĩa nền tảng với thế giới. Như vậy ngài hoàn toàn khác biệt so với các giáo hoàng khác. Chắc chắn, các giáo hoàng khác đã cầu xin tha thứ cho tất cả những gì đã xảy ra trong nhiều thế kỷ. Nhưng về cơ bản, thông điệp của họ vẫn nằm trong các bức tường của hội đường. Và không phải ngẫu nhiên mà báo chí khi đó có ít tiếng vang về chuyện này. nhưng khi Đức Phanxicô đến nhà tôi, ngài đã có trong đầu làm sao khuếch đại tiếng vang của cử chỉ này bằng cách biến nó trở nên quốc tế, toàn cầu. Đó là lý do vì sao ngài đến nhà tôi. Nếu không, tôi đã đến Vatican. Nhưng ngài muốn mang một thông điệp quan trọng đến cho toàn thế giới kitô giáo, và ngay cả cho phần còn lại của nhân loại.

“Phải lòng” giáo hoàng làm cho tôi cảm thấy có lỗi”

Bà giải thích thế nào về sự thành công của quyển sách Phanxicô là tôi ở Ý?

Đầu tiên, khó có thể giải thích được thành công này với quyển Bán mì đã mất. Thành công nói chung là khi nó xảy ra với bất kỳ nhà văn nào. Trong quyển sách này, tôi muốn quay ngược lại đời sống của tôi, đảo ngược lại. Với phản xạ nhiều hơn, sáng suốt hơn. Tôi muốn hồi tưởng lại nỗi đau của mình, nhưng với một khoảng cách xa hơn, khách quan hơn, vì thế tôi cảm thấy có khả năng phân tích với những gì đã xảy ra cho cô bé 13 tuổi ngày đó. Cho đến thời hậu chiến. Nhưng đứa bé này không thể nhận ra chính mình trong thành công lớn này, trên thảm đỏ cuộn dưới chân mình. Nó giống như một ngôi sao rơi xuống mình. Tôi không biết mô tả như thế nào. Thêm nữa, không ai có thể giải thích được. Chính tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy có nhiều độc giả thích, tôi không nghĩ đó là quyển sách hay nhất của tôi. Chắc chắn quyển sách này được thích hơn những cuốn khác. Nhưng không một nhà văn nào có thể hiểu vì sao trong những quyển sách của mình, quyển này tốt hơn những quyển khác.

Điều gì đã xảy ra trong việc công chúng đón nhận quyển sách?

Có thể Covid đã làm cho mọi người sợ chết và điều này làm cho độc giả cảm nhận rõ hơn nỗi đau của tôi. Cảnh tượng kinh hoàng của hàng trăm chiếc quan tài trước cửa bệnh viện trong trận đại dịch chắc chắn đã nâng cao nhận thức của cộng đồng về những gì tôi mô tả. Tôi nhớ trong thời gian cách ly, khi tôi ra đường trong bầu khí tuyệt đối im lặng, thật đáng sợ. Đó là thời điểm mà chúng ta có thể bị đau và chết chỉ trong một đêm, giống như trong các trại tập trung. Đó là khoảnh khắc kinh hoàng trên cả thế giới. Nhưng tất nhiên tôi không muốn nói có thể so sánh Covid với Shoah. Tôi chỉ đơn giản nói giai đoạn sợ hãi, tang tóc, chết chóc này đã khơi dậy một hiếu kỳ nào đó và một nhu cầu hy vọng. Trong thời kỳ tăm tối, chúng ta phải hy vọng. Hy vọng không bao giờ được chết. Khổ thay cho ai để hy vọng chết. Chúng ta cần nuôi dưỡng điều tốt chứ không phải điều xấu trên thế giới. Nuôi dưỡng điều tốt. Và để cho điều xấu chết đói.

Đối với quyển sách Phanxicô là tôi, tôi nghĩ quyển sách được mong đợi vì tôi là người do thái. Và ngài là giáo hoàng. Mọi người đều muốn biết đâu là mối quan hệ của chúng tôi, như thử đây là quyển sách tầm phào. Nhưng đó là quyển sách về cuộc gặp của hai người thương nhau. Ngay từ khi họ gặp nhau. Vì thực tế từ sự khác biệt của họ. Một người là giáo hoàng công giáo và tôi là người do thái sống sót sau các trại tập trung đã khơi dậy sự quan tâm nơi mọi người. Không nghi ngờ gì nữa, tôi phải nói, gần đây, qua sự cởi mở của chính tôi, thế giới công giáo trở nên gần gũi hơn với người do thái và học cách mở lòng hơn. Ngay cả các linh mục cũng hôn tay tôi… Nói thật, với tôi, tình cảm này không chỉ liên quan đến tôi, nhưng với những gì tôi viết trong sách để chống lại phân biệt chủng tộc, chống lại thù hận. Tôi nói, nhờ Chúa tôi bỏ qua được thù hận và điều này đã đánh động nhiều độc giả. Và như giáo hoàng đã nói, tôi không mang lại sức mạnh, nhưng mang lại hy vọng. Từ vực sâu âm u nhất, có ánh sáng và mình phải bám vào chút ánh sáng le lói này. Mặc, dù cho có cả trăm người xấu nhưng có một người tốt. Vì người này mang lại hy vọng và một ý chí quyết sống. Tôi yêu cuộc sống. Và cuộc sống là chiến thắng.

Marta An Nguyễn dịch

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button