Tin tứcGiáo Hội hoàn vũ

NHỮNG LÝ DO ĐỂ HY VỌNG TRONG NĂM MỚI

Cha Timothy Radcliffe, OP: Những Lý Do Để Hy Vọng Trong Năm Mới

Christophe Henning

WHĐ (08.01.2023) – Linh mục Timothy Radcliffe, nguyên Bề trên tổng quyền Dòng Đa Minh (1992-2001)là nhà giảng thuyết và tác giả có sách bán chạy nhấtVào tháng 10.2023, Đức giáo hoàng Phanxicô đã chọn ngài hướng dẫn cuộc tĩnh tâm cho 363 tham dự viên khoá họp thứ nhất của Thượng Hội đồng về hiệp hành để thảo luận tương lai của Giáo hội Công giáo.

Bước vào năm mới 2024, Cha Timothy Radcliffe đã dành cho phóng viên Christophe Henning của báo La Croix cuộc phỏng vấn độc quyền trong đó cha giải thích lý do tại sao – ngay cả trong thời điểm khó khăn hiện tại – chúng ta vẫn có lý do để hy vọng và khuyến khích đừng từ bỏ niềm khao khát hạnh phúc vô biên của mình.

 

La CroixTheo cha, thế nào là hy vọng?

Cha Timothy Radcliffe: Trong các Tổng hội của Dòng Đa Minh mà tôi là thành viên, chúng tôi luôn nhận thấy sự khác biệt hấp dẫn giữa văn hóa “Latin” và văn hóa “Anglo-Saxon”. Văn hóa Latin thường bắt đầu cuộc thảo luận bằng việc xác định các thuật ngữ. Còn những người Anglo-Saxon chúng tôi thì thấy rằng sẽ hiệu quả hơn nếu để cho ý nghĩa trọn vẹn của các từ dần dần lộ ra.

Vì vậy, tôi rất vui vì bạn trung thành với di sản văn hóa Pháp của mình! Và, để giữ phép lịch sự, tôi phải đề xuất một điều: đối với Kitô hữu, hy vọng hệ tại ở việc tin rằng chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc viên mãn mà chúng ta khao khát, đó chính là Thiên Chúa.

La CroixTrong cuộc tĩnh tâm vào tháng 10 năm ngoái với các tham dự viên Thượng Hội đồng, cha đã suy niệm câu Niềm Hy vọng chống lại hy vọng. Đó chẳng phải là hơi điên rồ, liều lĩnh, và táo bạo khi hy vọng chống lại mọi hy vọng sao?

Cha Timothy Radcliffe: Trái lại, tôi sẽ nói rằng thật kỳ lạ – thậm chí là điên rồ – nếu KHÔNG hy vọng vào hạnh phúc vô biên này. Con người đôi khi được đánh động bởi sự khao khát tình yêu vô bờ bến, vô điều kiện. Nếu chúng ta chối bỏ điều này và xem hy vọng như một ảo tưởng, thì chúng ta đang nói rằng cốt lõi của nhân loại chúng ta là sự giả dối.

Tôi tin rằng khao khát sâu xa của con người về hạnh phúc bất tận này, mà đôi khi tất cả chúng ta đều cảm thấy, là điều chân thực nhất. Hy vọng vào điều đó tức là đang sống trong thế giới thực. Trẻ em biết điều này. Tôi hy vọng rằng sự giáo dục không phá hủy niềm hy vọng này, vốn là cốt lõi thâm sâu của nhân loại chúng ta.

La CroixThế giới hiện đang bị rung chuyển bởi các cuộc xung đột ở Palestine và Ukraine. Làm sao người ta lại không lo lắng và không bị ảnh hưởng bởi bầu khí chiến tranh này? Chẳng ai có thể thờ ơ được

Cha Timothy Radcliffe: Tất nhiên là không thể! Sẽ là một cớ vấp phạm nếu vẫn cứ dửng dưng. Điều khó khăn là chúng ta thường thấy bạo lực trên các phương tiện truyền thông đến mức thật dễ để thoát khỏi thực tế của nó và nghĩ rằng tất cả những bạo lực chỉ là một trò chơi, như thể các cuộc chiến tranh trên thế giới chỉ là những trận bóng chày vô hại. Giá như chúng ta có thể thoáng thấy được sự khủng khiếp thực sự của chiến tranh, chúng ta sẽ khóc thảm thiết và nỗ lực hết sức vì hòa bình.

Tôi đã xem đoạn video về một người lính trẻ Nga bị máy bay không người lái truy đuổi. Anh ấy nhận ra đã đến tận số và tự bắn vào miệng mình. Tôi đã khóc suốt một tiếng đồng hồ.

La CroixNhững lý do để lo lắng cũng liên quan đến khủng hoảng khí hậu. Liệu nhân loại vẫn có thể cứu được hành tinh của chúng ta chăng?

Cha Timothy Radcliffe: Điều này xứng đáng nhận được một câu trả lời rất dài! Tôi chỉ muốn nói một cách đơn giản rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến hành động phá hoại của chúng ta đó là lầm tưởng rằng chúng ta phải theo đuổi sự phát triển vô tận. Đây là một ảo tưởng. Chúng ta cần một mô hình mới về một nền kinh tế lành mạnh.

Vấn đề thứ hai đó là chính trị và kinh doanh tập trung vào sự ngắn hạn – cuộc bầu cử sắp tới, báo cáo tài chính cuối năm, chẳng hạn-. Để đắc cử, các chính trị gia buộc phải hứa những điều họ không thể thực hiện được. Do đó, mỗi chính trị gia đều là một đấng thiên sai giả.

Ít nhất ở Anh, các đảng phái chính trị lớn luôn khẳng định rằng đảng kia không đáng tin cậy. Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy của các chế độ độc tài. Chắc chắn chúng ta cần đổi mới nền dân chủ có trách nhiệm ở địa phương, trong đó chúng ta được đào tạo về tinh thần trách nhiệm chung.

La CroixLàm sao để chúng ta tránh được nỗi sợ hãi trong một thế giới bị bạo lực bao trùm?

Cha Timothy Radcliffe: Cảm thấy sợ hãi trong một thế giới nguy hiểm là điều hết sức tự nhiên. Can đảm không có nghĩa là không sợ hãi mà là không trở thành tù nhân của sự sợ hãi. Một số người dũng cảm nhất mà tôi biết là những người dù sợ hãi nhưng vẫn làm những việc cần phải làm.

Tôi nghĩ đến Yvon Pomerleau, một tu sĩ Đa Minh người Canada, đã dám liều mạng trở về Rwanda trong thời kỳ xảy ra nạn diệt chủng. Quân đội đến cộng đoàn của chúng tôi để tìm Pomerleau: tất cả các anh em phải nằm xuống đất, bị thẩm vấn để tiết lộ tung tích của anh ấy. Pomerleau kể với tôi rằng anh ở đó, run rẩy vì sợ hãi, nhưng anh đã không bỏ chạy. Đó là sự dũng cảm đích thực.

Thần học gia Herbert McCabe dòng Đa Minh đã nói: “Nếu bạn yêu, bạn sẽ bị tổn thương, thậm chí bị giết. Nếu bạn không yêu, bạn đã chết rồi”.

Đúng vậy, chúng ta sẽ bị tổn thương, nhưng Chúa Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ và cho họ thấy những vết thương của Người. Chúng ta là anh chị em của Chúa bị thương tích, và những vết thương của chúng ta là dấu chỉ cho thấy chúng ta đã dám sống và chia sẻ niềm hy vọng của Người.

La CroixLàm sao chúng ta có thể tin tưởng khi đối diện với một tương lai bấp bênh?

Cha Timothy Radcliffe: “Tin tưởng” là một từ đẹp. Nó có nghĩa đen là “cùng nhau tin tưởng” – con-fidens trong tiếng Latin. Chúng ta không hy vọng một mình nhưng trong cộng đoàn đức tin.

Khi tôi hoài nghi, người khác có thể có đủ tự tin để hỗ trợ tôi. Khi họ mất hy vọng, tôi có thể giúp họ. Vì vậy, tương lai càng nguy hiểm thì chúng ta càng phải cấp bách cùng nhau tìm kiếm công ích chứ không phải tự nhốt mình vào sự sống còn của bản thân.

La CroixVậy thì việc đặt niềm tin cậy nơi Chúa là nơi nương náu hay là lối thoát?

Cha Timothy Radcliffe: Tôi có vinh dự lớn lao được sống với những người như Chân phước Pierre Claverie, vị tử đạo ở Algeria năm 1996. Ngài đã cống hiến cả cuộc đời để đối thoại với những người bạn Hồi giáo của mình. Ngài biết mình sẽ bị giết, nhưng ngài đối diện với tương lai với niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, và ngài đã mang đến cho chúng tôi, anh em, chị em, và bạn bè của mình niềm tin tưởng.

Tôi cũng nghĩ đến Albert Nolan, một tu sĩ Đa Minh đã can đảm đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng.

Thật là khích lệ khi được sống với những người phải đối diện với những căn bệnh khủng khiếp và cuối cùng là cái chết với lòng can đảm và niềm vui.

La CroixChúng ta có thể tìm thấy niềm hy vọng ở đâu? Từ cầu nguyện? Từ sự gặp gỡ người khác? Hay t việc đọc Tin Mừng?

Cha Timothy Radcliffe: Mọi thứ đều có thể góp phần để có được niềm hy vọng! Thánh Oscar Romero sợ chết, nhưng ngài không bị nỗi sợ hãi đó đánh bại vì ngài là người cầu nguyện sâu xa và thầm lặng với Chúa. Cầu nguyện là nền tảng của cuộc đời ngài. Mọi điều ngài nói đều bắt nguồn từ đó.

Với những người bạn thân nhất của mình, chúng ta có thể im lặng, và do đó, nói sâu sắc hơn và được dẫn đến sự thinh lặng thậm chí còn sâu xa hơn nữa. Một trong những ký ức quý giá nhất của tôi có lẽ là những khoảnh khắc ở bên bạn bè trong thinh lặng, trước sự hiện diện của vẻ đẹp, và với ly rượu trên tay!

La CroixNhững quyết tâm trong năm mới của cha là gì?

Cha Timothy Radcliffe: Tôi muốn nghe nhạc nhiều hơn. Tôi tin rằng âm nhạc là điều cần thiết trong việc tìm kiếm hòa bình và hòa hợp của chúng ta. Âm nhạc mở ra cánh cửa dẫn tới sự siêu việt. Cuộc sống của tôi thường là một cuộc đua điên cuồng khi tôi cố gắng làm trăm công nghìn việc. Tôi cần dành nhiều thời gian hơn cho âm nhạc.

Đây cũng là sự chuẩn bị tốt cho vĩnh cửu, có lẽ không xa lắm đâu!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Nguồn: hdgmvietnam.com

Bài viết liên quan

Back to top button