Nữ tu Nathalie Becquart: “Con đường của Thượng hội đồng không được vạch ra trước”
Nữ tu Nathalie Becquart, Phó Tổng thư ký Thượng hội đồng nói về một trong năm thượng hội đồng cấp châu lục sơ tham dự ở Châu Đại Dương từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 2. Sơ nhấn mạnh, Giáo hội cần thích ứng với các nền văn hóa địa phương.
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-02-13
Ảnh: Nữ tu Nathalie Becquart tại thượng hội đồng Châu Đại Dương tháng 2-2023
La Croix: Sơ nhớ gì về tuần lễ Thượng Hội đồng Châu Đại Dương sơ tham dự, từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 2 ở Fiji?
Nữ tu Nathalie Becquart: Tôi ấn tượng với ba chủ đề được chọn cho công việc này và được các giám mục trong khu vực hướng dẫn, họ thường gặp nhau bốn năm một lần. Đặc biệt, chúng tôi đã suy nghĩ về sự kiện “trở thành một Giáo hội hiệp hành”, và về việc đào tạo sẽ được thực hiện để hoàn thành sứ mệnh. Nhưng ở đây chúng tôi thấy vấn đề sinh thái cực kỳ mạnh, với chủ đề xoay quanh việc chăm sóc đại dương.
Vùng này có lẽ cũng là nơi có Giáo hội trẻ nhất thế giới, nơi các nhà truyền giáo vẫn hiện diện. Một số hòn đảo đã được truyền giáo vào những năm 1950, ngay trước hoặc sau Công đồng Vatican II. Họ không phải là người thừa kế 1.500 hay 2.000 năm lịch sử: ngày nay các cuộc tranh luận ở đây rất khác so với những gì đang diễn ra ở phần còn lại của thế giới. Các nhóm dân cư bản địa hiện diện rất đông với các lễ kỷ niệm được đánh dấu bằng ý thức hội nhập văn hóa tuyệt vời.
Sơ có cảm thấy mất kết nối với cách giải quyết vấn đề so với những nơi khác trên thế giới không?
Đối với chúng tôi, những người đến từ Rôma, chúng tôi thấy đây là một Giáo hội trẻ. Những mối quan tâm không khác lắm với những nơi khác, nhưng được thể hiện với một cường độ khác. Chúng tôi thấy điều này khi thảo luận về hệ sinh thái: trong một tuần, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến và nghe chứng từ của nạn nhân các vụ xói mòn và nước dâng. Người dân ở Châu Đại Dương đang trải qua giai đoạn biến đổi khí hậu rất dữ dội. Họ có mối liên hệ rất chặt chẽ với vùng đất này, mất đất đồng nghĩa với việc mất bản sắc. Thật kinh khủng. Động lực của tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo đã hiện diện suốt cả tuần trong các bài suy tư.
Thượng hội đồng: đại hội đã tạo điều kiện để “nhìn thẳng vào Giáo hội Âu châu”
Rõ ràng là Giáo hội mở ra trong một nền văn hóa địa phương, trong khi chúng ta thường có tầm nhìn rất châu Âu về Giáo hội. Một trong những yêu cầu được bày tỏ ở đây là đưa ra một thần học Châu Đại Dương, một dấu hiệu cho thấy sự cần thiết phải neo giữ Giáo hội trong thực tế địa phương.
Các cách tiếp cận khác nhau như vậy sẽ được tích hợp như thế nào sau tiến trình đồng nghị?
Còn quá sớm để nói. Chúng ta phải xem những gì nổi lên ở đây và ở những nơi khác. Công cụ làm việc sẽ được xây dựng tiếp theo và sẽ mang lại tiếng nói của Giáo hội ở các lục địa khác nhau, với những gì mang chúng ta lại gần nhau và những gì làm chúng ta khác biệt.
Điểm chung của tất cả các thượng hội đồng cấp châu lục là thể hiện nhu cầu của Giáo hội, quan tâm đến nỗi đau và tiếng kêu của người dân. Điều này đúng ở Lebanon với nghèo đói, ở Thổ Nhĩ Kỳ với trận động đất, ở Châu Đại Dương với những mối đe dọa của biến đổi khí hậu. Nhưng chắc chắn con đường thượng hội đồng này không được vạch ra trước. Rõ ràng điều này có thể làm chúng ta sợ, làm chúng ta không cảm thấy thoải mái, đó là chuyện bình thường, đó là trường hợp của tất cả các quá trình tâm linh.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch