Tin tứcGiáo Hội hoàn vũ

Tổng giám mục Pierre d’Ornellas:

“Tôi mơ Đức Phanxicô sẽ mời Tổng thống Macron đến thăm một đơn vị chăm sóc xoa dịu”

Tổng thống Emmanuel Macron sẽ đến Rôma ngày 23 và 24 tháng 10, tổng giám mục giáo phận Rennes, người đứng đầu Ủy ban đạo đức sinh học của Hội đồng Giám mục Pháp, hy vọng chủ đề về cuối đời sẽ thảo luận khi Đức Phanxicô tiếp tổng thống Emmanuel Macron.

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2022-10-21

Tổng giám mục D’Ornellas trong một hội nghị về đạo đức sinh học tại Viện Bernardins ở Paris 16 tháng 9 năm 2019. François Guillot / AFP FRANÇOIS GUILLOT / AFP

Trong chuyến hành hương Rôma với phái đoàn giáo phận từ ngày 17 đến ngày 22 tháng 10, tổng giám mục Pierre d’Ornellas, giáo phận Rennes, người đứng đầu Ủy ban đạo đức sinh học của Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) đã có vài lời với Đức Phanxicô cuối buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 19 tháng 10 về đại hội công dân và cuộc tranh luận về giai đoạn cuối đời ở Pháp. Ngài nhìn lại cuộc gặp ngắn này và báo động về các vấn đề và nguy cơ thay đổi luật pháp.

Cha đã chào giáo hoàng sau buổi tiếp kiến ngày 19 tháng 10: cha có thể nói với ngài về mối quan tâm của cha về cuộc tranh luận về cuối đời sẽ mở ra ở Pháp không?

Tổng giám mục Pierre d’Ornellas: Đó là cuối buổi tiếp kiến chung khi hàng chục người sắp hàng tiếp nhau để chào ngài, vì vậy thời gian trao đổi rất ngắn. Tôi chỉ có thể nói được một câu: “Thưa Đức Thánh Cha, ở Pháp chúng tôi đang tranh luận về cuối  đời, chúng tôi phải tôn trọng sự sống của mỗi người. Ngài gật đầu đồng ý và vẫy tay khích lệ. Theo tôi, ngài đã được thông báo về những gì đang xảy ra.” (Thật ra vào ngày thứ sáu 21 tháng 10, trước một nhóm dân biểu   miền Bắc nước Pháp đến gặp ngài, ngài cũng đã đề cập đến việc chăm sóc xoa dịu và cảnh báo chống lại một đạo luật hợp pháp hóa an tử).

Tự tử nhờ hỗ trợ, bước ngoặt chiến lược của Vatican với đạo đức sinh học

Ngày thứ hai tổng thống sẽ gặp giáo hoàng. Cha mơ họ sẽ nói gì với nhau?

Tôi mơ thấy Đức Phanxicô và tổng thống Emmanuel Macron dành thì giờ để thảo luận về chủ đề này. Tôi mơ giáo hoàng sẽ mời tổng thống ở lại phòng chăm sóc xoa dịu, để ông có thời gian lắng nghe nhóm chăm sóc và nắm tay từng người đang ở giai đoạn cuối đời. Ông sẽ khám phá sự phong phú của nhân loại, không phải là một loại start-up khởi xướng một công trình, nhưng là một kho tàng của trí tuệ. Các nhóm chăm sóc này không có lý thuyết cao siêu nhưng trong thực tế, họ có một khôn ngoan phi thường, dù họ cũng mang trong lòng khía cạnh dễ tổn thương của mình.

Không phải dễ để tháp tùng người nào đó trong vài ngày cho đến khi họ qua đời. Nhóm chăm sóc không che giấu cảm xúc của họ, họ đón nhận, họ chấp nhận và họ cố gắng hiểu cảm xúc của chính mình, của bệnh nhân và của gia đình. Có một phẩm chất của con người nơi những chi tiết nhỏ nhất mới là quan trọng. Đó luôn là đồng hành cho cả một đời, dù đoạn đường này ngắn và khiêm hèn. Một nguyên tắc chú ý cao cả: “Tôi sẽ không bao giờ bỏ bạn.” Một ngày nọ, tôi nói câu này với một người lớn tuổi, họ nắm tay tôi, trong ánh mắt sâu thẳm, họ hỏi tôi: “Có thật không?” Khi đó tôi mời một cô trợ tá chăm sóc đến, cô lặp lại câu này với bà. Sau đó bà yên lòng, thoải mái, rất tự tin như thể cuối cùng bà hiểu mình có thể tin tưởng. Đó không phải cuộc gặp giữa một người am hiểu và người yếu đuối, nhưng giữa hai người cùng mong manh trong nét đẹp của một tình người đầy nhân ái và có ý nghĩa.

Với việc chăm sóc xoa dịu, chúng ta chạm đến nét đẹp của con người. Liệu Nhà nước có nâng đỡ nét đẹp này để tháp tùng đến cùng không? Tôi hy vọng như vậy và tôi hy vọng Đức Phanxicô, người rất nhạy cảm với văn hóa gặp gỡ, sẽ tìm ra lời để nói điều này với tổng thống Macron.

Cha nghĩ gì về cách tranh luận sẽ được tiến hành ở Pháp?

Tôi đã gặp bà Agnès Firmin Le Bodo, Bộ trưởng Y tế, và tôi nói với bà, cuộc tranh luận này nên làm theo tinh thần dân chủ, đặc biệt là khi nền dân chủ không được thực hiện tốt ở Pháp. Tuy nhiên, để cuộc tranh luận này thực sự mang tính dân chủ, những người phụ trách nó phải tính đến tất cả các khía cạnh của vấn đề, và họ không được chỉ là những người hay những thể chế (kinh tế, xã hội và môi trường…), những người làm tất cả để người khác biết mình ủng hộ an tử. Và đã làm dấy lên một mối nghi ngờ rất chính đáng.

Tôi hy vọng tất cả không phải là điều đã tính trước. Ước mong của tôi là chúng ta không chỉ có thể lắng nghe tranh luận và lý luận mà còn có thể đồng ý với nhau. Tôi nói về “đối thoại” với bà Bộ trưởng, không phải thảo luận vì nó bao gồm việc lắng nghe lẫn nhau, không tuyên bố nắm giữ sự thật, nhưng cùng nhau tiến lên phía trước để tìm ra những gì tốt nhất cho lợi ích chung của mọi người, không chỉ dành cho một nhóm nhỏ.

 Và cha có cảm thấy cha được… nghe không?

Bộ trưởng nêu ra ba chủ đề. Bà nói rất nhiều về phát triển chăm sóc xoa dịu, về khủng hoảng Covid-19, và khắc phục tình trạng của những người chết một mình, không có người đi cùng. Nhưng có một điều làm tôi ngạc nhiên, bà giữ im lặng ở câu hỏi về quyền tự do cá nhân của những người yêu cầu an tử. Như thể còn điều gì đó không nói lên được, một nỗi khó chịu. Tôi rút ra kết luận, đặc biệt chúng ta phải dám nói về chủ đề này, bằng cách xem xét vấn đề đạo đức một cách sâu đậm, không chỉ theo chủ nghĩa thực dụng, cảm tính cá nhân hoặc các trường hợp cụ thể.

Những người ủng hộ an tử và tự tử nhờ hỗ trợ thường trích dẫn các trường hợp cụ thể về tình huống đau khổ tột cùng để ủng hộ lập trường của họ…

Đúng vậy. Họ tạo ảnh hưởng trên cảm xúc tập thể, điều mà cựu bộ trưởng Tư pháp Robert Badinter tố cáo. Tôi cũng biết về những trường hợp cụ thể do những người chăm sóc kể lại, họ nêu lên ví dụ của những người đến để xin được chết, họ nghe lý do xin chết, sau đó người này yên tâm khi biết mình sẽ kết thúc cuộc đời cách bình yên và mong muốn được sống trọn vẹn thời gian còn lại của mình. Chúng tôi cũng đã nghe những tình huống cụ thể này! Tôi muốn nói thêm một điểm: trong số các ví dụ thường được trích dẫn để biện minh cho an tử, nhiều người quan tâm đến những người, như bà Chantal Sébire (bị một khối u không thể chữa khỏi và phản đối việc tự tử, bà đã xin Nhà nước cho an tử năm 2008), bà từ chối chăm sóc xoa dịu.

Đức Phanxicô: “Không thể yêu cầu người chăm sóc giết bệnh nhân của họ”

Triết lý của luật chăm sóc trong xã hội chúng ta là gì?

Luật ngày 4 tháng 3 năm 2002 quy định, chính bệnh nhân là người quyết định “với” các chuyên gia y tế về việc chăm sóc. Điều này đánh dấu một bước ngoặt, theo nghĩa là sự cân bằng được tìm thấy trong mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Vì “với” có nghĩa là “hợp tác trị liệu” theo công thức cao cả của triết gia Paul Ricoeur. Và sau đó là thực hành tính tập thể. Bác sĩ không còn bị cô lập, ông cùng với người khác đưa ra quyết định, không phải để áp dụng đúng quy trình pháp lý, nhưng để cùng nhau phân biệt điều gì là tốt nhất cho bệnh nhân, cho sức khỏe của họ. Đây là trách nhiệm lớn lao của những người chăm sóc.

Tôi tham dự các cuộc họp nhóm, với bác sĩ, với y tá, với ban điều hành, với người chăm sóc, đôi khi với các tuyên úy, nhà trị liệu nghệ thuật, người cắt tóc, v.v. Và cùng nhau, nhóm những người chăm sóc này tìm cách hiểu các triệu chứng, tìm những gì tốt nhất để giúp bệnh nhân cách tốt nhất. Sự phân biệt mang tính tập thể này thật đáng khâm phục! Theo tôi, qua cơ quan trung gian của những người chăm sóc, họ lần với người bệnh để người bệnh cảm thấy bình an hơn, không loại khả năng phải dùng thuốc an thần, vì đó cũng là chăm sóc. Nó có thể không liên tục và có thể đảo ngược nhưng ít khi dùng liên tục và nhiều cho đến chết.

Y học còn có nhiệm vụ hỗ trợ gia đình, giải thích và giúp đỡ. Triết lý chăm sóc này rất đáng quý trong xã hội và sẽ rất tốt cho cuộc tranh luận để xem xét tất cả những điều này, khuyến khích, bắt buộc chính phủ phải hướng tới chất lượng này, y học tập thể, với sự cộng tác của bệnh nhân. Hơn nữa, một khuyến nghị từ Hội đồng Châu Âu nói rằng chăm sóc xoa dịu là “điều cần thiết đối với y học”.

Cha nghĩ sự nguy hiểm của luật hỗ trợ tự tử là gì?

Điều này sẽ làm hỏng sự chăm sóc như tôi vừa phác thảo. Thật vậy, một trong những mối nguy hiểm lớn là dựa vào một ý tưởng sai lầm về quyền tự chủ, được cho là tuyệt đối, sẽ làm cho bác sĩ bị cho là người cung cấp dịch vụ, dù họ được đào tạo, nhưng lại là người thừa hành khi đối diện với tự do. Chúng ta đi ra khỏi “với” của luật năm 2002. Chúng ta sẽ rời triết lý đề cập ở trên, khi một cơ quan trung gian thực hiện trách nhiệm của họ theo cách tập thể, để bước vào quy trình giải trách nhiệm khi đối diện với tự do cá nhân bị bỏ lại vì quyền tự chủ của họ bị xem là vô hình.

Triết lý này là sai lầm vì con người là một thực thể quan hệ. Ngay khi chúng ta tồn tại là chúng ta đặt mình trong mối quan hệ. Nhu cầu quan hệ không phải là điểm yếu hay sự tấn công vào quyền tự chủ của chúng ta, mà ngược lại, nó đảm bảo chất lượng của chính sự tự chủ chúng ta, chúng ta sống trong sự tùy thuộc vào nhau, nơi chúng ta tôn trọng nhau để có thể lắng nghe nhau trong sự thật, trong việc thể hiện các quyền tự do của chúng ta. Tóm lại, tôi có thể thực hiện quyền tự do của mình nhiều hơn vì tôi biết tôi được nhiều người hỗ trợ. Một người yếu đuối và đặt mình vào nhóm chăm sóc sẽ không thiếu quyền tự chủ, nhưng họ đã tự do quyết định rằng sự phụ thuộc lẫn nhau là tốt cho họ. Họ đảm nhận họ cần người khác, và qua đó là sự hữu hạn của họ, là người phải chết như mọi người. Đảm nhận thực tế này là điều kiện của tự do thực sự. Nếu tôi muốn kiểm soát mọi thứ, làm chủ mọi thứ, tôi không đảm nhận thực tại người phàm của tôi và liên hệ với người khác. Tôi ở trong ảo tưởng. Chúng ta không đưa ra luật cho những chuyện viển vông!

Nhưng theo thăm dò, phần lớn người Pháp dường như ủng hộ…

Các thăm dò! Chúng ta để họ nói những gì chúng ta muốn nói. Mọi người đều rộng lượng và bao dung, và không ai thích đau khổ. Và khi hỏi họ có muốn ngừng đau khổ hay không, họ đồng ý, và điều đó đúng. Giáo hội, từ Đức Piô XII, và vào năm 1980 trong một chỉ thị của Bộ Tín Lý, quy định rằng cần phải chấm dứt việc trị liệu không ngừng và tránh đau đớn bằng thuốc giảm đau. Đó là điều hiển nhiên. Nhưng nếu người ta nói cách duy nhất để xóa đau đớn là triệt đi người bị đau, thì các cuộc thăm dò đều đồng ý. Mặt khác, nếu chúng ta nói chúng ta có khả năng xoa dịu đau khổ bằng cách đồng hành, bao bọc qua chăm sóc xoa dịu, thì mọi người sẽ ủng hộ chăm sóc xoa dịu. Câu hỏi nào người dân được hỏi trong các cuộc thăm dò này?

Tôi cũng sợ lập luận tài chính đè nặng, nó thiếu trung thực và thậm chí là phiến diện. Tại sao chúng ta không phát triển dịch vụ chăm sóc xoa dịu để mỗi khoa đều có ít nhất một đơn vị, và tất cả các viện dưỡng lão đều liên kết với một phòng khám hoặc y tá có bằng về chăm sóc xoa dịu? Khi đó chúng ta mới có thể nói đến việc chết yên lành ở Pháp, theo luật ngày 9 tháng 6 năm 1999 quy định tất cả người dân Pháp có quyền được chăm sóc xoa dịu, kể cả những người mắc các bệnh kinh niên mà sinh mạng không bị nguy hiểm. Đây là chỉ thị của báo cáo Sicard năm 2012 ghi rõ chăm sóc xoa dịu phải bắt đầu khi chăm sóc trị bệnh bắt đầu. Và đó là lỗ hổng trong Thông báo 139 của CCNE, cho rằng trong “ngắn hạn” thì chăm sóc xoa dịu là phù hợp, nhưng trong “trung hạn” thì phải an tử hay trợ tử bằng tự tử là cần thiết. Thật là vô lý!

Thường thường người công giáo bị chỉ trích vì chống an tử do “xác tín tôn giáo”…

“Chớ giết người” có trước luật tôn giáo. Đó là luật đã được viết trong lương tâm con người. Chúng ta có một ví dụ đương đại với cựu bộ trưởng Tư pháp Robert Badinter. Ông phản đối án tử hình, khi đa số người dân Pháp còn ủng hộ, và ông không ngừng bày tỏ sự phản đối của mình với an tử. Triết gia Paul Ricoeur đã dành thời gian suy ngẫm để cuối cùng nhận ra, từ quan điểm đạo đức, chúng ta không thể thực hành an tử. Ông hiểu con đường đạo đức xứng đáng với lý trí: “Sống cho đến chết” không phải bằng cách bất chấp tất cả để sống sót, nhưng qua một dự án cuộc đời, dù ngắn ngủi và nhờ vào mối quan hệ.

Chúng ta không thể ép đồng loại của mình thực hiện một hành động chết với mình. Một tổ chức con người không thể tổ chức việc viết toa chết cho người đang sống. Đó là một vấn đề của lý trí. Triết gia Emmanuel Levinas giới thiệu quyển sách của Renée Sebag-Lanoë về chăm sóc xoa dịu. “Khuôn mặt” của người khác, qua tính khác biệt và tính siêu việt của nó, thể hiện “chớ giết người” trước mọi luật lệ tôn giáo nào. Qua nhiều thế kỷ, chúng ta đã có được những tiến bộ đáng kể trong việc đi đến kết luận, mỗi con người đều có phẩm giá bất khả xâm phạm, nhưng nếu bỏ phiếu an tử hoặc tự tử được hỗ trợ, đó sẽ là bước đi lùi. Tệ hơn nữa, đó là thất bại của xã hội chúng ta. Vì như thế có nghĩa là chúng ta không thể đồng hành cùng anh chị em mong manh của mình. Tất cả chúng ta, mỗi người ở cấp của mình, ngay cả ở cấp cao nhất của Nhà nước, chúng ta phải làm nổi bật một dự án xã hội dựa trên tình huynh đệ.

Marta An Nguyễn dịch

Bài viết liên quan

Back to top button