Để đồng hành với trẻ nữ tuổi thanh thiếu niên
Vào năm 2021, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, Học viện tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên Hoa Kỳ, và Hiệp hội bệnh viện nhi đã cùng tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” khi nói đến sức khỏe tâm thần của trẻ em. Một năm sau, các tổ chức lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về những khó khăn mà các trẽ nữ ở tuổi teen gặp phải.
Tương tự, vào mùa thu năm 2021, chương trình Khảo sát Rủi ro Thanh thiếu niên (The Youth Risk Survey), tiến hành 2 năm một lần, đã thực hiện khảo sát đối với 17.000 thanh thiếu niên trung học trên khắp Hoa Kỳ. Theo Washington Post, chương trình này đã phát hiện ra rằng tỷ lệ các vấn đề về sức khỏe tâm thần đã tăng lên kể từ năm 2011. Sự đồng thuận chung giữa các chuyên gia là việc phong tỏa trong thời gian đại dịch covid-19 đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Theo báo cáo mới nhất vào ngày 13. 02. 2023 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Hoa Kỳ (CDC – Centers for Disease Control and Prevention), thì các bé gái tuổi teen cảm thấy buồn bã hoặc tuyệt vọng dai dẳng vào năm 2021—gấp đôi so với các bé trai và là mức cao nhất được báo cáo trong thập niên qua. Một cách cụ thể, gần 1/3 nữ sinh trung học báo cáo rằng các em nghiêm túc cân nhắc việc tự tử, tăng gần 60% so với một thập niên trước.
Những số liệu thống kê này tuy được thực hiện tại Hoa Kỳ, nhưng phần nào cho thấy một viễn cảnh chung và thực sự là điều đáng lo ngại và đòi hỏi sự quan tâm từ phía gia đình để giúp đỡ các em.
Câu hỏi có thể được đặt ra là: Liệu những bậc cha mẹ có nhìn thấy điều này đang diễn ra ở con gái tuổi teen của họ không? Nếu có, thì họ có thể làm gì?
Dưới đây là 5 cách, như là những gợi ý, để bậc cha mẹ có thể đồng hành với trẻ nữ trong độ tuổi này.
1. Dành thời gian thường xuyên hơn cho con
Cuộc sống hiện đại có nhịp sống bận rộn, và nhiều khi cả bố và mẹ cùng phải làm việc nhiều giờ bên ngoài. Đã đến lúc cha mẹ hãy nhìn lại xét lại xem mình dành bao nhiêu thời gian cho con cái.
Tuổi teen là thời điểm phát triển nhạy cảm và trẻ ở độ tuổi này cũng cần cha mẹ nhiều như trẻ nhỏ, chỉ là theo những cách thế khác nhau. Do đó, cha mẹ hãy cố gắng lắng nghe và lưu tâm đến những mối quan tâm của trẻ – đừng coi nhẹ và tầm thường hóa những gì có thể quan trọng đối với chúng. Ngoài ra, cha mẹ hãy cân nhắc việc dành thời gian cho trẻ. Một cách cụ thể, là làm sao để thực hiện đều đặn việc ăn tối cùng nhau như một gia đình, dành thời gian cho nhau vào buổi tối, cũng như vào những ngày cuối tuần, nhất là vào Chúa Nhật.
2. Cầu nguyện với trẻ và cầu nguyện cho trẻ
Là những tín hữu, chúng ta đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của lời cầu nguyện. Cầu nguyện mang lại sự bình an và là cách thế để mời Chúa vào cuộc sống và các tình huống của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho và cầu nguyện với con gái tuổi teen của mình. Bình thường, chúng ta có thói quen cầu nguyện với trẻ nhỏ, nhưng khi con lớn hơn, việc cầu nguyện chung bị giảm dần. Chúng ta hãy thử làm lại một cách đơn giản, đó có thể là một lời cầu nguyện trước khi con đi học, vào giờ ăn, hoặc trước khi đi ngủ. Cầu nguyện cùng nhau sẽ nhắc nhở trẻ rằng trẻ có thể hướng về Chúa để được nâng đỡ và chữa lành.
3. Giảm bớt hoặc loại bỏ bất cứ điều gì đang gây ra căng thẳng nhất
Chúng ta có thể lưu tâm tới những vấn đề liên quan đến trẻ, chẳng hạn như:
– Điều gì là độc hại trong cuộc sống của con?
– Những người bạn mà con đi chơi với là ai?
– Mạng truyền thông xã hội?
– Liệu có quá nhiều đòi hỏi trong việc học tập hoặc hoạt động ngoại khóa chăng?
Khi nhìn ra vấn đề, chúng ta có thể can thiệp để giúp trẻ giảm bớt hoặc loại bỏ những gì đang khiến trẻ lo lắng và buồn bã.
4. Tìm các mô hình tích cực và các nhóm nhỏ để kết nối
Việc phong tỏa trong giai đoạn đại dịch covid-19 buộc trẻ phải kết nối ảo nhiều hơn, và giờ đây, trở thành những gì trẻ thấy quen thuộc, ngay cả cảm thấy không thể thiếu. Nhưng thực ra, trẻ tuổi teen rất cần những kết nối thực tế, những mối tương quan, những tiếp xúc xã hội thực sự. Cha mẹ hãy cân nhắc những nhóm sinh hoạt tại giáo xứ, những câu lạc bộ lành mạnh, hoặc những buổi gặp gỡ tại nhà với những người bạn có ảnh hưởng tích cực.
5. Lên kế hoạch cho một hoạt động nào đó có ý nghĩa
Trong lối sống hiện đại, rất nhiều thanh thiếu niên bị lạc hướng và cảm thấy bất an. Đây thực sự là một thế giới khó khăn để trẻ khám phá bản sắc, tìm ra ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Cha mẹ hãy suy nghĩ sáng tạo và lên kế hoạch cho điều gì đó giúp trẻ nữ tuổi teen ra khỏi thói quen thường ngày – chẳng hạn như tổ chức một chuyến dã ngoại, khuyến khích trẻ tham dự những buổi sinh hoạt Công giáo, hoặc đăng ký cho trẻ tham gia hoạt động xã hội, hoặc lớp học nghệ thuật giúp trẻ phát triển tính cách một cách phù hợp.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (17. 02. 2023)
Nguồn: hdgmvietnam.com