Tin Mừng Lc 9, 11b – 17
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng : “ Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa ”. Nhưng Người nói với các ông : “ Các con hãy cho họ ăn đi ”. Các ông trả lời : “ Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này”. Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: “ Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người ”. Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.
Suy Niệm
– Vừa trở về từ bệnh viện, người em hỏi anh mình :
– Anh ơi, hôm nay bác sỹ bảo em mang trong mình nhóm máu O đấy ! Vậy mỗi người có một nhóm máu phải không anh?
– Người anh đáp: Umh ! Mỗi người có một nhóm máu và theo khoa học thì có bốn nhóm máu chính là: A, B, AB và O.
– Thế nhóm máu O thì như thế nào hả anh ?
– Người anh trả lời : Theo nhiều thống kê, đây là nhóm máu phổ biến nhất thế giới với khoảng 37 – 53% dân số thuộc các chủng tộc khác nhau có nhóm máu này . Người có nhóm máy này thì cho được tất cả các nhóm máu khác.
– Vậy là em có thể cho mọi người máu của mình…!
Từ câu chuyện trên chúng ta có thể liên hệ tới đặc tính cho và nhận của bí tích Thánh Thể. Và, hôm nay, Giáo hội mừng kính trọng thể đại lễ MÌNH MÁU CHÚA. Đại Lễ này được cử hành lần đầu tiên vào năm 1246 tại Giáo Phận Lüttich, hay cũng còn được gọi là Giáo phận Liège, nằm tại khu vực miền Bắc nước Bỉ. Vào năm 1264, với Tông Sắc “Transiturus de hoc mundo”, Đức Thánh Cha Urban IV đã ra lệnh phải cử hành Đại Lễ này trên toàn Giáo hội. Nguyên nhân dẫn tới quyết định này chính là Phép Lạ Máu Thánh tại Bolsena vào năm 1263. Hồi ấy, một Linh mục tại Prag (Tiệp Khắc) có tên là Peter, đã nghi ngờ về sự hiện diện đích thực của Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể. Trong lúc dâng Lễ, và sau khi đọc lời Truyền Phép, vị Linh mục này đã cầm lấy Mình Thánh và bẻ ra để trao cho các tín hữu. Khi Mình Thánh được bẻ ra như thế, vị Linh mục này đã thấy những giọt máu rỉ ra từ Mình Thánh. Và ngay trong năm 1263, sự kiện vừa kể đã được Đức Thánh Cha Urban IV công nhận là một phép lạ thực sự. Trong bức Tông Sắc của mình, Đức Urban IV đã viết rằng: “Để củng cố và đề cao Đức Tin chân thật, sau khi cân nhắc cẩn thận, Ta truyền lệnh rằng, ngoài những cuộc tưởng nhớ hằng ngày mà Giáo hội thể hiện đối với Bí Tích rất thánh này, mỗi năm sẽ còn có một Đại Lễ đặc biệt nữa được cử hành vào một ngày nhất định, và cụ thể là vào ngày thứ Năm sau tuần Bát Nhật kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong ngày đó, dân thánh thiện sẽ sốt sắng và mau chóng tập trung lại trong các ngôi Thánh Đường của chúng ta, và tại đó, các bài Thánh Ca sẽ được vang lên bởi các Giáo sĩ và các Giáo dân với trọn niềm vui thánh thiện.” [1]
Tuy nhiên, nguyên nhân đầu tiên dẫn tới việc thiết lập Đại Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa lại chính là cuộc thị kiến của Thánh Nữ Juliana thành Lüttich (khoảng 1192; 5.04.1258). Vị Thánh này là một Nữ Đan Sĩ Dòng Thánh Au-gút-ti-nô. Thánh Nữ kể rằng, trong một cuộc thị kiến xảy ra vào năm 1209, Thánh Nữ đã nhìn thấy mặt trăng bị đốm ở một điểm. Chúa Ki-tô giải thích cho Thánh Nữ biết rằng, mặt trăng tượng trưng cho Năm Phụng Vụ của Giáo hội, đốm đen trên mặt trăng là sự biểu thị cho biết rằng, trong Năm Phụng Vụ vẫn còn thiếu một Đại Lễ, đó là Đại Lễ Kính Bí Tích Bàn Thánh. Sau báo cáo của Thánh Nữ Juliana, Đức Cha Robert I của Giáo Phận Lüttich đã thiết lập Đại Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa cho riêng Giáo Phận mình, và Đại Lễ này được cử hành lần đầu tiên tại đó vào năm 1246. Dưới thời Đức Urban IV, Đại Lễ này đã được cử hành trên toàn Giáo hội. Đại Lễ được Đức Urban IV thiết lập với Tông Sắc Transiturus de hoc mundo, là Đại Lễ đầu tiên được điền vào trong Lịch Phụng Vụ của toàn Giáo hội bởi một Đức Giáo Hoàng.
Trước đó, vào năm 1215, Công Đồng Lateran IV đã giải thích rõ ràng về sự biến thể của Bí Tích Thánh Thể với học thuyết về Transsubstantiatio (Biến đổi bản thể), và nâng học thuyết này lên thành tín điều. Giáo hội Công Giáo dạy rằng, trong Thánh Lễ, hình bánh và rượu, nhờ vào sự biến đổi bản thể, sẽ thực sự trở thành Mình và Máu Chúa Ki-tô, và Chúa Ki-tô hiện diện và lưu lại trong hình bánh và rượu ấy.[2]
“ Chính anh em hãy cho họ ăn ”. Đây là lời mời gọi mà Chúa Giêsu muốn nhắn gửi các môn đệ của Ngài lúc bấy giờ, khi họ vẫn còn theo Thầy trong sứ vụ rao giảng Nước Trời. Hiển nhiên, lời ngõ ý ấy cũng dành cho mỗi người Kitô hữu ngày nay. Bất cứ một phép lạ nào Ngài cũng có thể làm được một mình mà không cần bất cứ tác nhân nào từ con người. Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở đó thì chẳng có gì để nói. Ngài muốn mời gọi sự cộng tác dù rất nhỏ bé của chúng ta. Một sự cộng tác tự nguyện xuất phát từ ước muốn chia sẻ cho người khác. Trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về sự tự hiến và cho đi. Chính Ngài đã tự hiến mạng sống mình, ý chí mình trên thập giá cho Thiên Chúa Cha để cho chúng ta được nhận lãnh ơn cứu độ; thoát khỏi sự ràng buộc của tội lỗi và sự chết; khôi phục thân phận làm con Chúa cho nhân loại. Ngày nay, Ngài vẫn tự hiến luôn luôn trên các bàn thờ thế giới, để ở lại với con người cho đến ngày tận thế. “ Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em ” (1Cr 11,23).
“ Mọi người đều ăn và ai nấy được no nê ”. Phép lạ Chúa Giêsu làm trong trình thuật Tin Mừng của thánh Luca là phép lạ phổ quát. Phép lạ ấy được làm ra vì tất cả mọi người. Những ai hiện diện đều được ăn và ăn no nê. Cũng vậy, Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể là để cho tất cả những ai cần Ngài, đến với Ngài đều được “ăn, uống” no nê. Sự cao quý của bí tích Thánh Thể chính là: Chúa Giêsu sẵn sàng để ở lại với mỗi người đến rước lấy Ngài. Ngài ở lại trong bí tích Thánh Thể và ngự vào lòng mỗi người không tùy thuộc vào cách chúng ta đối xử với Ngài. Dẫu chúng ta có vô ơn, bội nghĩa, chúng ta có thờ ơ, bất kính…Ngài vẫn ở đó. Một sự cho đi không tính toán, không mong nhận lại.
Mỗi người chúng ta hãy cầu xin cho mình ơn đức tin. Ngõ hầu chúng ta có thể tin cách mạnh mẽ vào sự hiện diện sống động, gần gũi, kiên nhẫn của Chúa Giêsu, của Ba Ngôi Thiên Chúa ở trong phép Thánh Thể. Và khi tin như thế, chúng ta sẽ có cung cách, sáng kiến đáp lại tình yêu vô hạn của Thánh Thể Chúa trên cuộc đời chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể ! Con tin, con thờ lạy, con trông cậy, con yêu mến Chúa. Amen.
Nt. Cúc Trắng SLE
[1] http://www.simonhoadalat.com/Phungvu/81LichSuLeMinhMau.htm
[2] http://www.simonhoadalat.com/ Phungvu/81LichSuLeMinhMau.htm