Tin tức

PHÉP LẠ TẠI BLANOT, NƯỚC PHÁP NĂM 1331

 

Ngôi làng Blanot nằm trong một thung lũng hẹp và dài, được những ngọn núi thơ mộng bao quanh. Tuy ẩn khuất vì địa thế, nhưng ngôi làng này lại được Thiên Chúa ưu đãi và tôn vinh bằng một phép lạ Thánh Thể. Bằng chứng của phép lạ này hiện vẫn đang được lưu giữ tại ngôi thánh đường đã xảy ra phép lạ.

Trước khi kể lại phép lạ, tốt nhất nên nhớ lại cách cho rước lễ hồi thế kỷ XIV (hiện nay vẫn còn ở nhiều nơi). Trong thánh lễ, khi đến giờ hiệp lễ, cộng đoàn sẽ đi lên hàng song ngăn cách phần nhà thờ với cung thánh. Sau khi đã lấy chỗ dọc theo chiều dài của hàng song, họ sẽ quì xuống. Cùng lúc đó, hai người giúp lễ cũng đến hàng song, mỗi người quì ở một đầu. Họ sẽ cầm tấm khăn dài treo dọc theo hàng song, ở phía bên cung thánh, mỗi người một đầu và phủ lên hàng song. Cộng đoàn sẽ đặt tay bên dưới tấm khăn ấy. Vị linh mục cầm bình đựng Mình Thánh sẽ đi xuống và cho cộng đoàn rước lễ dọc theo hàng song. Vào thời kỳ phép lạ này xảy ra, làng Blanot đang áp dụng cách cho rước lễ như thế.

Phép lạ xảy ra vào Chúa Nhật Phục Sinh, ngày 31 tháng 3 năm 1331, vào thánh lễ thứ nhất, do linh mục Hugues de la Baume, cha phó của giáo xứ Blanot cử hành. Vì tính cách trang trọng của dịp lễ, nên ngoài các em lễ sinh, còn có hai ông tên là Thomas Caillot và Guyot Besson giúp thêm vào đó. Đến giờ hiệp lễ, hai ông này đến hàng song và lấy chỗ ở hai đầu rồi phủ tấm khăn dài lên hàng song. Các giáo hữu khác cũng đã vào chỗ, đặt tay xuống dưới tấm khăn và chờ đợi vị linh mục.

Một trong những người rước lễ cuối cùng hôm ấy là bà Jacquette, góa phụ của ông Regnaut d’Effour. Vị linh mục trao Mình Thánh vào lưỡi bà rồi quay trở lên bàn thờ. Chính lúc ấy, hai người đàn ông và một vài giáo hữu khác nhìn thấy Mình Thánh rớt khỏi miệng người đàn bà và rơi trên trên tấm khăn phủ tay bà. Khi vị linh mục vừa đặt bình thánh vào nhà tạm, ông Thomas Caillot đến gần và thông báo sự việc cho ngài. Vị linh mục lập tức rời bàn thờ và đi xuống hàng song; nhưng thay vì nhìn thấy Mình Thánh, ngài nhìn thấy một vết máu to bằng Bánh Thánh, rõ ràng Bánh Thánh đã tan trong vết máu này.

Khi thánh lễ kết thúc, vị linh mục đưa tấm khăn vào phòng áo và đặt chỗ vết máu vào chậu nước sạch. Sau khi giặt chỗ máu, và dùng các ngón tay chà nhiều lần vào chỗ ấy, ngài thấy vết máu không nhạt đi và biến mất, nhưng càng lúc càng lan ra và thẫm hơn. Khi lấy khăn khỏi chậu, ngài ngạc nhiên thấy nước đã biến thành máu. Vị linh mục và những người giúp ngài không những kinh ngạc, mà còn hoảng hốt và kêu lên, “Đây là Máu Thánh của Chúa Giêsu Kitô!” Sau đó, vị linh mục lấy một chiếc dao, rửa sạch và cắt lấy phần vải mang dấu máu của tấm khăn. Miếng vải hình vuông này đã được lưu giữ một cách kính cẩn trong nhà tạm.

Mười lăm ngày sau đó, một vị chức sắc của tổng giáo phận Autun là Jean Jarossier đã đến giáo xứ Blanot và khởi sự điều tra. Cùng đi với ngài có cha sở de Lucenay, một đức ông thuộc giáo phận và một viên lục sự của tòa giám mục. Cuộc chất vấn các nhân chứng được thực hiện dưới sự chứng kiến của cha Pierre Osnonout, cha sở giáo xứ Blanot. Các kết quả của cuộc điều tra này được đức tổng giám mục Pierre Bertrant đệ trình lên đức giáo hoàng John XXII, và ngài đã ra một tuyên ngôn chuẩn thuận và ban các ân xá cho những ai đến cử hành thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Blanot. Những bản tài liệu này hiện còn được giữ tại tòa thị sảnh Blanot và được mô tả viết theo một lối viết cổ rất khó đọc.

Các Bánh Thánh còn lại trong bình thánh sau giờ hiệp lễ Chúa Nhật Phục Sinh hôm ấy không được phân phát nữa, nhưng được lưu giữ kính cẩn trong nhà tạm. Nguyên nhân của việc này vẫn chưa rõ, mặc dù người ta cho là vị linh mục muốn tránh khả năng lặp lại điều kỳ diệu trên. Vào năm 1706, những Bánh Thánh này vẫn còn trong tình trạng nguyên vẹn sau 375 năm đã được tôn kính trong cuộc cung nghinh  dài năm tiếng đồng hồ quanh giáo xứ Blanot nhân dịp kỷ niệm phép lạ. Tham dự trong cuộc rước có nhiều đấng bậc và rất đông đảo con chiên trong giáo xứ và những vùng lân cận. Lúc bế mạc cuộc cung nghinh, chiếc bình thánh bằng bạc đựng các Bánh Thánh đã được đặt vào chiếc hộp bằng vàng để cất giữ. Hộp này được cẩn thận đặt vào nhà tạm chính của nhà thờ.

Suốt nhiều năm, những cuộc cung nghinh kỷ niệm và những hoạt động đặc biệt khác đã được tổ chức, nhưng tất cả đều bị gián đoạn khi cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ, vì các kẻ quá khích bạo loạn đã phạm thánh các nhà thờ Công Giáo và cướp đi các đồ vật giá trị.

Vào ngày 27 tháng 12 năm 1793, một nhóm người tạo phản xông vào nhà thờ và cả gan mở cửa nhà chầu. Miếng khăn thấm máu khi ấy được đặt trong một chiếc ống pha lê thực sự đã được trao cho một người trong bọn, nhưng may mắn thay hắn đã vứt lại như một thứ kém giá trị. Sau sự kiện phạm thánh nhà thờ, thánh tích đã được trao cho một giáo hữu đạo đức tên là Dominique Cortet gìn giữ. Trong thời gian tại nhà ông này, thánh tích được tôn kính và bảo quản cẩn thận, tuy nhiên, chiếc ống đã bị bể ở cả hai đầu. Một đầu vỡ là do linh mục M. Lucotte, cha sở giáo xứ Blanot thường hay hôn kính thánh tích và đặt lên mắt các tín hữu. Đầu kia bị vỡ một cách tình cờ khi thánh tích được giấu trong ngăn kéo của một chiếc tủ.

Sau cuộc cách mạng, lúc hòa bình đã được vãn hồi, nhiều người đã được chất vấn về tính cách xác thực của tấm khăn trong chiếc ống pha lê. Mọi người đều nhận thực đó chính là tấm khăn đã từng được giữ tại nhà thờ. Sau khi các vị có thẩm quyền trong Giáo Hội đã thỏa đáng về tính cách xác thực, thánh tích đã được long trọng rước về nhà thờ và đặt trong một chiếc hộp bọc nhung, rồi được giữ trong nhà tạm.

Một thời gian sau đó, người ta đã làm một chiếc ống pha lê mới để đựng thánh tích. Ở hai đầu có những vòng vàng và đồng, với một cây thánh giá ở trên chóp. Chiếc ống, bên trong có tấm khăn có thể được nhìn thấy rõ ràng, được niêm kín và được đặt vào một mặt nhật đặc biệt. Phần đế của mặt nhật được trang trí bằng bốn mảnh men sứ, trình bày các biến cố trong lịch sử của thánh tích.

Hằng năm vào thứ Hai sau lễ Phục Sinh, theo tập quán từ xưa, thánh tích đã được long trọng đem bày kính công khai tại nhà thờ giáo xứ Blanot.

   (Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 17, Regina xb, USA, 2002)

Bài viết liên quan

Back to top button