Gia đình là nền tảng của xã hội
Án Tử, người nước Tề, nổi tiếng là một người thanh liêm và thuỷ chung. Xuất thân từ một gia đình nghèo, Án Tử được vợ hy sinh buôn tảo bán tần để nuôi ăn học. Đỗ đạt làm quan Án tử không bao giờ quên ơn ấy của vợ. Cuộc sống đầy cạm bẫy, ông vẫn một mực trung thành với vợ. Một hôm vua Cảnh Công đến thăm ở lại dùng bữa với Án Tử. Một người đàn bà đã già xuất hiện trong bữa tiệc. Khi Án Tử vừa giới thiệu người đàn bà đó là vợ mình, nhà vua ngạc nhiên đến sửng sốt. Ông đề nghị với Án Tử: “Ôi, vợ khanh trông già lại vừa xấu. Quả nhân có một đứa con gái vừa trẻ vừa đẹp, quả nhân muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao?”.
Án Tử liền trả lời một cách dứt khoát, không chút do dự: “Nội tử của tôi này thật già và xấu. Nhưng chúng tôi đã lấy nhau và ăn ở với nhau bao lâu nay, kể từ khi nàng còn trẻ đẹp. Xưa nay, đàn bà lấy chồng lúc còn trẻ cốt để nhờ cậy lúc già, lấy chồng lúc đẹp để nhờ cậy khi xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi cũng như tôi đã từng nhận sự giúp đỡ của nội tử tôi. Nay, bệ hạ muốn ban ơn mưa móc là tuỳ ở bệ hạ, nhưng xin đừng để tôi phải mang tiếng là ăn ở bội bạc với nội tử của tôi”.
Nói xong Án Tử lạy hai lạy, xin từ chối không lấy con gái của nhà vua.
Gia đình là nền tảng của xã hội. Con người chỉ có thể sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Trong cái nhìn Kitô, thì gia đình là một Giáo Hội nhỏ trong đó đức tin được thông ban và trưởng thành.
Nền tảng để gia đình được đứng vững đó là tình yêu. Nhưng tình yêu không là một cái có sẵn, mà là một giá trị luôn đòi hỏi sự xây dựng và vun xới của con người. Một gia đình hạnh phúc hay không, tất cả đều thuộc ở sự phấn đấu xây dựng từng ngày của con người.
Hai cử chỉ dường như được gắn liền với nhau trong chuyến viếng thăm quê hương dạo tháng 5 năm 1987 của Đức Gioan Phaolô II, đó là: viếng mộ song thân và cử hành thánh lễ đặc biệt cho các đôi vợ chồng.
Cây tốt thường sinh trái tốt: con người của Đức Gioan Phaolô II là hoa trái tình yêu của cha mẹ ngài. Viếng mộ của song thân, Đức Thánh Cha không những muốn nói lên niềm tri ân của ngài đối với bậc sinh thành, nhưng ngài còn muốn đề cao giá trị của đời sống hôn nhân.
Giữa thời đại mà đời sống hôn nhân và gia đình bị lay động đến tận gốc rễ, Đức Thánh Cha muốn gióng lên một tiếng kêu vô cùng thảm thiết: hãy trung thành với nhau.
Trong thánh lễ cầu nguyện cho gia đình, qua đó các đôi vợ chồng hiện diện được mời gọi lặp lại lời hứa trong hôn phối. Đức Thánh Cha đã lặp lại ý nghĩa và giá trị của bí tích Hôn Phối. Ngài nói như sau: “Khi quì gối trước bàn thờ trong ngày cưới, các đôi vợ chồng đã thề hứa trung thành với nhau cho đến cùng. Họ thề hứa với nhau như thề trước mặt Thiên Chúa. Lời cam kết này phản ánh chính lời hứa của Chúa Giêsu rằng Ngài yêu họ và yêu cho đến cùng”.
“Tôi hứa sẽ giữ chung thuỷ với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng em mọ ngày suốt đời tôi”.
Khi tuyên hứa với nhau như thế, hai người đã lặp lại chính lời cam kết của Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương và yêu thương cho đến cùng.
Yêu cho đến cùng nghĩa là chấp nhận cái chết từng ngày. Tình yêu hôn nhân là một hạt giống: có được chôn vùi, có mục nát đi mới sinh hoa kết trái. Luật của đời sống hôn nhân chính là luật của hy sinh, của chiến đấu, của chính sự chết. Nhưng cũng chính khi con người biết chối bỏ chính mình bằng hy sinh, con người sẽ tìm gặp lại chính mình trong người khác. Đó là lẽ sống mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta.
Lẽ Sống