Quyền con người
Ngày 10 tháng 12.
Ngày 10 tháng 12 năm 1948, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã long trọng công bố bản tuyên ngôn quyền con người… Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, cộng đồng thế giới đã đảm nhận trách nhiệm quảng bá và bênh vực quyền của con người như một nghĩa vụ trường kỳ.
Khoản một và hai của bản tuyên ngôn nhân quyền đã khẳng định rằng tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng trong phẩm giá và quyền lợi, và mỗi một cá nhân, không phân biệt chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc dân tộc hay xã hội… đều được hưởng mọi quyền lợi và tự do, được công bố trong bản tuyên ngôn.
Trong 21 khoản đầu của tuyên ngôn, chúng ta có thể kể ra những quyền cơ bản sau đây: quyền được sống, được tự do và được đảm bảo an ninh cá nhân, quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền không bị tra tấn hay chịu những hình phạt độc ác, vô nhân đạo hay chà đạp phẩm giá con người, quyền được bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng, quyền được nại đến sự xét xử của những toà án quốc gia có thẩm quyền, quyền không bị bắt giữ, giam cầm hoặc đày ải trái phép, quyền không bị can thiệp độc đoán vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, quyền được đi lại, quyền được cư trú, quyền được một quốc tịch, quyền được kết hôn và lập gia đình, quyền được sở hữu, quyền được tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do phát biểu, tự do hội họp.
Đó là một số những quyền và tự do cơ bản của con người.
Bản tuyên ngôn nhân quyền đã được công bố một thời gian ngắn sau đệ nthị thế chiến. Thảm kịch của chiến tranh đã cho nhân loại mỗi lúc một hiểu rằng hoà bình chỉ thực sự có khi con người biết tôn trọng những quyền lợi và tự do căn bản của con người. Ngượi lại, nơi nào quyền con người bị phủ nhận và chà đạp, thì cho dẫu không có chiến tranh đẫm máu, người ta chỉ sống trong một thứ hoà bình giả tạo mà thôi.
Nhìn nhận và tôn trọng quyền con người là bổn phận hàng đầu của người Kitô chúng ta vì chúng ta tin nhận rằng con người đã được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu rỗi bằng chính Máu của Đức Kitô. Đó là tất cả phẩm giá của con người.
Với ý thức ấy, người Kitô luôn được kêu mời để nhận ra hình ảnh và sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi người và mỗi người, nhất là những người kém may mắn, cùng khổ nhất.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Edward Desmond được đăng trong tạp chí Time số ra ngày 4 tháng 12 năm 1989, Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hoà Bình năm 1979 vì công tác phục vụ người nghèo tại Ấn Độ, đã xác quyết về nền tảng của công cuộc của Mẹ: đó là cái nhìn tôn trọng đối với người nghèo. Được hỏi: ơn cao trọng nhất mà Chúa đã ban cho Mẹ là gì? Vị sáng lập dòng Nữ tử thừa sai bác ái đã đáp gọn: “Đó là người nghèo”. Bởi vì, theo Mẹ Têrêxa, với người nghèo Mẹ có dịp ở với Chúa Giêsu 24 giờ mỗi ngày. Mẹ nói: “Họ là Chúa Giêsu đối với tôi. Tôi tin tưởng ở điều đó còn hơn là làm những điều lớn lao cho họ”.
Nhìn những người nghèo, những người cùng khổ, những người bị xã hội tước đoạt mọi quyền lợi và đẩy ra bên lề, như chính hiện thân của Chúa Giêsu: đó phải là cái nhìn và động lực của mọi hoạt động của người Kitô chúng ta. Tôn trọng nhân quyền, bênh vực nhân quyền là thế đó.
Mỗi người chúng ta hãy tôn trọng nhau, vì mỗi người là hình ảnh của Thiên Chúa và là đền thờ của Chúa Thánh Thần. nếu chúng ta có tôn trọng người khác, tôn trọng những quyền lợi của họ, đó chính là lúc ta biết tôn trọng ta và quyền lợi của ta. Có đón nhận người khác, Chúa mới đón nhận ta…
Xương Rồng