Kế Sách Lừa Dối | Nghệ Thuật Sống | Mai Nhật Thi
Năm 636 trước CN, công tử nước Tấn là Trùng Nhĩ về nước kế vị, đó chính là Tấn Văn Công sau này. Khi đó, các nước chư hầu như Tào, Vệ, Trần, Thái, Trịnh đều nghiêng về nước Sở hùng mạnh, chỉ có nước Tống là nương nhờ nước Tấn.
Sở Uy vương rất tức giận, lệnh cho đại tướng Tử Ngọc thống soái ba quân, bao vây kinh đô của nước Tống là Thương Khâu. Tống Thành Công vội vàng xin nước Tấn cứu viện, Tấn Văn Công đích thân cầm quân đại chiến với nước Sở tại thành Bộc (nay là huyện Bộc tỉnh Sơn Đông). Trong chiến dịch lần đó, nước Tấn đại thắng, từ đó, Tấn Văn Công đã đặt nền móng cho địa vị bá chủ của mình.
Khi đó, binh lực của quân Tấn không bằng quân Sở, sau khi Tấn Văn Công nhận được cấp thư của nước Tống bèn triệu cữu phụ Hồ Yển tới bàn bạc. Hồ Yển cho rằng, việc cứu viện nước Tống có lợi đối với việc nâng cao uy vọng của nước Tấn, nên tham gia vào trận này.
Tấn Văn Công nói:
- Binh lực của quân Sở mạnh hơn chúng ta, cữu phụ xem chúng ta phải làm như thế nào mới thắng được ?
Hồ Yển đáp:
- Thần nghe nói, người trọng lễ tiết không ngại cái vụn vặt, người giỏi đánh trận không ngại lừa dối. Đại vương hãy thử dùng cách lừa dối xem sao.
Tấn Văn Công có chút nghi hoặc đối với cách mà Hồ Yển nêu ra, lại cho triệu đại thần Ung Quý hỏi xem nên làm như thế nào.
Ung Quý không tán thành với chủ kiến của Hồ Yển, ông ta nói với Tấn Văn Công:
- Thần nghĩ rằng cách làm đó không hay.”
Tấn Văn Công hỏi:
- Vì sao ngươi lại nói cách đó không hay ?
Ung Quý dùng một phép so sánh, nói:
- Có một người muốn bắt cá, bèn tát cạn hết nước trong hồ đi, đương nhiên là có thể bắt được hết số cá trong hồ. Tuy nhiên, năm sau thì trong hồ sẽ không còn cá để bắt nữa. Còn có người muốn bắt thú bèn đốt hết cây cối trên núi, đương nhiên là bắt được rất nhiều thú hoang, nhưng năm sau sẽ chẳng còn thú nữa mà bắt. Dùng phương pháp lừa dốĩ tuy rằng dùng ngẫu nhiên một lần có thể giành được thành công, nhưng thường hay dùng thì sẽ thất bại, đó không phải là kế lâu dài.
Tấn Văn Công rất đồng tình vói cách nhìn nhận của Ung Quý, nhưng công việc cấp bách trước mắt là phải giải nguy cho nước Tống, bởi vậy, Tấn Văn Công làm theo kế sách lừa dốĩ mà Hồ Yển nêu ra lần này, quả nhiên là đánh bại quân Sở giành được thắng lợi.
Sau khi về nước, luận công khen thưởng thì Ung Quý được phong thưởng cao hơn Hồ Yển.
Có người cảm thấy rất ngạc nhiên, hỏi Tấn Văn Công:
- Có phải ngài đã phong thưởng nhầm hay không ?
Tấn Văn Công nói:
- Ý kiến của Ung Quý có ích cho chúng ta đến vài trăm năm; còn kế sách của Hồ Yển chỉ có thể giúp chúng ta có được ưu thế nhất thời, cái lợi nhất thời làm sao bằng được cái lợi suốt cả một đời ?”
ĐIỂN CỐ TRUNG HOA
_________________
CHÚT SUY TƯ
+ 1. KẾ SÁCH LỪA DỐI
Có sự lừa dối nào lại bền vững ? – Ai cũng hiểu sức mạnh của sự thật.
Ngược lại với sự thật là dối trá, sai lầm, lừa đảo, bịp bợm…
Khi “kế sách lừa dối” lọt vào :
- Chính trường, thì giới hữu trách không còn chính nghĩa. Lo vinh thân phì gia. Mua quan bán tước…
- Thương trường : thì cuộc mua bán chỉ vì lợi nhuận. Chặt chém.. Hàng giả mạo. vô lương tâm…
- Tình trường : thì tình yêu sớm đổi trắng thay đen. Đầu môi chót lưỡi. Sở Khanh, gạt gẫm…
Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra. Làm sao thực hiện những điều bền vững được ?
+ 2. CÁI LỢI TRƯỚC MẮT
“Có một người muốn bắt cá, bèn tát cạn hết nước trong hồ đi, đương nhiên là có thể bắt được hết số cá trong hồ. Tuy nhiên, năm sau thì trong hồ sẽ không còn cá để bắt nữa”. (trích truyện)
Câu chuyện thật dễ hiểu…nhưng vẫn có những người không hiểu hay không muốn hiểu ! Vì đây đâu chỉ là câu chuyện “tát hồ bắt cá”. Nó còn có ý nghĩa lớn lao hơn nhiều ! Thí dụ như phá rừng lấy… gỗ, phá thiên nhiên lấy… kho tiền… vì rằng quê ta rừng vàng bạc biển mà !
Có những chất nổ chôn trong lòng đất… vì lâu lâu … nơi này nổ ra vụ này, nơi kia nổ ra vụ nọ…
Có những chất nổ chôn trong lòng người … vì lâu lâu … ông này nổ ra vụ này, bà kia nổ ra vụ nọ…
Là vì có những người đã ra tay đốt núi rừng để bắt được thú hoang…
Đó là sự liên quan giữa “kế sách lừa dối” và câu chuyện “tát hồ bắt cá”, “đốt cây trên núi bắt thú hoang”…
+ 3. CÁI LỢI SUỐT CẢ MỘT ĐỜI
“Kế sách lừa dối” mà được chọn để làm nền tảng cho chính sách của một Nước thì Nước đó làm sao bền vững được. Vì kế sách lừa dối đâu chỉ lừa dối người ngoài, lừa đối kẻ thù, mà còn lừa dối người dân, lừa dối nội bộ, lừa dối chính mình...
Thật may mắn cho nước Tấn vào thời điểm đó có Tấn Văn Công, ông biết chọn lựa đâu là chuyện lâu dài đâu là chuyện nhất thời, đâu là cái lợi trước mắt đâu là cái lợi cả đời.
Ai cũng hiểu câu nói này : “Có thể lừa dối nhiều người cùng một lúc, nhưng không thể lừa dối nhiều lúc cùng một người”. Người nghe có ngây thơ mấy cũng thấy được cái ngu của người nói, khi người nói lừa dối quá nhiều lần ! – Cái ngu là tưởng chưa ai phát hiện mình lừa dối !
Để kết, chúng ta cùng xem lại và dành một chút suy tư về cách luận công khen thưởng của Tấn Văn Công sau khi đánh bại quân Sở trở về Nước :
“Sau khi về nước, luận công khen thưởng thì Ung Qúy được phong thưởng cao hơn Hồ Yển.
Có người cảm thấy rất ngạc nhiên, hỏi Tấn Văn Công:
- Có phải ngài đã phong thưởng nhầm hay không ?
Tấn Văn Công nói:
- Ý kiến của Ung Quý có ích cho chúng ta đến vài trăm năm; còn kế sách của Hồ Yển chỉ có thể giúp chúng ta có được ưu thế nhất thời, cái lợi nhất thời làm sao bằng được cái lợi suốt cả một đời” (trích truyện).
MAI NHẬT THI