Bài viếtSuy tư - Cảm nghiệm

THA THỨ

Có một câu chuyện có thật mà chỉ nghe kể lại thôi ta đã đau thắt lòng, nhưng nó cũng vô cùng cảm động và đầy ý nghĩa nhân văn. Vào một đêm lạnh tháng 2 năm 2007, khi lái xe, Chris Williams và gia đình ông đã bị một lái xe say rượu, 17 tuổi tông phải. Vụ tai nạn khiến đứa con trai 11 tuổi và cô con gái 9 tuổi của ông đã chết. Cô vợ đang mang thai ngồi bên cạnh ông cũng tắt thở. Khi đó, Williams cảm giác rằng nếu như mình chết cùng gia đình thì tốt biết bao nhiêu. Nhưng ông đã được cứu khỏi chiếc xe. Điều phi thường đó là Williams đã nói: “.. Bất cứ ai đã làm điều này với chúng tôi, tôi tha thứ, chúng tôi không quan tâm những gì ở hoàn cảnh hiện lại, tôi tha thứ cho họ.” Và ông đã làm nhiều việc để chứng minh mình không nói suông, ông công khai tha thứ cho kẻ giết cả gia đình ông và phát triển mối quan hệ giữa ông và gia đình kẻ sát nhân. Ông đã trở thành một nhà giảng thuyết, ông chia sẻ và đánh động bao cõi lòng chắc ẩn mở ra cho lòng thương xót, sự tha thứ ngự trị.

Paul Boese đã nói: “Sự tha thứ không thể làm thay đổi quá khứ, nhưng nó có thể mở rộng tương lai.” Williams đã làm được điều này. Còn chúng ta thì sao ?

Bởi lẽ chúng ta được sinh ra và lớn lên, đi vào thế giới loài người với khát vọng yêu và được yêu. Và vì thế, con người luôn sống cùng, sống với và sống vì người khác. Tuy nhiên, mỗi người là cá thể duy nhất và phức tạp, nên khi tương tác với những người xung quanh rất dễ va chạm, đụng độ và làm tổn thương nhau. Ngay cả trong đời sống tu trì, những người tuy có chung một lý tưởng và khát vọng nên thánh nhưng cũng không khỏi xung đột hay làm tổn thương nhau. Và vì thế, tha thứ luôn là điều kiện cần và đủ để mỗi người có một cuộc sống an bình, hạnh phúc. Dẫu biết để tha thứ cho người tổn thương mình rất khó, nhưng chỉ có thế mới duy trì và cân bằng được sức khỏe thể lý và tâm lý. Tha thứ sẽ giúp ta có một tinh thần siêu thoát hơn, sống tích cực hơn và có thể giúp ta giải tỏa căng thẳng, lo âu và trầm cảm, từ đó ăn uống, ngủ nghỉ cũng tốt hơn, dễ thoát khỏi bệnh tật hơn. Nó là cách duy nhất để hàn gắn lại mối tương quan đã bị rạn nứt và cho tình yêu lớn lên. Chẳng khó để hiểu tại sao nó là lời mời gọi, hay yêu cầu của Thiên Chúa với những kẻ muốn theo Người.

Trong mùa phục sinh này chúng ta chiêm ngắm mẫu gương sống động nhất của tình yêu tha thứ. Người đã hết lòng lo cho dân: giảng dạy, chữa bệnh, trừ quỷ, làm phép lạ…. nhưng cái kết nhận về đó lại là những tiếng la lớn: “đóng đinh nó vào Thập Giá”, một sự phản bội và vô ơn đến cùng cực. Thế nhưng, trên Thánh Giá trước khi trút hơi thở cuối cùng, Người đã thiều thào: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Sự tha thứ ấy còn trọn vẹn hơn khi Chúa Phục sinh.  Người đã tìm đến những kẻ từng chối mình, bỏ mình, họ đang trốn tránh trong thất vọng và sợ hãi. Người đến, trao ban bình an, Thánh Thần và hơn thế, Người còn tin tưởng trao phó trọng trách gìn giữ mở rộng vương quốc của Ngài. Thật, Ngài chính là sự Tha Thứ, chính là Tình Yêu.

Ước mong sao mỗi người chúng ta đều sống sự tha thứ để cuộc sống nơi trần gian đầy dẫy đau khổ, bất an và thất vọng này được tràn ngập yêu thương hạnh phúc.

Lạy Chúa, Chúa cũng đã tha thứ để chúng con lại được làm con Chúa. Williams đã tha thứ và cuộc đời ông đã được biến đổi. Xin cho mỗi người chúng con biết tha thứ, vì thước tiên nó là món quà quý giá chúng con tặng cho chính mình, và chỉ có tha thứ chúng con mới lớn lên, và mỗi ngày trở nên giống Chúa, Đấng chúng con đang dõi bước theo. Amen

Pema

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button