Suy niệmSuy niệm

Suy niệm Lời Chúa, Chúa Nhật tuần XXXI TN, Năm C

Tình yêu vượt khó

Tin mừng Lc 19, 1-10

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.

Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”.

Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

 Suy niệm

Chắc hẳn mỗi lần đọc đoạn Tin mừng này mỗi người chúng ta đều cảm thấy sự dễ thương nào đó từ nhân vật Giakêu. Dưới ngòi bút của Luca, dường như chúng ta được dẫn vào tâm trạng của Giakêu cách tiệm tiến pha lẫn sự hồi hộp, cho đến khi ông quyết định theo Đức Giêsu, những hồi hộp ấy mới được giải tỏa.

Bối cảnh diễn ra tại bàn thu thuế – nơi Gia kêu đang làm công việc thường ngày vẫn làm. Công việc thu thuế gắn liền với đời ông; nó đem lại nguồn lợi và địa vị cho ông. Hôm nay, nghe tin Đức Giêsu đi ngang qua đó, và có lẽ ông đã chờ đợi cơ hội này? Vì thế, ông tìm cách để xem thấy Ngài. Nhận thấy mình thấp bé, và đám đông chen lấn, ông đã có sáng kiến trèo lên cây để nhìn cho rõ. Quả thật, từ trên cao Giakêu cố nhìn xuống thì từ dưới Đức Giêsu đã nhìn lên. Thế là hai ánh mắt chạm nhau. Một của sự tò mò, ước muốn được thấy; một của sự cảm thông thương xót. Lòng chạm lòng và kết quả là ngày hôm đó Đức Giêsu lưu lại nhà ông, ngôi nhà mà hiển nhiên lâu nay không ai dám vào, muốn vào. Và, sâu xa hơn, hôm nay căn nhà tâm hồn ông có Chúa hiện diện. “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” (c.5).

Sự dễ thương của Giakêu thể hiện qua việc: đường đường là một quan thu thuế giàu có, ai cũng phải kính sợ. Nhưng nay vì muốn nhìn thấy dung mạo Đức Giêsu ông không còn nhớ mình là ai, không cần giữ thể diện… Ông trèo lên cây như một đứa con nít. Sự đơn sơ trong tình yêu và lòng khao khát của ông được đền đáp. Ông và cả nhà được đón nhận ơn cứu độ. “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất” (c.10). Sự dễ thương của ông còn được thể hiện qua việc ông biết cách đền đáp và chuộc lỗi. Ông nhận ra những việc làm sai trái của mình trong quá khứ và thành tâm đền bù. Và, ông đền bù cách rộng rãi “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn” (c.8).

Câu chuyện của Giakêu phải thật sự đánh động mỗi người chúng ta, nhất là những người đang theo Chúa trong ơn gọi tu trì. Chúng ta có khao khát được thấy và gặp Chúa như Giakêu không? Tình yêu của chúng ta có đủ lớn để thúc đầy ta tìm cách gặp gỡ Chúa không? Chúng ta có nhận ra ân huệ của Chúa để đền đáp, để dâng hiến cách quãng đại không? Thật vậy, Thiên Chúa cần ở chúng ta thiện chí, Ngài sẽ hoàn thành những gì đã khởi sự. Như trong bài đọc II, thánh Phaolô dạy tín hữu Thêxa lônica “Xin Thiên Chúa chúng ta làm cho anh em được xứng đáng với ơn gọi, và xin Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em…” (2Tx 1, 11).

Xin Chúa Thánh Thần đốt lên trong chúng ta ngọn lửa của lòng mến, để ta dám sống cho tình yêu Chúa cách mãnh liệt hơn. Amen.

Nt. Cúc Trắng, SLE

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button