Tin mừng Mt 10, 16 – 23
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Này, Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì? Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. “Anh sẽ đem nộp giết em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại với cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ. Khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật các con: Các con sẽ không đi khắp hết các thành Israel trước khi Con Người đến”.
Suy niệm
“ Này thầy sai các con như chiên con ở giữa sói rừng”. Qua một thời gian được ở với Chúa Giêsu, được sống với Ngài, các vị Tông Đồ đã học được nơi Chúa Giêsu rất nhiều điều, qua các phép lạ, từ những lời giảng dạy. Các tông đồ đã ở lại với Chúa để kín múc ân Thánh của Chúa và giờ đây, chính là lúc các ngài ra đi để rao giảng về Đấng các ngài ở cùng, Đấng các ngài mắt thấy, tai nghe và có thể làm chứng về các phép lạ xảy ra. Đúng vậy, Phải rao giảng về một tình yêu vô biên và đầy lòng thương xót của Thiên Chúa. Các ngài đã bắt đầu đi vào thế gian với đầy rẫy sự dữ. “ như chiên con ở giữa sói rừng”. Chiên con là một hình ảnh để diễn tả sự hiền lành xem ra có phần yếu đuối và dễ bị sói ăn thịt. Con sói đây chính là ẩn dụ cho thế gian. Nó có thể nuốt chửng con chiên, cũng như thế gian lôi kéo các môn đệ để sống giống như nó.
Nó không chấp nhận sự khác biệt và càng không chấp nhận sự biến đổi, để trở nên tốt đẹp hơn, trở thành con cái Chúa. Vì vậy, chiên con càng chống cự nó càng muốn ăn thịt. Cũng vậy, các ngài càng muốn biến đổi nó, nó càng chống lại và bách hại các ngài. Chúng ta cũng đã thấy được điều đó qua chiều dài của lịch sử Giáo hội, đã có biết bao nhiêu vị thánh tử đạo đã chống đối thế gian, vì muốn sống cho Chúa, mà đã bị bách hại, bị tra tấn đến chết. Nhưng các ngài anh dũng biết bao, can đảm biết bao khi đối mặt với bao roi đòn mà vẫn vui vẻ chịu mọi sự vì danh Chúa, chấp nhận chết đi chứ không bỏ Chúa. “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không thối đi thì nó vẫn trơ trọi một mình( tr.Ga 12,24”).
Như cuộc đời của Thánh Tử Đạo Phaolô Hạnh, ngài từng nói “Tôi sẽ là Kitô hữu đến chết”: Những người ghét anh đã tố cáo anh là Kitô hữu, và gán cho anh tội tiếp tay với quân đội Pháp. Trước tòa án, anh không bao giờ nhận tội phản quốc, vì thực tế anh không làm. Nhưng khi quan hỏi: “Anh có phải là Kitô hữu không?” thì anh công nhận, và còn khẳng định rằng: “Tôi sẽ là Kitô hữu cho đến chết”. Suốt thời gian bị giam, các quan tìm mọi cách dụ dỗ anh bỏ đạo. Họ áp dụng những khổ hình dã man nhất đã được vua Tự Đức cho phép. Người ta căng thân thể anh ra đánh đòn, người ta dùng kìm nguội để kẹp vào đùi, và dùng những thanh sắt nung đỏ, dí vào người, để bắt anh nhận tội đã vu oan và buộc anh bước qua Thập Gía. Nhưng tất cả những cực hình tàn bạo đó không thể làm cho anh nản lòng thối chí. Anh không ngừng khẳng định một điều duy nhất: “Tôi là Kitô hữu, không bao giờ tôi chối đạo”.
Tuy biết được sói rừng hung dữ, tuy biết được sự xấu xa và độc ác của thế gian này, nhưng các ngài đã không bao giờ lùi bước. Những bước đầu tiên trên con đường truyền giáo của các ngài khó khăn biết mấy, người thì bị tù đày, lúc thì bị đánh đòn. Còn có người thì bị ném đá, việc rao giảng chẳng vì thế mà dừng lại. Tuy nhiên, các ngài không cảm thấy đau khổ, vì thể xác đau đớn nhưng tâm hồn các ngài tươi vui, hạnh phúc vì được làm chứng cho Chúa Giê-su.
Từ trang Tin Mừng con so sánh với thực trạng hiện nay, số tín hữu có tăng nhưng số tăng này phần lớn là tăng tự nhiên theo số trẻ sinh ra. Ngoài ra, mỗi năm có khoảng từ 1-2 triệu người lớn được rửa tội. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ giữa số dân Công giáo và dân số thế giới thì tỷ lệ này giảm từ 18,2% vào năm 1960 còn 17,99% vào năm 1975, và còn 17,2% vào năm 2006. Vì hiện nay mỗi người tín hữu như trở nên lơ là, hờ hững với bổn phận sứ mạng rao truyền Chúa đến cho mọi người. Hiện nay chiên con như chấp nhận với số phận của mình và mặc cho sói rừng ăn thịt. Xu hướng hiện nay chính là hưởng thụ, thế hệ 4.0 chỉ cần bấm 1 cái là có ngay mọi thứ phục vụ nhu cầu tiện lợi của con người, họ bỏ quên đi sứ mạng của mình, và nghĩ việc đó hẳn là dành cho các linh mục, tu sĩ mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, thời đại của chúng con là thế đó, Con tin rằng Chúa đã nhìn thấy. Vậy, xin Chúa cho chúng con biết ở lại với Chúa, kín múc nơi Chúa những hồng ân tuyệt vời, một sức mạnh, một ý chí đủ để thực hiện sứ vụ của mình, xin cho chúng con biết ra đi và ý thức hơn về sứ mạng rao giảng Nước Trời cho mọi người, biết thao thức không ngừng việc mở rộng nước Chúa, luôn có nhiều sáng kiến và những cách thức đem Chúa đến cho mọi người. Cùng xin Chúa nâng đỡ chúng con trong hành trình rao giảng Tin Mừng. Amen
Nt Maria Châu Phạm