Suy tư

Nét Đẹp Lên Đường

 “ Cuộc đời quanh ta có biết bao là nét đẹp”.Vâng ! Cuộc sống đã cho tôi biết bao nét đẹp như: thiên nhiên, cảm xúc, tình cảm, nghệ thuật … đó là nét đẹp đặc thù Thiên Chúa ban cho con người và trong mỗi nét đẹp có sự độc đáo, sắc thái khác nhau, tùy sự khám phá nơi mỗi người. Nhưng đối với tôi nét đẹp để lại trong tôi không phải là cảnh đẹp của thiên nhiên, cũng chẳng phải một thứ gì đó hấp dẫn làm tôi thích thú nhưng đó là nét đẹp nơi một buôn làng và những con người của núi rừng tây nguyên mà tôi muốn được chia sẻ cùng mọi người.

Cùng nhịp bước lên đường từ việc canh tân bản thân đến việc hăng say lên đường ra đi đến vùng ngoại biên. Tôi cưu mang tâm tình muốn được lên đường với những  con người nơi vùng sâu, vùng xa, để phần nào đồng cảm với sự thiếu thốn của những người thiếu may mắn. Sau thời gian được lãnh hội bao kiến thức từ “ đạo đến đời ” vào dịp nghỉ phép, tôi có dịp đến thăm một vùng dân tộc người  M’Nông, họ là người nông dân chân lấm tay bùn, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Tôi nhận thấy đây là một trắc nghiệm cho bản thân sau thời gian học tập để xem lại mình đã lãnh hội được những gì, và có bổn phận chia sẻ lại điều mình đã đón nhận. Lời chia sẻ của một giáo sư khi nói về việc truyền giáo làm tôi không thể ngồi yên “ Giáo Hội đang chờ những người tu sĩ ra đi ” các bạn hãy cưu mang trong mình ngọn lửa nhiệt thành để ra đi, đừng chút ngần ngại khi đến vùng ngoại biên. Nhất là đứng trước những thách đố đầy biến động của xã hội, mọi công nghệ thông tin đổi thay làm ta chóng mặt.

Với tâm tình chia sẻ của vị Giáo Sư cũng như xem truyền hình thấy mục quảng cáo, tôi thấy sao có nhiều chương trình quảng cáo hay và hấp dẫn quá, nó đánh vào thị hiếu của con người làm cho con người không bị nhàm chán, liền sau đó tôi chợt nghĩ ngay tới một điều và tôi dám chắc là chưa bao giờ tôi thấy mục quảng cáo nào nói về việc truyền giáo, phải chăng nó chẳng có chút gì hấp dẫn, cuốn hút, bắt nhịp được với thời đại. Nhưng tôi vẫn đọc được một điều gì ẩn khuất phía sau, đó là trách nhiệm lên đường của mọi kitô hữu, và vấn đề nan giải cho những người truyền giáo hôm nay là làm sao hội nhập được với thời đại tân tiến của xã hội, để đem Chúa đến với những người chưa có cơ hội nhận biết Chúa. Tuy câu hỏi vẫn được đặt ra nhưng mấy ai có câu trả lời, để những người thi hành công tác tông đồ an tâm, ngoài việc cầu nguyệnlên đường.

Khi có dịp được tiếp cận với  môi trường truyền giáo tôi cảm thấy bản thân như mang một sứ mệnh lên đường, tôi ý thức công việc của tôi như có sự đồng hành của Chúa. Và đây là dịp tôi được lên đường để thực hành những gì tôi đã được lĩnh hội. Với ngày đầu mới đến tôi thấy mọi sự đều mới, cảm giác ban đầu rất buồn, vì trong những tháng ngày được miệt mài với sách vở, mọi tiện nghi đã hổ trợ lúc tôi cần, cuộc sống làm cho tôi cảm thấy không phải lo lắng gì ngoài việc suy tư với những đề tài của các Giáo Sư, khi được nghe chia sẻ về những đề tài truyền giáo, và những điều con người ngày nay cần phải lên đường, tôi cảm thấy háo hức muốn thực hiện ngay. Nhưng khi tiếp cận với thực tế mọi thứ đều không như tôi tưởng, mọi người như rất xa lạ đối với tôi, mọi sinh hoạt như đảo lộn khiến tôi thấy choáng ngợp.

Khi lên xe để tới điểm gặp gỡ bà con,tôi ngỡ ngàng vì đường xá vắng vẻ, sáng sớm sương mù dày đặc, tôi chạy xe rất chậm vì không thấy đường, ngồi trên xe không biết mình đang đi đâu. Khi tới nơi điều ngạc nhiên đến với tôi đó là một buôn làng hoàn toàn là người đồng bào, chỉ có rất ít người kinh, khi xuống xe gặp gỡ và tiếp chuyện với bà con tôi thấy họ chẳng chút gì khách xáo, mới gặp mà như đã quen. Nói chuyện một lúc, tôi được dẫn qua thăm nhà nguyện nơi bà con vẫn lui tới để cử hành phụng vụ. Vừa bước vào cửa tôi cảm thấy dội vì ngộp thở, chưa bao giờ tôi thấy một giáo xứ nào có nhà nguyện như vậy, nhìn một vòng tôi nghĩ không biết với số lượng người đông vào nhà nguyện này lấy đâu ra khí để thở, vì nhà nguyện là một phân nữa của cái kho chứa đồ của một giáo dân trong buôn, anh ta thuộc hạng khá giả, vì buôn làng chưa có nhà nguyện nên bà con mượn nhờ nữa diện tích nhà kho để làm nhà nguyện, có nơi để họp nhau cử hành phụng vụ, dâng thánh lễ, học giáo lý… vì là nhà kho nên rất lộn xộn, nào là ống nhựa, bao bị … và nhất là hàng trăm tấn mì khô được xếp chồng lên nhau cao ngất, hòa lẫn với mùi thuốc pha chống mọt làm tôi không thể ở lâu  trong phòng mà phải ra ngoài để hít thở không khí.

Điều may mắn cho tôi trong dịp đi thăm buôn làng là ngày cuối tuần nên có Cha đến dâng Thánh Lễ, tôi được chứng kiến tận mắt những đoàn người từ khắp các thôn buôn kề cận tụ họp về ngôi nhà nguyện (là cái kho) để tham dự Thánh Lễ Chúa nhật. Phòng chật, người đông, nhưng nhìn từng đoàn người từ già đến trẻ, thậm chí cả những đứa trẻ đang nằm trên lưng mẹ cũng được đưa tới nhà thờ, lòng tôi như thắt lại vì nhìn họ rất tội nghiệp, chứng kiến cảnh tượng đó xong, mọi dấu hiệu của chán chường như không còn và tôi như quên luôn cả sự ngột ngạt, vì nhìn các em thiếu nhi hát thánh ca quá dễ thương và rất tâm tình.

Điều nảy ra trong đầu tôi nghĩ có phải là điều ngẩu nhiên tôi đến môi trường này không? tôi nhìn và cảm được đây là con đường mà Chúa đã hoạch định cho tôi, tôi không thể hiểu được. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu khiến tôi cảm thấy cái gì tôi cũng muốn thực hiện ngay, nào là dạy giáo lý, mở lớp tình thương … Bao nhiêu dự định xuất hiện trong đầu tôi, tôi thấy lòng tham bắt đầu nảy lên khi tôi đứng tiếp chuyện với các bạn giới trẻ.

Và thế là thời cơ đã đến sau ngày hôm đó là những ngày tôi vào buôn dạy Giáo lý, tôi tranh thủ đi thăm gia đình bà con nơi buôn làng, vì buôn làng đông dân mà họ ở rải rác nên tôi chưa thể thăm hết được vì thời gian có hạn nhưng tôi thấy cuộc sống giản dị, đơn sơ của bà con nơi mảnh đất  “ khỉ ho cò gáy ” này, lòng tôi cảm thấy mến những con người nơi đây cũng như cảnh vật chốn này, vì họ sống rất người, họ phấn khởi với những gì họ vừa kiếm được ngoài rừng về, để sống qua ngày, họ trao cho tôi những quả dưa, những búp măng họ vừa lấy được. Mặc dù biết nỗi cực nhọc của họ, tôi không đành để nhận lấy những món quà mà bà con gửi tặng, nếu tôi từ chối họ sẽ không vui và sẽ  không đến với tôi nữa, vì đó là văn hóa và sự hiếu khách của họ, nên tôi đành phải lấy, thay vào đó tôi lại trao cho họ những vật khác, dù rất nhỏ nhưng chúng tôi luôn đem niềm vui cho nhau.

Càng gần gũi với các em thiếu nhi nơi các lớp giáo lý tôi thấy rõ được niềm vui, sự nhiệt tình của các em trong việc đến lớp, thấy được nét đẹp, sự hồn nhiên của các em. Tôi không chút ngại ngùng khi nói chuyện với các em, tuy hai ngôn ngữ khác nhau nhưng chúng tôi đã bắt được tần số của nhau qua những cuộc trò chuyện, sinh hoạt, vì phần đông các em cũng hiểu được tiếng phổ thông.

Một hình ảnh làm tôi không thể quên khi nói đến người nghèo, là của ăn, cái mặc, của các em khi đến lớp, có những em phải nhịn đói vì nhà không có cái ăn, thậm chí có những em đến lớp mang trên mình tấm áo chẳng chút lành lặn, những gia đình ba – bốn em đi học không đủ quần áo cho các em mặc, vì các em mặc đồ chung của nhau. Tôi lấy điển hình ngay trong lớp giáo lý, một hôm khi khám phá ra một số em không đến lớp nhiều ngày, khi hỏi thăm người chị của em đấy lý do sao đứa em không tới lớp, người chi của em đấy trả lời cách đơn sơ nó không có quần làm sao tới lớp được, em đi thì anh ở nhà, vì chỉ được một cái quần mà lại mặc chung của nhau nên nó không có cái mặc, nghe xong cả lớp được một trận cười và chị của em cũng cười theo, những nụ cười đầy đơn sơ của các em làm tôi không sao dấu được cảm xúc.

Một buổi tối khi xem truyền hình thấy chiếu cảnh những em bé mồ côi, cảnh thất học của những em nơi nhà quê chân lấm tay bùn, như một lần nữa khắc ghi vào tôi cảnh của những con người nơi buôn làng tôi đang ở với họ. Quả thật họ như “ đàn chiên không người chăn dắt ” thiếu đủ điều cả về vật chất, lẫn tinh thần, văn hóa cũng như mọi hiểu biết khác. Tôi thấy đó là một nét đẹp không thể phai mờ trong tôi mỗi khi tôi tham dự phụng vụ, tôi thầm nhớ đến họ để cùng họ dâng lên Chúa những điều họ đang mong chờ, là sớm có ngôi nguyện đường cho Chúa ngự và có thánh lễ thường xuyên hơn, và điều họ mong ước là có nhiều người đến chia sẻ với họ. Vì dân số ngày càng gia tăng mà nhân lực đến nơi môi trường này chưa được bao nhiêu, vì thế sau khi ở với bà con, tôi muốn được cùng chia sẻ nỗi niềm của tôi với những người cùng mang khát vọng truyền giáo, để cùng hiệp thông với những nơi đang thiếu thốn để cầu nguyện cho Giáo Hội có thêm chủ chăn và gia tăng thêm lòng nhiệt thành cho những người làm công tác tông đồ.

Khi chuẩn bị kết thúc những ngày đến nơi đây, tôi cảm thấy rất nghẹn ngào khi phải nói lời chia tay với những con người nơi đây, cũng như những gương mặt đầy sự mến thương của các em nơi các lớp giáo lý, tôi thấy ngày chia tay đã để lại trong lòng tôi một chút nhớ, một chút thương, khi phải rời xa họ, để trở về với môi trường cũ. Nỗi nhớ những con người nơi vùng đất truyền giáo đã làm tôi không thể quên, khi tôi chưa có cơ hội để chia sẻ điều tôi thấy. Khi có dịp đi vào nhà sách kiếm tài liệu tham khảo cho môn học, tôi đọc được lời chia sẻ của một sinh viên khi đi thực tập ở châu phi tôi bắt gặp được ý tưởng của bạn cũng mang tâm trạng như tôi, tôi nghĩ rằng Chúa muốn điều gì nơi tôi, tôi suy nghĩ tôi cũng có thể chia sẻ nỗi niềm của tôi với chị em tôi, thay vì không có cơ hội để nói thì trang giấy này có thể thay cho lời tôi muốn nói.

Nhìn ngắm Mẹ Maria thấy nét đẹp truyền giáo được họa lại nơi Mẹ khi đem niềm vui đến cho người khác, và dấu chân Chúa như khắc lên bàn chân tôi, Ngài dẫn tôi đi và có Mẹ cùng song hành với tôi trong lời mời gọi lên đường đến với anh chị em ở cạnh tôi. Tôi nhớ lời Tiên Tri Isaia nói: “ Đẹp Thay bước chân người thiếu nữ lên đường truyền giáo ” ( Is 52,7 ). Tôi cảm thấy những ngày nghỉ của tôi năm nay thật đẹp, vì để lại trong tôi khát vọng mà chưa bao giờ tôi dám nghĩ, dám nói, điều tôi vẫn ôm ấp lâu nay là được đến với những con người thiếu thốn nơi các buôn làng. Bởi những con người ở đây họ rất xa văn hóa, nói theo kiểu của người thời nay “ Gần trường mà xa văn hóa ” tuy ở gần trường nhưng họ không có điều kiện để đến lớp, hay nói cách khác “ Gần nhà mà xa ngõ ”… Chính những điều đó đã cho tôi thêm động lực trong việc học, cố gắng thu góp những gì có thể tận dụng được để tiếp tục ra đi đến với những ngôi nhà đang trống vắng tình thương, những con người chưa bao giờ được biết con chữ là gì? Vì xã hội hôm nay đang đầy dẫy những người thiếu thốn mà ít có ai quan tâm tới. Chính nơi môi trường này đã mở ra cho tôi một khung trời mới  trong việc truyền giáo cũng như nhiều nơi khác nữa mà tôi đã có dịp đến thăm. Với những tâm sự  trên là những gì tôi cảm được nét đẹp từ nơi môi trường truyền giáo mà tôi đã có dịp đến thăm.

Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết thúc, sau những ngày đến với bà con, giờ đây tôi đành chia tay mọi người để tiếp tục sứ vụ của mình, nhưng hình ảnh những con người, ngôi nhà nguyện, những buổi học giáo lý, như đang diễn ra rất gần làm tôi không thể nói lời tạm biệt được. Nhưng đã khai mở cho tôi một chân trời mới trong sứ vụ lên đường, là hành trang sau này cho tôi, tôi có thể thực hiện được ước mơ là đến với những con người mà tôi đang mang nhiều hứa hẹn với họ, tôi mong mọi người hãy cầu nguyện cùng với tôi, cho tôi giữ mãi niềm hăng say trong sứ vụ truyền giáo. Một lần nữa con xin tạ ơn Chúa, Mẹ Maria Thánh cả Giuse, đã đồng hành với con trong những ngày qua, đã cho con có cơ hội được tiếp cận với thực tế, để thấy được hoàn cảnh của Giáo Hội ngày nay cũng như những thách đố của con người ngày nay đang phải đối diện, để thêm chất liệu cho tôi thưa chuyện với Chúa mỗi khi tôi đến với Chúa qua các giờ chầu Thánh Thể.

Nt Têrêsa Maria , SLE

Bài viết liên quan

Back to top button