CÓ PHẢI BÍ TÍCH THÁNH THỂ CHỈ ĐƠN THUẦN LÀ MỘT BỮA ĂN?
Có Phải Bí Tích Thánh Thể Chỉ Đơn Thuần Là Một Bữa Ăn?
Nếu định nghĩa bữa ăn là dịp được sắp xếp để mọi người quy tụ và cùng nhau ăn uống, thì bíA tích Thánh Thể là một bữa ăn đặc biệt, một bữa “yến tiệc” theo cách mà thánh Tôma Aquinô diễn tả. Chúng ta đọc thấy sự diễn tả này của thánh Tôma trong bài “O Sacrum Convivium” (kinh Ôi Yến Tiệc) của giờ kinh phụng vụ ngày lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa. Thật vậy, Thánh Thể còn hơn cả một bữa ăn thông thường. Khi mọi người ngồi lại ăn chung với nhau, thì bữa ăn không chỉ giải quyết nhu cầu của cơ thể mà còn là cách để con người đáp ứng các nhu cầu khác. Hiểu theo nghĩa nào đó, tất cả các bữa ăn đều có tính hiến tế, vì khi tôi ăn, tôi đưa vào mình những thứ trước đây đã từng có sự sống, dù đó là sự sống của động vật hay thực vật, và chúng đã phải bỏ đi sự sống của mình để trở thành thức ăn cho tôi, bất kể đó là một con gà hay một ngọn rau húng.
Các bữa ăn có tính chất thánh thiêng và hiến tế cũng từng là cách mà người xưa thường dùng diễn tả sự lệ thuộc của họ vào các thần linh, chẳng hạn việc cúng tế các con vật, tưới rượu, tiến dâng bánh rượu (người Hy Lạp), ăn bánh (người Aztec) và người Do Thái cũng sử dụng một số nghi thức tương tự để thiết lập mối liên lạc với Thiên Chúa. Sách Xuất Hành chương 24 mô tả việc ông Môsê và các kỳ mục ký kết giao ước với Đức Chúa trên núi Sinai bằng cách sát tế các con bò tơ làm hy lễ, rồi dùng máu bò (dấu hiệu của sự sống) rảy lên mười hai cột trụ đại diện cho mười hai chi tộc Israel, và rồi ông Môsê và các kỳ mục ăn uống những của đã được hiến tế ấy trước nhan Đức Chúa (Xh 24,11). Chúng ta phải nhìn thấy được hình ảnh của bữa Tiệc Ly bật ra từ nền tảng này.
Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong thông điệp Ecclesia de Eucharistia, đã nhấn mạnh: khi chiêm ngắm Thánh Thể mà “bỏ qua ý nghĩa Hy Tế và chỉ xem Thánh Thể đơn thuần chỉ là một bữa ăn huynh đệ bình thường” là “làm giản lược đi sự hiểu biết” và từ đó, làm cho người tín hữu Công giáo không còn hiểu biết nhiều về bí tích Thánh Thể nữa (số 10).
Trích từ Sách “101 Câu Hỏi Về Thánh Thể”