Tại sao gọi bí tích Thánh Thể là “Bí tích Cực Thánh” ?
Tại sao gọi bí tích Thánh Thể là “Bí tích Cực Thánh” ?
Có bảy bí tích và chúng ta đều tin rằng, các bí tích ấy là do chính Đức Giêsu Kitô thiết lập
và trao lại cho chúng ta. Các bí tích là những dấu chỉ bên ngoài ngang qua việc sử dụng
nước, dầu, bánh và rượu, v.v… để diễn tả thực tại bên trong là sự sống của Thiên Chúa,
giống như nhân tính của Đức Kitô là dấu chỉ bày tỏ thần tính bên trong của Người. Khi
còn ở thế gian, Đức Giêsu đã thực hiện nhiều phép lạ. Người giơ tay đụng chạm và chữa
lành nhiều bệnh nhân khốn khổ. Ngang qua nhân tính, thần tính của Người thi hành nhiều
điềm thiêng, dấu lạ khiến cho ai nấy phải sững sờ, kinh ngạc. Những hành động qua con
người nhân loại của Chúa là cách để Chúa bày tỏ Người là ai, chúng nói nhiều về Chúa và
quyền năng của Người. Tất cả các hành động của Đức Giêsu khi đó đều được coi là bí tích,
nhưng không chỉ đơn thuần là dấu chỉ, mà là dấu chỉ hữu hiệu, tức là những gì mà chúng
chỉ ra.
Giờ đây, Thánh Thể là một dấu chỉ để nói rằng chính Chúa là lương thực, và một cách mầu
nhiệm, dấu chỉ đó trở thành thực tại là chính Đức Giêsu Kitô trong Thịt và Máu Người.
Bởi đó chúng ta mới gọi bí tích Thánh Thể là “bí tích của mọi bí tích” (GLHTCG SỐ
1330), là “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu” (LG số 11). Bí tích thánh thể
cũng được gọi là “bí tích cực thánh”, nhất là khi Thánh Thể được đặt để nơi nhà tạm.
Thánh Tôma Aquinô đã viết một đoạn rất hay trong bộ Tổng Luận Thần Học bàn về bí tích
Thánh Thể. Ngài coi mọi bí tích khác đều quy hướng về bí tích Thánh Thể và Thánh Thể
trở nên trung tâm của đời sống Kitô hữu. Ngài cho rằng bí tích này giúp người tín hữu
sống mật thiết với Đức Giêsu. Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức chuẩn bị cho chúng ta đến với
bí tích Thánh Thể và góp thêm sức mạnh để chúng ta có thể dẫn đưa người khác đến với bí
tích này. Bí tích Hòa Giải có tác dụng phục hồi tình bằng hữu của ta với Thiên Chúa, nó
giúp chúng ta, sau mỗi lần sa ngã nặng nề, có thể quay trở về để hiệp thông với Chúa qua
Thánh Thể. Bí tích Xức Dầu cũng góp phần phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân để họ có thể
tiếp tục rước lễ. Viaticum – Của Ăn Đàng chính là lần rước lễ sau cùng của chúng ta.
Viaticum ghép lại từ chữ te cum (Chúa ở cùng bạn hay chúng ta) và in via (trên đường), ý
nói Chúa đang ở cùng chúng ta trên hành trình tiến về quê hương trên trời, nơi vượt quá
mọi dấu chỉ của các bí tích. Bí tích Hôn Phối cũng là một dấu chỉ bày tỏ tình yêu Đức
Giêsu dành cho Hội Thánh, là hình ảnh đẹp nhất để liên hệ tới quà tặng Thánh Thể. Việc
cử hành bí tích Thánh Thể là một trong những phận vụ cao quý nhất của các linh mục và
giám mục, và các ngài đón nhận tác vụ này thông qua bí tích Truyền Chức Thánh.