Tin tứcGiáo Hội hoàn vũ

“Đồng tính còn hơn cả ham muốn, đó là bản thể!”

by Phanxicovn

Linh mục thần học gia James Alison, Lyon, ngày 26 tháng 11-2021 / NEAL BADACHE POUR LA CROIX

Linh mục James Alison người Anh, thần học gia công giáo. Là chuyên gia về triết gia René Girard, linh mục đã xuất bản nhiều sách, gồm quyển “Đức tin vượt lên oán giận, những phức đoạn của công giáo với người đồng tính (La Foi au-delà du ressentiment, fragments catholiques et gays, 2021, nxb. Cerf). Cha được Đức Phanxicô duy trì chức linh mục, cha làm chứng cho đức tin trong tư cách là người đồng tính.

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2021-08-04

Một sự nghiệp đáng kinh ngạc và phong phú của linh mục James Alison, lớn lên trong gia đình theo đạo tin lành, trở lại đạo công giáo, được chịu chức linh mục, được Đức Phanxicô duy trì tình trạng linh mục. Quá trình của cha làm cho cha suy ngẫm về quan điểm của Giáo hội công giáo về vấn đề đồng tính.

Làm thế nào, một linh mục công giáo, cha quyết định công khai nhận mình là người đồng tính?

Linh mục James Alison: Cuộc đấu tranh với sự trung thực của tôi bắt đầu khi tôi 9 tuổi, vì chính trong những năm đó, khi tôi yêu một người bạn cùng lớp, tôi phát hiện ra tôi là người đồng tính (queer), điều mà với những người như tôi, sinh vào cuối thế kỷ trước, bị cho là “pêđê dơ bẩn”, bây giờ thì có một thuật ngữ êm tai hơn. Tôi sinh ra trong một gia đình tin lành giáo phái phúc âm, xem trung thực là chuyện quan trọng tuyệt đối, nhưng tôi không đủ năng lực, tự tin hay sức mạnh nội tâm để giúp tôi có được bình tâm. Tôi đã có thể đương đầu với cha mẹ và gia đình lúc tôi 18 tuổi, nghĩ rằng cha mẹ sẽ đuổi tôi ra khỏi nhà, nhưng họ đã không làm. Tuy nhiên, nó đã phá vỡ một cái gì đó trong mối quan hệ của chúng tôi, mối quan hệ này chỉ có thể trở nên lành mạnh trở lại một thời gian ngắn trước khi cha mẹ tôi qua đời.

18 tuổi cũng là tuổi mà cha theo đạo công giáo…

Đúng vậy, khi tôi theo đạo công giáo, một ít thời gian sau khi tôi xác nhận, vì tôi cảm nhận một cái gì đó rất rộng lớn trong đức tin công giáo ở lãnh vực này hơn là trong giáo phái phúc âm. Kể cả khi tôi là tu sĩ dòng Đa Minh, tôi luôn trung thực với những người đào tạo tôi. Nhưng với tư cách là con của một gia đình thuộc giáo phái phúc âm trở lại đạo công giáo, tôi đã hòa hợp với giáo lý cơ bản của Giáo hội và thấy mình như một người song tính hư hỏng và thất bại.

Sau đó, trong những năm 1980, tôi làm việc với những người mắc bệnh AIDS ở Brazil, và tôi yêu một người đàn ông chết vì căn bệnh này khi còn rất trẻ. Chính vì vậy, ở tuổi 35, tôi đã nhận ơn để hiểu mình không phải là người song tính hư hỏng. Kể từ đó, tôi không thể bảo vệ đường lối này nữa và tôi muốn nói không với tất cả những gì có vẻ sai trái đối với tôi trong lời dạy này. Nhưng khi mình là giáo sĩ, vấn đề không nằm ở việc mình làm gì mà mình nói gì về nó. Ngay khi chúng ta liều lĩnh nói ra sự thật chúng ta là ai, chúng ta trở nên không thể chịu đựng được đối với hệ thống.

Nhưng cha vẫn muốn làm linh mục?

Trên thực tế, tôi ý thức lời khấn của tôi đã khấn trong bối cảnh ngụy lương tâm, và chúng không đúng sự thật. Tôi hỏi Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích xem Bộ có muốn hủy chức tư tế của tôi hay không, và Bộ trả lời cho tôi, chức tư tế có giá trị, và chính tôi là người xin hồi tục. Nhưng nếu làm điều này, tôi sẽ phải nói dối thêm một lần nữa, thật không thể tưởng tượng được! Họ không làm gì cả. Vì vậy, tôi vẫn là một linh mục mà không có lời khấn hợp lệ. Một thời gian sau, các cha Đa Minh đã có vụ xử êm đẹp để tôi tách ra khỏi dòng, không hung bạo, dựa trên những lý do lương tâm tôi đưa ra. Tôi vẫn là linh mục và tôi sống ở một thành phố ở Brazil. Nhưng giám mục địa phương muốn loại bỏ tôi khỏi chức linh mục mà không có lý do chính đáng. Ngài cưỡng bách tôi hồi tục.

Và đó là lúc Đức Phanxicô đã can thiệp!

Tôi đã nói chuyện tình trạng của tôi với một giám mục khác, ngài đã nói chuyện trực tiếp với giáo hoàng. Ngài mang thư của tôi cho giáo hoàng. Hai tháng sau, Đức Phanxicô gọi tôi: “James, tôi muốn anh bước đi hoàn toàn trong tự do nội tâm, theo tinh thần của Chúa Giêsu. Và tôi cho anh quyền tháo cởi.” Và ngài lặp lại câu cuối này.

Như thế tôi vẫn là linh mục, với quyền giải tội và rao giảng với thẩm quyền phổ quát, không phụ thuộc vào giám mục, như ngài đã làm cho các nhà truyền giáo của lòng thương xót. Theo một cách nào đó, trong âm thầm, tôi trở thành linh mục của lòng thương xót! Và tôi muốn nói rõ, tôi chưa bao giờ che giấu điều này, theo tôi, quan điểm của Giáo hội về vấn đề này là sai. Tôi cũng chưa bao giờ bị tấn công vì lý do giáo lý.

Dựa trên các lập luận nào cha chỉ trích lập trường của Giáo hội công giáo?

Trước khi đi đến các lập luận, chúng ta phải bắt đầu từ nơi chúng ta đối diện với câu hỏi. Đó là câu hỏi có tính cách quan hệ hơn là một câu hỏi lý trí; đó là những gì triết gia René Girard đã dạy tôi. Chúng ta sẽ không học được gì nhiều khi chúng ta ở trong xung đột. Chỉ khi chúng ta tha thứ cho bạo lực và những dối trá về vấn đề này, thì chúng ta mới có thể đi đến một cuộc thảo luận hợp lý.

Công việc của tha thứ đi trước mọi công việc công việc của định nghĩa. Đây là điều cần thiết, vì đây không phải là nói ai là người biết nhiều nhất và ai là người có lập luận tốt nhất. Thách thức là có thể đưa ra sự thật của tạo dựng qua con đường của tha thứ. Quyển sách của tôi nói nhiều về xây dựng mối quan hệ trên cơ sở thảo luận hơn là lập luận. Mặc dù vậy, kể từ khi tôi viết phiên bản đầu tiên bằng tiếng Anh, cách đây 20 năm, tôi thấy tôi ở một vị trí thuận lợi hơn để đưa ra các lập luận.

Tại sao?

Bởi vì bây giờ rõ ràng là không có lập luận trong Kinh thánh. Ngay cả Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng, gần đây đã công bố một nghiên cứu đề cập đến chủ đề, Con người là gì? (Qu’est-ce que l’homme? Nxb. Cerf), kêu gọi “một diễn giải thông minh bảo vệ các giá trị mà văn bản thiêng liêng muốn thúc đẩy, như thế tránh lặp lại theo nghĩa đen những gì phản ánh đặc điểm văn hóa của một thời” và đánh giá cần thiết “đóng góp của khoa học nhân văn, cũng như suy tư của các nhà thần học và đạo đức học”.

Cuối cùng, họ tuân theo chủ đề của tài liệu xuất sắc năm 1993 về giải thích Kinh thánh, do hồng y Ratzinger ký dưới triều giáo hoàng Gioan-Phaolô II, trong đó ngài kêu gọi “cấm mọi cập nhật theo hướng ngược với công lý và bác ái phúc âm, chẳng hạn, ai muốn phân biệt chủng tộc, bài Do Thái hoặc phân biệt giới tính, nam hay nữ, trên các văn bản Kinh thánh. Đã phải mất 30 năm để đưa ra kết luận trong lĩnh vực luân lý tình dục.

Trong Giáo hội, tình yêu và tính dục được “ra lệnh” để sinh sản. Cha có nghĩ đây là điều phải làm tiến triển không?

Nó tế nhị hơn thế. Lập luận duy nhất về đồng tính là “luật tự nhiên”. Từ thế kỷ 13, người ta muốn suy diễn mọi điều xấu trong lãnh vực tình dục khởi đi từ một điều tích cực: tình dục với cùng đích sinh sản giữa một người nam và một người nữ đã kết hôn. Vì thế hành động nào không đến cùng đích trọn vẹn này là xấu. Theo lô-gích này, một hành động tình dục với biện pháp tránh thai là lỗi lầm. Và một hành động đồng tính “rối loạn tự nội tại” vì mọi thứ đều ngăn cản để không đến cùng đích mong muốn. Nó phụ thuộc vào một suy luận tiên nghiệm dựa trên giả định về dị tính tình dục nội tại của mọi con người.

Đó là điều giáo lý nói, dù khi bạn là đồng tính nam hay đồng tính nữ, cơ thể của bạn muốn một hành động tình dục khác giới: nếu bạn muốn một thứ khác, đó không phải là cơ thể của bạn mà là ham muốn của bạn bị gàn dở, “rối loạn khách quan”, theo các thuật ngữ chính thức. Vấn đề là, từ khoảng hơn năm mươi năm qua, nó trở nên rõ ràng, định hướng ổn định của người đồng tính không phải là sự thất bại của một bản thể tình dục khác giới nội tại, một ham muốn khoái lạc hay chướng khí, nhưng là một cấu trúc ham muốn thể xác, hóa học, sinh học thần kinh. Đó là một biến thể thiểu số nhưng không phải là bệnh lý của tình trạng con người, gần giống với người thuận tay trái – từ lâu họ bị xem là người thuận tay phải bị trở ngại – cũng như chứng biếng ăn chẳng hạn.

Sự phán xét của Giáo hội công giáo dựa trên những hành vi và mong muốn…

Nhưng sự thật của những người đồng tính không phải bắt đầu từ những gì họ làm, mà từ những gì họ là! Giáo huấn của Giáo hội là “hành động theo sau bản thể” (agere sequitur essere). Đó là điều cơ bản cho toàn sự hiểu biết công giáo giáo về ân sủng hoàn thiện cho bản chất. Chúng ta bắt đầu từ những gì chúng ta là, chứ không bất chấp những gì chúng ta là. Và tất cả những người đồng tính hoặc người thân của họ đều biết điều này giữa xung đột và suy luận kiểu tam đoạn luận: điều làm cho họ sốc là quan điểm chính thức tuyên bố rằng, để biện minh cho sự phản đối các hành vi, người ta phải tuyên bố rằng ham muốn của bạn là vô trật tự, bạn là người khác giới bị tổn thương – nhưng nó còn hơn cả mong muốn, nó là con người! Theo lô-gích, là kitô hữu, tôi nghĩ việc suy diễn một người khởi đi từ một điều cấm theo truyền thống không có cơ sở trong sự mặc khải của Chúa, là một lập luận vòng vòng, chỉ là truyền thống loài người chứ không phải lời của Chúa.

Theo cha, chúng ta có nên đặt câu hỏi về luật tự nhiên không?

Tuyệt đối không! Vấn đề không phải là luật tự nhiên, nhưng là sự suy diễn chúng ta làm từ đó. Khó khăn nảy sinh ngay khi chúng ta tìm cách định nghĩa thực tế được tạo ra từ các suy luận tiên nghiệm, điều mà chúng ta không còn làm trong bất kỳ lĩnh vực khoa học nào ngày nay.

Đức tin công giáo đã chấp nhận phương pháp thực nghiệm trong hầu hết các lĩnh vực khoa học khác, ngoại trừ lĩnh vực đời sống tình dục công giáo, nơi người ta ngăn việc học hỏi từ những gì là. Nhiều câu trả lời khôn ngoan đã được đưa ra trong phần ghi chú của Bộ Giáo lý Đức tin, bao gồm ghi chú của hồng y Christoph Schưnborn, không nói lên điều gì khác: chúng tôi đang trong quá trình tìm hiểu những gì là đúng về những người này.

“Rối loạn tự nội tại” là một một công thức cần xóa bỏ?

Đúng! Vì nó không phân biệt giữa hai người đàn ông có cuộc sống lứa đôi, yêu nhau và một vụ hiếp dâm, để làm nhục một người, chẳng hạn như ở trong tù. Để cả đêm trong phòng xông hơi khô, hoặc gắn bó trọn đời với bạn đời. Tất cả những gì bạn làm xuất phát từ cùng một ác độc nội tại: mọi thứ đều là tội lỗi… Và cuối cùng, không có gì là tội. Đó là nguy hiểm. Nó dẫn đến việc tạo một định nghĩa xấu liên quan đến bản thể con người, và đó là điều mà mọi người không chấp nhận được; một số dẫn đến việc tiêu diệt chính họ.

Bắt đầu từ đâu?

Bằng cách tin tưởng vào công việc của Thần Khí, Đấng mạnh hơn là chúng ta tưởng tượng… Đó là là cả một tiến trình học hỏi. Tôi không nghĩ chúng ta có thể làm bất cứ điều gì bằng cách la hét và phản đối, bởi vì đó là trò chơi của thế giới nhị nguyên. Bạn phải tìm kiếm một cái gì đó đúng, chính thật là nó. Điều đó không làm cho tôi thành nhà hoạt động điển hình.

Là người công giáo, tôi mong giáo hoàng bày tỏ rõ ràng hơn với Bộ Giáo lý Đức tin về vụ bê bối do tư duy độc tôn tạo ra do tư tưởng thành kiến, và thúc giục một cách suy nghĩ mới về những điều này. Ngài có thể đưa ra những dấu hiệu nhỏ thay vì đi tới các cuộc thảo luận chính thức, như thế dẫn đến sự thay đổi bầu khí tạo cơ sở cho một cuộc thảo luận bình thản hơn. Vậy là đã rất nhiều. Về cơ bản, tôi nghĩ chúng ta không nên tự cho mình là “chống”, nhưng nói thực tế chúng ta là ai.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài viết liên quan

Back to top button