Ai là người để lại gia tài của mình cho các hiệp hội?
a-croix.com, Nathalie Birchem, 2022-11-13
Có 9% người Pháp trên 50 tuổi sẽ cân nhắc việc họ sẽ để lại di sản cho các hiệp hội khi họ qua đời. Những người làm việc này chủ yếu là phụ nữ trên 70 tuổi không có con, nhưng thành phần những người để lại di sản này cũng đang thay đổi.
Khoảng một năm trước, bà Sylvie quyết định sau khi qua đời, phần lớn tài sản của bà sẽ tặng Quỹ nước Pháp (Fondation de France). Bà Sylvie, 67 tuổi, cựu giáo sư vật lý và hóa học giải thích: “Tôi là con một và tôi không có con. Tôi có người bạn đời đã 26 năm nhưng ông sống ở Anh, còn tôi sống ở Pháp và chúng tôi chưa kết hôn. Nếu ông đi sau tôi, tiền sẽ thuộc về ông, nhưng phần còn lại tôi sẽ để lại cho một hiệp hội.”
Mười ba năm trước, Sylvie mất cha mẹ, bà rất gắn bó với cha mẹ: “Cha tôi là nhà thiết kế báo chí, ông có lương khá. Mẹ tôi làm việc trong ngành thời trang cao cấp sau đó bà ở nhà chăm sóc tôi. Họ sống đơn giản, không tiêu nhiều.” Khi cha mẹ qua đời, số tiền họ tiết kiệm cả đời để lại cho con gái, hiện bà Sylvie có một căn hộ ở Paris và một căn nhà ở nông thôn, “với những đồ đạc xinh xắn vì mẹ tôi rất thích đồ cổ”.
Quyết định chọn lựa với người cố vấn
Bà Sylvie nói: “Khi chúng ta già, chúng ta bắt đầu nghĩ về ý nghĩa chúng ta muốn truyền lại gì. Một cuộc tranh cãi đau đớn với cha đỡ đầu, người thân duy nhất còn lại trong gia đình, bà quyết định không để tên ông trong di chúc, khi đó bà nghĩ đến Quỹ nước Pháp, một tổ chức tài trợ cho nhiều việc có ý nghĩa.
Một cố vấn giúp bà làm rõ các quyết định: “Tôi giải thích với họ có hai việc thiết thân với tôi: nghiên cứu y khoa, vì tôi đã được mổ ghép đốt sống khi tôi 12 tuổi; và giáo dục, là nghề nghiệp và đam mê của tôi trong suốt 42 hai năm. Tôi cũng muốn Quỹ chăm sóc mộ của tôi mỗi năm một lần.”
Khi bà Sylvie nêu rõ ý định, mọi thứ được viết chi tiết trong di chúc và được chưởng khế chứng thực. Bà nói: “Tôi biết tôi có thể thay đổi nếu cần, tôi không biết tương lai sẽ ra sao. Nhưng tôi hy vọng tôi không phải làm lại vì tôi thấy mình đã lựa chọn đúng.”
Cũng như bà Sylvie, nhiều người quyết định để lại tài sản của họ cho một hiệp hội sau khi qua đời. Bà Corinne Josephides, giám đốc bộ phận công chúng của tổ chức Force for Good giải thích: “Theo một nghiên cứu của tổ chức Obsoco được công bố năm 2020 thì 95 người Pháp hơn 50 tuổi có ý định để một phần tài sản của mình cho một hiệp hội.”
Những người để lại di sản không nhất thiết phải là những người rất giàu
Thật khó để biết có bao nhiêu người thực sự hành động. Nhưng theo con số của tổ chức Bức tranh toàn cảnh về lòng hảo tâm thì năm 2019 tài sản để lại chủ yếu gồm di sản và bảo hiểm nhân thọ đã vượt hơn một tỷ âu kim cho 260 hiệp hội lớn đã nhận được. Ông Vincent Bodin, phó giám đốc Quỹ nước Pháp nhận định: “Bằng cách ngoại suy, chúng tôi ước tính có 1,3 tỷ âu kim với mức tăng trưởng 4% mỗi năm.” Một sự tiến hóa nhanh hơn so với số quyên góp.
Ai là những người để lại di sản sau khi qua đời?
Bà Corinne Josephides nói: “Đa số là phụ nữ trên 70 tuổi, góa chồng hoặc độc thân và không có con.”
Ông Vincent Bodin xác nhận: “Ba phần tư người để lại di sản của chúng tôi là những người không có con.” Bà Leila Bahloul phụ trách việc thu quỹ cho biết: “Chúng tôi ngày càng thấy nhiều cha mẹ thấy con cái họ không thiếu thốn nên quyết định trao một phần tài sản của họ cho một hiệp hội” nhưng vẫn tôn trọng phần để lại hợp pháp cho con cháu.
Ông Vincent Bodin cho biết thêm: “Chúng tôi cũng thấy nhiều người trẻ bắt đầu quan tâm đến việc này.”
Về lợi tức, thường chúng ta nghĩ những người để lại di sản giàu hơn mức trung bình. Bà Corinne Josephides nói: “Chúng ta không cần phải giàu nhưng có một cái gì đó để truyền lại. Trên thực tế, di sản để lại rất đa dạng.” Ông Bodin xác nhận: “Ở Quỹ nước Pháp, di sản để lại trung bình 150.000 âu kim. 35% là bất động sản, 33% tiền mặt và 20% bảo hiểm nhân thọ, phần còn lại có thể là bàn ghế, trang sức, cổ phiếu…”
Điện ảnh gia Henri Clouzot để lại tài sản cho cơ quan Cứu trợ Công giáo Pháp
Một tiến trình hoàn toàn tự do riêng tư
Nếu ai không có gia đình, nếu họ không làm di chúc thì sau khi qua đời, tài sản của họ thuộc Nhà nước. Ý thức việc này đã thúc đẩy tiến trình. Bà Leila Bahloul nói tiếp: “Có hai con đường, một thuận, một chống. Hoặc tôi muốn để lại để cho các Quỹ để họ làm một cái gì có ý nghĩa cho tôi; hoặc tôi không muốn để lại cho Nhà nước hay cho một thành viên nào đó trong gia đình tôi. Vì thế, trên hết đây là một hành động tự do cá nhân tối thượng.”
Những người để lại di sản không nhất thiết phải có mối quan hệ từ trước với tổ chức họ để lại, một số người còn ủy quyền cho tổ chức đó chọn các chương trình tài trợ. Còn với những người tự mình chọn, họ thường làm theo ý riêng. Theo tổ chức Bức tranh toàn cảnh về lòng hảo tâm, từ năm 2007 đến 2019, 22% khoản quyên góp dành cho nghiên cứu y tế, 16% cho tình tương trợ, 15% cho tôn giáo và 12% cho giáo dục. Ông Vincent Bodin cho biết thêm: “Bây giờ chúng tôi thấy có những công việc mới như môi trường và bạo lực đối với phụ nữ.”
Marta An Nguyễn dịch