Lời chứng của một linh mục đã có kinh nghiệm lập gia đình, ly thân, góa vợ trước khi dấn thân vào chức tư tế đánh dấu ngày thứ hai Đại hội Gia đình Thế giới 23 tháng 6: “Có nhiều khó khăn trong các cặp vợ chồng nhưng Chúa Kitô không bao giờ bỏ giao ước của Ngài.”
Những người tham dự đến từ Canada, Nam Phi và Ý đã làm chứng cho những tình huống đau thương của ly thân, ly dị, nhưng cũng là những lời chứng của tha thứ và hòa giải trước các người tham dự Đại hội tại Hội trường Phaolô VI.
Bà Danielle Bourgeois, một phụ nữ đến từ Montreal, Quebec, bị nhục nhã khi bà ly hôn lúc 30 tuổi, bà đại diện cho gia đình tâm linh “Cô đơn Myriam” (Solitude Myriam). Phong trào tạo cuộc sống cộng đoàn cho những người ly thân hoặc ly dị, họ chọn trung thành với cam kết đầu tiên của mình bằng cách trở thành những người độc thân thánh hiến và cổ động cho “sự thánh thiện của các cặp vợ chồng và gia đình”.
Bà cho biết bà thành lập cộng đoàn này năm 1981, như “đáp ứng của Chúa trước sự khốn khổ của dân Ngài” và như một kinh nghiệm “thích ứng với thời đại chúng ta”, mang lại cho Chúa cơ hội để an ủi những đứa con bị tổn thương của Ngài.
Bà nói lên nỗi đau khổ của nhiều phụ nữ trẻ bị chồng bỏ rơi, họ đã liên lạc với bà sau khi bà đến nói chuyện ở các giáo xứ tiến trình thiêng liêng của bà sau khi ly dị. Một buổi chiều nọ, bà có sáng kiến tụ họp ở nhà bà mười hai người trong số những phụ nữ “đang khóc trên điện thoại vì bị chồng bỏ và có mặc cảm tội lỗi trước các đứa con đau khổ van xin người cha trở về”.
Tìm cách chữa lành cho các phụ nữ đơn thân và cho các trẻ em
Với thời gian, qua cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa đã giúp cho một số phụ nữ về lại với bí tích tha thứ. Bà Danielle Bourgeois nhấn mạnh “Chúa Giêsu chữa lành những trái tim bị tổn thương”, trong một số trường hợp, các phụ nữ này có thể vượt qua “buồn bã để có được vui vẻ” khi họ có thể tha thứ cho người bạn mới của chồng. Những tình huống này cũng giúp cho trẻ em có được một chút bình thản, đặc biệt khi người mẹ không còn bù đắp khi đi tìm những người đàn ông khác trong những mối quan hệ không ổn định, để tập trung vào con cái và quan hệ của chúng với Chúa.
Nhờ sự giúp đỡ của cộng đoàn này, một số cặp vợ chồng khó khăn cũng đã có thể “tránh được cảnh ly dị và trở lại với mối tình đầu”, bà cho biết những hòa giải này là niềm vui lớn cho những người ly hôn, những người không muốn các cặp khác cũng sống trong những cảnh tổn thương như mình. Bà nói: “Cảm tạ Chúa, Đấng đã chữa lành trái tim.”
Nhóm 12 người ban đầu đã dần dần lớn lên và năm 1984, nhờ sự hỗ trợ của giáo phận Montreal cộng đoàn đã có được một ngôi nhà. Hiện nay ở Canada, cộng đoàn có bảy căn nhà và cộng đoàn đã phát triển ở Argentina, Chi-lê, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Áo, Đức, Guadeloupe, Martinique và La Réunion.
Linh mục Erick Kagy, được giáo phận Montréal ủy nhiệm tháp tùng Gia đình “Cô đơn Myriam”, cha nhấn mạnh đến trách nhiệm chăm sóc mục vụ hòa giải và trung gian hòa giải. Linh mục Kagy có một quá trình không điển hình, linh mục đã từng kết hôn, rồi ly thân. Sau đó, người vợ qua đời, linh mục thành góa và sống độc thân theo luật Giáo hội, từ đó cha muốn “cống hiến đời sống mình cách triệt để hơn”. Sau thời gian phân định và đào tạo, cha thành linh mục giáo phận.
Linh mục Kagy cũng là người cha, người ông, linh mục cho biết “chính đứa trẻ mới là người bất hạnh nhất, bị tổn thương nhiều nhất” trong các cặp ly hôn. Cha nhấn mạnh đến “sự bất an” do “một thế giới đen tối” gây ra, cha lưu ý đến sự thiếu hiểu biết về ý nghĩa của bí tích và tính bất khả phân ly của hôn nhân nơi những người trẻ muốn kết hôn. Ngài cho biết, chính “các cặp vợ chồng hạnh phúc có thể là những nhà huấn luyện tốt” và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lòng trắc ẩn đối với các cặp vợ chồng ly thân và ly hôn.
Tha thứ “thay đổi tương lai”
Ông bà Stephen và Sandra Conway đến từ Nam Phi giới thiệu phong trào “Tìm lại” (Retrouvaille), phong trào tổ chức các buổi học cho các cặp gặp khó khăn. Bản thân đã từng trải qua khủng hoảng, khi ông Stephen bỏ thì giờ vào câu lạc bộ thể thao nhiều hơn là ở nhà, ông cảm thấy thiếu tình thân mật vợ chồng vì có cha mẹ vợ ở chung. Cuối cùng ông có quan hệ với một phụ nữ ông cùng chạy bộ. Vợ ông vô cùng nhục nhã và tức giận khi phát hiện mối quan hệ này, nhưng hành trình đọc Lời Chúa đã giúp họ tìm thấy con đường tha thứ và xây dựng lại, theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã “cứu người đàn bà ngoại tình khỏi bị ném đá.”
Ông Stephen nói: “Tha thứ không thay đổi quá khứ nhưng thay đổi tương lai”, ông cho biết “việc hàn gắn không xảy ra trong một sớm một chiều”, nhưng sự trung thực và đối thoại giữa vợ chồng có thể giúp tiến bộ. Vấn đề không phải là quay trở lại giai đoạn lãng mạn và ngây thơ của những ngày bắt đầu yêu nhau, mà là đến “giai đoạn vui vẻ” khi xác định họ là một cặp vợ chồng, chứ không phải hai cá thể có sở thích khác nhau.
Hôn nhân đáp ứng một “mong muốn thiêng liêng”
Ông bà Karine và André Parreira, người Brazil, đến từ Minas Gerais, cha mẹ của bảy người con, họ hỗ trợ các cặp vợ chồng gặp khó khăn, kết hợp với Viện Thánh Gioan-Phaolô II về Gia đình. Họ so sánh tình yêu gia đình với “viên kim cương có nhiều khía cạnh khác nhau” và nhắc lại Chúa đã nhập thể trong một gia đình. Họ nhấn mạnh: “Hôn nhân không phải là ý muốn đơn thuần của con người, mà là một mong muốn thiêng liêng.”
Vì thế tình yêu vợ chồng là “con đường nên thánh: chúng ta gặp người phối ngẫu của mình là gặp Chúa”. Kinh nghiệm hàng ngày về tình yêu thương và tha thứ của gia đình dần dần đi tới sự nên thánh, và sự hiện diện của Chúa mang lại ý nghĩa cho “cuộc hành trình đầy gian nan và thử thách” này.
“Chúng ta không sống trong một thế giới hoang tưởng” và việc đi tìm Chúa đòi hỏi phải “giữ đôi chân đạp đất”, họ lo lắng cho việc gia tăng các vụ ly hôn sau đại dịch, một tình huống đã nêu bật những thiếu sót về ý nghĩa gia đình, cuộc sống, và tha thứ đã không còn ý nghĩa.
Tuy nhiên, họ nhận ra rằng những khủng hoảng mà các gia đình phải đối diện không có giải pháp dễ dàng hoặc định diện được. “Chúng ta phải cẩn thận để không biến cặp vợ chồng thành một trải nghiệm kỹ thuật”, hoặc biến việc chăm sóc mục vụ gia đình thành “xưởng vợ chồng”. Gia đình nên là “hình ảnh của Chúa, không phải là kết quả của kỹ thuật”.
Loạt lời chứng về những tổn thương gia đình do hai vợ chồng Cristina Riccardi và Paolo Pellini, người Milan lập gia đình năm 1992 và là cha mẹ của ba người con hướng dẫn. Họ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tháp tùng thường xuyên và kiên nhẫn cho các cặp vợ chồng, trước và sau khi kết hôn, để “tránh nước mắt và thậm chí là những rạn nứt vĩnh viễn.” Họ cũng tham gia vào một hiệp hội hỗ trợ cho trẻ em bị ở ngoài gia đình gốc vì lý do gia đình mong manh, họ nhấn mạnh Giáo hội phải giải quyết “các vấn đề thực sự của con người”.