Cơn mưa kỳ diệu
Thánh tích được rước giữa lòng sông mưa ở Perpignan, nước Pháp. © Giáo xứ Thánh Gioan Tẩy giả
Ngày thứ bảy 18 tháng 3 một cuộc rước kiệu để cầu mưa ở Perpignan, Pyrénées-Orientales vùng hạn hán lịch sử đã thành công.
Ngày 18 tháng 2 khi ông Georges Puig, người trồng nho ở Passa đi qua cầu Joffre ở Perpignan, ông không thể không dừng lại để đo lường mức độ của thảm họa: sông La Têt, nơi cây cầu bắc qua, gần như khô cạn. Trong nhiều năm, hạn hán đã tàn phá khu vực, nhưng đặc biệt vài tháng gần đây tình trạng hết sức khắc nghiệt. Hai ngày sau, ông đến nhà thờ chính tòa Thánh Gioan Tẩy giả ở Perpignan để cầu nguyện gần di tích Thánh Gaudérique, một vị thánh địa phương vào thế kỷ thứ 9.
Ông nhớ lại: “Các gia đình ở Roussillon có thói quen cầu nguyện với Thánh Gaudérique khi hạn hán.” Ông gặp cha sở Christophe Lefebvre, ông nói: “Chúng ta có thể trưng bày thánh tích được không, trong quá khứ, chúng ta có thói quen rước kiệu xin mưa xuống.” Quyết định được đưa ra để cầu nguyện xin mưa từ Trời rơi xuống. Ngày được ấn định là ngày 18 tháng 3, chúng tôi chưa biết dự báo thời tiết ngày đó.
Ba giờ mưa liên tục
Phần còn lại của câu chuyện đơn giản như trong Kinh thánh: cuộc rước kiệu tiến hành như dự tính và ngay tối hôm đó, lượng mưa rơi xuống trong ba giờ tương đương với ba tuần mưa, vượt xa dự báo trong ngày. Linh mục Lefebvre nói: “Chúa ban cho chúng tôi những gì chúng tôi hy vọng!” Về phần giáo dân, họ tin chắc mưa là kết quả trực tiếp của lời cầu nguyện. Gần 600 người đi kiệu từ sân nhà thờ đến con sông La Têt cách đó vài trăm mét. Xông hương thánh tích, bài thánh ca catalan, kinh cầu các thánh đã cùng với những người khiêng kiệu thánh tích đi giữa dòng sông La Têt, mực sông không quá 20 xăngtimét. Kết thúc buổi rước kiệu là ban phép lành cho khu vực với thánh tích và đọc một đoạn Tin Mừng ở bốn điểm chính.
Những người gièm pha xem đây là mê tín dị đoan. Cha Benoỵt de Roeck của nhà thờ chính tòa, không nghi ngờ tác động của lời cầu nguyện, ngài nói, “mưa rơi xuống ngay là câu trả lời từ Trời”, ngài nhấn mạnh: “Đặc biệt cơn mưa làm mọi người ngạc nhiên, đây không phải là mưa phùn hay dòng nước lũ làm ngập đồng bằng, nhưng là cơn mưa tưới mát trái đất.”
Đối với người công giáo cũng như một số người đã rời đạo, cuộc rước là biểu hiện cho lòng mộ đạo bình dân đích thực. Linh mục De Roeck ngạc nhiên trước lòng mộ đạo tự nhiên này của người dân, khi hiện nay họ rất ngại công khai bày tỏ đức tin của mình, ngài nói: “Trong hai hoặc ba năm, thế giới vốn tự cho mình là toàn năng đã bắt đầu thấy tính dễ bị tổn thương, nhận ra sự mong manh của mình trước thiên nhiên và từ đó là trước Đấng Tạo Hóa. Lòng mộ đạo bình dân này đã dẫn dắt các dân tộc qua nhiều thế kỷ và không phải không có lý do mà ngày nay chúng ta tìm thấy lại. Nó đã bị phỉ báng, nhưng không gì có thể thay thế đức tin bình dân này, vì nó đơn sơ và vì thế nó đúng.”
Vào cuối cuộc rước, khi mười người khiêng thánh tích vào nhà nguyện của nhà thờ chính tòa, cha xứ quyết định khởi động lại nhóm huynh đệ Thánh Gaudérique, đã bị giải tán trong thời Cách mạng. Về phía giáo xứ, giáo dân đang nghĩ đến việc tổ chức rước kiệu hàng năm. Đây là lợi ích đôi của Thánh Gaudérique: xin mưa rơi, không chỉ tưới mát trái đất mà còn tưới mát cho đức tin của người dân địa phương.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch