Tin tứcGiáo Hội hoàn vũ

Công giáo, giữ đạo một cách khác

by Phanxicovn

presence-info.ca, Louis Cornellier, 2022-11-17

Tôi không chắc mình có là một tín hữu tốt. Tôi có đức tin, tôi đóng niên liễm, nhưng tôi chỉ đi lễ vài lần một năm, lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh, lễ Thánh Gioan và một vài dịp đặc biệt khác. Lười biếng giữ đạo này có làm tôi thành một tín hữu không tốt không? Tôi hy vọng là không. Tôi nghĩ trên thực tế nên giữ đạo một cách khác, chủ yếu đọc các sách đạo, gắn kết với suy tư kitô và hàng ngày cố gắng hành động như một tông đồ khiêm tốn của Chúa Kitô.

Dù tôi bỏ lễ ngày chúa nhật nhưng tôi cũng rất buồn vì sự sụp đổ tập thể này. Các con số rõ ràng. Trong quyển sách Không có người giữ đạo, người Québec? (Pas pratiquants, les Québécois? Nxb. Novalis, 2022), một tác phẩm tập thể “về việc giữ đạo ngày nay”, đồng nghiệp Yves Casgrain nêu bật một số điểm.

Năm 2019, theo Thống kê Canada, “chỉ 25% người công giáo ở Canada đến các nơi thờ phượng mỗi tháng ít nhất một lần”. Ở Québec, 18% người nói họ giữ đạo”. Các thăm dò khác cho biết chỉ có 5% đi lễ hàng tuần. Kết quả có thể thay đổi một chút từ năm này sang năm khác, từ thăm dò này qua thăm dò khác, nhưng thực tế vẫn là: cách giữ đạo truyền thống đang sụp đổ.

Ở Pháp, chúng ta cũng đang chứng kiến hiện tượng tương tự. Theo cơ quan thăm dò Ifop, năm 2021 có 6,6% người Pháp trả lời họ theo đạo công giáo. Đó là những người lớn tuổi nên rõ ràng tương lai của Giáo hội công giáo không nằm ở đây.

Tác giả Casgrain xác định, và có lý, ông cho rằng những dữ liệu này không nên đưa chúng ta đến một kết luận khái quát, rằng Québec không còn tin. Trên thực tế, trong một thăm dò của cơ quan Léger năm 2021 cho thấy 51% người Québec nói họ tin vào Chúa. Tuy nhiên, trong thăm dò của CROP năm 2017, chỉ có 14% tin vào Chúa do Giáo hội dạy và 37 % tin vào Chúa theo cách riêng của họ.

Như thế ở Québec có một hiện diện khá mạnh của linh đạo hoặc lòng mộ đạo, được thể hiện theo nhiều cách khác nhau: mong muốn có đời sống thiêng liêng qua thiên nhiên, hành hương cá nhân theo cách Compostela, thiền định, nhưng điều đáng lo ngại là say mê loại bí truyền không có giá trị. Đối với người công giáo, không có gì là an ủi ở đó.

Để tang và hy vọng

Sinh viên tiến sĩ khoa học tôn giáo tại Đại học Laval, người viết chuyên mục trên báo Hiện diện (Présence), cô Sabrina Di Matteo không ngần ngại tự nhận mình là “người con của Giáo hội”. Tuy nhiên, trong quyển sách Không có người giữ đạo, người Québec?, cô nhận thấy mọi thứ đã thay đổi và tình trạng hiện nay buộc chúng ta phải sống thời kỳ để tang. Cô viết: “Tôi nhận ra, Giáo hội của thời thơ ấu và thời tuổi niên thiếu của tôi đã thành xưa cũ và nó sẽ không bao giờ trở lại như trước.” Nếu chúng không phải là nguồn gốc của việc giữ đạo suy tàn, thì những vụ tai tiếng trong Giáo hội đều góp phần làm mất uy tín Giáo hội.

Cô Di Matteo không mất hy vọng làm cho Giáo hội sống khác đi.

Tương lai không còn thể hiện qua việc đi lễ ngày chúa nhật, nhưng không vì vậy mà kitô giáo chết. Tuy nhiên để sống, kitô giáo phải tìm được sự cân bằng giữa “mối quan hệ cá nhân với Chúa và mối quan hệ với cộng đồng”. Nếu không có sự tồn tại của cộng đồng, vẫn phải đi tìm các hình thức mới thì kinh nghiệm kitô giáo sẽ rất mong manh.

Một cân bằng khác không thể thiếu với tương lai kitô giáo là giữa đức tin mật thiết và thế giới. Việc giữ đạo không nên giới hạn trong việc cầu nguyện riêng tư hoặc cộng đoàn. Cô Di Matteo khẳng định: “Đức tin của chúng ta đưa chúng ta ra thế giới và xin chúng ta biến đổi đức tin bằng cách cam kết ủng hộ các chính sách xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, vì hòa bình lâu dài”.

Cuối cùng, nếu cần thiết phải cởi mở trước sự phong phú của các truyền thống tôn giáo hoặc tư tưởng khác, thì điều quan trọng là phải “tôn vinh tính nhất quán của tầm nhìn kitô giáo” để không làm lu mờ thông điệp. Cô Di Matteo giải thích: “Chẳng hạn, nếu chúng ta tin vào phục sinh và phẩm giá của mỗi người, duy nhất và được cứu độ nhờ một Thiên Chúa nhân từ, thì chúng ta không thể tin vào một thuyết luân hồi kết án con người phải hoàn thiện cho đến khi có được cứu rỗi.”

Phong cách kitô giáo

Vì thế cô Di Matteo mời chúng ta suy nghĩ về việc giữ đạo theo một cách khác. Ý tưởng này xuất hiện trong hầu hết các bài của quyển Không có người giữ đạo, người Québec?. Nữ thần học gia  Sophie Tremblay gợi lên “một lối sống trong đường hướng chung của một tư cách người môn đệ”. Bà cho rằng, điều quan trọng không phải thánh lễ ngày chúa nhật như “một cách sống đích thực, không phô trương như một môn đệ, nhưng trong các việc làm và sự thật, mà không cần nhiều bài diễn văn”.

Ông Richard Chartier, tu sĩ Dòng Phan Sinh tại thế đề xuất mô hình “người giữ đạo vị tha”. Ông giải thích, giữ đạo chân chính ít quan trọng ở việc giữ nghi thức, hơn là có cử chỉ và hành động có tính cách nhân đạo dù người đó là người tin hay không tin.

Trong tinh thần tương tự, thần học gia Jocelyn Girard biện hộ cho “một chăm sóc mục vụ theo các Mối Phúc, đặt các giá trị nhân bản trên tất cả mọi sự, nâng cao khía cạnh ‘hữu hình’ của thần thánh trong đời sống con người, kết hợp với hình ảnh người giữ đạo vị tha, sẽ mời gọi các môn đệ nhận ra nhau, nhóm lại với nhau để cùng hành động trong thế giới và yêu thế giới này theo cách của Chúa”, nghĩa là không ngây ngô trước cái ác gặm nhắm, nhưng trong mong muốn xoay chuyển sự việc đặt chúng trong thế căng thẳng với nước Chúa”.

Duy trì với Lời

Người công giáo Québec không còn có thể ảo tưởng. Mô hình giữ đạo của ngày hôm qua đang chết dần và thể chế đã mất đi vẻ hào nhoáng. Chẳng hạn, trong giới làm việc trí thức của tôi, việc tự cho mình là người công giáo trở nên cực kỳ khó khăn, không thể không tạo ngờ vực hoặc bị chế nhạo. Trích Lời Chúa Giêsu, may ra có được nụ cười, còn không thì bị khinh miệt.

Ngày hôm qua bị cho là có quan điểm chiến đấu, ngày hôm nay  thuyết bất khả tri và vô thần được cho là có quan điểm trung lập nơi công cộng, còn nói mình là người tin thì bị nghi ngờ. Tuy nhiên, các tín hữu kitô có lý, là những người ủng hộ chủ nghĩa thế tục trong một thời gian dài, không có gì nghi ngờ về mặt trí tuệ, họ có thể tranh luận về một quan điểm phong phú và đích thực về quyền công dân trong những cuộc tranh luận công khai.

Có nhiều cách để giữ đaọ. Cách của tôi chủ yếu là suy nghĩ, thần học, triết lý và văn chương. Nó không phải là thánh lễ, nhưng duy trì ngọn lửa của Lời.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài viết liên quan

Back to top button