Đức Phanxicô: “Không thể yêu cầu người chăm sóc giết bệnh nhân của họ”
Trong buổi tiếp các đại biểu dân cử Pháp của giáo phận Cambrai ngày thứ sáu 21 tháng 10-2022, Đức Phanxicô tuyên bố: “Chúng ta không thể yêu cầu người chăm sóc giết bệnh nhân của họ!”
Đức Phanxicô trong buổi tiếp các dân biểu Pháp, ngài phản đối an tử và chữa trị bám riết. | © CTV
Khi chính phủ Pháp bắt đầu dự án hợp pháp hóa an tử, Đức Phanxicô thúc đẩy để có một tranh luận sự thật về giai đoạn cuối đời ở Pháp, khi ngài tiếp khoảng bốn mươi dân biểu Pháp của giáo phận Cambrai ngày 21 tháng 10 – 2022 tại Vatican. Cùng với tổng giám mục Vincent Dollmann, các chính trị gia này có chuyến đi Rôma, họ đã gặp các giám chức các bộ của Giáo triều Rôma.
Trước các vị dân cử, Đức Phanxicô quan tâm đặc biệt đến những người ở giai đoạn cuối đời. Ngài xin phát triển tốt các phục vụ chăm sóc giảm nhẹ: “Tôi dám hy vọng với những vấn đề thiết yếu như vậy, cuộc tranh luận có thể mang lại sự thật để đồng hành với cuộc sống cho đến khi kết thúc tự nhiên.”
Để chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo của Tổng thống Macron?
Ngài khẳng định: “Về bản chất, những người chăm sóc có nhiệm vụ chăm sóc và làm giảm đau, vì không phải lúc nào cũng chữa lành được, nhưng chúng ta không thể yêu cầu những người chăm sóc giết bệnh nhân của họ!” Và để nhắc lại lời ngài nói trong cuộc họp báo trên máy bay khi ngài từ Kazakhstan về Rôma ngày 15 tháng 9: “Nếu chúng ta giết người với những lời biện minh, thì càng ngày chúng ta càng giết nhiều hơn”.
Đức Phanxicô tuyên bố những lời này trước ngày ngài sẽ tiếp Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmnanuel Macron, ông sẽ đến Vatican ngày thứ hai 24 tháng10. Một nguồn tin từ Điện Élysée cho biết, giai đoạn cuối đời là một trong các chủ đề sẽ được thảo luận trong buổi tiếp kiến riêng này. Theo tổng giám mục Pierre d’Ornellas, người đứng đầu nhóm làm việc về đạo đức sinh học của Hội đồng Giám mục Pháp, việc giáo hoàng và nguyên thủ quốc gia bàn về chủ đề này là hợp lý.
Hội nhập người khuyết tật
Trong bài phát biểu trước các dân biểu, Đức Phanxicô khuyến khích việc chào đón những người thiệt thòi nhất, đặc biệt là người di cư, một vấn đề ngài luôn quan tâm. Ngài cũng kêu gọi có các cơ hội để hội nhập người khuyết tật, giúp họ có được chỗ đứng trong giới công ăn việc làm. Ngài cũng kêu gọi các dân biểu nêu bật khía cạnh văn hóa, một yếu tố quan trọng cho sự hợp nhất, thành quả của một quá khứ chung. Ở vùng Cambrai miền Bắc, nơi ngày xưa sung túc nhờ các mỏ than, ngành luyện kim mạnh và các nhà máy dệt nổi tiếng, nhưng bây giờ nghèo đi vì các ngành này đã đóng cửa, ngài nói thêm: “Dựa trên các hoạt động xã hội và văn hóa mà quý vị tìm được bản sắc của mình, bất kỳ quý vị theo khuynh hướng chính trị nào.”
Một cách rộng hơn, ngài xin các chính trị gia quan tâm đến các nhu cầu thiết yếu của cử tri, họ thường bị bỏ quên trong việc chạy theo các chủ đề đương thời, ít liên quan đến cuộc sống hàng ngày của họ. Ngài nêu rõ, đó là làm sao “các nhà chức trách cao nhất quan tâm đến nguyện vọng và nhu cầu thực sự của người dân trong vùng của mình, không bị ảnh hưởng của bất kỳ ý thức hệ hay áp lực truyền thông nào”.
Trong chuyến đi năm ngày đến Rôma, các dân biểu Pháp đã gặp hồng y Michael Czerny, bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện, tổng giám mục Gallagher, bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia, linh mục Philippe Bordeyne, Chủ tịch Giáo hoàng Học viện thần học Gioan-Phaolô II về Nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình, và sơ Nathalie Becquart, Thư ký dưới quyền của Thượng Hội đồng Giám mục.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch