Bức thư năm 2024 từ Taizé: “Hành trình cùng nhau”
Bức thư năm 2024 từ Taizé
“Hành trình cùng nhau”
Thầy Matthew – Cộng đoàn Taizé
WGPSG (27.12.2023) – Vào Cuộc Gặp mặt Châu Âu mỗi cuối năm do Cộng đoàn Taizé tổ chức, vị Bề trên Cộng đoàn Taizé sẽ gửi đến những người trẻ tham dự và các bạn trẻ trên toàn thế giới một bức thư. Qua bức thư đó muốn nhắn gửi thông điệp để suy tư, thảo luận và sống tinh thần trong suốt một năm mới. Năm nay, Thầy Matthew, Bề trên Cộng đoàn Taizé gửi đến các bạn trẻ, sẽ đến Ljubljana, thủ đô của Slovenia để tham dự Cuộc Gặp mặt Châu Âu lần thứ 46 diễn ra từ Thứ Năm ngày 28.12.2023 đến Thứ Hai ngày 1.1.2024, Bức Thư năm 2024 với tiêu đề “Hành trình cùng nhau”.
Trong 18 tháng qua, Cộng đoàn Taizé của chúng ta đã thực hiện một hành trình đức tin đầy thú vị. Chúng ta đã chuẩn bị một “Cuộc Quy tụ Dân Chúa” được gọi là “Together” / “Cùng nhau”[1] phối hợp với đại diện từ các phong trào, cộng đồng và tổ chức từ nhiều Giáo hội Kitô giáo. Khởi đầu từ trực giác được Thầy Alois[2] bày tỏ khi khai mạc Thượng Hội đồng về hiệp hành trong Giáo hội Công Giáo, việc chuẩn bị “Together” đã khiến chúng ta tăng cường lắng nghe người khác, tìm kiếm những ân sủng hiện diện trong các nhóm Giáo hội khác nhau, cũng như giữa những người có thiện chí trong xã hội.
Đêm Canh thức Cầu nguyện đại kết, diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô, Rôma, quy tụ hơn 20 nhà lãnh đạo từ các Giáo hội khác nhau được Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi, cũng như tất cả thành viên tham dự Thượng Hội đồng Giám mục thường kỳ lần thứ 16 của Giáo hội Công Giáo và 18.000 người ở mọi lứa tuổi từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có 4.000 thanh niên đến tham gia chương trình cuối tuần và được các giáo xứ ở Rôma đón tiếp. Đồng thời, mọi người gặp nhau ở 222 nơi khác nhau trên khắp hành tinh để cầu nguyện trong sự hiệp thông với đêm canh thức này.
Nhìn lại, làm thế nào để chúng ta có thể hiểu về trải nghiệm này? Nó có thể mở ra một tương lai cho một hành trình chung giữa những người Kitô hữu không? Chúa Giêsu nói: “Anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mátthêô 23,8). Chẳng phải tất cả các Kitô hữu đều là anh chị em, hiệp nhất trong mối hiệp thông dù còn bất toàn nhưng đích thực sao? Chẳng phải Chúa Kitô đã mời gọi và mở đường cho chúng ta tiến bước cùng Người như những người bạn đồng hành, cùng với những người sống bên lề xã hội sao? Trên hành trình này, trong cuộc đối thoại hòa giải, chúng ta muốn nhắc nhớ nhau rằng chúng ta cần nhau, không phải để áp đặt ý kiến của mình, mà để góp phần vào hòa bình trong gia đình nhân loại[3].
Trong sự tri ân đối với ý thức hiệp thông đang tiến triển, chúng ta có thể tìm thấy động lực cần thiết để đối mặt với những thách thức ngày nay như tiếng kêu khóc của trái đất và sự phân cực đang làm rạn nứt gia đình nhân loại. Trong sự gặp gỡ và lắng nghe, chúng ta hãy cùng nhau tiến bước như đoàn dân Chúa.
Điều có thể mang lại ý nghĩa cho chúng ta khi tái khám phá việc lắng nghe người khác là gì? Chúng ta có sẵn sàng hiểu, thay vì bác bỏ, những nỗi sợ hãi mà đôi khi được bày tỏ không?
Trên đường từ Rôma về Taizé, tôi dừng lại ở Ljubljana, thủ đô của Slovenia, nơi diễn ra Cuộc Gặp mặt Châu Âu lần thứ 46[4] của Taizé, để gặp gỡ nhóm chuẩn bị quốc tế gồm các tình nguyện viên trẻ, các anh em Taizé, các nữ tu Dòng Thánh Andrew và những người bạn Slovenia. Suy tư sau đây, về chủ đề “Hành trình cùng nhau”, phần lớn là kết quả của những cuộc trò chuyện của chúng tôi những ngày đó.
Xin cám ơn các anh em của tôi, những người đã đóng góp vào việc chuẩn bị thông điệp này và tất cả những người sẽ chia sẻ cuộc hành trình này.
Xin gửi lời chào thân ái đến tất cả các bạn.
Thầy Matthew
Ở Ljubljana, tôi nghe ai đó đã nói: “Ngày nay, tình trạng vô gia cư trong xã hội không chỉ là vấn đề về nơi ở vật chất. Đối với nhiều người đó là một thực trạng nội tâm. Nhưng việc tìm kiếm sự an toàn nội tâm cũng có thể dẫn đến những suy nghĩ chỉ khiến họ cô lập hơn”. Có người hỏi rằng: “Nếu chúng ta cùng song hành, chúng ta cần mức độ đồng thuận nào để bắt đầu? Có nguy cơ là những câu nói trống rỗng có thể che giấu sự thật là chúng ta chỉ đang chịu đựng lẫn nhau. Nhưng khi chúng ta mở lòng đối thoại, chúng ta đang chấp nhận mạo hiểm.” Những câu hỏi này dẫn chúng ta tới đâu?
Lắng nghe
Trọng tâm của mọi cuộc đối thoại là lắng nghe. Ông Môsê đã nói với Dân Thiên Chúa: “Shema Yisrael” – “Nghe đây, hỡi Ítraen!” – (Đệ nhị luật 6,4) và những lời này đã đặt tên cho lời cầu nguyện hàng ngày của họ. Nhiều thế kỷ sau, Thánh Biển Đức Viện Phụ[5] mở đầu tu luật của ngài bằng một lời thật giản dị: “Hãy lắng nghe cách chú tâm”.
Lắng nghe là một hành động của tình yêu. Nó là cốt lõi của bất kỳ mối quan hệ tin cậy nào. Nếu không lắng nghe, ít điều gì có thể tăng trưởng hoặc phát triển. Chẳng có tương quan nào có thể tăng triển được nếu thiếu sự lắng nghe. Khi chúng ta lắng nghe người khác một cách vị tha, chúng ta cho họ không gian mà họ cần để hiện hữu. Chúng ta khích lệ họ bày tỏ những điều họ cần bày tỏ, thậm chí đôi khi cả những điều không thể diễn đạt bằng lời.
Và trọng tâm của việc lắng nghe là thinh lặng[6]. Kinh Thánh cho chúng ta nhiều ví dụ về điều này. Êlia gặp Chúa trong làn gió nhẹ của sự thinh lặng, thay vì trong trận động đất, gió và lửa (1 Vua 19,11-13). Maria, em gái Martha, ngồi dưới chân Chúa Giêsu và lắng nghe Người (Luca 10,39)[7]. Một lời nguyện Kinh thánh cổ xưa viết rằng: “Chúa đã mở tai con” (Thánh vịnh 40,7).
Ngày nay, chúng ta thường có cảm tưởng rằng ai kêu gào lớn nhất thì sẽ thành công. Bạo lực dường như đang gia tăng ở nhiều nơi đến nỗi chúng ta không còn biết hướng về phía nào. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ là tác giả của bạo lực[8] và không bao giờ áp đặt. “Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán, điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người” (Thánh vịnh 85,9).
Phải chăng con đường chúng ta cần đi là cố gắng lắng nghe và thấu hiểu người khác? Việc này không hề khiến chúng ta nương theo hay ngăn cản chúng ta phản ứng trước sự bất công, “một con tim biết lắng nghe” (1 Vua 3,9) cho phép chúng ta đưa ra những quyết định can đảm và sáng tạo, bắt nguồn từ sâu thẳm trong niềm xác tín nội tâm, nơi đó Thiên Chúa gần gũi chúng ta hơn chúng ta dám ước mong…
Hành trình
Tiến bước trong cuộc đời, chúng ta là những lữ khách hay là khách hành hương? Chúng ta chỉ đi để quan sát từ bên ngoài hay được thúc đẩy bởi một khao khát nội tâm thôi thúc chúng ta tiến về phía trước? Người hành hương, ngay cả khi chưa nhìn thấy điểm đến của mình, vẫn tìm kiếm ý nghĩa trong mỗi chặng đường của cuộc hành trình, bằng bằng việc cảm nhận được hướng đi một cách trực giác. Nhưng một con đường không có mục tiêu có thể trở nên lang thang vô định[9].
Khi điều này xảy ra, liệu chúng ta có nhớ Chúa Giêsu đã nói: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Gioan 14,6)? Cùng Người tiến về phía trước có nghĩa là gắn kết ba thực tại này lại với nhau. Chúa Giêsu đích thân là con đường chúng ta đi theo, chúng ta có thể tin tưởng vào những gì Ngài nói và Ngài dẫn chúng ta vào sự viên mãn mà chúng ta chưa bao giờ tưởng tượng được.
Chúa Giêsu không loại trừ ai khỏi cuộc hành trình của Ngài. Bắt nguồn từ sự hiệp thông với Thiên Chúa, Ngài đã chia sẻ cuộc sống của mình với bất cứ ai đến với Ngài, cả người công chính lẫn kẻ gian ác. Ngài nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi những người bên lề xã hội, nơi những người tội lỗi và bị loại trừ, và thậm chí ở những người không thuộc dân tộc của Ngài. Chúa Giêsu đã trao đi những gì Ngài có, nhưng Ngài cũng nhận được từ những người Ngài đã gặp. Qua họ, cuộc sống của Ngài đã được thúc đẩy, và trở nên phong phú hơn.
Chẳng phải Chúa Giêsu, hiền lành và khiêm nhường trong lòng[10], đã mời gọi chúng ta cùng đi trên con đường này sao? Chúng ta có sẵn sàng tìm kiếm lòng quảng đại của sự khiêm nhường[11] để đón nhận những gì người khác có thể mang lại cho chúng ta trên hành trình này không?
Hành trình cùng nhau là đời sống của Giáo hội và xã hội. Tuy nhiên, mỗi người cần có không gian để thể hiện khả năng sáng tạo và ý tưởng của mình. Nhưng những điều này được trao đi để chia sẻ, để cùng nhau xây dựng cuộc sống của chúng ta trong Giáo hội, trong gia đình nhân loại. Các dây đàn guitar nằm cạnh nhau nhưng chỉ khi chúng được chơi cùng nhau thì chúng mới có thể tạo ra âm thanh hài hòa…
Ở cạnh bên người khác
Không phải lúc nào cũng dễ dàng để đồng hành với người khác. Mỗi người trong chúng ta đều mang trong mình những vết thương. Và đôi khi chúng ta đã làm tổn thương lẫn nhau.
Ở cạnh bên mọi người là lắng nghe họ. Cho họ thời gian và không gian để họ có thể kể cho chúng ta nghe câu chuyện của họ[12]. Lắng nghe có nghĩa là chấp nhận họ trong sự khác biệt của họ. Chúng ta có thể không đồng ý hoặc thậm chí chúng ta có thể có một thế giới quan khác. Nhưng điều đáng kinh ngạc là khi chúng ta lắng nghe họ, khi chúng ta để họ kể câu chuyện của chính họ, chúng ta thường khám phá ra tính nhân văn chung của chúng ta. Sự khác biệt không quá lớn như chúng ta tưởng tượng. Sự thống nhất trong đa dạng thực sự có thể thực hiện được[13]. Và có lẽ những người trong chúng ta, những người mong muốn trở thành môn đệ của Chúa Giêsu sẽ kinh ngạc khi khám phá ra rằng sự hiệp nhất nên một đã tồn tại trong Thiên Chúa và trong Đức Kitô (Gioan 17,21-23) vượt quá sự mong đợi của chúng ta.
Nhưng khi người khác nói với chúng ta rằng họ bị tổn thương như thế nào, hoặc thậm chí chúng ta đã làm tổn thương họ như thế nào, liệu chúng ta có dám lắng nghe họ một cách cởi mở không? Chúng ta rất dễ rơi vào cơ chế tự vệ. Khi đó, chúng ta ngừng lắng nghe để cố gắng bảo vệ bản thân hoặc bảo vệ quan điểm của mình. Chẳng phải lòng trắc ẩn có nghĩa là chúng ta nên nghiêm túc lắng nghe nỗi đau khổ của người khác sao? Có lẽ đôi khi việc cùng nhau chia sẻ cảm nhận về sự đau khổ có thể mở ra một con đường để chúng ta có thể ở bên nhau, ngay cả khi chúng ta không thể bỏ lại nỗi đau đó phía sau[14].
Đôi khi chúng ta cần chấp nhận lùi một bước. Trong những lúc này, chúng ta có thể tín thác cho Chúa Thánh Thần và cầu xin Ngài soi sáng cho chúng ta những điều chúng ta cần biết[15]. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đủ khiêm tốn để không muốn áp đặt lý tưởng của mình, mà sẵn lòng đón nhận những gì người khác mang lại cho chúng ta[16]. Và chúng ta không bao giờ được từ bỏ hy vọng[17]. Thánh Phaolô tông đồ, choáng ngợp trước tình yêu vô hạn của Chúa Giêsu Phục sinh sau khi chống đối Ngài một cách quyết liệt, đảm bảo với chúng ta rằng tình yêu của Thiên Chúa đã đổ vào tâm hồn chúng ta qua Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta (Rôma 5,5). Chúng ta có thể dựa vào sự hiện diện dịu dàng này ngay cả khi chúng ta không cảm nhận được điều ấy. Lòng tín thác chẳng tái sinh trong chúng ta sao? Dù mỏng manh đến đâu chăng nữa, sự tín thác ấy vẫn mang lại đủ ánh sáng cho chúng ta bước tiếp, với Chúa và với những người được trao phó cho chúng ta.
Ở lại với Chúa, ở lại với tha nhân
Cuộc hành trình cần có thời gian – thậm chí cả cuộc đời – cũng như việc lắng nghe cần có thời gian để các mối quan hệ có thể phát triển. Có lẽ đây chính là lúc mà sự kiên nhẫn và lòng trung thành phải được thể hiện.
Bước đi với tha nhân, bước đi với Chúa. Đối với nhiều người trong chúng ta, những thực tại này không thể tách rời. Chúng ta cần cả hai[18]. Giống như những cành nho mọc lên từ cây nho, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ở lại trong Người như Người ở lại trong chúng ta (xem Gioan 15). “Ở lại” hàm ý một điều gì đó kéo dài theo thời gian. Điều được yêu cầu nơi chúng ta không chỉ là sự dấn thân trong một khoảnh khắc, mà là ở lại trong Người suốt cuộc đời. Chỉ bằng cách ở lại, chúng ta mới có thể tiếp tục phát triển và sinh hoa trái.
Hoa trái này là gì? Chúa Giêsu sẽ tiếp tục nói: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu hiến mạng sống vì người mình yêu”. Bước đi trên hành trình này là chấp nhận mạo hiểm hiến dâng tất cả để theo Chúa Giêsu, để trong sự tự do hoàn toàn, chúng ta có thể yêu thương cho đến cùng. Tình yêu Tin Mừng không chỉ đơn giản là tình cảm, mà còn là sự hiến dâng bản thân mình cho người khác. Đây là cuộc hành trình của cuộc đời chúng ta, qua đó chúng ta chuyển từ địa vị người tôi tớ trở thành bạn hữu của Đức Kitô.
Hoa trái được sinh ra từ những cuộc đời được sống trọn vẹn. Nó phát triển một cách tự nhiên khi chúng ta ở lại trong Chúa Kitô, và kín múc từ sự sống của Ngài giống như những cành nho nhận được sự sống từ cây nho. Có một niềm vui trọn vẹn được khám phá khi chúng ta đón nhận thử thách của Tin Mừng. Chúng ta đã sẵn sàng cho điều đó chưa?
Hành trình cùng nhau trong thế giới ngày nay
Đối mặt với những thách thức ngày nay và sự yếu đuối của chính chúng ta, như chúng ta đã nói trước đó, một số người đôi khi cảm thấy như “vô gia cư”. Chúng ta nhìn thấy Công trình Sáng tạo của Chúa, mà gia đình nhân loại chúng ta cũng là một phần trong đó, bị tổn thương. Nỗi đau có thể được truyền qua nhiều thế hệ ở những dân tộc đã bị bóc lột và sỉ nhục. Chúng ta biết những gia đình bị chia cắt bởi xung đột và chiến tranh. Chúng ta cũng thừa nhận rằng nhiều mạng sống đã bị tổn hại bởi những người tuyên xưng Danh Kitô, trong Giáo hội cũng như trong Cộng đoàn Taizé của chúng ta[19].
Tuy nhiên, không có lời kêu gọi cùng nhau để đương đầu với những thách thức này sao? Ngạn ngữ Châu Phi có câu: “Điều khiến một cuộc hành trình dài trở nên ngắn lại là khi chúng ta cùng nhau bước đi”. Trong “cuộc di cư vĩ đại” của động vật hoang dã giữa Serengeti và Masai Mara, những chú bê con phải dựa vào sức mạnh của những con trưởng thành để vượt qua sông và leo lên bờ. Và đối với chúng ta cũng vậy, có những lúc chúng ta cần được nâng đỡ. Hay học cách chấp nhận được nâng đỡ…
Và khi chúng ta cùng nhau đối mặt với những thử thách như vậy, có thể có những trải nghiệm về vẻ đẹp, về sự siêu việt, giúp chúng ta khám phá ra tia sáng giúp chúng ta lên đường với sức sống mới[20].
Vào ngày phục sinh của Chúa Giêsu, hai người bạn của Ngài đang rời khỏi Giêrusalem, nơi Ngài vừa mới bị đóng đinh (Luca 24,13-35). Nhưng khi họ đang đi thì có một người lạ đi cùng họ. Sau đó, khi người lạ ấy ngồi vào bàn với họ, họ hiểu rằng chính Chúa Giêsu là Đấng mà họ đang kinh nghiệm. Những người lạ có thể giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô và một lần nữa hiểu được rằng Người luôn ở bên chúng ta.
“Đừng sợ”, Người thì thầm trong tâm hồn chúng ta, “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mátthêô 28,20). Liệu chúng ta sẽ lắng nghe lời hứa này không?
Giống như men trộn vào bột (Mátthêô 13,33), dù nghèo nàn về phương tiện và có lẽ cảm thấy mình nhỏ bé, liệu chúng ta có dám lên đường lần nữa, không phải một mình mà với những người khác, tương trợ cho nhau khi cùng nhau bước đi không?
Nguồn: tgpsaigon.net (27.12.2023)
Xem bản tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa (phồn thể, giản thể),…
[1] Buổi cầu nguyện vào ngày 30.9.2023. Xem www.together2023.net để biết thêm thông tin.
[2] Thầy Alois, Bề trên Cộng đoàn Taizé từ khi Thầy Roger qua đời vào ngày 16.8.2005 cho đến ngày 2.12.2023. Làm thế nào chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy trong 18 năm qua với tư cách là Người Phục vụ Hiệp thông trong cộng đoàn của chúng ta, những nỗ lực đại kết không ngừng của thầy và luôn mong muốn tìm kiếm những con đường liên đới với những người đang gặp khó khăn?
[3] Lời kêu gọi mà Thiên Chúa đang nói với chúng ta là gì, khi đối mặt với những đau khổ do các cuộc xung đột ở Ukraine, Palestine và Israel, Afghanistan, Myanmar, Pakistan, Haiti, Nicaragua, Sudan và rất nhiều nơi khác trên thế giới ngày nay gây ra?
[4] Từ ngày 28.12.2023 đến ngày 1.1.2024.
[5] Thánh Biển Đức Viện Phụ, (khoảng 480 – khoảng 547 CN) là cha đẻ của lối sống đan tu phương Tây. Quy luật ngài viết đã được áp dụng trên khắp Châu Âu khi các tu viện phát triển và ảnh hưởng đến nhiều quy luật tu viện sau này.
[6] Trong Đêm Canh thức Together, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói về sự thinh lặng: “Chiều nay, các Kitô hữu chúng ta đã thinh lặng trước Thánh Giá San Damiano, như các môn đệ lắng nghe trước thánh giá, trước ngai của Thầy. Giây phút của chúng ta không phải là một sự thinh lặng trống rỗng, mà là một khoảnh khắc tràn đầy niềm tin, sự mong đợi và sẵn sàng. Trong một thế giới đầy ồn ào, chúng ta không còn quen với sự thinh lặng; thực sự đôi khi chúng ta phải đấu tranh với nó, bởi vì sự thinh lặng buộc chúng ta phải đối mặt với Thiên Chúa và chính mình. Tuy nhiên, nó nằm ở nền tảng của lời nói và của cuộc sống (…) Sự thinh lặng, trong cộng đồng giáo hội, làm cho việc truyền thông huynh đệ trở nên khả thi.”
[7] Trong nhiều nền văn hóa, ngồi dưới chân ai đó hoặc chạm vào chân họ là một cách tôn vinh họ. Việc chúng ta ngồi dưới chân Chúa Giêsu có ý nghĩa gì?
[8] Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa ở cùng những người đau khổ và không bao giờ đứng về phía những kẻ gây ra đau khổ. Chúa Giêsu đã khóc trước cái chết của người bạn Ladarô; và sự phục sinh của Người cho chúng ta thấy rằng cái chết và đau khổ sẽ không bao giờ có tiếng nói cuối cùng.
[9] Đôi khi chúng ta trải qua những lúc trong cuộc đời mà chúng ta không thể nhìn thấy bất kỳ mục tiêu nào, vì nhiều lý do. Có những khoảnh khắc chúng ta phải chấp nhận ở vùng đất không người.
[10] Xem Mátthêô 11,30. Khi tâm hồn chúng ta trở nên dịu dàng hơn, đó chẳng phải là dấu hiệu chúng ta đang bước đi với Chúa Giêsu sao? Ngược lại với tình yêu không phải là giận dữ, hay thậm chí là hận thù, mà là sự cứng lòng.
[11] Khiêm tốn không liên quan gì đến sự phục tùng hay sỉ nhục. Ngược lại, nó đòi hỏi sức mạnh nội tâm to lớn và không bao giờ đè bẹp những tài năng hay phẩm chất của một con người.
[12] “Cách duy nhất để biết câu chuyện của chúng ta là tìm hiểu mọi người và sau đó họ có thể kể cho bạn nghe câu chuyện. (…) Những câu chuyện và đặc biệt là những bài hát giúp chúng ta ghi nhớ. Đó là lý do tại sao tôi kể chuyện và hát bằng ngôn ngữ Adnyamathanha của mình, vì nó giúp tôi nhớ mình là ai. Nó giúp tôi nhớ rằng tôi được tạo ra theo hình ảnh của Chúa và rằng Chúa là Đấng Tạo Hóa đã tạo ra vạn vật. Và tôi nhớ điều đó.” Aunty Denise Chapman, trưởng lão Adnyamathanha và Mục sư Giáo hội Thống nhất ở Nam Úc. Từ cuốn sách Yarta Wandatha © 2014 Denise Chapman.
[13] Xem Mục sư Anne-Laure Danet: “Sự chia rẽ không giống như sự đa dạng. Vấn đề không phải là sự đa dạng của các Giáo hội. Điều này là bình thường, thậm chí cần thiết, bởi vì nó tính đến các bản sắc tương ứng của chúng ta: văn hóa, lịch sử, xã hội, sắc tộc, giới tính, v.v. Nếu những bản sắc này chỉ là thứ yếu vì trong Chúa Kitô “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà” (Galát 3, 28), họ hiện hữu và chính nơi họ hiện thân của sự hiện hữu của các tín hữu. Kể từ thời điểm họ vẫn là thứ yếu, họ trở nên giàu có bằng cách cho phép có một độ xốp nhất định. (…) Thay vì xóa bỏ các bản sắc, họ củng cố và tinh luyện chúng mà không tách rời chúng, (…) nhưng trái lại, nhận ra nơi người khác những hồng ân và hành động của Chúa Thánh Thần. Do đó, họ có thể tạo ra một danh tính chung. Đây là một bước tiến xa hơn trong phong trào đại kết, vốn đã chuyển từ sự thống nhất trong đa dạng (bác bỏ mọi hình thức đồng nhất) sang sự thống nhất trong sự đa dạng được hòa giải. (Dịch từ “La diversité en Église, de la Division à l’enrichissement mutuel” trong Contacts, Revue Française de l’Orthodoxie số 282 từ tháng 4 đến tháng 6.2023)
[14] Xem Thánh Maximus Confessor; “Chúng ta hãy tỏ lòng cảm thông với nhau và bằng sự khiêm nhường mà chữa lành cho nhau”. (The Ascetic Life, 41; bản dịch: Polycarp Sherwood osb, Newman Press 1953)
[15] Trong đêm Canh thức Cầu nguyện đại kết Together, chúng ta đã khẩn cầu Chúa Thánh Thần bằng lời cầu nguyện cổ xưa “Adsumus Sancte Spiritus (Chúng con đứng trước Chúa Thánh Thần)” đã được cầu nguyện trước các Công đồng Đại kết từ thời xa xưa để xin Chúa Thánh Thần chỉ đường. Xem https://tinyurl.com/Adsumus
[16] “‘Triều đại của Thiên Chúa’ không phải là đối tượng của một tầm nhìn lý tưởng nhưng bắt nguồn từ ‘thực tế’. … Một tầm nhìn không bắt nguồn từ thực tế của thế giới này là một ảo ảnh. Ảo tưởng được tạo ra bởi sự bất lực hoặc từ chối đối mặt với các vấn đề của cuộc sống. Đó là một lối thoát vào cõi hư ảo, ra khỏi thế giới thực tế.” Choan-Seng Song, nhà thần học Đài Loan, Jesus and the Reign of God, Fortress Press, 1993, tr. 77
[17] Trong sách Revelations, nữ phát thanh viên người Anh thế kỷ 14 Dame Julian ở Norwich đã viết: (Chúa) mong muốn chúng ta biết rằng Ngài không chỉ chú ý đến những điều cao quý và vĩ đại nhất, mà Ngài còn quan tâm đến những điều nhỏ nhặt, nhỏ bé, thấp hèn và tầm thường, đối với cái này cũng như đối với cái kia. Đây là ý nghĩa của Ngài khi nói: “Mọi việc rồi sẽ ổn thôi”; vì Ngài muốn chúng ta biết rằng điều nhỏ nhất sẽ không bị lãng quên…
[18] “Cảm giác của chúng ta về sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ bị bóp méo nếu chúng ta không nhìn thực tại của Thiên Chúa theo thực tế của người lân cận chúng ta. Và ý thức của chúng ta về thực tế của người lân cận sẽ bị biến dạng trừ khi được nhìn dưới góc độ thực tế của Thiên Chúa.” Kosuke Koyama, nhà thần học Nhật Bản, trong Water Buffalo Theology, Orbis Books, 1974, tr. 91
[19] Xem “Xác minh Sự thật”. Chúng tôi chấp nhận rằng đây là một quá trình học hỏi liên tục, qua đó chúng tôi lắng nghe những người bị tổn thương, thừa nhận nỗi đau của họ và làm mọi thứ có thể để đảm bảo một môi trường an toàn cho tất cả mọi người.
[20] Thánh Augustinô thành Hippo: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ: Ôi vẻ đẹp của ngàn xưa nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung. Chúa ở bên trong tâm hồn, còn con, con sống hời hợt bên ngoài và chỉ chú tâm tìm kiếm Chúa ở đó. Chúa hiện diện ở trong con nhưng con không sống ở trong Chúa. Nhiều tạo vật đã kềm hãm khiến con sống xa Chúa. (…) Chúa đã chạm đến con và con luôn cảm thấy nung nấu được hưởng sự bình an của Chúa”.” (Lời thú tội 10.27.38)