Học thuyết khám phá: Một tuyên bố mới đang tiến hành
Nhà thám hiểm Jacques Cartier đến Hochelaga (Québec) năm 1535 | © Tranh của Adrien Hébert
Ngày thứ năm 28 tháng 7, các nhà tổ chức Canada cho chuyến tông du của Đức Phanxicô cho biết họ đang làm việc “với Vatican và những người đã nghiên cứu vấn đề này trong mục đích ban hành một tuyên bố mới của Giáo hội về “Học thuyết Khám phá”. Một nhóm người biểu tình đã âm thầm giăng biểu ngữ Rescind the doctrine (Hủy bỏ học thuyết) yêu cầu bãi bỏ học thuyết này khi thánh lễ Đức Phanxicô cử hành tại đền thờ Sainte-Anne-de-Beaupré, Québec bắt đầu.
Trong quá khứ, các sắc chỉ của giáo hoàng ở thế kỷ 15 đã bị bãi bỏ trong các tài liệu sau này. Tuy nhiên, thông cáo báo chí nhấn mạnh, “chúng tôi hiểu mong muốn nêu lên các văn bản này, nhận ra tác động của chúng và từ bỏ các khái niệm gắn liền với chúng”. Sắc chỉ Romanus Pontifex (Giáo hoàng La-mã) của giáo hoàng Nicolas V thiết lập năm 1455 trao quyền cho bất cứ quốc gia kitô giáo nào nào chiếm hữu các vùng đất không phải kitô giáo, và sắc chỉ của giáo hoàng Alexander VI Inter Caetera (Trong những thứ khác) năm 1493 đã ấn định sự phân chia thế giới giữa người Tây Ban Nha và người Bồ Đào Nha.
Các nhà tổ chức nhấn mạnh, kể từ ngày Đức Phanxicô đến Canada chúa nhật 24 tháng 7, trong các bài phát biểu của ngài, ngài đã “trực tiếp lên án nhiều chính sách và nguyên tắc thường được liên kết với Học thuyết Khám phá.” Trước các nhà chức trách Canada ngày 27 tháng 7, ngài tố cáo “các dự án phá hủy văn hóa và cưỡng bức đồng hóa của các chính phủ thời đó, dẫn đến hệ thống trường học nội trú”.
Đức Giáo hoàng thay mặt Giáo hội công giáo lên tiếng
Đức Phanxicô tại Edmonton
Trong ghi chú này, các giám mục Canada bày tỏ lòng biết ơn Đức Phanxicô về “những lời xin lỗi chân thành và nghiêm túc ngài đã thay mặt Giáo hội công giáo trình bày với các dân tộc bản địa”. Các chỉ trích của một số tổ chức bản địa lấy làm tiếc ngài không đặt vấn đề thể chế, nhưng chỉ nói đến một số thành viên trong Giáo hội đã quản lý các trường nội trú, “hạn chế trách nhiệm cho hành vi của các cá nhân chứ không của một hệ thống”.
Bà Erika Jacinto, giám đốc truyền thông của giáo phận Montréal, phát ngôn viên của nhóm lo chuyến tông du nói với hãng tin I.Media: “Khi Đức Phanxicô nói, ngài nói nhân danh Giáo hội công giáo và chúng tôi thấy ngài đưa ra lời xin lỗi chân thành, một lời xin lỗi đến từ trái tim. Là người đứng đầu Giáo hội công giáo, ngài đảm nhận trách nhiệm trực tiếp, ngài nói: “Tôi đau lòng, tôi xin được tha thứ và đối diện với sự dữ gây phẫn nộ này, Giáo hội quỳ trước mặt Chúa và xin Chúa tha thứ cho tội lỗi của những đứa con của Giáo hội.
Bà Jacinto nói: “Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm trên con đường hàn gắn lâu dài hướng đến công lý và hòa giải này.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch