Tin tứcGiáo Hội hoàn vũ

Linh mục Matthieu Dauchez: Tôi là người kinh ngạc chứng kiến sự sống lại của các trẻ em đường phố

 by phanxicovn

Linh mục Matthieu Dauchez người Pháp gắn bó với giáo phận Manila, cha đón nhận các trẻ em bị bỏ rơi.

fr.aleteia.org, Marzena Devoud, 2022-10-13

Với cơ sở Anak-tnk của cha, cha Matthieu Dauchez đã cứu các em bé khỏi địa ngục đường phố vì ma túy, mại dâm, bạo lực và cái chết. Về Pháp, linh mục chia sẻ cuộc sống của các em bé bị bỏ rơi ở Manila, Philippines, cha trả lời các câu hỏi của trang Aleteia.

Cách đây 24 năm, cha Matthieu Dauchez người Pháp đặt hành lý của ngài trước Smokey Mountain, một khu ổ chuột nằm sau bãi rác Manila. Chịu chức tại đây, cha điều hành tổ chức Anak-tnk, nơi nhận em bé bị bỏ rơi. Trong 24 năm, cha đã giúp hơn 60.000 trẻ em Philippin.

Aleteia: Cha là linh mục trẻ của Versailles, 24 năm trước cha rời Pháp để đến định cư tại những khu phố nghèo nàn nhất Manila, thủ đô Philippin. Chuyện gì đã xảy ra trong cuộc đời cha để cha có quyết định này?

Cha Matthieu Dauchez: Ơn gọi linh mục đến với tôi rất muộn. Cảm nhận được ơn gọi này, tôi vào Chủng viện Ars trong hy vọng thành linh mục giáo phận phục vụ giáo phận Versailles… Tôi là người thích ở một chỗ, tôi không thích di chuyển chút nào! Nhưng chủng viện đã cắt đứt suy nghĩ này của tôi. Một người bạn thân đang đi truyền giáo nước ngoài nói với tôi: “Bạn là người Versaille, bạn không có khả năng!” Anh đã chọc đúng… tự ái của tôi. Tôi nói với hai chủng sinh khác “Tụi mình đi!”

Bà thấy đó, không phải vì lòng quảng đại hay theo đuổi một giấc mơ: nhưng vì kiêu ngạo đã làm tôi lên đường! Chuyện này dẫn đến chuyện kia, tôi quen với một linh mục Dòng Tên, chúng tôi đi Philippin. Cơ sở Anak Tnk ra đời vào lúc đó. Rất nhanh chóng và ngay tại chỗ, tôi nhận ra công việc ở đây để giúp người nghèo nhất chỉ có thể làm với thời gian. Chúng tôi chăm sóc các em bé bị bỏ rơi, bị lạm dụng, cùng với người Philippin tại chỗ. Nhưng tôi thấy các em bé này khát khao một thứ khác, sâu đậm hơn nhiều so với ham muốn vật chất.

Tôi xác tín tôi được gọi để đến đây trong khi tôi không có khiếu để làm việc này. Tôi chỉ là người dân vùng Versailles, chỉ thích quanh quẩn ở nhà, tôi không có việc gì để làm trên các đường phố Manila!

 Khuôn khổ để giúp các em không phải giúp trong chốc lát, nó phải lâu dài. Ý tưởng này đến với tôi rất nhanh. Cần mang đến cho các em một chiều kích tâm lý, yêu thương, tâm linh, điều này chỉ có thể làm với thời gian. Tôi nghĩ đây là vấn đề của một cuộc sống phải tận hiến. Tôi nhớ rất rõ vào một buổi tối nọ, tôi đã hỏi câu hỏi này với hai chủng sinh đi truyền giáo với tôi: Tôi nghĩ câu trả lời của họ sẽ rõ ràng. Và tôi rất ngạc nhiên, họ nói không. Đó là khi tôi hiểu có một tiếng gọi trong tiếng gọi. Tôi chắc chắn tôi đã được gọi để đến đây, trong khi tôi không có khiếu để làm việc này.

Tôi là người thích quanh quẩn ở Versailles, tôi không có việc gì để làm trên các đường phố Manila! Vậy là Chúa đi tìm những dụng cụ không dùng được, không hiệu quả nhất để đưa chúng vào cánh đồng thu hoạch.

 Xác tín này không bao giờ rời khỏi cha?

Không bao giờ. Không bao giờ tôi nghi ngờ, không bao giờ tôi đặt lại vấn đề. Có những lúc khó khăn, có những lúc nản lòng, nhưng không bao giờ tôi nghi ngờ.

Linh mục Matthew trong khu ổ chuột ở Manila.

Các em bé cha chăm sóc này là những em như thế nào?

Các em thuộc các thành phần rất khác nhau. Trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại, bị lạm dụng thân xác và tình dục. Ngoài ra có các em bị bỏ rơi, bị gia đình ruồng bỏ, đã trốn nhà nên tình trạng của các em rất nghiêm trọng. Chúng tôi cũng nhận trẻ sơ sinh vài tháng tuổi. Cũng có những em bị gia đình bỏ rơi vì khuyết tật hoặc đi lạc vì khuyết tật. Trung tâm chúng tôi có chương trình giúp các em nhặt rác, các em còn sống với cha mẹ và đi bươi ở các bãi rác Manila. Các em sống trong các đống rác và sinh sống bằng cách phân loại rác. Chúng tôi yêu thương các em, tạo thăng bằng cá nhân cho các em, tuy vậy các em này dễ quản lý hơn so với những em bị gia đình bỏ rơi và những em bị tổn thương sâu đậm nội tâm. Chúng tôi cũng chăm sóc trẻ em sống trong các khu ổ chuột.

Các trẻ em đường phố, bị chính những người theo lẽ phải cho các em thấy tình yêu lớn nhất, khi các em biết chúng không xứng đáng được yêu thương. Tim của các em ngừng đập.

Và chúng tôi can thiệp vào các lĩnh vực y tế, dinh dưỡng và trường học với các chương trình chăm sóc ban ngày ở các trung tâm ban ngày. Còn với trẻ em bị bỏ rơi, thì cần những chương trình lâu dài nặng về nhân bản hơn vì phải thay thế gia đình để đảm bảo đời sống hàng ngày bình thường cho các em.

Cuối cùng, gần đây chúng tôi có chương trình thứ năm. Đây là chương trình giúp người già sống ngoài đường phố. Ở Philippin, ý thức về gia đình rất lớn nên chúng tôi chăm sóc các người lớn tuổi này, tình trạng nghèo đói đang lan tràn và ngày càng có nhiều người già bị bỏ rơi.

Cha nói các em bé sống ngoài đường phố như người chết với rất ít hy vọng sống lâu…

Đúng vậy, trẻ em bị bỏ rơi ngoài đường giống như xác sống, tuổi thọ của các em rất ngắn. Tôi hiểu điều này không phải chỉ ở bên ngoài – sự thật có những em nương náu ở nghĩa trang Manila – nhưng trên hết là trong tâm hồn các em. Các em bé đường phố bị chính những người theo lẽ cho các em thấy tình yêu lớn nhất, khi các em hiểu mình không xứng đáng được yêu thương. Tim của các em ngừng đập, các em không còn thấy ý nghĩa cuộc đời, đó là lý do vì sao tôi gọi các em là những kẻ sống mà chết.

“Nhân phẩm bị tước khỏi các em làm các em thành những xác sống.” Linh mục Matthieu Dauchez

Khi bạn nhìn thấy các em, bạn có ấn tượng như nhìn thấy những thây ma, những em bé bị ảnh hưởng của ma túy rất nhiều trên đường phố. Đường phố là môi trường của những nguy hiểm. Một số trẻ em là nạn nhân của bạo lực thể chất và thanh toán giữa giới giang hồ. Không có ánh sáng cuối đường hầm. Không có cánh cửa nào mở ra cho các em. Không có tình yêu, chúng ta không thể sống, phẩm giá bị tước đoạt sẽ biến chúng ta thành kẻ sống mà chết.

Có khó để thuyết phục các em vào trung tâm của cha không? Làm thế nào để cha gom các em này lại?

Trong các trường hợp này, tôi thường nghĩ đến đối thoại giữa con chồn và Hoàng tử bé. Đây là công việc của các nhà giáo dục đường phố. Chúng tôi có 200 người. Tất cả công việc của các nhà giáo này là thuần hóa các em và để các em đường phố thuần hóa họ. Đứa trẻ đã bị người lớn phản bội sẽ hoàn toàn vỡ mộng. Các em bị người lớn lạm dụng thể xác và tình dục. Các em biết người lớn xem mình là đồ vật, họ muốn làm gì thì làm. Vì vậy nhà giáo dục phải khôi phục lại niềm tin cho các em. Các nhà giáo dục chúng tôi phải có mặt trên đường phố ngày đêm, gặp gỡ các nhóm trẻ để thuần hóa. Đó là đặt hy vọng, để mở ra cánh cửa hy vọng. Mỗi em bé là duy nhất.

Điều này đòi hỏi phải làm theo tính tình của từng em. Cha có thất bại nào không?

Một số trẻ em dễ dàng vào trung tâm. Nhưng có một số em khác phải mất một vài năm. Chúng tôi phải chấp nhận chuyện này. Xây dựng niềm tin phải thích ứng với nét duy nhất riêng của từng em, con người, chấn thương của từng em. Các nhà giáo dục xây dựng những cây cầu khi hiểu được nét riêng này.

Tại sao việc hiểu tính duy nhất của các em lại quan trọng như vậy?

Tính duy nhất là chìa khóa. Đó là khởi đầu. Giống như các cha mẹ đông con, họ thấy rõ cùng cách giáo dục nhưng sẽ phải điều chỉnh cho phù với từng đứa con. Với chúng tôi cũng vậy. Chiều kích sống-mà chết làm chúng tôi hiểu, sứ mệnh chúng tôi là bất lực. Nhưng lại là một chuyện tốt: chúng tôi cần tạo một khung để giúp đứa trẻ đứng vững trở lại. Cần phải có hai khung lớn để tạo khả năng phục hồi: bầu khí yêu thương và an toàn để đứa bé cảm thấy mình được yêu thương, được bảo vệ.

Nhưng chữa lành vết tâm hồn, chúng tôi không biết phải làm như thế nào. Chúng tôi chỉ biết tạo ra khung để Ngài làm: Chỉ có một mình Chúa mới biết cách đi vào những kẽ hở của tâm hồn.

Chỉ đến khi một trái tim bị ngừng đập thì trái tim đó mới thấy cần được chữa lành. Nhiệm vụ của chúng tôi là tạo ra các khung để trái tim được chữa lành. Nhưng chữa lành vết thương tâm hồn, chúng tôi không biết phải làm như thế nào. Trung tâm chúng tôi bất lực, trung tâm chỉ tạo ra khung để cho Ngài làm điều đó: Chỉ một mình Chúa mới biết cách đi vào những kẻ hở của tâm hồn. Đã 24 năm tôi thấy hàng trăm trẻ em đến đây. Tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực trước các em. Vết thương của các em vượt quá khả năng của tôi. Tôi chưa trải qua phần triệu những gì đã xảy ra với các em, tôi không thể hiểu nỗi khổ của các em. Tôi không có dụng cụ để chữa lành vết thương của trái tim. Chữa lành một cơ thể, được. Nhưng sứ mệnh chúng tôi là tạo khung để Ngài làm. Chính sự bất lực của chúng tôi đã làm cho Ngài đến và ở lại trong những chấn thương này.

Các nhà giáo dục chúng tôi phải có mặt trên đường phố ngày đêm, gặp gỡ các nhóm trẻ để thuần hóa. Đó là đặt hy vọng, để mở ra cánh cửa hy vọng. Linh mục Matthieu Dauchez

Đâu là phần thiêng liêng cha mang lại cho các em?

Trong 24 năm ở Manila, thành quả duy nhất của chúng tôi là làm cho các em cầu nguyện. Mỗi đêm đều có giờ cầu nguyện. Đây là lúc Chúa có cơ hội hành động. Các phép lạ đích thực xảy ra, những niềm vui thực sự mà các em bé bị tổn thương nhất thế giới có được, các tha thứ được trao, nụ cười tìm thấy, tất cả những điều này tôi không thể làm được. Tôi chỉ biết đó là điều bí ẩn ngạc nhiên xảy ra giữa Chúa và các em.

Cha tổ chức những giờ cầu nguyện đặc biệt như chầu Mình Thánh Chúa trên bãi rác công cộng trong một khu ổ chuột lớn…

Chúng tôi mang Mình Thánh Chúa đi khắp nơi. Có một cách chầu rất đặc biệt ở bãi rác trong khu ổ chuột lớn do băng đảng kiểm soát. Có một tâm tình chầu Mình Thánh Chúa rất đặc biệt ở bãi rác trong khu ổ chuột rộng lớn do băng đảng kiểm soát. Một người mẹ hợp tác với các bà mẹ khác để tổ chức một hệ thống tương trợ ở đây, bà bị trùm băng đảng này giết trước mặt mọi người để dương oai. Đó là ngày thứ năm. Khi cảnh sát đến, chúng tôi thấy sự căng thẳng khủng khiếp và chúng tôi buồn vô cùng khi thấy mình bất lực. Thứ bảy sau đó, chúng tôi tổ chức giờ chầu ở địa điểm này. Các gia đình đã ở đó.

Giờ chầu Thánh Thể trong khu ổ chuột sau vụ người mẹ bị trùm băng đảng địa phương sát hại. Linh mục Matthieu Dauchez

Tìm Chúa trong thùng rác ở Manila, Phi Luật Tân

Đứng trước sự leo thang của các bạo lực này, trong lòng ai cũng chỉ muốn trả thù nhưng họ đáp trả bằng tha thứ và cầu nguyện. Một yên bình lắng đọng trong khu phố ổ chuột. Điều duy nhất chúng tôi đã làm là mang Chúa trong Bí tích Thánh Thể đến đó. Chính Ngài mang lại hòa bình. Tôi là linh mục mang Chúa Giêsu đến bãi rác và ngài rất vui khi ở đó, ngài làm công việc sâu đậm trong trái tim, hoàn toàn vượt khỏi tôi và luôn làm tôi ngạc nhiên.

Cha ở bên cạnh những điều kinh hoàng khủng khiếp nhất. Nhưng cha nói cha sống trong ngạc nhiên. Từ đâu có điều kỳ lạ này?

Khi tôi nhìn những gì trước mặt tôi, tôi thấy phép lạ mỗi ngày. Không phải người chết sống lại, nhưng những phép lạ còn đẹp hơn: được tha thứ, kẻ đã tưởng chết sống lại, những khuôn mặt rạng rỡ. Đó là những phép lạ đáng kể nhất của Chúa Kitô. Khi chúng ta đọc Phúc âm, chúng ta thấy sự chữa lành luôn là nội tâm. Sự chữa lành thể chất chỉ là dấu hiệu. Đó là điều làm tôi ngạc nhiên. Niềm vui của họ đến từ đâu, khi họ đã phải trải qua những điều khốn khổ nhất? Tôi có thể nói về điều này hàng giờ…

Đúng, xin cha nói cho chúng tôi nghe. Cha nói có rất nhiều giây phút vui vẻ tuyệt vời cha sống mỗi ngày với các em cha chăm sóc. Làm sao giải thích niềm vui của những em đã chịu nhiều đau khổ như vậy?

Niềm vui của các em hoàn toàn chân thực. Niềm vui tuyệt vời vì nó bắt nguồn từ đau khổ. Tôi xin giải thích: các em này đã sống qua những điều khủng khiếp nhất, chúng ta không hình dung được có nỗi kinh hoàng nào mà các em chưa trải qua. Các em chia sẻ đau khổ với Chúa Kitô trên thập giá. Tôi nghĩ có sự kết hợp trong đau khổ của những em này với Chúa Kitô, nếu các em chia sẻ nỗi đau mật thiết của Ngài trên thập giá, thì các em cũng chia sẻ niềm vui, niềm hy vọng, tình yêu mà Ngài là cội nguồn. Tất cả những người đến thăm chúng tôi đều ngạc nhiên bởi niềm vui này đang ở trong các căn nhà của trung tâm chúng tôi. Không phải chúng tôi. Chúng tôi chỉ làm khung.

Matthieu Dauchez, trẻ em đường phố là thầy của chúng ta

Cách đây vài năm, chúng tôi trải qua một thử thách khủng khiếp với một em bé bị bệnh rất nặng. Em 12 tuổi và chết trong bệnh viện. Tôi ở bên cạnh em cho đến phút cuối. Em vẫn tỉnh táo đến cùng. Ngay trước khi qua đời, em nói với tôi: “Thưa cha, con khát”. Tôi hỏi bác sĩ tôi có cho em uống nước được không. Em đã qua đời ngay sau đó. Đó là lúc tôi nhận ra, em đã nói câu cuối cùng của Chúa Kitô trên thập giá. Theo cùng một cách, tôi như người lính canh đã nghe lời của Chúa Kitô, đã làm dịu cơn khát của Ngài bằng miếng bọt biển, nhưng không hiểu những gì Chúa Kitô thực sự đã nói. Nó rất tượng trưng cho những gì các em bé này trải qua. Các em có một khao khát yêu và được yêu, thật đáng kinh ngạc. Các em làm bùng nổ niềm vui này. Niềm vui và khát khao yêu và được yêu này.

Cha đã chứng kiến các em bé này, các em biết cầu nguyện cách khá tự nhiên, các em mở rộng tâm hồn…

Trong những lần tổ chức cầu nguyện cho các em, chúng tôi thấy ngay điều này. Tất nhiên, các em vẫn là những đứa trẻ, nhưng các em có cách trò chuyện kỳ diệu với Chúa. Khi một người đối diện với cái ác, và khi họ lớn lên, cái ác này là lý do tối hậu giải thích vì sao họ không muốn tin vào Chúa. Trẻ em phải đối diện với cái ác độc ác nhất, xấu xa nhất. Các em phải là những người đầu tiên nói các em không thể tin vào Chúa. Trong 24 năm, tôi chưa bao giờ nghe một em nào đặt vấn đề với Chúa. Trong những năm đầu tôi ngạc nhiên. Vì sao điều ác lại không làm cho các em mất lòng tin vào Chúa? Các em biết ngạc nhiên trước những điều nhỏ bé. Đức tin là điều hiển nhiên nhất. Chỉ cần nhìn vào một cái cây, một bông hoa, một con vật, một nụ cười. Các em đã biết nhìn điều đó, các em đúng.

Các em đã làm cho tôi suy gẫm điều này: chúng ta không thể giải thích cái ác, nó là một bí ẩn nằm ngoài chúng ta. Chúng ta đầu hàng. Và thay vì tìm cách giải thích, chúng ta phải phản ứng lại với cái ác.

Đó là một đòi hỏi theo tinh thần phúc âm. Thông qua tha thứ, một nụ cười, một niềm vui, lòng trắc ẩn, sự hiện diện với người cô đơn, không gì khác ngoài thân thiện. Đó là câu trả lời cho cái ác. Không có một em bé nào nghi ngờ điều đó. Đó là điều làm tôi ngạc nhiên. Đó là điều hiển nhiên và tự nhiên với các em: Thiên Chúa ở đó, một Thiên Chúa của tình yêu. Nhưng bây giờ chúng ta phải ứng phó với cái ác.

Linh mục Matthieu Dauchez: “Chúng ta không thể giải thích sự dữ, nhưng chúng ta có thể trả lời cho sự dữ”

Khi về Pháp vài ngày, điều gì đánh động cha nhiều nhất?

Khi theo dõi tin tức ở đây và thấy những nét mặt không vui, nghi ngờ, tôi thấy triệu chứng thiếu vui vẻ. Lúc đầu Mẹ Têrêxa nói rất nhiều về khu ổ chuột và cuối đời Mẹ nói chính ở các đô thị hiện đại là nơi mẹ thấy sự khốn cùng. Tôi thấy ở đây đặc ân tôi có được, được phục vụ những đứa trẻ nhỏ bé, được đắm mình trong niềm vui mà chúng ta không tìm thấy ở những đất nước được gọi là văn minh của chúng ta. Nhưng tôi thực sự muốn trở lại chuyện khát. Nếu tình yêu được cảm nhận mãnh liệt như vậy trong các khu ổ chuột và đường phố ở Manila, đó là vì họ có một khát vọng phi thường, giống như một động cơ để lòng trắc ẩn và tình yêu làm việc. Ở phương Tây, chúng ta không còn khát khao này nữa. Tôi muốn kêu gọi các quốc gia được gọi là văn minh của chúng ta hãy thấm nhuần những lời cuối cùng của Chúa Kitô trên thập giá, để hiểu được cơn khát của Chúa Kitô, để khám phá lại cơn khát của chính mình. Chúng tôi đã làm dịu cơn khát đó. Những phụ nữ này tuyên bố họ không còn muốn có con nhân danh một chủ nghĩa nữ quyền nào đó. Nhưng không có một thiên chức nào đẹp hơn cho người nam và người nữ là thiên chức làm cha làm mẹ đó ư? Khát khao đã biến mất: Tôi không còn muốn truyền lại hay chia sẻ. Có lẽ các em bé ở Manila đang kêu gọi chúng ta, những người đến từ những quốc gia được gọi là văn minh, hãy khám phá lại cơn khát này ư?

Làm thế nào để cha cầm cự và giữ được thái độ luôn khát này?

Dù tôi không nghi ngờ gì về ơn gọi của tôi, nhưng có những lúc tôi nản lòng. Những khoảnh khắc của bóng tối: chúng tôi tự hỏi với tư cách là một nhóm, chúng tôi sẽ xoay sở như thế nào để giúp một em bé hoặc một gia đình như vậy khi chúng tôi không còn thấy một giải pháp nào. Thật khủng khiếp. Hỗ trợ đầu tiên là tình huynh đệ. Tôi không đơn độc trong khu ổ chuột Manila. Chúng tôi là một đội gồm 200 người: 99% là người Philippin, một số người Pháp. Những người tận tâm, những người ngạc nhiên mỗi ngày vì họ sống một ơn gọi. Chiều kích huynh đệ này là quan trọng. Và có một chiều kích khác quan trọng hơn, đó là đến và quỳ gối trước nhà tạm. Vì trên thực tế, bạn phải nhận thức được sự bất lực, sự vô dụng, sự tuyệt vọng của mình trước thực tế và hoàn cảnh. Đây là nơi Chúa có thể hành động.  Đây không phải là khiêm tốn giả tạo. Chính vì sự kém hiệu quả của tôi, chỉ vì nó, Chúa mới có thể hành động. Tôi bị thuyết phục. Khi một người nản lòng, bị mất phương hướng, cách tốt nhất là quỳ xuống, nhận ra sự mong manh khổng lồ của mọi thứ. Đó là khi điều bất lực làm việc. Nếu tôi càng bất lực, tôi càng không biết làm, thì tốt hơn nên để cho Ngài làm. Và đó là điều tôi đã làm từ 24 năm nay. Chính Chúa đã thắp sáng lại trái tim: chúng tôi tất cả đều chiến thắng.

Marissa bị mẹ bỏ rơi trên đường phố Manila, mười năm sau em tìm lại mẹ. Linh mục Matthieu Dauchez

Marissa là cô gái trẻ bị khuyết tật tâm thần nhẹ, em ở với chúng tôi. Khi còn nhỏ, mẹ em đã bỏ em trên đường phố Manila, bà không thể chăm sóc em. Khi đó Marissa 9 tuổi. Cách đây vài tuần, một trong các nhà giáo của chúng tôi đã tìm được mẹ của em, 12 năm sau ngày em bị bỏ rơi. Chúng tôi tổ chức chuyến đi để em gặp mẹ trong khu ổ chuột. Mẹ em rơi nước mắt, vừa xúc động vừa xấu hổ. Và chính Marissa đã ôm mẹ vào lòng, siết chặt bà trong trái tim! Đó là người con hoang đàng ngược lại. Bà mẹ đã làm một chuyện kinh hoàng: bỏ con mình, chúng ta không thể tưởng tượng có chuyện nào khốn khổ hơn. Và Marissa vừa tha thứ cho mẹ, cô đã khóc vì cô biết yêu và biết mình xứng đáng được yêu. Chúng tôi là chứng nhân của những điều phi thường, những phép lạ thật sự.

Khi về Pháp, cha tổ chức một hội thảo về sức phục hồi và hy vọng. Đâu là sự khác biệt giữa hai điều này?

Khả năng phục hồi, một thuật ngữ rất gần đây, nghe hơi giống như một chữ mới. Tôi có thể hiểu khả năng phục hồi là sự phục hồi sau một sự kiện đau buồn giúp cho mình đối diện với nó. Chỉ có điều, tôi sợ nó làm lu mờ những đòi hỏi của hy vọng. Lời giải thích này không làm tôi hài lòng. Những người giúp phục hồi là những người mở cánh cửa hy vọng rất đẹp, nhưng quá chiều ngang. Nó chỉ dựa vào sức con người. Chúng tôi làm ngược lại, chúng tôi bắt đầu từ sự bất lực của chính chúng tôi. Hy vọng là phi thường: nó không phải là hy vọng nhìn vào chân trời, nó nhìn lên bầu trời. Nó dựa trên một chiến thắng: tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng. Nó cắm neo trong chiến thắng của tình yêu. Nếu hy vọng của chúng ta đặt nơi Chúa Kitô, chúng ta tin chắc nó sẽ dẫn chúng ta đến chiến thắng. Những đứa trẻ đau đớn, đúng. Chúng sống những điều khủng khiếp, chúng sẽ giữ vết thương cho đến cuối đời. Nhưng tình yêu đã chiến thắng.

Chúng ta đã mở cánh cửa hy vọng: nó được cắm neo trong cõi vĩnh hằng. Đó là điều hiển nhiên, đó là điều chắc chắn. Đó là lý do vì sao chúng tôi đặt giờ chầu vào trọng tâm, đó là điều hiệu quả nhất. Dĩ nhiên các người giúp phục hồi có mặt ở khắp nơi trong trung tâm của chúng tôi, nhưng điều duy nhất sẽ mở ra cho các em cánh cửa hy vọng là tấm lòng trung thành với Chúa Giêsu Kitô. Và điều này tôi chỉ chiêm niệm mỗi ngày. Chúng tôi thực sự không thể nói thành lời… Tôi sợ phản bội vẻ đẹp của những gì các trẻ em truyền lại cho tôi, tôi không bao giờ có thể diễn tả hết vẻ đẹp của những gì tôi nhìn thấy. Phải đến mà xem!

Marta An Nguyễn dịch

Bài viết liên quan

Back to top button