Sơ Véronique Margron: “Cảm giác bị phản bội thật mãnh liệt”
Trong một thư gởi các giám mục và dân Chúa được tổng giám mục chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp Éric de Moulins-Beaufort đọc ở Lộ Đức ngày thứ hai 7 tháng 11, hồng y Jean-Pierre Ricard thú nhận đã có “hành vi đáng trách” với cô gái vị thành niên 14 tuổi cách đây 35 năm. Một cách tiếp cận chưa từng có.
lavie.fr, Youna Rivallain, 2022-11-07
Ông Jean Marc Sauvé, sơ Véronique Margron và tổng giám mục Éric de Moulins Beaufort trong buổi công bố báo cáo Ciase ngày 5 tháng 10 năm 2021, tại Paris. THOMAS COEX / REA
Sơ Véronique Margron là chủ tịch Hội đồng Nam nữ tu sĩ Pháp (Corref). Ngày 5 tháng 10 năm 2021, ông Jean-Marc Sauvé, chủ tịch Ủy ban Ciase đã trao báo cáo về các vụ lạm dụng tình dục ở Pháp cho sơ và tổng giám mục chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, Éric de Moulins-Beaufort.
Tổng giám mục De Moulins-Beaufort đã đọc một thư của hồng y Jean-Pierre Ricard trong lần các giám mục Pháp về Lộ Đức họp khoáng đại thường niên vào mùa thu ở Lộ Đức, trong đó hồng y xác nhận đã có “hành vi đáng trách với một bé gái 14 tuổi cách đây 35 năm, khi còn là linh mục chánh xứ. Sơ cảm thấy thế nào khi nghe tin này?
Sơ Véronique Margron. Tôi đau lòng. Chúng tôi không biết phải gọi đây là cảm giác gì. Chúng tôi không tìm ra chữ. Tôi nghĩ đến tất cả những lời nói dối tích lũy này với nạn nhân… Tôi không thể không tự hỏi liệu các sự việc có hết thời hiệu chưa; nếu nạn nhân có thể có được một công lý thực sự nếu được nói sớm hơn… Và nếu… Tất cả những câu hỏi này làm xé lòng tôi. Nhưng chuyện gì đang xảy ra? Chuyện gì đang xảy ra cho chúng ta trong Giáo hội? Hồng y Jean-Pierre Ricard đã hai lần là chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Âu châu trong 16 năm, cử tri bầu giáo hoàng… Nhưng làm sao ông có thể nhận những trách vụ này? Và dĩ nhiên một câu hỏi dai dẳng: và bây giờ, chúng ta phải làm gì? Ngoài các thủ tục đã được đưa ra, chúng ta nên làm gì? Trong đời sống tu trì, tôi nghĩ các bề trên đã giảm thiểu tối đa, che giấu những lạm dụng, họ không muốn thấy tình trạng nghiêm trọng đến như thế nào: họ thật ngây thơ, nhưng ngây thơ này làm chúng ta thành những kẻ có tội! Có thể nói điều tương tự này về tình đoàn kết giám mục, về điều có thể gọi dưới cái tên hiệp thông đẹp đẽ không? Và Chúa biết, đó là một cái tên đẹp… nhưng bị phá vỡ vì thực tế này.
Sau vụ giám mục Santier, các giám mục bị áp lực ở Lộ Đức
Một hồng y thú nhận tội lỗi. Một tiến trình chưa từng có, đúng là một sự bùng nổ thực sự.
Phải công nhận đó là một cách thông tin mới, nhưng tôi không thấy kết luận gì để rút ra từ nó. Bùng nổ thật không phải nơi lời ông nói, nhưng do việc ông làm! Và chữ “hành vi sai trái” có nhiều cách hiểu. Nó có nghĩa là tất cả mọi thứ và không có gì. Chúng ta phải hội đủ điều kiện cho những gì chúng ta nói!
Tôi phải trả giá rất nhiều để nói lên điều này, nhưng tôi chân thành nghĩ chúng ta không còn có thể tin vào lời của các tác giả. Hồng y Jean-Pierre Ricard nói vậy, nhưng ông là thủ phạm. Làm thế nào để chắc chắn không có nạn nhân khác, hành vi khác? Làm sao tin được? Đây là những gì chúng ta phải học từ những điều khủng khiếp này: luôn thận trọng và kiềm chế. Nếu ngày mai bạn đến phòng khách nhà tù Fleury-Mérogis, bạn sẽ không tin những gì các tù nhân nói về những việc họ làm! Chúng ta cũng nói như vậy với các linh mục, các giám mục này, những người trước hết vẫn là tín hữu. Điều này làm cho trái tim tôi tan nát.
Đây là lần đầu tiên thủ phạm công khai thú nhận trước công chúng. Có thể đây là điểm khởi đầu cho một thay đổi văn hóa?
Đáng tiếc đây không phải là lúc để hy vọng. Điều này có thể là trạng huống: Jean-Pierre Ricard không còn trẻ nữa, các cuộc điều tra liên quan đến ông đang được tiến hành… Tôi nghĩ đây là dấu hiệu của một thay đổi văn hóa, các giám mục khác đang bị điều tra cũng sẽ tự tố cáo, tôi nghĩ cũng không nên tự phụ. Giống như bà, tôi mong muốn tiến trình này sẽ là lời kêu gọi để người khác nói! Nhưng chúng tôi hiếm khi thấy một thay đổi văn hóa duy chỉ từ một người.
Vụ giám mục Santier: “Tôi không còn tin tưởng vào khả năng của thể chế giáo hội trong việc mang lại công lý cho các vấn đề hình sự”
Sơ có thấy chán nản không?
Những tiết lộ về bạo lực tình dục trong Giáo hội là một bạo lực khủng khiếp. Điều này làm tổn thương chúng ta trong sâu thẳm tâm hồn, trong đức tin, trong dấn thân, khi chúng ta cố gắng gìn giữ những điều này năm này qua năm khác. Vì thế các bạo lực này chạm đến con người chúng tôi. Cảm giác bị phản bội thật mãnh liệt.
Tôi nghĩ trước tiên đến người phụ nữ nạn nhân, đến những người thân yêu của bà, đến giáo dân. Làm thế nào để có thể xây dựng lòng tin khi nó đã bị tổn thương đến như vậy? Lòng tin tưởng là do người khác cho chúng ta hay không, lòng tin không phụ thuộc vào chúng ta. Mục tiêu duy nhất của chúng tôi là làm tất cả những gì có thể cho sự thật… và rõ ràng là chúng tôi vẫn chưa làm được. Tôi nghĩ đến tất cả thành viên của các nhóm làm việc, Cơ quan Quốc gia Độc lập về Xác nhận và Đền bù, Inirr và về Ủy ban Xác nhận và Đền bù, Crr, tất cả những người thiện chí, những người bỏ công sức thời gian để cải cách Giáo hội, để rồi họ phải hỏi, làm để làm gì đây. Chúng ta, những người luôn cố gắng lắng nghe nạn nhân, chúng ta đang làm gì? (Giọng của sơ nghẹn lại) tổng giám mục Éric de Moulins-Beaufort làm hết mình để chống lạm dụng trong Giáo hội, tôi thực sự tin vào những gì ngài nói, vào lòng can đảm, vào sự quên mình của ngài… Tôi có cảm giác như đang đối diện với cơn sóng thần liên tục làm cho các cố gắng của chúng tôi thành hư vô. Đó là huyền thoại Sisyphus lăn hòn đá lên lên xuống xuống núi.
Vụ giám mục Santier: im lặng là lạm dụng lòng tin
Dĩ nhiên chúng ta sẽ khởi đầu lại, sẽ tiếp tục chiến đấu. Đó là nghĩa vụ của con người và của đạo đức. Tâm hồn tôi, trái tim tôi, trí tuệt tôi tràn ngập hình ảnh các nạn nhân này. Điều tệ nhất là ngưng chiến đấu. Vì vậy, đúng, với chúng tôi là rất khó khăn. Nhưng nó sẽ luôn ít khó khăn hơn cho các nạn nhân. Chúng ta đang ở trên địa bàn, nhưng chúng ta không có quyền dừng lại, vì các nạn nhân, vì dân Chúa.
Marta An Nguyễn dịch