Tại Canada, Đức Phanxicô sẽ làm phép cho vùng nước thiêng liêng của người bản xứ
Chiều thứ ba 26 tháng 7, Đức Phanxicô đến Hồ Thánh Anà ở Alberta, nơi mang tính biểu tượng cao, hàng năm có hàng chục ngàn người bản địa có truyền thống tụ về đây nhân ngày lễ Thánh Anà, mẹ Đức Trinh Nữ Maria.
la-croix.com, Malo Tresca, 2022-07-26
Hồ Thánh Anà, Canada
Chỉ có tiếng vọng xa xa của những chiếc máy xới và tiếng cười của vài người thợ làm giao động không gian yên tĩnh buổi tối hôm đó trên bờ hồ Thánh Annà ở trung tâm Alberta. Hai tuần trước khi Đức Phanxicô đến, dự kiến ngài sẽ đến đây cầu nguyện vào tối chiều thứ ba 26 tháng 7, các công ty xây dựng và sơn phết đang làm nhanh công việc của họ, đổ bê-tông cho lối vào, và vẽ những đường nét cuối cho cho các chặng đàng thánh giá ven theo con đường cho kịp khi giáo hoàng đến. Một nhóm phụ nữ đi lên bờ sau khi nhúng chân xuống nước. Bà Wenda, 61 tuổi, vợ của một mục sư ở Edmonton, cách đây 60 cây số nói: “Chúng tôi muốn đến cầu nguyện lặng lẽ ở đây. Chúng tôi sẽ không đến ngày giáo hoàng đến, nơi này sẽ rất đông.”
Hàng năm tại địa điểm hành hương này có hàng chục ngàn người bản địa về hành hương nhân ngày lễ Thánh Anà, năm 2019 có 40.000 người, hai năm vừa qua vắng bóng vì Covid.
Với nhiều người, ngày này là ngày tôn kính đặc biệt hình ảnh trọng tâm trong các gia đình người bản địa mà họ gọi thân mật là “kukum.” Linh mục Garry LaBoucane, người Métis thuộc Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ ở Vancouver, bang British-Britannique, từ năm 2002 cha là giám đốc thiêng liêng cho sự kiện này, cha giải thích: “Đây là tụ họp thiêng liêng của người bản địa lớn nhất Bắc Mỹ. Vừa đi hành hương, vừa cầu nguyện và cũng là dịp để gặp nhau của gia đình, của các dân tộc, để gặp lại những quen biết cũ hay biết thêm các quen biết mới.” Đức Tổng Giám mục Richard Smith, giáo phận Edmonton giải thích: “Từ trước khi Giáo hội công giáo đến vùng Tây Canada trong thế kỷ 18, các dân tộc bản địa đã cảm nhận nơi này có một cái gì đó thiêng liêng.” Theo truyền thống dân gian truyền miệng nhưng được chứng thực bởi các cuộc khai quật khảo cổ, trước khi trở thành sứ vụ công giáo đầu tiên vào khoảng năm 1840, nơi này thực sự là nơi tụ họp vào mùa hè của người dân bản địa, họ gặp nhau ở đây để câu cá, săn bò rừng và nghĩ rằng nước ở đây là nước thiêng. Vì thế có tên là “Wakãmne” (hồ thiêng) cho người Dân tộc Nation Sioux Alexis Nakota, và “Manito Sahkahigan” (hồ thần linh) cho người Cris.
Vào thời đó, việc Giáo hội phục hồi lại địa điểm tổ tiên có gây ra căng thẳng với cộng đồng địa phương không? Linh mục Garry trả lời: “Tôi không nghĩ. Tất cả đều làm rất dần dần; đầu tiên bắt đầu chung quanh một nhóm hạt nhân nhỏ (sau khi linh mục Jean-Marie Lestanc, nhà truyền giáo người Breton tổ chức hành hương hàng năm lần đầu tiên tháng 7 năm 1889). Tổng giám mục Smith nói: “Sau đó, lòng kính mến Thánh Anà phát triển mạnh, ngày nay truyền thống hành hương thu hút người bản xứ từ khắp miền Tây Canada và còn vượt ra bên ngoài. Với lời cầu bàu cùng Thánh Anà, đã có nhiều kinh nghiệm chữa lành ở các vùng nước này.”
Đang tản bộ ở vùng bảo tồn gần đó, cô Jenny, 32 tuổi, người gốc Quốc gia Thứ nhất Alberta đứng trước bàn ghế phụng vụ mang màu sắc các cộng đồng thổ dân, cô cười nói: “Tôi chưa bao giờ đến, nhưng tôi biết ông tôi thường đi hành hương. Ông đến đây để tìm nguồn sức. Ông không bệnh, nhưng ông nói đến đây giúp cho sức khỏe của ông tốt, như nó làm thuyên giảm bệnh đau khớp của một cô bạn hàng xóm…” Cha Garry kể với báo địa phương, khi còn nhỏ cha bị bệnh và cha mẹ đem đến đây nhúng xuống nước và cha được lành bệnh.
Hàng năm chung quanh Thánh Anà, những hàng xe cắm trại sống với nhịp trống, với các đoàn rước màu sắc, với nghi lễ đầy hương khói, các bài hát bằng ngôn ngữ bản địa. Có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa đồng bộ không? Tộc trưởng Fernie Marty, giáo dân Nhà thờ Thánh Tâm Các Quốc Gia Thứ nhất ở Edmonton, nhóm Papaschase Cree, hoàn toàn chấp nhận ý tưởng này: “Tôi tin chắc chỉ có một đấng tạo dựng duy nhất là Thiên Chúa, dù cho người ta đặt cho Ngài tên là gì. Khi có kết hợp giữa văn hóa chúng ta với truyền thống công giáo, nó sẽ tạo một cái gì đó rất mạnh mẽ. Qua đó, về cơ bản Giáo hội công nhận, chúng ta là, kể cả chúng tôi là những dân tộc thiêng liêng đến mức nào.”
Tộc trưởng Fernie Marty
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch