Tin tứcGiáo Hội hoàn vũ

“Tôi sẽ không rời khỏi Giáo hội này”

by Phanxicovn

fr.aleteia.org, Michel Cool, 2023-02-04

Sự kinh hoàng của những tiết lộ về lối sống hai mặt tai tiếng của các giáo sĩ trong Giáo hội, đã không làm cho ai là không băn khoăn về cái ác và mâu thuẫn mà họ mang nỗi kinh hoàng này trong mình.

Theo bình luận gia Michel Cool của trang Aleteia, nếu chúng ta thực sự muốn thay đổi sự việc, thì có lẽ chúng ta phải bắt đầu bằng thay đổi chính thái độ của mình.

Diễn đàn tăng theo mức nấc cụt của thời sự. Những tiết lộ sống sượng nhất tuần này về cuộc điều tra nghiêm nhặt tội ác của hai anh em linh mục Dòng Đa Minh Thomas và Marie-Dominique Philippe, cũng như tay trong của họ là ông Jean Vanier, đã cho thấy một vụ tai tiếng ghê tởm và đau đớn, cảm giác tức giận mà người công giáo lương thiện ở Pháp cảm thấy trong lòng của mình. Vào một thời khác, thứ nước bùn nhơ này sẽ làm hoen ố bộ mặt Giáo hội, sẽ tạo một làn sóng bài-kitô và chống chủ nghĩa giáo quyền mà nước Pháp với các ông Voltaire và Émile Combes sẽ là chuyên gia chống đối lên tiếng. Nhưng bây giờ người dân chú ý đến các vấn đề khác, cuộc chiến để có tiền hưu, để đối diện với giá cả sinh hoạt cao. Vì thế, một thái độ thờ ơ nào đó không chịu thấu, còn hơn cả nghịch cảnh, đã đón sự sa ngã mới này vào địa ngục lương tâm kitô hữu chúng ta.

Cuộc điều tra lịch sử làm sáng tỏ chính xác vụ hai anh em linh mục Philippe lạm dụng thiêng liêng

Một vụ thần bí hóa tôn giáo chết người

Vì thế, hai tu sĩ nổi tiếng, những người có hành vi phạm pháp và phạm tội đã bị Văn phòng Tòa thánh dưới thời Đức Piô XII, trừng phạt năm 1956, họ hoàn toàn không bị trừng phạt và tiếp tục theo đuổi công việc mục vụ trong nhiều thập kỷ, tiếp tục công việc bẩn thỉu của họ với phụ nữ dễ bị tổn thương, những người bị đặc sủng của họ chi phối, như thể bị bùa mê bởi linh đạo Đức Mẹ hoàn toàn không cân bằng và báng bổ của họ. Tiếp theo là đệ tử của họ, ông Jean Vanier, được xem là thánh sống trong suốt cuộc đời vì công việc tốt đẹp ông lo cho người khuyết tật ở hiệp hội L’Arche, bản báo cáo cho biết, đáng kinh ngạc và ghê tởm ông cũng lạm dụng tình dục một số phụ nữ sống chung quanh ông. Với vở kịch độc ác về lạm dụng trong Giáo hội Pháp, tiêu đề quyển tiểu thuyết nổi tiếng của tác giả Gilbert Cesbron mang một ý nghĩa khác: “Các thánh xuống hỏa ngục” (Les saints vont en enfer) không còn quyển hư cấu lấy cảm hứng từ một thực tế truyền giáo, mà là câu chuyện có thật về một vụ án thần bí hóa tôn giáo chết người. Chúng ta phải uống cạn chén này bao lâu nữa?

Trường hợp của ông Jean Vanier và anh em linh mục Philippe: gốc rễ của mù quáng

Tôi hoàn toàn thông cảm với sự nhục nhã, tức giận và ghê tởm đã làm mất tinh thần của nhiều người công giáo.

Tôi hoàn toàn hiểu những người đang kêu gọi mở “phiên tòa Nuremberg” để nghe hoặc “làm sống lại” lời khai của các nạn nhân bị tước đoạt cuộc sống và để xét xử thủ phạm và đồng phạm, dù xử vắng mặt, để khôi phục lại phẩm giá của những phụ nữ bị lạm dụng, hãm hiếp, biến thành đồ chơi tình dục để thỏa mãn bản năng thấp nhất của những kẻ biến thái loạn trí đội lốt thiên thần hộ mệnh. Tôi hiểu những người ủng hộ một cuộc cách mạng triệt để về tính minh bạch trong hoạt động Giáo hội để những chuyện này “không bao giờ xảy ra nữa!” Tôi hoàn toàn hiểu những người kêu gọi phi-thánh hóa hàng giáo sĩ khi họ nhìn thấy những sai lầm trọng tội có thể dẫn đến việc ca tụng linh mục với những người dễ bị tổn thương, bị tước đoạt đời sống thiêng liêng được cấu trúc bởi một đức tin hợp lý và thẳng thắn của họ, đã là miếng mồi ngon lý tưởng cho kẻ săn mồi. Tôi hoàn toàn hiểu những người yêu cầu chính quyền phải chịu trách nhiệm giải trình, những người, để che giấu hành vi phạm tội, bảo vệ danh tiếng hoặc lấy cớ vì yêu Giáo hội, đã áp dụng luật sắt cấm nói và bí mật này, một luật thịnh hành từ quá lâu trong các lãnh vực quyền lực giáo hội. Tôi hiểu tất cả những điều này. Tôi hoàn toàn thông cảm với nhục nhã, tức giận và ghê tởm đã làm nhiều người công giáo mất tinh thần. Thậm chí tôi còn thấy họ đi ra cổng. Nhưng…

Thay đổi chính mình

“Tôi không rời bỏ Giáo hội được xây dựng trên hòn đá mong manh vì tôi sẽ tìm thấy một Giáo hội khác xây trên một viên đá thậm chí còn mong manh hơn, đó là chính bản thân tôi. Tôi ngày càng hiểu việc thành lập Giáo hội trên nấm mồ của kẻ phản bội, của kẻ sợ những lời bàn tán của cô người hầu, là lời cảnh báo liên tục: nó giữ mỗi chúng ta trong khiêm tốn, trong ý thức về sự mong manh của chính mình… Không, không có gì xấu khi một người yêu Giáo hội chỉ trích Giáo hội. Nhưng thật sai lầm khi chống đối, xem mình như người trong sáng. Không, không sai khi tố cáo tội lỗi và sự đồi trụy, nhưng chỉ sai khi gán chúng cho người khác và cho rằng mình vô tội, nghèo hèn và tốt lành. Đây là cái ác! Tác giả của câu nói này là Carlo Carretto (1910-1988), đã vô cùng phẫn nộ, thất vọng với Giáo hội sau một thời gian dài điều hành tổ chức Công giáo Tiến hành Ý hùng mạnh. Nhưng bị phiền nhiễu bởi những trò chơi quyền lực, những trò bịp bợm và những cạm bẫy, ông đã lui vào sa mạc như Thánh Charles de Foucauld. Ông như tiên tri Gioan Tẩy giả của thời hiện đại, rao giảng cho đến hơi thở cuối cùng ở Assisi, cho sự ra đời của một Giáo hội của người Rửa tội, cuối cùng đã giải tỏa được tất cả những thứ hào nhoáng và giả tạo, cản trở bước đi hoán cải về mặt trời vĩ đại của Tin Mừng.

Vậy phải làm gì? Nhất thiết phải thay đổi mọi thứ. Và còn nhiều việc phải làm để “ngôi nhà cầu nguyện” mà Giáo hội duy trì không giống như “hang trộm cướp”, nơi những kẻ lạm dụng, những kẻ mạo danh hiện đang gây bất hạnh cho Giáo hội. Bất hạnh cho chúng ta! Để thực sự thay đổi mọi thứ, có lẽ chúng ta phải bắt đầu bằng việc tự thay đổi thái độ của mình. Nếu đúng là lúa mì và cỏ lùng, thánh thiện và ma quỷ cùng chung sống trong Giáo hội, thì cũng đúng với sự chung sống của những mặt đối lập này ở trong lòng tôi, tôi chắc chắn, và có lẽ cả trong mỗi chúng ta nữa. Ưu điểm của sự phân định này là để ngăn chúng ta không đóng vai người trọng tài, hành xử như những người nhặt nhiệm đạo đức giả, như những người kiểm duyệt tự phụ và cằn cỗi. Ngược lại, sự hiểu biết về bản thân thúc đẩy chúng ta can dự để mọi thứ thay đổi. Và trước hết bắt đầu bằng chính chúng ta khi chúng ta thể hiện một cách khác với thế giới.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button