Lộ Đức: “Lời tiên tri ở trung tâm của thời hiện đại”
Rước kiệu được lên lịch vào mỗi tối lúc 9:30 tối | © Thánh địa Lộ Đức
Linh mục Michel Daubanes, giám đốc Thánh địa Lộ Đức trả lời trên trang Công giáo Thụy Sĩ, catt.ch. về thông điệp của Đức Phanxicô ngày 11 tháng 2 năm 2023, nhân dịp lễ Đức Mẹ Lộ Đức, ngài mô tả đây là “lời tiên tri ở trung tâm của thời hiện đại”. Linh mục Michel Daubanes, giám đốc Thánh địa Lộ Đức | © Giáo hội công giáo Pháp
“Trong thông điệp Ngày Thế giới Người bệnh 11 tháng 2 – 2023, chúng ta nhìn về Thánh địa Lộ Đức như một lời tiên tri, một bài học được giao phó cho Giáo hội ở trung tâm của thời hiện đại. Không chỉ những gì có giá trị mới có tác dụng và không chỉ những người tạo ra giá trị đó mới quan trọng. Những người bệnh tật là trọng tâm của dân Chúa, những người cùng tiến bước với họ như lời tiên tri về một nhân loại nơi mọi người đều quý giá và không ai bị loại trừ.” Trích lời Đức Phanxicô.
Với tựa đề “Hãy chăm sóc người này” (Lc 10:35) trích từ dụ ngôn người Samaritanô, theo cha sứ điệp này của Đức Phanxicô có ý nghĩa gì?
Linh mục Michel Daubanes: Tôi rất cảm kích thông điệp và những suy tư của ngài về căn bệnh này: “Nếu sống trong cô lập và bị bỏ rơi, nếu không được quan tâm và cảm thông đi kèm, căn bệnh này có thể trở nên vô nhân tính.”
Chúa Giêsu nhắc mỗi chúng ta: “Hãy chăm sóc người này”. Và cuối cùng, Ngài xin: “Hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” Đức Phanxicô nhắc, dụ ngôn cho chúng ta thấy, một cộng đồng nhiều sáng kiến nhờ những người biết gần với sự mong manh của người khác, những người không bị xã hội loại trừ nhưng trở nên gần gũi, nâng đỡ và sau đó phục hồi người đã bị rớt xuống đất, họ xây dựng vì lợi ích chung của mọi người.
Chính nhờ kinh nghiệm qua sự mong manh và bệnh tật mà chúng ta có thể học cách cùng nhau bước đi trên con đường của Chúa, con đường gần gũi, cảm thông và dịu dàng. Trong thông điệp Ngày Thế giới Người bệnh ngày 11 tháng 2, ngài nói đến Lộ Đức là nơi của lòng trắc ẩn và dịu dàng. Đó là ngôi nhà của những người mong manh và không có khả năng tự vệ. Ở đây, trẻ em và bệnh nhân, những người Chúa thương xót, họ được tiếp nhận và tôn vinh. Họ có vị trí đầu tiên.
Theo kinh nghiệm của cha, đại dịch đã làm thay đổi những gì?
Đã có những thay đổi tích cực và tiêu cực. Thật không may, nhiều bệnh nhân đến Lộ Đức bị chết vì Covid. Những người khác, do đại dịch kéo dài đã bị cô lập; họ sợ hãi, họ bỏ nhiều hoạt động, họ không còn đi hành hương.
Nhưng cũng có nhiều bệnh nhân tôi gặp ở đây, họ cho tôi biết, với hệ thống an toàn và bình an của Lộ Đức, họ muốn trở lại đây để cầu nguyện với người khác và sống tình huynh đệ đã lớn mạnh trong lòng họ. Nhiều khách hành hương tâm sự, họ có niềm vui khi có thể chăm sóc người bệnh trở lại. Đại dịch đã chia cắt con người, buộc họ phải xa nhau.
Vào thời điểm khi nhiều người đã dửng dưng với đau khổ, họ đi tìm hạnh phúc riêng cho mình, kinh nghiệm hành hương Lộ Đức đã dạy cho thế hệ trẻ như thế nào?
Những người trẻ mang trong sâu thẳm trái tim họ tấm lòng quảng đại lớn lao, họ chỉ muốn được hiểu và đi giúp người. Ở Lộ Đức, các người trẻ tìm được người ủng hộ họ, những người đồng chí hướng vị tha giống họ. Họ tìm một cách sống khác, dựa trên sự tận tụy với người thấp bé và mong manh nhất, dựa trên tình huynh đệ mà họ hiểu là rất quan trọng.
Kinh nghiệm ở Lộ Đức giúp và đào tạo người trẻ phát huy phẩm chất của họ và chia sẻ các đức tính này với người khác. Chúng tôi rất vui vì năm nay, nhân Ngày Thế Giới Trẻ tại Lisbon, hàng ngàn bạn trẻ có thể dừng chân tại Lộ Đức. Chúng tôi mong chờ sẽ đón nhận khoảng 20.000 bạn trẻ. Chúng tôi đã chuẩn bị một chương trình đặc biệt cho họ với các thánh lễ, các cuộc gặp gỡ, các cuộc rước kiệu và các bài giáo lý.
Chủ đề nào đã được chọn cho mùa hành hương 2023?
Trong tam niên 2022-2024, chúng tôi đã chọn câu Đức Mẹ nói với Bernadette trong lần hiện ra thứ mười ba: “Con hãy đi nói với các linh mục xây một nhà nguyện ở đây và đến đó rước kiệu”. Đặc biệt năm nay, chúng tôi sẽ suy tư về câu nói “hãy xây một nhà nguyện tại đây”. Dĩ nhiên ngày nay không thể hiểu câu này như lời mời gọi xây dựng thêm nhà nguyện, vì chúng ta đã có đủ nhà nguyện ở đền thánh. Nhưng thúc đẩy chúng ta biết ý nghĩa của việc “xây nhà nguyện”. Nó có nghĩa là “xây dựng Giáo Hội” không? Nếu vậy, chúng ta muốn xây Giáo hội nào? Chúng ta có ý định sống ở đó như thế nào? Đây là những chủ đề mà chúng tôi sẽ suy tư và cầu nguyện.
Cha muốn đưa ra suy nghĩ gì cho những người ra về sau chuyến hành hương Lộ Đức?
Thật khó, để giữ tinh thần Lộ Đức khi trở về nhà một mình. Để tiếp tục sống tinh thần này, cần phải duy trì chiều kích cộng đồng đã được trải nghiệm ở đây, có nghĩa sau khi trở lại cuộc sống bình thường, điều cần thiết là phải tiếp tục cầu nguyện và cùng với người khác, phó thác cho Chúa, chăm sóc người thân cận và sống tình huynh đệ với người khác.
Điều quan trọng cho hành trình tâm linh là nhờ các mục tử, những người có thể tư vấn và hướng dẫn. Tuy nhiên, không nên quên trong cuộc sống cũng có những “thời điểm” đặc biệt. Cuộc hành hương đến Lộ Đức là một và nên xem đây là ngọn hải đăng soi sáng cuộc sống hàng ngày và tạo thành điểm quy chiếu và nâng đỡ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch