Tin tứcGiáo Hội hoàn vũ

Từ đây đến năm 2030, ở Pháp sẽ có 5.000 nhà thờ bị đe dọa biến mất

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/08/tu-day-den-nam-2030.jpg

Nhà nguyện Saint-Ceneri-le-Gerei ở Orne ở Normandy, Takako Picture Lab – Shutterstock

fr.aleteia.org, Valentine Leroy, 2022-07-08

Một báo cáo về tình trạng di sản tôn giáo ở Pháp, đã được thượng nghị sĩ đảng cộng sản Pierre Ouzoulias và thượng nghị sĩ Anne Ventalon công bố ngày thứ tư 6 tháng 7. Đưa ra một tình trạng đen tối, thông báo cho biết có khoảng 2.500 đến 5.000 nhà thờ sẽ biến mất từ đây đến năm 2030, nếu không có kế hoạch dự phòng nào được đưa ra.

Quá trình thế tục hóa của Pháp kết hợp với việc thiếu phương tiện đã đẩy nhanh sự suy thoái của di sản tôn giáo Pháp. Đây là nhận định đáng báo động của ông Pierre Ouzoulias và bà Anne Ventalon, thượng nghị sĩ của tỉnh Hauts-de-France và tỉnh Ardèche. Tình trạng của các nhà thờ trên khắp nước Pháp rất khác nhau tùy nơi, tùy hoàn cảnh. Các nhà thờ do địa phương sở hữu được xây trước năm 1905 ở trong tình trạng tốt hơn nhiều so với các nhà thờ của Giáo hội sở hữu được xây sau năm đó. Trên thực tế vì các nhà thờ địa phương có nhiều phương tiện để trùng tu. Các nhà thờ bị đe dọa nhiều nhất là các nhà thờ xây ở thế kỷ 20, do lợi ích văn hóa thấp và vật liệu xây dựng kém chất lượng nên làm cho chi phí trùng tu thành đắt đỏ. Vì thế Cơ quan Di sản Tôn giáo ước tính có khoảng 2.500 đến 5.000 nhà thờ bị đe dọa phá dỡ từ đây đến năm 2030.

Chúng ta phải ngừng xem di sản như một chi phí, nhưng là một đầu tư.

Các quốc gia Anglo-saxon thường bán các nhà thờ cho tư nhân hoặc cho các công ty để biến thành nhà ở, quán bar hoặc thư viện nhưng ở Pháp hình thức này không được áp dụng. Các nghị sĩ trích dẫn số liệu của Hội đồng Giám mục Pháp cho biết, kể từ năm 1905, “chỉ” có 250 nhà thờ cấp quận huyện hoặc giáo phận, 0,6% toàn bộ di sản tôn giáo công giáo, đã được tư nhân mua và chuyển qua những mục đích khác. Ông Pierre Ouzoulias cho biết: “Các dân biểu gắn bó với nhà thờ của họ. Họ xem việc bán nhà thờ là một thất bại.” Ông nhắc lại, các di tích tôn giáo là sự giàu có của nước Pháp, đặc biệt ở các vùng nông thôn: “Chúng ta phải ngừng quan niệm di sản là một chi phí, nhưng là một đầu tư. Di sản không phải là gánh nặng để chúng ta không đảm nhận được, nhưng là cơ hội cho đất nước chúng ta.”

Các tình huống khác nhau

Báo cáo cũng xem xét đến các vật dụng của nhà thờ. Một kiểm kê lớn “từ nhà thờ chính tòa đến chiếc muỗng cà phê”, nói theo cách nói của nhà văn Pháp André Malraux, sẽ được làm trong các tháng sắp tới. Nếu không có cơ sở dữ liệu chính xác về tài sản của các nhà thờ thì những người quản lý khó có thể đưa ra dự án để cho biết di sản tôn giáo có giá trị như thế nào. Sáng kiến này cũng giúp  Văn phòng Trung ương chống lại nạn buôn bán tài sản văn hóa, ngăn được các hành vi phá hoại. Nhiều nhà thờ vẫn đóng cửa để bảo vệ nơi này khỏi bị hư hại. Về vấn đề này, báo cáo đề xuất một kế hoạch giám sát, đặc biệt kêu gọi các tình nguyện viên trong giới trẻ.

Chúng ta không thể hiểu xã hội mà không hiểu mối quan hệ của xã hội với việc thờ phượng và tôn giáo.

Ông Laurent Lafon, chủ tịch ủy ban kiêm thượng nghị sĩ của Val-de-Marne nhắc lại: “Nếu tất cả các thiết bị tương lai này là quý giá cho việc bảo vệ di sản tôn giáo, thì kế hoạch trùng tu tốt nhất vẫn là cùng sử dụng chung các tòa nhà tôn giáo. Nhà thờ sẽ nhanh chóng xuống cấp khi không được mở cửa, thông gió và sưởi ấm.” Ông nhấn mạnh: “Các nhà thờ được xây là để sống.” Vì thế một trong những đề xuất chính của báo cáo là việc sử dụng chung nhà thờ. Hội đồng Giám mục Pháp hoàn toàn đồng ý với hướng dẫn này trong chương trình Đêm của các nhà thờ, một tuần lễ mùa hè trong đó các nhà nguyện và nhà thờ lớn tổ chức các sự kiện văn hóa thuộc mọi thể loại. Ông Pierre Ouzoulias lấy ví dụ về các chuyến đi của học sinh: nhà cựu sử học và khảo cổ học khuyến khích giáo viên đưa học sinh đến nhà thờ để minh họa các điểm trong chương trình lịch sử.

Ông Ouzoulias giải thích: “Phong trào xã hội hóa các nhà thờ có thể gây lo sợ nhưng không thể nhầm lẫn với hành động phi thần thánh, điều không được mong muốn bởi vì nó không thể đảo ngược.” Ngoài ra, bất kỳ sự kiện phi tôn giáo nào diễn ra trong nhà thờ đều phải tuân theo thỏa thuận của người được chuyển nhượng, đó là linh mục chịu trách nhiệm về di tích, theo quy tắc chung về tài sản. Việc sử dụng chung được thiết lập để người dân có thể dùng di sản và lịch sử của họ, ông Ouzoulias nói: “Di sản tôn giáo không nên bị loại ra khỏi xã hội. Chúng ta không thể hiểu xã hội nếu không hiểu mối quan hệ của nó với việc thờ phượng và tôn giáo.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button