Tin tức

Vì Sao Người Lạc Quan Lại Ít Bị Trầm Cảm

Vì sao người lạc quan lại hiếm khi gặp trầm cảm?

Ba người công nhân đang xây một bức tường, có người đi ngang qua hỏi: “Các anh đang làm gì vậy?”.
Người thứ nhất cau có trả lời: “Anh không nhìn thấy sao? Xây tường chứ làm gì nữa!“.
Người thứ hai bình thản nói: “Chúng tôi đang xây dựng một cao ốc“.
Người thứ ba mỉm cười rạng rỡ bảo: “Chúng tôi đang xây dựng một thành phố mới”.
10 năm sau… Người thứ nhất vẫn đang xây một bức tường khác trên công trường mới. Người thứ hai làm kỹ sư xây dựng, đang ngồi ở văn phòng thiết kế công trình. Còn người thứ ba chính là ông chủ của hai người kia.

Đây chắc hẳn là một câu chuyện về sự lạc quan mà có thể hầu hết các bạn đều đã đọc qua hoặc đã từng nghe ai đó truyền tai cho mình rồi phải không? Vậy thế nào là lạc quan và làm thế nào để lạc quan, bạn biết rõ cách chứ? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng thảo luận về Sự lạc quan, một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong các kỹ năng thích ứng xã hội cần thiết của con người.

THẾ NÀO LÀ SỰ LẠC QUAN?

Theo nghiên cứu tâm lý, có hai cách cơ bản để định nghĩa cho Sự lạc quan. Một là Sự lạc quan không phụ thuộc vào hoàn cảnh. Sự lạc quan này là một loại niềm tin căn bản hoặc một kỳ vọng nào đó rằng điều tốt đẹp sẽ xảy ra. Thế giới tốt đẹp, con người ổn định, tất cả đó là kiểu niềm tin hướng về phía trước. Giả sử, trong những thời điểm không chắc chắn, bạn luôn mong đợi những điều tốt nhất sẽ xảy ra, đó là dấu hiệu của Sự lạc quan. Hay nếu như, bạn hiếm khi tin vào những điều tốt đẹp sẽ xảy ra với bạn, thì đó là dấu hiệu của Sự bi quan hơn hoặc không lạc quan cho lắm. Vì thế, để đánh giá và đo lường Sự lạc quan thường và Sự lạc quan có chủ đích, người ta sử dụng Bản đánh giá định hướng cuộc sống (LOT-R), bản nghiên cứu của hai nhà khoa học Carver và Scheier.
Nhưng Tiến sĩ Marty Seligman lại có cách giải thích khác về Sự lạc quan, gọi là Kiếu Lý trí. Đó là việc xem xét kỹ về những lý giải nguyên nhân của những điều tốt và điều xấu xảy đến với bạn. Và ông ấy tìm ra quy luật rằng mỗi khi có một điều tốt đẹp hay điều tồi tệ xảy đến, ta thường hay đi tìm lý do thích đáng, hợp lý để tự giải thích hoặc trấn an chính mình, nhưng đáng buồn là ta tập trung nhiều vào điều xấu hơn là điều tốt.

3 KIỂU TƯ DUY PHỔ BIẾN

Tại sao lại như vậy? Có 3 kiểu diễn biến tâm lý lí giải cho điều này:
1, “Tất cả tại mình” hay “Điều này hẳn phải có một nguyên do” Khi có một việc tồi tệ xảy ra, não bộ của chúng ta có xu hướng đi tìm lý do giải thích tại sao điều đó lại xảy ra. Diễn biến tâm lý sẽ diễn ra theo hai hướng:

– Một nhóm người thì tin rằng bản thân mình chính là nguyên nhân của mọi chuyện, họ nghĩ: “Tất cả là tại mình hết, tất cả là do mình gây ra,..”
– Một số người khác thì lại cho rằng hoàn cảnh bên ngoài mới là thứ gây ra những điều tồi tệ ấy. Họ sẽ phân tích rằng: “Điều A  xảy ra như thế này nên mới dẫn đến sự việc như vậy,..”

2, “Điều này chẳng thể thay đổi được” hay “Mình có thể làm chủ được chuyện này” Khi có một việc tồi tệ xảy ra, sẽ có hai trường phái coi nguyên nhân xảy ra mang tính chất ổn định hoặc không ổn định. Điều đó thể hiện như sau:

– Có người hay tập trung vào những nguyên nhân có tính ổn định, vĩnh viễn mình không thể thay đổi được. Từ đó, họ sẽ cho rằng một vấn đề xấu xảy ra sẽ làm ảnh hưởng đến cả nhiều mặt khác trong cuộc sống của họ nữa chứ không đơn thuần dừng lại ở đó. – Có người thì coi đó là những nguyên nhân không ổn định, chỉ mang tính nhất thời và bản thân hoàn toàn có thể kiểm soát được. Từ đó, họ sẽ xác định rõ vấn đề đó chỉ ảnh hưởng đến duy nhất chuyện đó thôi chứ nhất định không ảnh hưởng đến những khía cạnh khác trong cuộc sống của họ.

3, Vấn đề chung hay Vấn đề riêng: Một lần nữa, khi khó khăn xảy ra, sẽ có hai chiều hướng xảy ra sau đây:

– Một số người tập trung vào những nguyên nhân của điều tồi tệ này sẽ là gốc rễ dẫn đễn nhiều điều tồi tệ khác trong cuộc sống của bạn.
– Một số người khác lại cho rằng những nguyên nhân của điều tồi tệ này là những nguyên do cụ thể, nó là gốc rễ của riêng điều tội tệ ấy thôi chứ nhất định không là thứ dẫn đến những điều tồi tệ khác.

Từ 3 hướng giải thích trên, người ta kết luận rằng khi đặt trong một hoàn cảnh khó khăn, tồi tệ nhất định, con người ta sẽ bộc lộ bản chất bên trong nói chung và cả mức độ lạc quan của họ. Và những điều mà nhà khoa học Seligman nói đã cho ta hiểu được Sự lạc quan là như thế nào, nó có xu hướng ra sao.

“Những người lạc quan sẽ nhìn những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến điều tồi tệ là thứ không ổn định và có tính riêng biệt.”
Tức là, bản thân bạn hoàn toàn có thể nắm quyền kiểm soát và xoay chuyển chúng, bạn sẽ không để chúng có thể dễ dàng xâm lấn và gây ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác trong cuộc sống của bạn. Còn những người bi quan sẽ có góc nhìn ngược lại.
“Những người bi quan cho rằng mọi thứ xảy ra đều là do họ gây ra, họ không có cách nào thay đổi được nó và những thứ đó sẽ phá hoại mọi thứ xung quanh cuộc sống của họ.”
Đây chính là sự khác biệt rõ rệt giữa người bi quan và người lạc quan. Bản đánh giá định hướng cuộc sống (LOT-R) sẽ đánh giá sự lạc quan và niềm tin của bạn trong tương lai.
Còn Kiếu Lý trí thì đánh giá niềm tin và các giải thích nguyên nhân của bạn trong quá khứ. Ở đây, chúng ta sẽ tập trung vào cả khái niệm lạc quan của Carver và Scheier, rằng niềm tin vào những điều tích cực trong tương lai và những kỳ vọng về điều tốt đẹp đều sẽ xảy ra. Cũng như cách bác sĩ Seligman đánh giá sự lạc quan và niềm tin rằng sự thất bại chỉ là các yếu tố hoàn toàn kiểm soát được và có thể thay đổi được.
NGƯỜI LẠC QUAN HIẾM KHI GẶP TRẦM CẢM

Với chỉ số EQ cao, những người lạc quan có khả năng đối phó với căng thẳng rất hiệu quả, bởi một phần họ tin vào những điều tươi sáng trong tương lai nên những vấn đề mà họ đã, đang và sẽ phải đối mặt thực sự không khó để họ xử lý đối với họ. Khi ở cạnh người lạc quan, bạn sẽ cảm nhận được ở họ tỏa ra một nguồn năng lượng tích cực rất lớn, họ luôn mang lại cho bạn cảm giác dễ gần và vui vẻ. Chính vì thế, những mối quan hệ xung quanh người lạc quan cũng có một sự khác biệt rất lớn so với những người bình thường, thậm chí họ còn được nhận rất nhiều sự ưu ái và hỗ trợ hơn từ bên ngoài xã hội.

Người lạc quan có thể kiểm soát căng thẳng tốt!

Phải nói rằng, người lạc quan có đời sống tinh thần rất phong phú cộng với chỉ số hạnh phúc luôn ở mức cao và rất hiếm khi gặp trầm cảm. Vì khi bạn nghĩ về và tin vào những tương lai tươi sáng, tinh thần của bạn sẽ được cải thiện rất nhiều. Để chứng minh cho điều này, một đội ngũ các nhà khoa học bao gồm tiến sĩ Jane Gillham, Marty Seligman, tiến sĩ Lisa Jaycox cùng các thành viên trong nhóm đã thực hiện một thí nghiệm về khả năng cải thiện chứng bệnh trầm cảm của những suy nghĩ lạc quan tại Đại học Pennsylvania. Tại đây, họ phỏng vấn những đứa trẻ có nguy cơ, đã hoặc đang có những triệu chứng của bệnh trầm cảm về môi trường chúng đang tiếp xúc có ảnh hưởng như thế nào đến chúng. Qua phỏng vấn sơ lược, những đứa trẻ bị trầm cảm ấy phần lớn thường sống trong một gia đình có nhiều bất hòa, bạo lực hơn là gắn kết và yêu thương. Đội ngũ các nhà khoa học đã thực hiện thí nghiệm bằng cách chia bọn trẻ thành các nhóm nhỏ và dạy cho chúng những kỹ năng mềm hữu ích trong cuộc sống, đặc biệt là chú trọng vào kỹ năng làm sao để suy nghĩ lạc quan. Sau đó, họ sẽ theo dõi quá trình của nhóm học sinh đó để xem việc học những kỹ năng lạc quan này ảnh hưởng đến chứng trầm cảm trong tương lai của chúng như thế nào.

Kết quả cho thấy, sau một thời gian áp dụng các bài học kỹ năng sống, những đứa trẻ đã có dấu hiệu giảm thiểu các triệu chứng trầm cảm, tất cả là nhờ có sự lạc quan. Đồng hành trên con đường này, những nhà tiên phong trong lĩnh vực trị liệu nhận thức – tiến sĩ Rob DeRubeis và Steve Holland – cũng thực hiện rất nhiều những thí nghiệm bằng cách mở ra những khóa học ngắn trị liệu nhận thức với mô típ tương tự như trên. Chính vì vậy, Sự lạc quan chính là một liều thuốc tinh thần kỳ diệu. Bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, giúp bạn cải thiện các mối quan hệ xung quanh hay man đến hạnh phúc tinh thần từ chính trong tâm bạn mà còn tác động rất nhiều đến sức khỏe thể chất của bạn nữa.

Người lạc quan có hệ miễn dịch tốt hơn!

Người lạc quan có sức khỏe tốt vượt bậc hơn so với người bình thường? Đây là điều hoàn toàn có thực và đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh cho điều này. Những người có tinh thần lạc quan cao thường ít mắc bệnh động mạch vành hơn, tăng sức sống và tuổi thọ lên cao hơn. Kèm theo đó, tỉ lệ nhập viện lại của những người này là rất thấp. Để chứng minh cho điều đó, ở Đại học Pittsburgh, các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu với 97.000 phụ nữ đã làm công việc bán hàng bảo hiểm nhân thọ, một công việc đầy áp lực, nghịch cảnh và những sự từ chối, đòi hỏi người làm phải có một tinh thần thép mới chịu được sự căng thẳng trong ngành nghề này. Sau đó, nhóm nghiên cứu đo mức độ lạc quan của những cô gái bằng Bài kiểm tra định hướng cuộc sống rồi phân chia nhóm họ theo 4 cấp độ lạc quan và theo dõi tiến trình của họ trong suốt 8 năm tiếp theo. Kết quả cho thấy rất bất ngờ: tỉ lệ mắc bệnh tim ở những người phụ nữ đứng trong top đầu về độ lạc quan cao giảm tới 14%  so với những người phụ nữ ở top lạc quan thấp, nhờ đó khả năng tử vong do bệnh tim của họ ít hơn đáng kể là 30%.

Người lạc quan có hiệu suất làm việc cao hơn!

Vẫn tại một công ty bán bảo hiểm ấy, các nhà khoa học đã chia những nhân sự đã có thâm niên trong ngành làm hai nhóm người Lạc quan và Không lạc quan rồi so sánh hiệu suất làm việc của họ trong 2 năm. Kết quả cho thấy, những người trong nhóm Lạc quan có hiệu suất làm việc tốt hơn hẳn, lượng bảo hiểm bán ra của họ nhiều hơn 88% so với nhóm còn lại, mang về một khoản thu nhập lớn cho công ty. Một nghiên cứu khác lại so sánh khoảng 100 nhân sự mới được tuyển dụng vào ngành và cũng chia thành hai nhóm người như trên. Kết quả cho thấy, nhóm người lạc quan có khả năng gắn bó và ở lại với công việc cao gấp đôi so với nhóm còn lại. Chính vì thế, nếu bạn đang làm một ngành nghề có mức độ căng thẳng cao thì Sự lạc quan chính là bạn đồng hành không thể thiếu hỗ trợ bạn vượt qua những khó khăn trong cả đời sống lẫn công việc.

Người lạc quan có hiệu suất học tập tốt hơn!

Như bạn thấy, quá trình chuyển đổi từ trung học lên đại học là một bước ngoặt cực kỳ quan trọng trong cuộc đời của thanh thiếu niên. Sẽ có vô số sự thay đổi xung quanh cuộc sống của bạn về cả vật chất lẫn tinh thần. Lần đầu tiên bạn xa bố mẹ. Học hành nghiêm ngặt hơn. Không còn những nhóm cô cậu bạn thân cấp 3. Rồi cả những vấn đề xung quanh việc đi làm thêm, lo lắng tiền thuê nhà, tiền ăn, một loạt các chi phí cá nhân mà trước đây mình chẳng phải lo đến. Bạn đang thực sự phải cạnh tranh trong một thế giới khác. Vì thế, đó chắc hẳn là một quá trình chuyển đổi căng thẳng đúng không nào? Để nghiên cứu sâu hơn, nhà khoa học Chris Peterson cùng các đồng nghiệp đã thực hiện một cuộc thử nghiệm với 90 sinh viên có tinh thần lạc quan mạnh mẽ, lý trí và theo dõi tâm lý của những bạn sinh viên đó trong suốt quá trình học tập. Kết quả cho thấy, vào cuối năm thứ nhất, những sinh viên lạc quan có điểm trung bình cao hơn so với sinh viên không lạc quan. Cuối cùng thì, đằng sau những cuộc thử nghiệm và chứng minh trên, chúng ta rút ra một điều rằng Sự lạc quan là vô cùng quan trọng.

Lạc quan giống như hạt giống gieo trồng trên mảnh đất của niềm tin. Hãy biến những thử thách thành “ dưỡng chất” của mảnh đất tâm hồn và trả lại cho đời những bông hoa. Bởi trong tột cùng của đau đớn, bạn sẽ tìm được chính mình và phát hiện ra sứ mệnh riêng của bạn trong cuộc đời này.

*Độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng – Ad Alice
Nguồn: tamlyblog

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button