Văn hóa - Nghệ thuậtGóp nhặt

Ăn ở cho có hậu!

by Phanxicovn

Mùa xuân, mùa của những mầm sống mới!

Ngày còn bé mỗi lần đi chợ tôi thường nghe các người mua hàng nói với người bán hàng thách giá: “Ăn ở cho có hậu, ăn ở đoản hậu sau này con cái khổ!” Đó chỉ là vài bó rau, vài miếng thịt đã mắng nhau như vậy, huống gì những chuyện tày trời khác.

Đọc bài phỏng vấn bà Chrese Evans, người phỏng vấn hỏi bà:

Cuối cùng, bà còn giữ gì từ gia đình Stalin, một cái tên quá nặng nề để mang phải không?

Stalin không phải là một cái tên, đó là tên giả của người bolshevik. Gia đình tôi là gia đình Dzhugashvili, người Nga gốc Gruzia. Để ngoài các sách lịch sử, các sự thật, các nói dối, các tranh luận, thì tôi sẽ nói điều làm cho tôi chấn động là sự hung ác của các ông bà tôi với con cái họ. Tôi không có tính này, nhưng tôi nghĩ cha mẹ buộc phải chăm sóc con cái và nghĩ đến tương lai của chúng.

Chúng tôi là nạn nhân. Bên ngoại tôi bị ông tôi diệt hết. Bà ngoại Nadia tự tử, hai anh của bà bị bắt năm 1938, em gái cũng bị bắt và không bao giờ thoát trại goulag để trở về. Stalin đã làm tan nát lòng mẹ tôi lúc mẹ tôi 16 tuổi, ông đày người đàn ông mẹ tôi yêu say đắm đi goulag. Mẹ tôi lặp đi lặp lại: “Ông phá hủy đời mẹ”. Bà nói: “Bất cứ đi đâu, tôi luôn là tù nhân chính trị của cha tôi.”

Họ không đồng lõa với quyền lực, với cái ác của Stalin. Họ có một lương tâm sâu đậm, họ khổ sở với tội ác của Stalin để lại, họ đi trốn suốt đời, họ âm thầm chịu đựng số phận. Sau này bà Svetlana Allilouieva, mẹ của bà Chrese Evans theo đạo công giáo, bà Evans hướng về đạo phật để rốt cùng chỉ có hướng về một Đấng siêu việt mới làm cho tâm hồn họ được bình an.

Đọc bài phỏng vấn tôi không thể không liên tưởng đến câu chuyện Lời con can cha trong Mạnh thường quân truyện.

Điền Văn là con của Điền Anh, ít tuổi mà cực kỳ khôn ngoan, thấy cha làm quan hay vụ lợi riêng, một hôm thư thả hỏi cha:

– Con của đứa con gọi là gì? Là cháu.

– Cháu của đứa cháu gọi là gì? Là chút.

– Chút của đứa chút gọi là gì? Ai biết gọi là gì được?

Cha làm tướng nước Tề đã ba đời vua, giàu có ức vạn mà môn hạ không có ai là người hiền tài. Con nghe nhà quan tướng, tất có quan tướng giỏi; nhà quan văn, tất có quan văn giỏi. Nay cha mặc áo gấm mà người trong nước vẫn đói khát. Cha quên hết việc công ích hiện thời của dân, của nước, chỉ chăm chú để dành của cải cho những kẻ sau này mà cha không biết gọi nó là gì! Con trộm nghĩ như thế là quái dị lắm..

Để của cải, để đau khổ cũng chỉ để hai, ba đời, không thể để lâu dài được… nhưng hai, ba đời này với người trong cuộc là cả một triền miên vĩnh viễn vì họ chỉ có một đời để sống!

Vì sao ông bà lại hung ác với con cháu: vì họ quá ích kỷ, họ không nghĩ đến ai khác ngoài tham vọng của họ. Họ quá hung ác khi họ để lại tiền muôn bạc biển cho con cháu mà không để đức lại, một độc ác mà thú vật dù độc ác cách mấy cũng không làm được, thiên nhiên không cho chúng cái quyền tích trử, chúng được ưu tiên hơn loài người. Cái khác nhau của người duy vật và người có đời sống thiêng liêng là ở đó.

Putin có nghĩ đến con ruột của ông không, hỏi câu hỏi này cũng bằng thừa vì lô-gíc này không có trong đầu của ông.

Mọi suy nghĩ ăn hiền ở lành, để đức lại cho con cháu không có trong đầu của ông. Trong đầu của ông là “giết, giết đến người cuối cùng”, không biết rồi con của ông sẽ sống với ai, với lương tâm nào?

Marta An Nguyễn

Bài viết liên quan

Back to top button