Giáo hội công giáo có thật sự đi trệch đường vì Đức Phanxicô không?
Ngày chúa nhật 29 tháng 5, Đức Phanxicô bổ nhiệm 21 tân hồng y. © VINCENZO PINTO / AFP
atlantico.fr, Phỏng vấn sử gia Jean-Baptiste Noé, 2022-05-30
Ngày chúa nhật 29 tháng 5, Đức Phanxicô công bố tổ chức công nghị ngày thứ bảy 27 tháng 8 để bổ nhiệm 21 tân hồng y. Ông Jean-Baptiste Noé, nhà sử học, chuyên gia về lịch sử kitô giáo ông phân tích ảnh hưởng chính sách ngoại giao giáo hoàng và triển khai suy nghĩ về khái niệm quyền lực. Ông là biên tập viên của tạp chí địa chính trị Conflits. Tác phẩm mới nhất của ông: Địa chính trị của Vatican, Géopolitique du Vatican (PUF),
Đức Phanxicô bổ nhiệm 21 tân hồng y. Làm thế nào để phân tích các bổ nhiệm này? Đâu là đường lối của Giáo hội?
Jean-Baptiste Noé: Những bổ nhiệm này là tiếp nối các bổ nhiệm trước: sự đa dạng về địa lý, có đại diện của tất cả các châu lục, các bổ nhiệm được mong chờ, các giám chức giáo triều và các giám mục của các toà giám mục, các bổ nhiệm ngạc nhiên như trường hợp giám mục Giorgio Marengo, Giám quản Tông tòa Mông Cổ được phong hồng y khi mới mới 48 tuổi. Điều này tương ứng với những lần ngài bổ nhiệm trước đây, nói lên tính phổ quát của Giáo hội, cả về mặt địa lý và thiêng liêng.
Hồ sơ giám mục Peter Okpaleke, người Nigeria, 59 tuổi đặc biệt thú vị. Được Đức Bênêđíctô XVI phong giám mục năm 2012, ngài đã phải đương đầu với sự phản đối của các linh mục và giáo dân nỗi loạn vì ngài là người dân tộc Ibo lại được bổ nhiệm ở vùng của sắc tộc Mbaise. Tình hình căng thẳng đến mức ngài không thể nhậm chức và Đức Phanxicô phải chấp nhận để ngài từ chức. Khi phong giám mục Okpaleke làm hồng y, giáo hoàng đã có một cử chỉ rất mạnh với Giáo hội châu Phi, cho thấy ngài không chấp nhận phân biệt chủng tộc.
Cũng nên nhắc ở đây về việc bổ nhiệm tổng giám mục Leonardo Ulrich Steiner của giáo phận Manaus, thành phố lớn nhất vùng Amazon. Khi phong hồng y cho giám mục Steiner, ngài cho thấy sự gắn bó tiếp tục của ngài với vùng này. Vì thế danh sách bổ nhiệm này rất phù hợp với suy nghĩ và hành động của giáo hoàng Bergoglio. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, theo giáo luật, các giám mục này chỉ là hồng y vào ngày 27 tháng 8 trong công nghị sắp tới. Như thế có nghĩa khi giáo hoàng qua đời hoặc từ nhiệm trước ngày này thì họ chưa là hồng y và do đó không thể tham dự mật nghị.
Những người tiến bộ và rất tiến bộ bây giờ đang chiếm đa số Hồng y đoàn sẽ ở mức độ nào? Điều này có thể gây ra những hậu quả gì cho tương lai của Giáo hội không?
Sự phân chia tiến bộ / bảo thủ là có thật, nhưng sự phân chia này không phải là sự phân chia thích đáng nhất. Thực tế nổi bật nhất là nhiều hồng y không biết các hồng y khác của Hồng y đoàn. Họ ở rất xa Rôma, Mông Cổ, Mauritius, Thái Lan, v.v. và họ hiếm khi về thủ đô Giáo hội. Khi mật nghị diễn ra, nhiệm vụ đầu tiên là làm sao các hồng y này hiểu nhau hơn, khám phá lẫn nhau để có thể bầu giáo hoàng mới. Vì thế những người đã có kinh nghiệm mật nghị sẽ có lợi thế hơn những người khác.
Tuy nhiên, đúng là với bổ nhiệm này, các hồng y do Đức Phanxicô phong sẽ chiếm hai phần ba, mức thiết yếu cần có để bầu một giáo hoàng mới.
Theo các trường hợp đã xảy ra trong quá khứ, việc Giáo hội cởi mở quá mức có thể dẫn đến việc mất tín hữu, hoặc thậm chí như một số người lo sợ là sẽ có ly giáo? Đây có phải là một quan điểm đáng tin cậy về những gì có thể xảy ra sau những lựa chọn của Đức Phanxicô không?
Chủ nghĩa ly giáo đang bị đe dọa ở Đức, một quốc gia nơi các giám mục đóng một vai trò nguy hiểm để có quyền tự trị khỏi Rôma. Mỗi lục địa phải đối diện với những vấn đề riêng, đặc trưng cho lịch sử và truyền thống chính trị của họ. Ở một vài quốc gia, điều đe dọa giáo dân là sự đàn áp có tổ chức của Nhà nước hoặc của các nhóm chính trị. Còn những nơi khác, đặc biệt ở Châu Phi, đó là sự bành trướng của tín ngưỡng Vô-đu và thuyết vật linh. Ở châu Âu, các giáo xứ và cộng đoàn đã phân tán theo tinh thần thế gian, hầu như không còn người trẻ nào, trong khi những người trung thành với Huấn Quyền thì vẫn còn nhiều. Ở Pháp, đức tin công giáo còn là hạt nhân sốt sắng ở các thành phố lớn, trong khi ở vùng nông thôn thì không còn giữ đạo. Cần nên lưu ý các thánh lễ bằng tiếng la-tinh có nhiều người trẻ tham dự, thường dưới 30 tuổi, điều này làm cho những người trên 50 tuổi không hiểu được. Do đó, có sự phân chia địa lý và nhân khẩu học đang hình thành. Nhưng không phải tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào Rôma, các giám mục và nhà thờ địa phương cũng tùy thuộc vào thực tế của những nơi họ ở.
Đức Phanxicô đã để lại dấu ấn của mình trong Hồng y đoàn, còn hành động của ngài ở những nơi khác, đặc biệt là trong việc cải tổ Giáo triều thì sao?
Các nhà bình luận đã bình luận rất nhiều về cuộc cải cách Giáo triều, bắt đầu từ việc bầu chọn Đức Phanxicô năm 2013 và vừa được hoàn thành. Tất cả các giáo hoàng đều đã cải tổ Giáo triều, cuộc cải cách lớn cuối cùng có từ thời Đức Bênêđíctô XVI, đó là cải cách cơ cấu quan trọng, đặc biệt với việc tập hợp lại một số dòng. Nhưng đây không phải là điểm cơ bản nhất của triều Đức Phanxicô. Người kế vị Đức Phanxicô, dù là ai, họ cũng cải tổ Giáo triều. Chắc chắn Giáo hội luôn dựa trên cấu trúc, và điều này là quan trọng, nhưng trước hết Giáo hội dựa vào con người, giáo dân và giáo sĩ. Tương lai của Giáo hội là ở họ, hơn là vào các tổ chức hành chính của giáo triều la-mã.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch