Tin tứcGiáo Hội hoàn vũ

“Người áo trắng ở đó”: khi giáo hoàng ra dấu

by Phanxicovn

Đức Phanxicô cầu nguyện ở Quảng trường Thánh Phêrô ngày thứ sáu 27 tháng 3-2020

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2022-10-07

Tin tức Vatican dưới con mắt của phóng viên chúng tôi tại Rôma. Khi các tình huống khủng hoảng kích động nhu cầu cần ra dấu, giáo hoàng vẫn là một ngọn hải đăng, qua sự hiện diện, qua hành vi có lẽ còn hơn cả những bài phát biểu của ngài.

Hiện nay các rạp chiếu phim ở Ý đang chiếu một viên ngọc điện ảnh nhỏ mang tên Siccità (Hạn hán) của đạo diễn Paolo Virzi. Câu chuyện xảy ra ở một Rôma đối diện với làn sóng hạn hán chưa từng có, làm khô cạn sông Tiber, buộc người dân phải nghiêm ngặt hạn chế dùng nước và có một cơn dịch kỳ lạ về giấc ngủ. Bộ phim với những điểm nhấn mạnh đến sách khải huyền đáp ứng tiếng vang đặc biệt nơi người dân Ý bị đợt nóng mùa hè kéo dài vài tuần nay giáng xuống, giống như nhiều thành phố khác của lưu vực Địa Trung Hải, ai cũng như thấy có một cơn ác mộng trước mắt.

Như trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, một dạng khoảnh khắc của sự thật xảy đến cho tất cả mọi người. Người nghiện mạng xã hội rất vui khi thấy lời khuyên về cuộc sống của mình được hàng ngàn người theo dõi, nhưng lại không thấy sự khó chịu của vợ con khi thấy anh thích khoa môi múa mép trực tuyến với người theo dõi mình, trong khi chính vợ con mới là người đối thoại duy nhất ở nhà. Người thất nghiệp cháy túi nổi giận khi thấy nhà báo chỉ để ý đến tình trạng của ông mà không màng đến thân phận của người di cư trẻ châu Phi. Một nhà khoa học buồn tẻ thành con cưng của giới truyền thông và được một ngôi sao điện ảnh o bế. Và, giữa những chuyện điên cuồng đủ loại này, giáo hoàng đi vào Quảng trường Thánh Phêrô.

Lời nhắc nhở về cuộc khủng hoảng sức khỏe

Cảnh người đàn ông mặc áo trắng, rất thành công về mặt thẩm mỹ, lặp lại những hình ảnh rất thực của Đức Phanxicô trong thời kỳ khủng hoảng sức khỏe. Giáo hoàng, người hành hương duy nhất trên con đường huyết mạch thương mại hoang vắng của Rôma, khấn xin Đức Trinh Nữ Maria, như ngày xưa Đức Piô XII cầu xin trong các vụ bỏ bom của Thế chiến thứ hai, và Chúa Kitô, dưới chân thánh giá nổi tiếng “nhiệm mầu” ở San Marcellino năm thế kỷ trước trên các đường phố của thủ đô để xin kết thúc bệnh dịch kinh hoàng năm 1522.

Trong cuộc khủng hoảng sức khỏe, khi các cuộc tụ tập bị cấm ở những nơi thờ phượng, giáo hoàng là nhà lãnh đạo thế giới duy nhất đã “ra dấu” bằng cơ thể của mình, cô độc nhưng đứng vững trên đường phố (trong khi cả thế giới bị cách ly), cúi xuống dưới chân Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, dưới cơn mưa tầm tã, mang ký ức của các vị tiền nhiệm theo mình.

“Lá Thư”: khi quan tâm của giáo hoàng về môi trường thành bộ phim ăn khách

Với hai hệ quả. Nếu cơ thể và cử chỉ của giáo hoàng vẫn còn ra dấu, thì đó là toàn thể Giáo hội với ngài, có thể một lần nữa trở thành cột mốc và là nơi ẩn náu trong cơn bão. Nhưng còn các cơ quan trung gian thì sao? Đó là câu hỏi được nhà sử học Andrea Riccardi đặt ra trong quyển sách Giáo hội cháy, L’Église brûle do nhà xuất bản Le Cerf phát hành gần đây, đặc biệt ông nêu lên lời kêu gọi các giáo hội tại gia tái sinh, qua lời cầu nguyện của gia đình, đã quên những người ở một mình ( 44,6% dân số Rôma, 51% dân số Paris). Và  nhiều giám mục đã thấy mình không có tiếng nói trước các tiêu chuẩn sức khỏe, dù đã cố gắng thảo luận với các cơ quan công quyền.

Trong bối cảnh này, người sáng lập cộng đồng Sant’Egidio viết, giáo hoàng không chỉ đóng vai trò là “người cầu xin vĩ đại” mà ngài còn đổi mới cách diễn giải về các thảm họa, chuyển từ nội dung mà ngày xưa bị cho là do “thần thánh trừng phạt” sang thái độ biểu lộ sự gần gũi của Chúa trong thử thách. Tác giả Ricardi viết: “Chúa không gởi sự dữ đến; ngược lại Chúa gần gũi và giúp chúng ta sống với sự dữ và vượt qua sự dữ.”

Trong những lúc khắc nghiệt, đôi khi chính sách ngoại giao của Vatican gặp khó khăn khi đối diện với một hình thức bất lực trước sự leo thang chiến tranh, khi nhiều lời tuyên bố của giáo hoàng để lại cảm giác hơi bất an khi nhìn con thuyền chèo xa hoặc khi có một chút nghịch tai (vì nói, khi điều cốt yếu phải giữ bí mật, luôn là một việc làm nguy hiểm, nhưng cũng có thể lặp lại lời của hồng y ngoại trưởng Pietro Parolin, vì “tiếng nói của giáo hoàng là tiếng kêu trong sa mạc” và đó là điều nhiều người đã nghe khi ngài kêu gọi ngừng bắn vào ngày chúa nhật 2 tháng 10, sự hiện diện của người áo trắng như một mắt xích trong chuỗi liên kết không đứt đoạn, và những cử chỉ thực hiện cách âm thầm vẫn là một dấu hiệu. Trục của đồng hồ vẫn đứng vững dù các kim quay cuồng nhiệt.

Bởi vì sự hiện diện trong màu trắng, trong những thời điểm khủng hoảng hiện thực hóa lời của Chúa Giêsu, “và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”, bằng cách làm cho lời đó đi vào lịch sử loài người. Huống chi con người thời nay sống trong thế giới của hình ảnh.

Marta An Nguyễn dịch

Bài viết liên quan

Back to top button