Tự do lây lan
Từ Trung Quốc đến Iran, các phong trào dân chúng nổi lên hoặc biểu tình chống các chế độ độc tài khơi dậy sự ngưỡng mộ và hy vọng. Dù vẫn còn rất mong manh…
lavie.fr, Aymeric Christensen, Giám đốc biên tập, 2022-11-30
Hàng trăm người biểu tình phản đối chính sách ‘zero Covid’ của Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 27 tháng 11 năm 2022. KOKI KATAOKA/AP/SIPA
Ở Iran, từ hai tháng nay, các cuộc biểu tình đã không suy giảm dù chế độ kiên quyết đàn áp. Ở Trung Quốc, những tia chớp đầu tiên của sự tức giận tràn bờ chưa từng có đang nổ ra, bây giờ mọi con mắt đang đổ dồn về đất nước này, chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Lửa rơm hay ánh bình minh đầu tiên? Lòng dũng cảm của các dân tộc, những người dám ném cuộc sống mình vào thử thách điên cuồng của khát vọng tự do, luôn làm chúng ta cảm phục. Và đúng như vậy, nếu ngọn lửa bùng cháy, nếu những người nam nữ này đang tìm một tương lai khác làm cho quyền lực độc đoán tập trung vào sự duy trì chế độ của họ bị sụp đổ.
Khả năng của một đảo lộn
Có gì tàn phá hơn huyền thoại sáng lập bị rạn nứt? Khi xã hội không còn tin vào phép lạ của các nhà lãnh đạo hoặc vào thỏa hiệp đã được ký kết với họ, thì sự thay đổi đột nhiên có thể xảy ra. Đó là lý do vì sao, khi ngắt kết nối với khát vọng của người dân, già cỗi, đè nặng bởi nhiều mối hận thù, Cộng hòa Hồi giáo Iran gần như không còn có sức đưa ra một tương lai nào cho người trẻ khao khát tự do. Ali Khamenei có thể dùng nỗi sợ, gieo rắc cái chết để đè bẹp dân nhưng ông không thể dập tắt hơi thở sự sống đang càn quét đất nước ông trong các tuần vừa qua.
Ở Trung Quốc, chúng ta vẫn chưa ở giai đoạn này, nhưng sự phẫn nộ ngày càng tăng với chính sách “zero Covid” và chế độ độc tài đang phá hoại thỏa thuận ngầm giữa Tập Cận Bình và người dân Trung quốc. Miễn là chế độ mang lại niềm tự hào dân tộc, cơ hội vươn lên cho tầng lớp trung lưu, tự do tiêu dùng và an ninh tương đối, người dân sẵn sàng phục tùng nhà cầm quyền và ngậm miệng quan điểm chính trị của họ. Chính nền tảng của thỏa hiệp này là một loại virus đã phá hoại gần ba năm nay; lay tận gốc mà hậu quả của nó chắc chắn chỉ mới bắt đầu.
Tuy nhiên, liệu những chấn động này có thực sự dẫn đến việc lật đổ các chế độ độc tài hay không? Nó không chắc chắn xảy ra ở Iran và không thể xảy ra ở Trung quốc. Nếu những hành động dũng cảm này khơi dậy trong chúng ta ngưỡng mộ và hy vọng, thì đó là vì chúng ta xem xét chúng với tất cả sức nặng của trí tưởng tượng phương Tây, bị mê hoặc bởi các phong trào quần chúng, được nuôi dưỡng bởi điều không tưởng cách mạng và lý tưởng phản kháng.
Khát vọng tin vào đó
Nhưng chỉ cần nghĩ lại những hy vọng gần đây của chúng ta trong hy vọng chứng kiến người dân Nga đứng lên chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Ukraine làm sụp đổ chế độ của Vladimir Putin… thì chúng ta thấy, chúng ta nhìn thế giới với đôi kính méo mó. Khát vọng của con người không phải lúc nào cũng kéo theo hiệu ứng mong chờ.
“Cuối cùng, chúng ta muốn tin vào điều đó…”, một đồng nghiệp của tôi nói trong cuộc họp ban biên tập ngày thứ hai, tóm tắt cảm giác của mọi người. Đúng, chúng tôi muốn “tin vào điều đó”, tin vào ngọn gió này sẽ nổi lên để cuốn đi những chế độ chuyên quyền và làm cho không khí dễ thở hơn cho bao nam nữ công dân của thế giới. Hy vọng này không phải là vô ích, nhưng quá mong manh: trong một vài cuộc cách mạng thành công, bao nhiêu cuộc nổi dậy bị đàn áp trong máu, bao nhiêu mùa xuân bị hủy hoại trong sương giá mùa đông của một nền dân chủ mới? Lịch sử, thường thường phức tạp, đôi khi chỉ là thảm kịch.
Nhưng cuối cùng dù sao thì chúng ta cũng muốn tin; cảm nhận tâm hồn người dân run sợ, để thấy một làn sóng của những chuyện hoàn toàn mới đang dâng trào trên thế giới. Chắc chắn ở đây là lời kêu gọi nâng đỡ mạnh mẽ hơn mong muốn này bằng các tiếng nói đại chúng. Trước nguy cơ thất vọng, chúng ta hãy nghiêm túc xem lại lời nhẹ nhàng này của nhà văn vừa qua đời Christian Bobin, chứng nhân của thời và các suy nghĩ trong tâm hồn chúng ta: “Không có gì dễ lây lan hơn tự do.”
Marta An Nguyễn dịch