Từ nhiệm: các chuyên gia soạn thảo các dự luật về quy chế cho giáo hoàng nghỉ hưu
Đức Phanxicô trò chuyện với Đức Bênêđíctô XVI tại tu viện hưu trí Mẹ Giáo hội ở Vatican ngày 30 – 6 – 2015. (CNS / L’Osservatore Romano)
Việc Đức Phanxicô sẽ đến thăm thành phố Aquila miền trung nước Ý và vương cung thánh đường Aquila ngày 28 tháng 8 đã dấy lên suy đoán về khả năng tuyên bố từ nhiệm của ngài, nhưng ngài dứt khoát phủ nhận.
Vương cung thánh đường Aquila là nơi an nghỉ của Thánh Celestine V, người đã ban hành sắc lệnh tuyên bố quyền tự nguyện từ nhiệm của một giáo hoàng, và năm 1294 ngài đã từ nhiệm. Đây cũng là nơi Đức Bênêđíctô XVI đã đặt dây pallium, ngài mang trong lễ nhậm chức, trên quan tài thủy tinh của giáo hoàng Celestine, một cử chỉ mà nhiều người tự hỏi đây có phải là dấu hiệu cho biết ngài sẽ từ nhiệm 4 năm sau đó không.
Từ 700 năm qua kể từ khi Thánh Celestine làm tiền lệ pháp lý này, quyền của một giáo hoàng từ nhiệm vẫn được đảm bảo trong luật Giáo hội.
Luật không kê rõ chi tiết, chỉ nói quyết định phải được đưa ra một cách tự nguyện và “được bày tỏ hợp lệ” và không cần phải chính thức chấp nhận đơn từ nhiệm của giáo hoàng để nó có hiệu lực.
Điều đó có nghĩa là không có gì trong giáo luật bao hàm quy chế pháp lý của giám mục Rôma từ nhiệm: danh hiệu, tên, nơi thường trú và các phương tiện để hỗ trợ ngài là gì? Mối quan hệ của ngài với người kế vị, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của ngài trong Giáo hội là gì? Và tang lễ, an táng của ngài sẽ được tiến hành như thế nào? Đó chỉ là một số câu hỏi mà các nhà giáo luật muốn giải đáp như một phần nhiệm vụ của họ là để tránh nhầm lẫn, thúc đẩy sự hiệp nhất và bảo vệ phẩm giá và quyền lợi của một giáo hoàng ở ẩn nghỉ hưu.
Một luật sư giáo luật và cố vấn của Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Lập pháp cho biết “tính biểu tượng rõ rệt” khi đến thăm Aquila sẽ là cơ hội lý tưởng cuối cùng giáo hoàng ban hành luật cần thiết để lấp nhiều khoản trống liên quan đến giáo hoàng từ nhiệm.
Nhà giáo luật, Geraldina Boni, nói với hãng tin CNS: “Việc một giáo hoàng từ nhiệm không còn là chuyện không thể xảy ra, cánh cửa này đã được ‘mở ra’ như chính Đức Phanxicô đã nói nhiều lần.”
Bà trả lời qua e-mail cho các câu hỏi đưa ra vào đầu tháng 8: “Tuy nhiên, tình huống này phải được quy định, cũng như những gì phải làm khi một giáo hoàng không thể điều hành giáo hội hoàn vũ, ngài bị trở ngại hoặc suy yếu hoàn toàn, vĩnh viễn, không thể phục hồi vì bệnh làm suy yếu hoặc các tình trạng khác.”
Bà Boni là giáo sư về giáo luật tại đại học Alma Mater Studiorum danh tiếng của Đại học Bologna. Năm 2021, bà và các nhà giáo luật khác đã phát động một dự án để soạn thảo các đề xuất lập pháp có thể được nghiên cứu và thảo luận trên nền tảng trực tuyến với mục đích trình bày các đề xuất cho “nhà lập pháp tối cao” là giáo hoàng để ngài xem xét.
Các quy định được đề xuất tại trang progettocanonicosederomana.com với đề xuất “hiến pháp tông truyền” để điều chỉnh một Tông tòa Rôma hoàn toàn bị ngăn trở và một quy chế pháp lý hoặc “tình trạng theo giáo luật của giám mục Rôma đã từ nhiệm.”
Đức Bênêđíctô XVI đọc lời từ nhiệm bằng tiếng la-tinh trong cuộc họp các hồng y tại Vatican ngày 11 tháng 2 năm 2013, hình tài liệu. Mặc dù việc từ nhiệm của Giáo hoàng được quy định trong giáo luật, nhưng không được quy định cụ thể. Một số luật sư giáo luật đã đưa ra một nỗ lực để thiết lập các đề xuất điều chỉnh. (CNS / L’Osservatore Romano)
Giáo hội hết lòng biết ơn người mục tử, “nhiệt thành bởi đức tin và tình yêu cho Chúa Giêsu Kitô, đã quyết định chấp nhận và thực hiện, có thể trong nhiều năm, gánh nặng khó khăn và vất vả của triều giáo hoàng la-mã”, đó là đề xuất cho các vụ từ nhiệm được đưa ra.
Do đó, đề xuất nói “thay vì những quy định ràng buộc được rút ra từ giáo luật hợp pháp, những điều khoản này chủ yếu bao gồm một số định hướng thích hợp sẽ phải được thận trọng áp dụng” và chúng nhằm “đặc biệt tôn trọng phẩm giá cá nhân” của giáo hoàng đã nghỉ hưu.
Nhiều đề xuất phản ánh các cách tiếp cận thường được Đức Bênêđíctô XVI thực hiện, ngài đã phải vạch trước con đường khi ngài từ nhiệm.
Chẳng hạn, đề xuất nói rằng “biểu hiện của sự từ nhiệm tốt nhất phải được viết thành văn bản và trình bày trong một công nghị Hồng y đoàn hoặc theo một cách khác để công chúng có thể biết đến”.
Ngoài ra, “tên của người đã từ nhiệm có thể cùng tên với tên ngài đã dùng trong thời gian tại chức”, ngài “có thể mặc áo chùng trắng mà các giáo hoàng la-mã thường mặc” và ngài có thể chọn nơi cư trú kể cả ở Thành phố Vatican. Đề xuất cho biết: “nhẫn ngư ông” của giáo hoàng và con dấu được dùng để công bố các tài liệu giáo hoàng phải hủy.
Nhưng sự khác biệt lớn nhất trong đề xuất so với những gì Đức Bênêđíctô XVI đã thực hiện liên quan đến tước vị của giáo hoàng nghỉ hưu
Thay vì “giáo hoàng danh dự” thì đề xuất nói rằng giáo hoàng nghỉ hưu “nhận danh hiệu giám mục danh dự của Rôma” và ngài “dùng nhẫn mà các giám mục đều mang”. Một vài bức hình giáo hoàng nghỉ hưu cho thấy ngài đeo nhẫn hồng y bằng vàng.
“Có hai người với tước vị ‘giáo hoàng’ dù có thêm chữ ‘danh dự’, không thể nói điều này không gậy nhầm lẫn trong dư luận quần chúng.” Hồng y Gianfranco Ghirlanda
Đề xuất viết thêm, “giám mục danh dự của Rôma không đảm nhận, cũng không lấy lại phẩm chức hồng y và các chức năng gắn liền với chức này”, tuy nhiên, trong các vấn đề phụng vụ và giáo luật, giám mục danh dự của Rôma có các đặc quyền và khả năng được quy định cho các hồng y.”
Danh hiệu “giáo hoàng danh dự” đã là điểm tranh luận đối với một số nhà giáo luật, bao gồm cả hồng y Gianfranco Ghirlanda, thần học gia và luật sư Dòng Tên, ngài sẽ là một trong bốn tân hồng y 80 tuổi trở lên được Đức Phanxicô phong hồng y vào ngày 27 tháng 8 như một vinh dự mang tính biểu tượng để cám ơn ngài đã phục vụ cho Giáo hội.
Trong một hội thảo kéo dài hai ngày về các khía cạnh lịch sử và giáo luật trong việc giáo hoàng từ nhiệm được tổ chức ở Aquila vào tháng 12 năm ngoái, hồng y Ghirlanda nói, “có hai người với tước vị ‘giáo hoàng’ dù có thêm chữ ‘danh dự’, không thể nói điều này không gậy nhầm lẫn trong dư luận quần chúng.”
Hồng y nói, ý tưởng có nhiều giáo hoàng cùng một lúc “làm trộn lẫn một cách nguy hiểm ý nghĩa chính xác sứ vụ Thánh Phêrô, đó là dấu hiệu của Giáo hội hợp nhất”.
Ngài cho biết Đức Bênêđíctô XVI có một hiểu biết “sâu sắc à thiêng liêng và thần nghiệm” về chức vụ được bầu làm giáo hoàng theo nghĩa này và ngài có thể từ nhiệm chức vụ của mình và tiếp tục “thực hiện chức năng, cũng là một phần sứ vụ của Thánh Phêrô”, như hiến mình cho lời cầu nguyện.
Mặc dù ngài nghĩ rằng giáo hoàng đã nghỉ hưu không có ý định đưa ra một loại tuyên bố “tín điều hoặc giáo luật” với tước vị của mình, hồng y cho biết luật sư giáo luật phải xem xét “hậu quả thực tế của một tuyên bố lý thuyết: Điều này là ngụ ý gì? Điều gì thực sự xảy ra?”
Ngài nói, các khẳng định lý thuyết “không thể có giá trị” nếu chúng mâu thuẫn với “mục đích có trong thể chế Giáo hội, đặc biệt là các thể chế của quyền thiêng liêng”. Những khẳng định như vậy “phải được sửa chữa hoặc ít nhất phải được giải thích theo cách mà chúng không tạo hiểu lầm và hiểu sai với những hậu quả nghiêm trọng cho đời sống của Giáo hội.”
Ngài nói: “Danh hiệu cựu giáo hoàng la-mã hay cựu giáo hoàng tối cao để chỉ người từ nhiệm không còn là giáo hoàng nữa.”
Nhà giáo luật Geraldina Boni nói với hãng tin CNS: “Chúng ta sẽ xem liệu công việc của các giáo sư đại học của chúng tôi có được xem xét – dù bị chỉ trích hoặc loại bỏ – bởi những người soạn thảo luật pháp giáo hoàng. Chắc chắn cuộc tranh luận rộng rãi đã triển khai vấn đề này, giúp phá bỏ một điều cấm kỵ không có lý do tồn tại.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch